Phát hiện hóa thạch nhện cỡ lớn ở Australia
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học Australia mới đây đã phát hiện hóa thạch của một loài nhện lớn, có niên đại từ 11 triệu đến 16 triệu năm.
Đây là hóa thạch nhện lớn nhất từng được ghi nhận ở Australia và là hóa thạch đầu tiên thuộc họ nhện Barychelidae được tìm thấy trên thế giới.
Loài nhện hóa thạch mới được đặt tên là Megamonodontium Mccluskyi nhằm vinh danh những đóng góp của Tiến sĩ cổ sinh vật học Matthew McCurry tại Đại học New South Wales (UNSW), người đã phát hiện ra mẫu vật. Hóa thạch được tìm thấy tại khu vực khai quật McGraths Flat ở trung tâm bang New South Wales (Australia) – địa điểm nổi tiếng với nhiều hóa thạch độc đáo của nhiều loài động vật và thực vật khác nhau có từ kỷ Miocen (từ 23 triệu đến 5 triệu năm trước). Phát hiện được công bố trên Tạp chí Động vật học của Hiệp hội Linnean do Nhà xuất bản Đại học Oxford (Anh) phát hành gần đây.
Video đang HOT
Các nhà khoa học cho biết hóa thạch nhện mới có hình dáng tương tự như các loài thuộc chi Monodontium (“ nhện cửa sập”) hiện nay, nhưng có kích thước lớn gấp 5 lần so với các loài thuộc chi này.
Tiến sĩ McCurry cho rằng phát hiện mới này rất có ý nghĩa về mặt khoa học vì từ trước đến nay mới chỉ có 4 hóa thạch nhện được tìm thấy trên khắp lục địa Australia, khiến các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của loài này. Hóa thạch trên tiết lộ thông tin mới về quá trình tuyệt chủng của các loài nhện và bù lấp khoảng trống kiến thức về quá trình lịch sử của châu Đại dương.
Theo Tiến sĩ McCurry, họ hàng gần nhất của hóa thạch này hiện sống trong các khu rừng rậm ẩm ướt trải dài từ Singapore cho đến Papua New Guinea. Điều này cho thấy các loài này từng sinh trưởng trong một môi trường tương tự ở lục địa Australia nhưng sau đó đã tuyệt chủng khi quốc gia châu Đại dương này trở nên khô cằn hơn.
Tiến sĩ Robert Raven, nhà nghiên cứu về nhện thuộc Bảo tàng Queensland, tác giả giám sát nghiên cứu, cho biết đây không chỉ là hóa thạch nhện lớn nhất từng được tìm thấy ở Australia mà còn là hóa thạch đầu tiên thuộc họ Barychelidae được tìm thấy trên thế giới.
Phó Giáo sư Michael Frese tại Đại học Canberra, người đã sử dụng kỹ thuật chụp chồng vi ảnh để quét các mẫu vật, cho biết hóa thạch nhện tìm được ở McGraths Flat cho thấy “các chi tiết được bảo quản ở mức độ đáng kinh ngạc”. Ông mô tả: “Bằng việc quét bằng kính hiển vi điện tử, nhóm nghiên cứu có thể tìm hiểu các chi tiết nhỏ trên móng vuốt và những sợi lông cứng trên bàn chân, cẳng chân và phần thân chính của nhện. Những sợi lông cứng của nhện có cấu trúc giống như lông nhưng có thể có nhiều chức năng khác. Các sợi lông này có thể giúp nhện cảm nhận được hóa chất và rung động, bảo vệ nhện chống lại những kẻ tấn công và thậm chí phát ra âm thanh”.
Hóa thạch mới được lưu giữ trong bộ sưu tập cổ sinh vật học tại Bảo tàng Australia (AM) ở thành phố Sydney và được cung cấp dưới dạng dữ liệu trực tuyến để phục vụ nghiên cứu.
Các dòng hải lưu biển sâu Nam Cực chảy chậm lại
Các dòng hải lưu sâu quanh khu vực Nam Cực đang chảy chậm lại sớm hơn dự kiến nhiều thập niên do hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Đây là kết luận trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, được công bố ngày 26/5.
Trong nghiên cứu này, một nhóm các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Nam Cực của Australia (ACEAS) đã phát hiện các dòng hải lưu của đại dương phía Nam đang chảy chậm hơn 30% kể từ thập niên 1990. Các phát hiện này được công bố chỉ 2 tháng sau một nghiên cứu dự báo dòng hải lưu ở đây sẽ chảy chậm lại 40% vào năm 2050.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu mới cho thấy sự chảy chậm lại đang diễn ra, đồng thời cảnh báo về các tác động thảm khốc có thể xảy ra, gồm mực nước biển dâng, thay đổi các hình thái thời tiết và các hệ sinh thái mất đi những dưỡng chất quan trọng.
Dòng hải lưu sâu quanh khu vực Nam Cực bắt nguồn từ vùng biển lạnh ngoài khơi thềm lục địa Nam Cực và đóng một vai trò then chốt ảnh hưởng đến khí hậu bằng cách tác động đến mạng lưới các dòng chảy đại dương có chức năng bơm nhiệt, carbon, oxygen và các dưỡng chất xuống biển sâu trên toàn thế giới hiện nay.
Nhà khoa học Steve Rintoul từ CSIRO Environment cho biết: "Chúng ta quen với nhận định rằng lớp băng Nam Cực tan làm mực nước biển dâng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy những sông băng tan ở Nam Cực mở rộng đến lòng biển sâu, ảnh hưởng đến khí hậu và môi trường hóa học đại dương cũng như mực nước biển". Sự thay đổi này là kết quả của một loạt yếu tố gồm băng ở Nam Cực tan, nước ngoài khơi trở nên ngọt hơn và nhẹ hơn, trong khi lượng nước giàu oxygen vốn có thể chìm xuống biển sâu giảm, làm dòng hải lưu chảy chậm lại.
Kathy Gunn, tác giả chính của nghiên cứu từ ACEAS và CSIRO, cho biết quá trình ngọt hóa nước biển dự báo sẽ tăng nhanh do lớp băng Nam Cực chịu tác động của khí hậu ngày càng ấm lên. Bà nhấn mạnh: "Do đó, chúng tôi dự báo dòng hải lưu đại dương sâu và mức oxygen của nó tiếp tục giảm. Sự suy giảm này đang thay đổi đáng kể môi trường hóa học và cấu trúc của đại dương sâu".
Phát hiện ra loại protein mới có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học Australia mới đây đã phát hiện ra một loại protein trong phổi người có thể bám vào virus SARS-CoV-2 và ngăn virus phát tán. Phát hiện này cũng giúp lý giải tại sao một số người không bao giờ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nhiều người khác lại có triệu chứng nặng....