Phát hiện động trời vụ tàu 67: Lừa ngư dân nhận tiền rồi bắt trừ nợ
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) hứa chi 500 triệu đồng nếu ngư dân Bình Định ký hợp đồng đóng tàu 67. Tuy nhiên, khi ngư dân đặt bút ký và nhận tiền thì công ty này lại buộc họ phải thực hiện biên bản cắt giảm hạng mục trên tàu để trả nợ?
Cho 500 triệu đồng nhưng phải ký giấy nợ ?
Những ngày này, ngư dân Trần Minh Vương (trú xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định)- Chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99027 TS đang ngồi trên đống lửa khi tàu nằm bờ vì hư hỏng. Ngư dân Vương cho hay, nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do ngư dân đã bị mắc bẫy lừa đảo của công ty đóng tàu.
Anh Vương cho biết: “Khi hồ sơ đóng mới tàu cá vỏ thép theo NĐ 67 được tỉnh phê duyệt có rất nhiều công ty đóng tàu để ngư dân lựa chọn. Tuy nhiên, tháng 4.2015 lãnh đạo công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã tiếp cận và đưa ra số tiền 500 triệu hỗ trợ nếu tôi ký hợp đồng đóng tàu tại công ty này. Đây là số tiền công ty cho không ngư dân để hỗ trợ chuyến biển đầu tiên, nghĩ tấm lòng chân thật nên chúng tôi đã ký ngay nhưng khi ký xong, mới nhận ra mình bị lừa”.
Con tàu vỏ thép BĐ 99567 TS được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương bị rỉ sét tràn lan. Ảnh: D.T
Theo anh Vương, trước khi nhận được 500 triệu đồng lãnh đạo công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã buộc ngư dân ký giấy nợ tiền của công ty này để làm tin. Lý do được đưa ra là công ty sợ sau khi nhận tiền, ngư dân lại đi ký hợp đồng với 1 công ty khác. Vì vậy, anh Vương đồng ý ký vào tờ giấy nợ trên.
“Công ty hứa khi ký hợp đồng đóng tàu xong sẽ xé tờ giấy nợ trên nên chúng tôi mới đồng ý. Trong quá trình đóng tàu, công ty đưa thêm 150 triệu đồng để ở trọ, đi lại. Trước khi ký hợp đồng họ đã tìm cách cho ngư dân mang nợ, chúng tôi suốt ngày ở biển có biết giấy tờ gì đâu. Cứ nghĩ đó là chính sách ưu đãi, họ còn nói số tiền đó động viên ngư dân bám biển, tinh thần dân tộc bảo vệ quyền biển đảo… ai mà không tin”- anh Vương bức xúc.
Tương tự trường hợp anh Vương, ngư dân Võ Tuân- Chủ tàu BĐ 99018 TS cho biết: “Ngoài 500 triệu đồng mà công ty chi trước khi ký kết hợp đồng thì trong quá trình đóng tàu họ còn đưa thêm 150 triệu đồng để ngư dân đi lại, ăn uống. Ngư dân cứ tin lời công ty sẽ hỗ trợ miễn phí nhưng khi con tàu gần xong thì họ ghi biên bản ngư dân nợ công ty 650 triệu đồng. Không ký thì không được lai dắt tàu về, họ lừa chúng tôi quá trắng trợn”.
Biên bản thỏa thuận… cắt giảm hạng mục để ngư dân trả nợ cho công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Ảnh: D.T
Video đang HOT
Cắt giảm hạng mục… để trả nợ
Để lý giải mình bị lừa, ngư dân Trần Minh Vương cung cấp cho phóng viên Dân Việt biên bản thỏa thuận và cam kết thực hiện đóng tàu được lập vào ngày 10.5.2016 (biên bản này được lập trước thời điểm bàn giàu tàu 2 ngày, có chữ ký của ông Nguyễn Xuân Nguyên- Giám đốc công ty TNHH Đại Nguyên Dương và ngư dân Vương).
