Phát hiện hàng chục khối pơ mu bị giấu gần trạm biên phòng
Bãi tập kết 70 khối gỗ tròn, bị đốn hạ từ 60 cây pơ mu hơn 100 tuổi, nằm cách Trạm biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang, Quảng Nam) khoảng 500 mét.
Ngày 15/7, Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam khởi tố, điều tra vụ phá rừng pơ mu hàng trăm năm tuổi tại khu vực biên giới huyện Nam Giang. Tang vật thu giữ gồm 70 khối gỗ tròn, bị đốn hạ từ 60 cây pơ mu hơn 100 tuổi.
Theo trung tá Hà Thế Xuyên, Phó công an huyện Nam Giang, những cây pơ mu bị đốn hạ có đường kính gần một mét. “Lâm tặc đốn xong chỉ lấy một phần ít dưới gốc, nếu lấy hết thân cây thì số lượng phải lên tới hàng trăm khối. Bãi tập kết gỗ chỉ nằm cách Trạm biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500 mét”, trung tá Xuyên nói và cho hay, ông cùng lực lượng công an vừa trở ra từ hiện trường vụ phá rừng. Tại đây nhiều cây pơ mu, cành ngọn cũng như gỗ đã được xẻ thành phẩm vẫn còn sót lại, nằm ngổn ngang.
Gỗ pơ mu đã bị xẻ được đưa về đồn công an xử lý. Ảnh: T.C
Về nghi vấn lực lượng biên phỏng tiếp tay lâm tặc, đại tá Dương Hoài Nam, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, cho hay ông tin tưởng cấp dưới của mình. “Khu vực phá rừng chỉ cách biên giới khoảng 100 m, do địa bàn rộng, hiểm trở nên anh em không bám sát hết được. Tôi khẳng định biên phòng không biết vụ phá rừng này cho đến khi người dân trình báo chính quyền và công an”, ông Nam nói.
Chưa lên hiện trường nhưng người đứng đầu lực lượng Biên phòng Quảng Nam khẳng định, bãi tập kết gỗ nằm cách trạm biên phòng hơn 3 km. “Tôi nhận định lâm tặc đốn hạ cũng như vận chuyển gỗ bằng thủ công, không dùng máy móc rầm rộ nên anh em biên phòng không biết được. Bãi tập kết cũng giấu ở hai bên đường, gần khe suối nên khó phát hiện. Nếu đưa ra được bằng chứng biên phòng bảo kê, bất kể cán bộ to đến đâu, tôi tước quân tịch ngay”, ông Nam nói.
Qua kiểm đếm ban đầu, công an xác định có 60 cây pơ mu đường kính gần một mét bị đốn hạ. Ảnh: CACC.
Video đang HOT
Mặc dù khẳng định cấp dưới không có tiêu cực nhưng đại tá Nam cho biết, đơn vị cũng đã kiểm điểm một số cán bộ vì buông lỏng quản lý. “Đây là khu vực vành đai biên giới, rất nhạy cảm. Mặc dù không có chuyện tiếp tay hoặc làm ngơ để lâm tặc phá rừng nhưng địa bàn do trạm biên phòng quản lý thì trước tiên trạm phải chịu trách nhiệm”, ông Nam cho hay.
Một nguồn tin từ Công an huyện Nam Giang cho biết trong quá trình điều tra vụ phá rừng, khoảng 17h ngày 15/7, cơ quan điều tra lại phát hiện 2,5 khối gỗ pơ mu đã được cưa xẻ được giấu trong bụi rậm, ngay sau lưng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc. “Sau khi phát hiện, anh em công an đến thì lực lượng biên phòng không ra. Số gỗ này được giấu cách bờ rào trạm biên phòng chỉ hơn 10 mét, không có lai lịch gì cả”, nguồn tin này nói.
