Phát hiện loài cá bí ẩn ‘vừa giống bướm, vừa giống gấu trúc’
Loài cá bí ẩn tại Nhật đánh đố giới khoa học suốt 6 năm qua vừa được xác định là loài cá mới thuộc họ cá bướm.
Loài cá bướm gấu trúc vừa được xác định bởi các nhà khoa học Nhật Bản ẢNH CHỤP MÀN HÌNH ASAHI SHIMBUN
Tờ Asahi Shimbun ngày 6.4 đưa tin các nhà khoa học vừa xác định được loài cá bí ẩn trong bức ảnh chụp ở vùng biển gần bán đảo Izu (Nhật Bản) từng đánh đố họ suốt 6 năm qua.
Nhóm chuyên gia tại Đại học Kagoshima xác nhận đây là loài hoàn toàn mới và đặt tên là “panda genrokuda” (cá gấu trúc bướm) vì hình dáng của nó giống bướm và màu sắc giống gấu trúc.
Phát hiện mới được công bố trên chuyên san Ichthyological Research và các nhà khoa học cho biết loài cá này sống ở vịnh Kagoshima và gần bán đảo Izu ở tỉnh Shizuoka.
Với chiều dài chưa đến 10 cm, cá gấu trúc bướm có nhiều nét tương đồng với loài cá bướm sọc chéo ( Chaetodon striatus) với các sọc vàng và trắng trên thân thuộc họ cá bướm.
Theo nhóm nghiên cứu, loài cá mới được phát hiện có màu sắc ít sặc sỡ hơn dường như là do chúng sống ở vùng nước sâu hơn.
“Cơ thể màu vàng của cá bướm sọc chéo giúp chúng dễ nhận biết nhau hơn vì chúng sống ở vùng nước nông có nhiều ánh sáng”, theo giáo sư Hiroyuki Motomura tại Đại học Kagoshima, thành viên nhóm nghiên cứu.
Video đang HOT
Nghiên cứu được tiến hành sau khi một thành viên phát hiện bức ảnh của loài cá bí ẩn chụp gần bán đảo Izu, với những nét khá tương đồng với hình ảnh cá bướm tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên tỉnh Kanagawa.
Các chuyên gia cho rằng loài cá này cũng sống ở Hoàng Hải và vùng biển gần Philippines. Dù phần lớn các loài thuộc họ cá bướm sống ở rặng san hô và vùng nước nông, loài cá mới dường như là cư dân của vùng đáy biển đầy đá ở độ sâu 40-160 m.
Nhóm nghiên cứu đặt tên khoa học cho cá bướm gấu trúc là Roa haraguchiae, trong đó có một phần lấy từ tên của thành viên Yuriko Haraguchi tại Viện bảo tàng Đại học Kagoshima – người tham gia tích cực vào nghiên cứu.
Trong 15 năm qua, bà Haraguchi giúp bảo tàng sưu tầm và phân loại một trong những bộ sưu tập mẫu vật lớn nhất châu Á, gồm 200.000 mẫu vật, 200.000 hình ảnh và 50.000 mẫu ADN của các loài cá.
Người La Mã đã phát minh ra phương pháp tái chế từ 2.000 năm trước
Các cuộc khai quật đã cho thấy rác để ở bên ngoài tường thành không phải để chôn lấp mà đã được thu gom, phân loại và bán.
Phục dựng quảng trường buôn bán, phỏng theo cuốn sách "Những ngôi nhà và di tích của Pompeii" của Fausto và Felice Niccolini, 1854-96.
Người La Mã là những kỹ sư tài ba, họ phát minh ra cách làm hệ thống sưởi dưới sàn, cống và sử dụng bê tông làm vật liệu xây dựng. Giờ đây chúng ta còn biết họ cũng là bậc thầy trong việc tái chế rác.
Pompeii là thành phố bị chôn vùi dưới lớp tro bụi của núi lửa Vesuvius khi núi lửa này phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây những đống rác khổng lồ bên ngoài tường thành chính là nơi phân loại để tái sử dụng rác.
Giáo sư Allison Emmerson, một nhà nghiên cứu người Mỹ đã tham gia vào nhóm công tác khảo sát Pompeii, cho biết rác được chất đống dọc theo hầu hết các bức tường thành phía Bắc thành phố và ở nhiều nơi khác nữa. Một số đống rác cao đến vài mét và gồm rác nhựa và mảnh gốm. Những thứ này có thể tái sử dụng để làm vật liệu xây dựng.
Trước đây người ta cho rằng những đống ụ này hình thành khi thành phố bị động đất vào khoảng 17 năm trước thảm họa núi lửa. Vào giữa thế kỷ XX, người dân ở đây đã dọn dẹp gần hết các đống ụ này nhưng vẫn còn một số đống mới tiếp tục được tìm thấy.
