Phát hiện ‘chất lạ’ trong vaccine Pfizer tại Nhật
Chính quyền thành phố Sagamihara, Kamakura và Sakai phát hiện 5 lọ vaccine Covid-19 của Pfizer có chứa tạp chất “chưa xác định”.
Các lọ vaccine này thuộc cùng lô FF5357. Nhà chức trách ba thành phố hiện yêu cầu Pfizer phân tích tạp chất này. Số vaccine nhiễm bẩn được phát hiện tại ba điểm tiêm chủng ở thành phố Sagamihara từ ngày 11/9 đến ngày 14/9, một điểm tiêm chủng ở Kamakura hôm 12/9 và một điểm ở Sakai ngày 14/9.
Giới chức cho biết cả ba thành phố đều chưa sử dụng số vaccine có chứa “chất lạ”. Người dân đang được tiêm chủng bằng vaccine không có “chất lạ” cùng lô. Hiện chưa rõ đây là chất gì.
Trước đó, ngày 25/8, Nhật Bản ngừng sử dụng 1,63 triệu liều vaccine Moderna nhiễm tạp chất sau cái chết của hai người đàn ông 30 và 38 tuổi. Bộ Y tế đang điều tra các ca tử vong, chưa rõ vaccine có phải nguyên nhân trực tiếp hay không. Theo Bộ Y tế, các trường hợp phát hiện chất bẩn trong vaccine ở Okinawa có thể do kim tiêm đâm không đúng cách vào lọ, làm đứt các phần chặn bằng cao su. Tạp chất trong vaccine Moderna sau đó được xác định là hạt thép không gỉ.
“Hiện chưa có bằng chứng cho thấy cái chết là do vaccine Moderna. Cần tiến hành điều tra chính thức để xác định mối liên hệ”, hãng Moderna và công ty dược Takeda (đơn vị kinh doanh và phân phối Moderna tại Nhật Bản), đưa ra tuyên bố chung hôm 28/8.
Video đang HOT
Một người được tiêm vaccine Covid-19 tại trung tâm tiêm chủng ở Kobe, ngày 25/5. Ảnh: Kyodo
Nhật Bản đang đối mặt làn sóng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay do biến thể Delta lây lan nhanh. Giới chức chạy đua để tiêm chủng cho người dân, song nỗ lực này phần nào bị chậm trễ do quá trình nhập khẩu và sự việc thu hồi vaccine Moderna vào tuần trước.
Taro Kono, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêm chủng, cho biết muốn đẩy nhanh quá trình phân phối vaccine đến các thành phố đang phải tạm dừng nhận đăng ký tiêm do thiếu hụt.
Chính phủ đang xem xét thời điểm tiêm liều tăng cường để duy trì khả năng miễn dịch. Song hiện nước này vẫn tập trung vào mục tiêu hoàn thành hai liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt.
Chuyên gia WHO: Chưa cần tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba
Các nhà khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa cần tiêm liều tăng cường (liều thứ ba) vaccine Covid-19 cho người dân, do chưa đủ dữ liệu khoa học đánh giá.
Theo các chuyên gia, cần có thêm bằng chứng về tính cấp thiết và hiệu quả của liều tăng cường. Quan điểm này khác với chính phủ Mỹ, vốn có kế hoạch tiêm bổ sung cho người dân trong tuần tới, tùy thuộc vào quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý.
Khi số ca nhiễm nCoV và biến thể Delta gia tăng, chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại độ bảo vệ của vaccine suy yếu. Tổng thống Biden thúc đẩy tiêm liều vaccine thứ ba như một cách để củng cố hàng rào miễn dịch.
WHO lập luận phần lớn người dân toàn cầu vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên. Các nhà khoa học của WHO viết trên tạp chí y khoa Lancet: "Bất kỳ quyết định nào về liều thứ ba phải dựa trên phân tích cẩn thận, kỹ lưỡng về dữ liệu lâm sàng và dịch tễ học".
Để đánh giá về lợi ích và rủi ro, các nước nên xem xét liều tăng cường có thể ngăn ngừa bao nhiêu ca mắc Covid-19 nghiêm trọng, liệu nó có an toàn và hiệu quả với biến thể hay không.
Các nhà khoa học cho rằng "bằng chứng hiện chưa cho thấy nhu cầu tiêm liều tăng cường trong dân số nói chung. Hiệu quả phòng bệnh (của vaccine) vẫn cao".
Còn WHO nhận định: "Nguồn cung vaccine hiện tại có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được sử dụng cho cộng đồng chưa từng được tiêm chủng trước đây".
Một người được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer tại điểm tiêm chủng ở thành phố New York, Mỹ, ngày 18/8. Ảnh: Reuters
Một số nước, trong đó có Israel, bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường, cung cấp cho Mỹ một số dữ liệu để đưa ra kế hoạch của mình.
Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá vaccine, thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ông Marion Gruber và Phó Giám đốc FDA Phil Krause, cho rằng những người suy giảm miễn dịch có thể tiêm vaccine bổ sung. Trong tương lai, Mỹ có thể tiêm tăng cường rộng rãi hơn nếu miễn dịch do vaccine bị suy yếu hoặc biến thể mới có khả năng xuyên thủng hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, họ cho rằng chiến lược này để lại rủi ro nếu được thực hiện quá sớm hoặc quá thường xuyên.
Hội đồng chuyên gia của FDA sẽ họp vào ngày 17/9 để thảo luận về việc tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba, bước đầu trong kế hoạch triển khai đại trà.
Phản ứng phụ khi tiêm vắc xin Pfizer mũi 2 cho bé trai Các nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo nguy cơ tỉ lệ các bé trai nhập viện vì phản ứng phụ do tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer-BioNTech cao hơn tỉ lệ các bé trai nhập viện vì COVID-19. Em Max Cuevas, 12 tuổi, người Mỹ, nắm tay mẹ trong lúc được tiêm mũi đầu vắc xin COVID-19 - Ảnh: KIM THOA Theo báo...