Phát hiện kiến trúc cung đình thời Trần ở Nghệ An
Tại Núi Đụn ở Nam Đàn (Nghệ An), các chuyên gia đã phát hiện mặt bằng một tòa kiến trúc có niên đại từ thời Trần với nhiều di vật lịch sử.
Toàn cảnh nền móng di tích được phát hiện tại Động Lỗ Ngồi. Ảnh: Mạnh Hà.
Sáng 12/2, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiếm, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An cho biết, Trung tâm nghiên cứu kinh thành thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng Bảo tàng Nghệ An vừa hoàn thành báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích Động Lỗ Ngồi ở Núi Đụn.
Trước đó vào đầu năm 2014, trong quá trình nghiên cứu Thành Vạn An thời vua Mai Hắc Đế, qua khảo sát vùng đất tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, các nhà khoa học đã phát hiện ra mặt bằng của một tòa kiến trúc trên đỉnh Núi Đụn (Hùng Sơn) hay còn gọi là Động Lỗ Ngồi.
Ngay sau đó Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã khai quật mặt bằng này, phát hiện trên tổng diện tích 300 m2 có hai tòa kiến trúc với chân móng dấu ấn thời Trần. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy hàng trăm di vật, hiện vật mang dấu tích thời Trần, như: đôi chim uyên ương, tháp, đầu rồng bằng đất nung, gạch ngói… Trong đó, hiện vật có giá trị kiến trúc đẹp có đến khoảng 30 cái.
Tại điểm khai quật thứ nhất có mặt bằng hình chữ nhật khoảng 240 m2, dấu vết còn lại gồm: bó nền, móng trụ bằng đá được kè kiên cố, ở giữa bó nền có một bậc thềm dẫn xuống sân, các chân tảng bằng đá chế tác đơn giản được đặt trên các móng trụ. Nền được xử lý kiên cố và đầm chặt bằng chất liệu.
Video đang HOT
Tại điểm khai quật thứ hai nằm ở phía tây của khu đất thứ nhất, các nhà khoa học đã phát hiện một mặt bằng kiến trúc hình vuông còn nguyên bó nền và gia cố trụ móng được xây dựng khá kiên cố với cấu trúc gồm 2 phần, phần đế và phần thân xếp bằng gạch. Tại đây cũng phát hiện nhiều di vật để sử dụng trong việc trang trí kiến trúc làm từ đất nung…
Hiện vật tháp làm bằng đất nung. Ảnh: Mạnh Hà.
Ông Kiếm cho rằng, đây có thể là công trình kiến trúc cung đình của thời Trần. “Tuy nhiên chưa thể kết luận được đây là ngôi đền hay ngôi chùa, hay phương đình… và giữa công trình này với lăng mộ vua Mai Hắc Đế có liên quan đến nhau hay không. Vì đây cũng có thể là một cung điện của một vị quan nhà Trần”, Giám đốc Bảo tàng Nghệ An lý giải.
Việc phát hiện di tích tại Động Lỗ Ngồi theo ông Nguyễn Đức Kiếm là có ý nghĩa rất quan trọng để chứng minh rằng, thời nhà Trần đã chú trọng vùng đất phên giậu của Đại Việt (Xứ Nghệ thời nhà Trần được gọi là vùng đất biên viễn).
Hải Bình
Theo VNE
Di sản kiến trúc Pháp giữa Thủ đô
Đặt dấu ấn lên nhiều công trình ở Thủ đô Hà Nội với nhiều phong cách độc đáo, kiến trúc Pháp góp phần tạo nên nét cổ kính, duyên dáng của thành phố với những giá trị lịch sử không thể nào lãng quên.
Nhà thờ Lớn Hà Nội
Thời kỳ đầu của kiến trúc Pháp
Theo KTS Nguyễn Quốc Thông - tác giả cuốn sách "Thăng Long - Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hóa" thì dấu ấn kiến trúc Pháp đặt lên Thủ đô Hà Nội có thể được tính từ năm 1873, khi Pháp được triều đình nhượng cho khu Nhượng địa với diện tích 2,5ha ven sông Hồng. Tuy nhiên trong một thời gian rất ngắn, diện tích này "nảy nở" tới hơn 18ha, kéo dài từ đầu Nhà hát Lớn cho tới cuối Bệnh viện Hữu nghị ngày nay. Những công trình đầu tiên được người Pháp xây dựng ở dải đất này chủ yếu là phục vụ quân đội và bộ máy hành chính của quân đội, nhà truyền giáo và một số nhà ở cho các sỹ quan. Đây là những công trình tiêu biểu cho kiến trúc thô sơ kiểu thực dân với hành lang chạy xung quanh nhà hai tầng. Cùng trong thời gian này cũng xuất hiện các công trình Thiên chúa giáo, mà điển hình là Nhà thờ Lớn Hà Nội - được xây dựng ở vị trí chùa Báo Thiên trước kia.