Phân tích khoa học hiện nay đã phát hiện ra một phần rác từ thành phố đã được chuyển ra ngoại thành giống như các bãi chôn lấp rác hiện đại ngày nay, sau đó những thứ có thể dùng làm vật liệu đã được chuyển trở lại thành phố để làm vật liệu xây dựng, ví dụ như làm nền nhà.
Cùng với các đồng nghiệp, giáo sư Emmerson đã tìm hiểu được cách người Pompeii xây dựng thành phố cổ xưa này. Bà cho biết một phần của thành phố được xây từ rác, "những đống ụ bên ngoài các bức tường không phải được tập hợp ở đó để vứt bỏ mà được thu gom và phân loại rồi việc mua bán những phế liệu này diễn ra bên trong các bức tường thành".
Vùng ngoại thành Porta Ercolano bên ngoài tường thành phía Bắc của Pompeii. Khi khai khuật khu vực này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những mảnh rác cổ chất ở trong và xung quanh các lăng mộ, nhà ở và cửa hàng.
Pompeii vốn là một thành phố của những biệt thự xinh đẹp và những tòa nhà công vụ, những quảng trường, cửa hàng nghệ thuật, quán rượu, nhà tắm công cộng và nhà thổ. Ngoài ra, thành phố còn có một đấu trường có sức chứa lên đến 20.000 khán giả.
Khi tro bụi núi lửa Vesuvius tràn xuống, thành phố chìm trong bóng tối và ít nhất 2.000 người đã chết. Năm 1748, một nhóm thám hiểm đã phát hiện ra thành phố này được bảo quản gần như nguyên vẹn dưới một lớp dày của tro và đá bọt núi lửa. Thậm chí về sau các nhà khảo cổ học còn tìm được cả một ổ bánh mì cũng được bảo quản nguyên vẹn.
Ngày nay Pompeii là một di sản thế giới được UNESCO công nhận. Mỗi năm nơi đây thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách đến thăm quan.
Giáo sư Emmerson và các đồng nghiệp đã dùng các mẫu đất để lần ra đường vận chuyển rác trong thành phố. Đất mà nhóm đào được có đặc điểm khác nhau tùy theo rác được thải ra ở chỗ nào. Rác vứt ở những nơi như nhà vệ sinh thì để lại một khu vực đất hữu cơ màu mỡ. Ngược lại, rác tích tụ trên phố hoặc các đống thu gom bên ngoài thành phố theo thời gian dần dần để lại đất nhiều cát hơn.
Sự khác biệt trong đất cho thấy rác thải ra ngay tại nơi nó được tìm thấy hay được thu gom từ nơi khác đến để tái sử dụng và tái chế. Ví dụ một số bức tường được xây bằng vật liệu tái sử dụng như các mảnh ngói và mảnh vò nước, thậm chí cả những cục vữa và thạch cao cũ. Hầu hết các bức tường này được trát bên ngoài bằng vữa nên không ai nhìn thấy bên trong gồm nhiều phế liệu khác nhau.
Các nhà nghiên cứu cho rằng động đất đã khiến cho những đồ vật này bị hỏng, vỡ, ngoài ra có cả gạch vụn và người La Mã đã tận dụng những phế liệu này. Thành phố Pompeii còn được phát triển mở rộng ra ngoài tường thành, vì thế không thể nói rằng những vùng ngoại thành này chỉ được dùng làm bãi chứa rác.
Các phương pháp hiện đại quản lý rác thải ngày nay tập trung vào việc đưa rác ra khỏi cuộc sống hàng ngày chứ không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với số rác đó, miễn sao nó được đem đi khỏi. Nhưng chính ở Pompeii, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một cách làm hoàn toàn khác. Đó là rác được thu gom và phân loại để tái sử dụng.
Một bức họa mô tả công việc chia bánh mỳ trước hiên nhà ở Pompeii.
Giáo sư Emmerson nói rằng "người Pompeii sống gần với rác thải của họ hơn so với giới hạn mà ngày nay chúng ta chấp nhận được, không phải vì thành phố của họ thiếu cơ sở hạ tầng và họ không quan tâm đến việc quản lý rác, mà vì hệ thống quản lý đô thị của họ đã được tổ chức theo những nguyên tắc khác cách làm của chúng ta. Điều này có liên quan đến khủng hoảng rác trong thời hiện đại ngày nay. Các nước quản lý rác hiệu quả nhất đã áp dụng một dạng mô hình cổ đại, ưu tiên phân loại rác để tái sử dụng hơn là chỉ đơn thuần đổ rác đi."
Phạm Hường
1001 thắc mắc: Loài cá nào có xương dài nhất thế giới? Theo các nhà khoa học, loài cá này là loài sinh vật sống có xương dài nhất thế giới với chiều dài có thể đạt được là 17m và có thể nặng tới 270kg. Loài cá có xương dài nhất thế giới Cá mái chèo khổng lồ (Regalecus glesne) được mô tả lần đầu tiên vào năm 1772, tuy nhiên rất hiếm bắt...