2,5 m3 gỗ pơ mu bị giấu trong bụi rậm đã được công an và kiểm lâm vận chuyển ra ngoài. Ảnh: H.T
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tỉnh Quảng Nam, cho biết sẽ lên hiện trường vụ phá rừng để kiểm tra tình hình. “Nếu có dấu hiệu tiếp tay cho lâm tặc, quan điểm của tình là xử lý nghiêm, không bao che. Với số lượng lớn như vậy thì thật sự rất nghiêm trọng, nên xem xét trách nhiệm của bộ đội biên phòng”, ông Thanh nói.
Theo Phó chủ tịch phụ trách mảng lâm nghiệp, tỉnh Quảng Nam vốn là một trong những địa phương vẫn giữ được nhiều cánh rừng quý hiếm nhất cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn với tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Tháng 10/2015, sau vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) bị phát giác, ông Thanh đã vào hiện trường kiểm tra, đặt nghi vấn có sự tiếp tay của cán bộ bảo vệ rừng. Vụ phá rừng này bị phát hiện sau khi người dân trình báo số lượng lớn gỗ được lâm tặc tập kết ngay sát trạm bảo vệ rừng.
Vụ việc sau đó bị khởi tố, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. “Tôi đã có văn bản chỉ đạo nhưng công an tỉnh vẫn chưa tìm ra bị can nào để khởi tố. Riêng cán bộ Ban quan lý Rừng phòng hộ Sông Tranh, 2 vị bị kỷ luật, trong đó một người bị đình chỉ công tác để chờ kết luận điều tra. Còn giám đốc ban quản lý bị yêu cầu tự nhận hình thức kỷ luật, ông này đã xin nghỉ việc nhưng cấp trên không cho, giữ lại để &’lập công chuộc tội’”, ông Thanh nói và cho biết vài ngày tới, tỉnh sẽ triệu tập lãnh đạo 9 huyện miền núi và ban ngành liên quan để truy trách nhiệm từng vụ phá rừng cụ thể.
Tiến Hùng
Theo VNE
'Vàng tặc' hoành hành ở Quảng Nam
Chi hàng trăm triệu đồng, điều hàng chục cán bộ truy quét trong thời gian dài nhưng khi lực lượng chức năng rút, các phu vàng trở lại hoạt động rầm rộ, khiến nhà chức trách bó tay.
Ngày 14/7, Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam) tạm giữ hình sự Ốc Văn Thiêm (26 tuổi, trú Tương Dương, Nghệ An) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích. Thiêm bị bắt giữ khi lẩn trốn tại một nhà dân ở xã Đăk Prinh (Nam Giang), sau khi đã dùng dao chém liên tiếp vào đồng nghiệp làm phu vàng.
Bãi vàng Thành Mỹ 1 tồn tại hàng chục năm qua ở lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Ảnh: Minh Trang.
Theo điều tra, tối 4/7 Thiêm cùng anh Lương Quý Ninh (49 tuổi, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) và một số người khác tổ chức nhậu tại bãi vàng Thành Mỹ 1 (xã Đăk Prinh). Trong cuộc nhậu, Thiêm và anh Ninh cãi vã chuyện tranh giành địa phận làm vàng. Thiêm dùng dao chém 3 nhát vào đầu đồng nghiệp rồi bỏ trốn. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu và đã qua cơn nguy kịch.
Bãi vàng nơi xảy ra ẩu đả nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, hoạt động trái phép hàng chục năm qua. Hơn 2 tháng trước, 30 trinh sát của Công an tỉnh Quảng Nam đã băng rừng suốt nhiều tiếng để truy quét, đẩy đuổi được 200 phu vàng, lập biên bản xử lý chủ bãi. Nhưng chỉ ít ngày sau, khi công an tỉnh rời hiện trường, họ quay trở lại làm việc.
Đầu tháng 6, huyện Nam Giang tiếp tục tổ chức đợt truy quét. Gần 40 người gồm cảnh sát, biên phòng, phòng tài nguyên môi trường... tham gia đẩy đuổi, phá nhiều lán trại trái phép. Nhưng chỉ sau lần truy quét thứ hai được vài ngày, các phu vàng và chủ bãi lại trở vào dựng lán, mua sắm máy móc để hoạt động.
