Phát hiện hóa thạch khủng long 70 triệu năm cùng trứng còn nguyên phôi
Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch khủng long Oviraptorid trưởng thành có niên đại 70 triệu năm cùng nhiều quả trứng hóa thạch còn nguyên phôi.
Các nhà khoa học rất phấn khích với phát hiện lần đầu tiên về loài khủng long Oviraptorid ở trong tổ với một số quả trứng hóa thạch còn nguyên phôi, theo CNN .
Bảo tàng lịch sử tự nhiên Carnegie cho biết hóa thạch này được phát hiện từ khu vực núi đá của thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc.
Oviraptorid là một loại khủng long có lông vũ giống chim, sống trong Kỷ Phấn trắng.
Shundong Bi, nhà nghiên cứu và là giáo sư Đại học Pennsylvania cho biết: “Tìm được hóa thạch khủng long đang ở trong chính tổ của chúng là việc rất hiếm, tìm được những cái phôi hóa thạch thì lại càng hiếm thấy hơn. Đây là lần đầu tiên hóa thạch của một loài khủng long và tổ của chúng được tìm ra”.
Hóa thạch 70 triệu năm tuổi của khủng long Oviraptorid và một số quả trứng được tìm thấy tại Trung Quốc. Ảnh: CNN.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hóa thạch này là của một con khủng long Oviraptorid trưởng thành cùng với ít nhất 24 quả trứng hóa thạch và 7 trong số chúng thậm chí có thể thấy được phôi bên trong với đầy đủ xương như đầu, các chi và đuôi.
“Qua đánh giá sự phát triển của các phôi trứng cũng như vị trí của con Oviraptorid trưởng thành có thể thấy con khủng long này chết trong lúc ấp trứng. Điều này hoàn toàn khác so với loài chim hiện đại ngày nay”, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie.
Khám phá đã cung cấp thêm nhiều thông tin quý giá về loài khủng này, trong đó có việc chăm sóc con cái của những con Oviraptorid.
Hình ảnh phác họa loài khủng long Oviraptorid. Ảnh: Global Times .
Tiến sĩ Matt Lamanna, trưởng nhóm nghiên cứu về khủng long thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie chia sẻ: “Một số quả trứng hóa thạch của loài khủng long này từng được tìm thấy trước đây nhưng không có bất cứ phôi nào ở bên trong đó. Trên cơ sở những phôi hóa thạch được tìm thấy gần đây cho thấy những con khủng long non gần như chuẩn bị nở và con Oviraptorid đã chăm sóc tổ của nó trong một khoảng thời gian rất dài.
Bên cạnh đó, hóa thạch của con khủng long này cung cấp nhiều thông tin về chế độ ăn của Oviraptorid. Các nhà khoa học phát hiện những viên sỏi trong dạ dày của con khủng long Oviraptorid này để giúp chúng tiêu hóa thức ăn. Và đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học thu được dạ dày của một con Oviraptorid trưởng thành.
Xing Xu, giáo sư thuộc Viện khoa học Trung Quốc cho biết: “Thật tuyệt vời khi chỉ một hóa thạch duy nhất lại có thể cho chúng tôi biết nhiều về loài khủng long này đến vậy. Chúng tôi sẽ phải nghiên cứu nó trong nhiều năm tới”.
Tìm thấy hóa thạch khủng long khổng lồ cổ xưa nhất tại Argentina?
Các nhà khoa học tại Argentina đã tìm thấy bộ xương của loài khủng long khổng lồ có thể là loài titanosaur cổ xưa nhất từng được tìm thấy.
Các nhà cổ sinh vật học bên cạnh một bộ xương khủng long hóa thạch tại Neuquen, Argentina
Theo kết quả phân tích được Đại học Quốc gia La Matanza (Argentina) công bố ngày 28.2, bộ xương khủng long hóa thạch dài 20 m được tìm thấy tại tỉnh Neuquen, tây nam Argentina năm 2014 có thể là của một loài titanosaur cổ xưa.
Titanosaur là thành viên của nhóm khủng long sauropod ăn cỏ có kích thước lớn với phần cổ và đuôi dài, có thể là loài động vật trên bờ lớn nhất từng sống trên trái đất.
Nhà nghiên cứu Pablo Gallina, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên chuyên san khoa học Ameghiniana phân tích bộ xương hóa thạch là của một loài titanosaur mới, cổ xưa nhất từng được tìm thấy trên thế giới từ trước tới nay.
Các nhà khoa học cho rằng loài này sống vào thời kỳ xa xưa hơnchuyện so với hiểu biết lâu nay, có thể là giai đoạn bắt đầu kỷ Phấn trắng. Kỷ địa chất này bắt đầu khoảng 145 triệu năm về trước và kết thúc với sự tuyệt chủng của khủng long vào 66 triệu năm về trước.
Ông Gallina cho rằng những hóa thạch khủng long từ 140 triệu năm về trước là "cực kỳ hiếm gặp". Loài này có tên là Ninjatitan zapatai, ghép theo tên của nhà cổ sinh vật học người Argentina Sebastian Apesteguia (biệt danh El Ninja) và kỹ sư Rogelio Zapata.
Theo CNN, xương hóa thạch của khủng long titanosaur được tìm thấy ở nhiều châu lục trên thế giới nhưng nhóm có kích thước lớn nhất của loài này thường được phát hiện ở vùng Patagonia, Nam Mỹ. Hồi tháng 1, các nhà cổ sinh vật học cũng công bố việc tìm thấy xương hóa thạch của một con titanosaur sống khoảng 98 triệu năm trước tại tỉnh Neuquen.
Phát hiện hóa thạch khủng long khổng lồ 98 triệu năm tuổi Một phần bộ xương hóa thạch của một con khủng long titanosaur 98 triệu năm tuổi đã được phát hiện ở Neuquén, Argentina. Chúng có kích cỡ được nói là lớn chưa từng thấy. Các chuyên gia đã phát hiện ra tàn tích của một con khủng long khổng lồ ở Argentina và tin rằng nó có thể là một trong những sinh...