Biên bản cho hay: “Để thực hiện thi công dự án đóng tàu cá vỏ thép nghề lưới vây mạn theo NĐ 67/2014, ngư dân Trần Minh Vương phải tham gia vốn đối ứng 5% của dự án nhưng do không có điều kiện nên ông Trần Minh Vương có vay của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương số tiền 650 triệu đồng để tham gia vốn đối ứng. Do không kịp thu xếp được nguồn vốn để trả nợ cho công ty, ông Trần Minh Vương yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cắt giảm 1 số chi phí và hạng mục lắp đặt lên tàu, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu của đăng kiểm, hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác. Sau này khi tàu đi vào khai thác, khi có điều kiện ông Trần Minh Vương tự nâng cấp các hạng mục theo mong muốn để hoạt động tốt hơn và có hiệu quả hơn. Ông Trần Minh Vương cam kết với các thỏa thuận trên, và không có bất kỳ yêu cầu hay khiếu nại nào, sau khi ký vào biên bản này hai bên thống nhất xóa số nợ 650 triệu đồng cho ông Trần Minh Vương. Hai bên cam kết thực hiện thỏa thuận trên nếu thực hiện sai ông Vương chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Tàu 67 rỉ sét do công ty TNHH Đại Nguyên Dương dùng thép Trung Quốc không đạt chuẩn. Ảnh: D.T
Tuy nhiên, anh Vương cho rằng mình bị lừa vì biên bản nói trên là do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự đánh máy và bắt buộc anh phải ký. Nếu không ký, công ty không làm lệnh xuất xưởng tàu.
“Ban đầu tôi không ký vào biên bản này vì quá phi lý, tất cả số tiền công ty hứa hỗ trợ thực ra là để tôi ký hợp đồng chứ chẳng có đồng nào hỗ trợ gì cả. Ông giám đốc công ty còn dọa rằng, nếu không ký vào biên bản thì con tàu không được xuất xưởng. Thời gian đóng tàu kéo dài đã hơn 1 năm, giờ tàu lại bị giam nữa thì hết mất thời vụ đánh bắt. Biết đã bị lừa nhưng đành chịu. Sau khi ký biên bản, ngày 12.5.2016 công ty mới ký lệnh xuất xưởng tàu. Nào ngờ mới nhận tàu về vỏ thép đã gỉ sét toàn bộ, thiết bị hư hỏng không làm ăn gì được”- anh Vương cho hay.
Theo ngư dân, thực hiện việc “cắt giảm 1 số chi phí và hạng mục lắp đặt lên tàu” như trong biên bản, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã đánh tráo từ chủng loại thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang dùng thép Trung Quốc có giá thấp hơn để đóng tàu, thậm chí nhiều tàu có những vị trí không đúng thép MAC A, máy bảo ôn theo hợp đồng 3 máy nhưng thực tế chỉ có 2… và rất nhiều thiết bị không đảm bảo như hợp đồng ký kết ban đầu.
Ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Ảnh: D.T
Phóng viên Dân Việt đã nhiều lần gọi điện cho ông Nguyễn Xuân Nguyên- Giám đốc công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhưng vị này không bắt máy. Trước đó, ngày 30.6 có mặt tại Bình Định để làm việc với ngư dân, ông Nguyên cũng đã thẳng thắn từ chối trả lời khi phóng viên đặt câu hỏi phỏng vấn?.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Hà Ngọc Tân- Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: “UBND huyện đã tiếp nhận được thông tin trên từ ngư dân. Trong giấy vay tiền của ngư dân được cho là để tham gia vốn đối ứng là không đúng. Bởi trước khi phê duyệt hồ sơ, các ngành chức năng đã điều tra, biết rõ các chủ hồ sơ có đủ điều kiện đáp ứng vốn đối ứng thì hồ sơ mới được phê duyệt. Rõ ràng đây là chiêu lừa đảo của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhằm cắt giảm nhiều hạng mục để kiếm lãi nhiều hơn khiến con tàu kém chất lượng dẫn đến không hoạt động được”.
Tàu ngư dân đóng rẻ hơn "tàu 67" 3 tỷ đồng, nhưng lãi tiền tỷ/năm
Trong khi hàng loạt tàu vỏ thép đóng theo "Nghị định 67" của ngư dân ở nhiều tỉnh thành lâm vào cảnh khốn đốn vì làm ăn thua lỗ, nằm bờ do sự cố máy móc...thì "đội tàu vỏ thép" của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi đạt lãi ròng tính bằng con số tỉ đồng/năm/chiếc.
Trưa 29.6, trò chuyện với phóng viên báo Dân Việt, ông Huỳnh Luận, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ-một trong 2 trường hợp đầu tiên của tỉnh được "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi cho vay đóng tàu cá vỏ thép phấn khởi cho biết: "Từ khi tiếp nhận vào tháng 5.2015 đến nay, tàu vẫn hoạt động bình thường với số lần ra khơi 8-10 chuyến/năm". Tuy không cho biết cụ thể thế nhưng ngư dân Luận xác nhận lợi nhuận tính bằng con số tiền tỷ đồng/năm".
