Phát hiện đàn cá 60 triệu con ở Nam Cực
Một quần thể cá sinh sản khoảng 60 triệu con đã được phát hiện ở Biển Weddell băng giá ở Nam Cực.
Đây là một hệ sinh thái độc đáo và chưa từng được biết đến trước đây.
Một tổ cá băng ở đáy biển Nam Cực. Ảnh: CNN
Theo CNN, phát hiện hấp dẫn này cho thấy con người còn biết rất ít về đại dương sâu thẳm.
Đàn cá khổng lồ trên có thể thuộc dạng lớn nhất thế giới, là nơi sinh sống của loài cá băng (Neopagetopsis ionah). Loài cá này có hộp sọ có thể nhìn xuyên thấu và máu trong suốt. Cá băng là động vật có xương sống duy nhất không có tế bào hồng cầu.
Để tồn tại ở nơi nhiệt độ thấp như vậy, cá băng đã phát triển một loại protein chống đóng băng trong máu để ngăn các tinh thể băng phát triển.
Phát hiện này khiến các nhà khoa học ngạc nhiên. Ảnh: CNN
Đàn cá trên được tàu nghiên cứu địa cực Polarstern của Đức phát hiện vào tháng 2/2021 khi tàu đang khảo sát đáy biển. Tàu dùng hệ thống camera to bằng chiếc ô tô gắn vào đuôi để truyền hình ảnh lên boong tàu.
Video đang HOT
Cuộc khảo sát tập trung vào các dòng hải lưu và việc phát hiện ra nơi sinh sống của cá băng là điều bất ngờ. Nơi sinh sống của chúng có một vòng tròn đá khác biệt hẳn so với đáy biển đầy bùn.
Ông Autun Purser, nhà nghiên cứu tại Viện Alfred Wegener ở Bremerhaven, Đức, cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy hết tổ cá này tới tổ cá khác trong suốt 4 giờ liền. Trong thời gian đó, chúng tôi đã khảo sát được 6 km đáy biển”.
Ông là tác giả chính của nghiên cứu về đàn cá băng nói trên vừa được đăng trên tạp chí Current Biology ngày 13/1.
Ông Purser nói: “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ thứ gì như vậy trong 15 năm làm nhà khoa học đại dương. Sau lần khảo sát đó, chúng tôi đã gửi thư điện tử cho các chuyên gia biết về loài cá này. Họ nói đây là điều khá độc đáo”.
Các tổ cá được xếp cách nhau khá đều trên đáy biển. Ảnh: CNN
Các nhà nghiên cứu cho biết đàn cá sống trên diện tích hơn 240km2. Trung bình cứ 3m2 thì có một tổ. Họ ước tính rằng đàn này có khoảng 60 triệu tổ.
Mỗi tổ cách đều nhau, sâu khoảng 15cm, đường kính 75cm, chứa trung bình 1.735 quả trứng. Hầu hết tổ được một con cá trưởng thành canh gác. Một số tổ chỉ chứa trứng và một số tổ không còn được sử dụng.
Theo ông Purser, cá băng dường như bị thu hút về phía vùng nước ấm hơn, tức là nơi có nhiệt độ ấm hơn khoảng 2 độ C so với đáy biển lạnh dưới 0 độ C xung quanh.
Các nhà nghiên cứu đã triển khai hai hệ thống camera để theo dõi các tổ cá băng cho đến khi tàu nghiên cứu quay trở lại. Họ hy vọng rằng những bức ảnh sẽ giúp họ nắm bắt được nhiều thông tin hơn về hệ sinh thái tổ cá.
Mỗi tổ có một con cá băng canh gác. Ảnh: CNN
Một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu là cá trưởng thành canh giữ trứng trong bao lâu. Các chuyên gia cho rằng có thể là vài tháng. Một câu hỏi nữa là cá đực hay cá cái canh trứng.
Theo các nhà nghiên cứu, các phát hiện cho thấy đây là hệ sinh thái độc đáo toàn cầu và cần được coi là khu vực được bảo vệ, tránh bị khai thác.
