Phát hiện gần 6 ha rừng tự nhiên bị phá, đốt sạch
Kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện gần 6 ha rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) bị chặt phá.
Ngày 13/9, ông Nguyễn Ơn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) xác nhận lực lượng này vừa phát hiện vụ phá rừng tự nhiên tại xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.
Hiện trường vụ phá gần 6 ha rừng tự nhiên ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Hạt Kiểm lâm Tây Sơn).
Vụ phá rừng được phát hiện vào cuối tháng 8 vừa qua, khi tổ công tác của đơn vị này phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra rừng thường xuyên trên địa bàn. Mục đích phá rừng của các đối tượng có thể để lấy đất trồng keo lai.
Theo ông Nguyễn Ơn, khu rừng bị tàn phá là rừng thường xanh nghèo, thuộc các Tiểu khu 248 và 258, do UBND xã Tây Thuận quản lý. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, diện tích rừng bị phá gồm khoảng 4,9 ha ở trạng thái thường xanh nghèo (có trữ lượng 10 khối/ha) và 0,9 ha ở trạng thái rừng tái sinh (trữ lượng dưới 10 khối/ha).
Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện Tây Sơn để xử lý vụ việc.
Video đang HOT
“Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đang phối hợp với Viện Kiểm sát, Công an huyện điều tra làm rõ đối tượng phá khu rừng, xác lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã trưng cầu trung tâm quy hoạch phát triển nông thôn tỉnh giám định rừng bị phá để phục vụ công tác điều tra”, ông Nguyễn Ơn thông tin.
Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, khu rừng vừa được phát hiện bị chặt phá ở xã Tây Thuận nằm giáp ranh với địa phận thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Do nơi này đi lại khó khăn nên có thể các đối tượng lợi dụng địa hình phức tạp để chặt phá, đốt cây lấy đất trồng keo lai.
Điều tra 'điểm nóng' phá rừng Ea Rớt
Từ nhiều năm nay, tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) rất phức tạp.
Hàng trăm ha rừng xanh tốt đã bị cạo trọc. Không những vậy, các đối tượng phá rừng còn manh động chống đối, đe dọa lực lượng quản lý, bảo vệ rừng hòng cướp lại tang vật, giải cứu đồng bọn.
Gia tăng phá rừng, chống người thi hành công vụ
Những diện tích rừng bị tàn phá tại tiểu khu 704, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) khu vực giáp ranh với xã Cư Pui (huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Vào trung tuần tháng 8, theo chân lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar), phóng viên đã vào "cổng trời Ea Rớt" - nơi được xem là điểm nóng phá rừng khu vực giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Bông từ nhiều năm nay.
Đi sâu vào lõi tiểu khu 704 thuộc địa phận xã Cư Bông, chúng tôi đã "mục sở thị" tình trạng tàn sát rừng. Lựa chọn một điểm cao phóng xa tầm mắt là hàng chục quả đồi đã bị "cạo trọc". Diện tích bị phá lên tới cả trăm ha để lấy lâm sản và đất sản xuất. Nhiều diện tích rừng đã bị phá trước đó nhiều năm, nhưng cũng có nhiều diện tích mới phá, đốt cháy loang lổ, những gốc cây rừng bị cưa hạ, đốt cháy, được thay thế bằng những cây ngắn ngày như ngô, sắn.
Theo lời người dẫn đường, thủ đoạn của các đối tượng phá rừng rất tinh vi, manh động. Các đối tượng tập trung 20 - 30 người đi vào rừng ban đêm, thường vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng. Các đối tượng dùng dao, rựa phát thực bì, dùng cưa lốc đốn hạ cây to, sau đó để khô rồi đốt nên mức độ tàn sát rừng rất khủng khiếp.
Ông Nguyễn Phi Tiến, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cho biết: Công ty đang chịu áp lực rất lớn để bảo vệ diện tích rừng được giao. Đặc biệt, diện tích rừng tại tiểu khu 704, giáp ranh với huyện Krông Bông bị phá rất nghiêm trọng, diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Rừng bị phá chủ yếu do dân di cư tự do ở thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, thực hiện để lấy gỗ làm nhà, lấy đất sản xuất. Mỗi nhà có từ vài ha đến hàng chục ha đất sản xuất từ việc phá rừng.