Hơn 200 phu vàng bị đẩy đuổi trong đợt truy quét 2 tháng trước, tuy nhiên khi lực lượng chức năng rút, họ quay trở lại làm việc. Ảnh: Như Ý.
"Sau lần truy quét thứ hai, chúng tôi nghe tin họ làm việc trở lại nên đã 2 lần cử gần 10 cảnh sát vào đẩy đuổi tiếp, sau đó chốt chặn ở các ngả đường dẫn vào bãi. Tuy nhiên, lực lượng chốt chặn chỉ được vài ngày vì hết đồ ăn. Phu vàng cứ chờ cảnh sát rút thì vào lại, không làm gì được", đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang nói.
Ông Vịnh cho hay, trong tháng 6, chỉ công an huyện, kinh phí cho việc truy quét đã tốn 150 triệu đồng. "Tại thời điểm này, tôi dám chắc có ít nhất 70 phu vàng vẫn đang làm trong đó", người đứng đầu Công an huyện Nam Giang nói và cho rằng, bãi vàng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nên để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về chủ rừng.
Về nghi vấn cho rằng bãi vàng trái phép tồn tại do được sự bảo kê từ lực lượng chức năng, đại tá Vịnh khẳng định công an huyện không liên quan. "Những lực lượng khác như biên phòng thì tôi không biết, nhưng riêng Công an huyện Nam Giang thì tôi dám chắc không dám bảo kê. Khu vực này gần biên giới nên công an muốn vào đó cũng phải thông qua biên phòng", ông Vịnh nói.
Nhiều phu vàng gần như gắn cả cuộc đời ở bãi vàng này. Không nhà cửa, vợ con, hàng chục năm họ đi theo "giấc mộng tìm vàng". Ảnh: Như Ý.
Trong khi đó, một cán bộ giấu tên nhiều lần tham gia truy quét cho hay, sở dĩ bãi vàng Thành Mỹ 1 tồn tại là do nhà chức trách không xử lý quyết liệt. "Bãi vàng gắn liền với cuộc sống nhiều người dân nơi đây, nhiều người sống nhờ vào nó vì làm nghề cõng hàng thuê cho các chủ bãi rồi bán tạp hóa, thậm chí cả cung cấp gái mại dâm, ma túy... Biết là sẽ khó xóa bỏ nhưng không phải không làm được, cơ quan chức năng đã nắm được tên tuổi chủ bãi, lập biên bản rồi thì cứ xử phạt thật nặng. Nếu tái phạm thì xử nghiêm hơn, cứ như vậy chẳng ai dám vào mà làm lại", vị này nói và khẳng định, nhiều cán bộ quan hệ với chủ bãi, có "lợi ích" nếu bãi vàng trái phép còn hoạt động nên đã không xử lý mạnh tay.
"Ở trong đó rất loạn. Tệ nạn gì cũng có, chém giết rồi tai nạn liên tục, cần xóa bỏ bãi vàng này", vị cán bộ nói thêm.
Trao đổi về thực trạng này, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết công an tỉnh đang có kế hoạch khác để xóa bỏ bãi vàng. "Do địa bàn rộng quá, lực lượng phu vàng đông lại thành phần phức tạp nên một mình huyện Nam Giang sẽ không làm nổi. Hiện chúng tôi xây dựng kế hoạch khác để tiếp tục truy quét vàng tặc ở khu vực này", đại tá Lợi nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Sếp công an liên lụy vì vợ đào hầm vàng khiến 4 người chết ngạt Công an huyện Nam Giang (Quảng Nam) đề nghị Công an tỉnh cách chức đội trưởng CSGT với thiếu tá Quang vì biết vợ thuê người đào vàng trái phép nhưng không ngăn cản. Ngày 7/7, đại tá Nguyễn Đức Dũng (Trưởng Phòng tham mưu, Công an tỉnh Quảng Nam) cho hay nhà chức trách vẫn chưa khép lại việc điều tra vụ...