Ông Purser cho biết có những loài cá nước ngọt làm tổ tương tự nhưng các nhà khoa học chưa bao giờ nhìn thấy đàn cá nào như vậy ở dưới đáy biển sâu. Ông cho biết mới chỉ quay được 1% đáy biển Weddell và có thể còn có rất nhiều điều mà con người chưa biết.
Bất ngờ phát hiện sự sống 200m bên dưới lớp băng ở Nam Cực
Các nhà nghiên cứu đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra 77 loài sinh vật sống bên dưới Thềm băng Ekstrm của Nam Cực.
77 loài được tìm thấy bên dưới lớp băng (Ảnh: Getty)
Điều kiện bên dưới các thềm băng ở Nam Cực rất khắc nghiệt, cực kỳ lạnh giá, bóng tối vĩnh cửu và nguồn thức ăn hầu như không có. Đó là lý do tại sao việc tìm thấy sự sống ở đây thật đáng ngạc nhiên.
Được biết, các nhà nghiên cứu từ Viện Alfred Wegener (AWI) ở Đức đã tiến hành khoan hai lỗ xuyên qua gần 200 mét của Thềm băng Ekstrm, gần Trạm Neumayer III ở Biển Weddell khu vực phía Đông Nam.
Mặc dù khu vực này cách biển khơi khoảng vài km, nhưng tính đa dạng sinh học của các mẫu vật mà các nhà nghiên cứu thu thập được rất phong phú. Trên thực tế, nó thậm chí còn đa dạng hơn rất nhiều mẫu được tìm thấy ở phần thềm lục địa, nơi nhẹ hơn và có nhiều nguồn thức ăn hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc tìm thấy những sinh vật sống dưới lớp băng là một điều phi thường và hoàn toàn gây bất ngờ.
Tiến sĩ David Barnes, một nhà sinh vật biển tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Việc phát hiện ra sự sống trong những điều kiện khắc nghiệt này là một điều hoàn toàn bất ngờ và nhắc nhở chúng ta rằng sinh vật biển Nam Cực độc đáo và đặc biệt như thế nào. Thật đáng kinh ngạc khi chúng tôi tìm thấy bằng chứng về rất nhiều loại động vật, hầu hết đều ăn vi tảo (thực vật phù du), dù trên lý thuyết không có loài thực vật hoặc tảo nào có thể sống trong môi trường này".
Ông nhấn mạnh: "Vì vậy, câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để những loài động vật này tồn tại và phát triển ở đây?"
Đồng tác giả, Tiến sĩ Gerhard Kuhn (AWI), người điều phối dự án khoan, cho biết: "Một điều đáng ngạc nhiên khác là việc tìm ra sự sống đã tồn tại ở đây bao lâu. Theo nghiên cứu, niên đại các-bon của các loài động vật dưới đáy biển này có vẻ như đã có từ 5.800 năm trước. Những mẫu vật từ đáy biển bên dưới thềm băng trôi đã kể cho chúng ta nghe câu chuyện về lịch sử".
Mặc dù rộng đến 1,6 triệu km2, các thềm băng là một trong những môi trường ít được tìm hiểu nhất trên hành tinh. Cuộc sống trong những môi trường lạnh lẽo và tĩnh lặng này hiếm khi được các nhà khoa học chú ý. Và hiện nay, với sự nóng lên toàn cầu, thời gian để nghiên cứu và bảo vệ chúng cũng không còn nhiều nữa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.
Covid-19 tấn công trạm nghiên cứu ở Nam Cực Đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh trạm nghiên cứu Princess Elisabeth của Bỉ ở Nam Cực, trong đó 2/3 trong số 25 thành viên tại đây đều bị nhiễm virus. Trạm nghiên cứu Princess Elisabeth ở Nam Cực (Ảnh: IPF). Theo SCMP, các ca mới này cho đến nay đều nhẹ và những người bị nhiễm bệnh quyết định không rời trạm...