Tàu vỏ thép của ngư dân Huỳnh Thạch, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ đóng từ nguồn vốn vay của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi
Được biết, trước khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về Chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ được triển khai thực hiện, từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi đã tiên phong cho ngư dân trong tỉnh vay không lãi suất trong thời hạn 11 năm để đóng tàu vỏ cá vỏ thép.
Ngư dân tàu vỏ thép đang hoạt động trên biển
Theo đó đến thời điểm này có tất cả 4 tàu cá vỏ thép đánh bắt bằng hình thức lưới vây kiêm chụp mực, trị giá từ 7,5-10,5 tỷ đồng/chiếc (chưa tính ngư cụ), công suất 811 Cv/chiếc được đóng từ nguồn vốn vay của "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tàu vỏ thép đóng từ "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi trên đường ra khơi
Trong khi nhiều tàu cá vỏ thép đóng theo "Nghị định 67" liên tục xảy ra hỏng hóc phải nằm bờ để sửa chữa, làm ăn thua lỗ....thì toàn bộ tàu vỏ thép đóng từ nguồn "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi hoạt động ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.
4/4 chủ tàu vỏ thép khẳng định: "Phần máy và vỏ từ khi đưa vào hoạt động đến giờ không xảy ra bất kì sự trục trặc, hay hiện tượng gì bất thường cả. 99% số chuyến ra khơi đều có lợi nhuận với mức từ 100-400 triệu đồng/chuyến".
Ngư dân trên tàu vỏ thép đang đưa cá đánh bắt được vào khoang chứa
Trả lời câu hỏi: "Vì sao đi tiên phong nhưng tàu vỏ thép của "Quỹ hỗ trợ"đóng lại không gặp bất kì sự cố nào như hàng loạt tàu cá tương tự đóng theo "Nghị định 67" , ông Phùng Đình Toàn- Phó Chi cục trưởng Chi Thủy sản, Sở NNPTNT, đại diện "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi thẳng thắn: " Ngay từ khi chọn lựa cơ sở để đóng, chúng tôi cùng ngư dân được vay đã có khảo sát, chọn lựa đánh giá kĩ về năng lực, giá cả. Trong quá trình đóng việc kiểm tra được thực hiện trên cả bản thiết kế và thực tế. Cụ thể đối với loại thép đóng thì yêu cầu đơn vị đóng xuất trình hóa đơn mua, nhập về. Sau đó đối chiếu thực tế xem loại thép đã đóng đúng hay không. Riêng với hạng mục cần người có chuyên môn sâu, như máy thì ngoài người của nơi đóng chúng tôi mời riêng một giám sát riêng để kiểm tra....".
Không chỉ hoạt động ổn định, 4/4 tàu vỏ thép đóng từ "Quỹ hỗ trợ ngư dân" Quảng Ngãi đều có lãi tiền tỉ/năm
Ông Toàn còn kể một câu chuyện vui: "Có lần ngư dân "X.M" so bì vì sao cùng đóng tàu vỏ thép nhưng số "đóng 67" được chủ cơ sở đóng tàu bỏ "bì", mời đi tham quan nhiều nơi... còn tụi tui ngay cả bữa cơm cũng không được họ mời".
Chính vì sự lựa chọn kĩ lưỡng, giám sát chặt chẽ ngay từ đầu và trong suốt quá trình đóng như vậy nên khi đưa vào hoạt động đến nay, toàn bộ tàu cá vỏ thép đóng từ nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân gần 100% không xảy ra bất kì sự cố nào, đặc biệt là về máy móc, vỏ.
Không những vậy, ông Toàn còn cho biết: "Tàu vỏ thép mà chúng tôi đóng chi phí thấp hơn so với tàu có kích cỡ tương đương đóng bằng vốn "Nghị định 67" từ 2-3 tỷ đồng/chiếc"
Từ hiệu quả của số tàu vỏ sắt, hiện Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi tiếp tục đi tiên phong khi cho ngư dân vay đóng tàu cá bằng vỏ Composite nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng tuổi thọ của vỏ tàu lên gấp từ 2-3 lần so với chất liệu thép.
Theo Danviet
Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra nghi án gian lận tàu vỏ thép Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014. Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, Bộ Nông nghiệp cùng phối hợp làm rõ việc này. Những con tàu vỏ thép vừa đóng xong đã...