10 năm sau tức năm 1883, Pháp đánh thành lần thứ 2 và chiếm được Hà Nội. Người Pháp xây những trại lính, nhà hành chính. Tuy nhiên kiến trúc của các công trình này chưa có gì thay đổi so với trước đó, có thể kể tên ra đó là Bảo tàng Quân đội hay Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam hiện nay. Dấu mốc kể ra từ khi người Pháp cho xây dựng những con đường đầu tiên vào khoảng năm 1886, nối khu Nhượng địa với khu thành mà họ chiếm được, gồm phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Khay. Công trình hành chính đầu tiên được xây dựng là Tòa Đốc lý - chính là UBND thành phố hiện tại, là trái tim của khu trung tâm hành chính được người Pháp thiết lập nên như Ngân hàng, Kho bạc, Tòa Thống sứ... Phía Tràng Tiền là các công trình buôn bán tư nhân của người Ấn, người Hoa, nhà in... tạo nên một tuyến phố thương mại. Bên kia hồ, người Pháp làm khu truyền giáo với nhà thờ, trường dòng, phố cho những cha cố ở...
Nhà hát Lớn Hà Nội - được ví như "món nữ trang" của thành phố
Những "viên ngọc" giữa Thủ đô
Nếu như người Pháp đã xây dựng những cơ sở đầu tiên về hành chính, chính trị, tôn giáo xung quanh hồ Hoàn Kiếm thì khu vực Ba Đình được chọn để thiết lập trung tâm hành chính - chính trị Đông Dương. Tiêu biểu nhất cho cụm công trình này là Phủ Chủ tịch, tức Phủ toàn quyền Đông Dương trước kia được xây dựng năm 1907. Đây là một công trình bề thế, mang phong cách tân cổ điển - phong cách kiến trúc thịnh hành điển hình cho văn hóa châu Âu, sử dụng những hình thức trang trí phong phú như Phục hưng, La Mã, Baroque... Phong cách này ảnh hưởng lớn đến các công trình văn hóa, trong đó có Nhà hát Lớn và khách sạn Metropole.
Trong cuốn sách "Hà Nội một chốn rong chơi", chuyên gia kinh tế Martin Rama đã ví von, Nhà hát Lớn giống như "món trang sức" của thành phố. Được hoàn thành vào năm 1911, nơi đây giữ được nét giản dị trong kiến trúc cổ điển Pháp thế kỷ 18 với kết cấu mái hai mảng lợp ngói đá đen, kết hợp với các họa tiết trang trí bên trong tạo nên dáng vẻ thanh thoát, tinh tế. Nằm không xa Nhà hát Lớn là khách sạn Metropole với kiến trúc có sự pha trộn giữa cổ điển và Art Décor với tường trắng, khung cửa xanh và những họa tiết tinh xảo, trang nhã, không quá phô trương, giữ được nhịp khu phố và hòa hợp với các kiến trúc xung quanh.
Ra đời muộn hơn nhưng lại được coi là thành tựu của kiến trúc Pháp, khi vừa đảm bảo yếu tố về cảnh quan, lại phù hợp điều kiện sống, văn hóa bản địa đó là phong cách kiến trúc Đông Dương. Đây là sự kết hợp giữa phong cách Pháp - với mặt bằng rất "phương Tây", đăng đối, bề thế, nhưng mặt đứng vay mượn các thành phần Á Đông như bộ mái, hành lang, hiên, mái rộng... chống mưa, chống nóng, đặc biệt thích ứng với điều kiện khí hậu Việt Nam. Những công trình thừa hưởng tinh hoa của phong cách này là Nhà thờ Cửa Bắc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Viện Pasteur..., hiện vẫn còn lưu giữ được nét kiến trúc cực kỳ tinh tế.
Mặc dù, hiện nay đã có công trình hoàn toàn biến mất và cả những công trình không còn vẹn nguyên như trước, nhưng kiến trúc Pháp vẫn luôn được coi là di sản quý giá và niềm tự hào của người dân Hà Nội.
Theo ANTD
Viết về đô thị, đánh thức tư duy kiến trúc Hưởng ứng Ngày Kiến trúc Thế giới 2014, Hội Kiến trúc sư Việt Nam kết hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia phát động cuộc thi viết với chủ đề "Đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc". Xây dựng đô thị Việt Nam ngày một lành mạnh, hạnh phúc (Ảnh minh họa) Cuộc thi được tổ chức nhằm đánh thức tư duy,...