Những diện tích rừng bị tàn phá tại tiểu khu 704, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) khu vực giáp ranh với xã Cư Pui (huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Theo thống kê, từ năm 2018 đến tháng 6/2021, tại khu vực giáp ranh giữa xã Cư Pui (huyện Krông Bông) và xã Cư Bông (huyện Ea Kar) đã xảy ra 80 vụ phá rừng, xâm chiếm đất rừng, với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 207 ha. Khi bị phát hiện, các đối tượng vi phạm rất manh động, huy động số đông gây áp lực, sẵn sàng chống trả lại lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 2 vụ chống người thi hành công vụ.
Mới đây, ngày 26/7/2021, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar tiến hành tuần tra rừng đã phát hiện việc khai thác lâm sản trái phép tại khoảnh 7 và khoảnh 9, tiểu khu 704 thuộc địa giới hành chính xã Cư Bông. Số cây bị khai thác là 21 cây, số lâm sản còn lại tại hiện trường là 11,4 m3 gỗ tròn, chủng loại gỗ từ nhóm V đến nhóm VII. Lần theo dấu vết tại hiện trường đến thôn Ea Rớt, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện một xe máy độ chế chở 3 lóng gỗ. Sau khi yêu cầu dừng phương tiện kiểm tra, khoảng 5 phút sau có hơn 40 người cầm hung khí bao vây, hù dọa lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar để cướp tang vật và phương tiện.
Theo ông Nguyễn Phi Tiến, việc ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng khu vực giáp ranh đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là các đối tượng phá rừng chủ yếu từ xã Cư Pui tràn sang. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng ở chốt 704 mỏng, chỉ có 3 người, khi tuần tra thường bị đe dọa, gặp cản trở khi dẫn giải đối tượng, tang vật. Hơn nữa, do địa bàn cách xa trung tâm huyện gần 40 km nên khi có vụ việc xảy ra, rất khó khăn trong việc huy động lực lượng ứng cứu, nhất là vào ban đêm.
Trước những khó khăn đó, lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Ea Kar kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời cho Công ty trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh. Đặc biệt, Công ty cần sự hỗ trợ của chính quyền các xã có rừng, kiểm lâm địa bàn, công an trong công tác tuần tra, truy quét thường xuyên; khi phát hiện, bắt giữ đối tượng vi phạm thì nhanh chóng hỗ trợ lực lượng kịp thời...
Điều tra, xử lý nghiêm minh
Những diện tích rừng bị tàn phá tại tiểu khu 704, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) khu vực giáp ranh với xã Cư Pui (huyện Krông Bông), tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của UBND huyện Ea Kar về tình trạng phức tạp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh với huyện Krông Bông và các vụ việc chống người thi hành công vụ, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm Ea Kar, Krông Bông) phối hợp với Chủ rừng tăng cường kiểm tra, tuần tra tại các vị trí trọng điểm về phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, Sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Ea Kar, Krông Bông chú trọng chỉ đạo việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng khu vực giáp ranh; xác minh, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ và cướp lại phương tiện, lâm sản đã bị lực lượng chức năng tịch thu.
"Hành vi khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại tiểu khu 704, do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, cơ quan chức năng các huyện cần khẩn trương thiết lập hồ sơ, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Đỗ Xuân Dũng nói.
Lâm sản được khai thác trái phép ở rừng giáp ranh để dựng nhà gỗ tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
Liên quan đến tình hình phá rừng và các vụ chống đối lực lượng quản lý, bảo vệ rừng tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Công an tỉnh nghiên cứu, xem xét, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an huyện Ea Kar, khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm xác định các "điểm nóng" về phá rừng, khai thác, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương lập kế hoạch, xác định rõ địa điểm thường xảy ra vi phạm để hỗ trợ, phối hợp, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý.
UBND tỉnh giao UBND các huyện Ea Kar và Krông Bông chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND cấp xã và các đơn vị chủ rừng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; chú trọng việc kiểm tra, ngăn chặn các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng khu vực giáp ranh giữa 2 huyện; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức về các hành vi vi phạm các quy định pháp luật lâm nghiệp. UBND tỉnh yêu cầu huyện Krông Bông chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ, chế biến lâm sản trái pháp luật tại thôn Ea Rớt, xã Cư Pui.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đề nghị Công ty Lâm nghiệp Ea Kar thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Điều 74, Điều 79 Luật Lâm nghiệp năm 2017; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững.
Thả nhiều cá thể động vật quý hiếm về rừng tự nhiên Ngày 23/8, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Bù Gia Mập cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bù Gia Mập - Phước Long (Bình Phước) và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tổ chức thả 6 cá thể động vật quý hiếm về...