Phát hiện chất cấm trong bim bim tại Hà Nội
Sau hơn 3 tháng gửi các mẫu bim bim của Công ty TNHH SaSa Hà Nội (Sơn Đồng, Hoài Đức) đi phân tích, chúng tôi xác định gần 40.000 gói sản phẩm đều chứa chất cấm sử dụng trong thực phẩm”, ông Kiều Đình Cảnh, Đội phó Đội QLTT 12, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết.
Bim bim được đóng gói chờ ngày xuất xưởng
Thiếu tá Ngô Anh Thuấn – Đội phó Đội 6 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường – CATP Hà Nội cho biết: Trung tuần tháng 9/2012,đơn vị phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH SaSa Hà Nội (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức), trong quá trình sản xuất bim bim đã trộn đường Cyclamate (không nằm trong danh mục cho phép sử dụng) vào nguyên liệu.
“Chúng tôi bắt quả tang những người vận hành dây chuyền đang trộn đườngCyclamate (đường cấm dùng trong thực phẩm, gây hại cho người sử dụng) vào nguyên liệu làm bim bim”. Đáng chú ý, kho nguyên liệu của nhà xưởng này còn chứa 1,2 tấn đường cấm – đủ để sản xuất bim bim trong vòng 3 năm; hàng trăm kilogram bột ngọt, bột vị thịt, vị khoai tây, phẩm màu các loại có nhãn mác in chữ Trung Quốc, không hóa đơn chứng từ. “Đây là vụ “độn” đường cấm vào thực phẩm lớn nhất từ trước đến nay mà đơn vị phát hiện” – ông Cảnh khẳng định.
Ngày 14/12, tiếp tục kiểm tra cơ sở sản xuất bim bim tại thôn 6, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức – do bà Nguyễn Thị Duyên quản lý, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ một lượng lớn nguyên liệu sản xuất bim bim gồm: Bột ớt khô, bột nở, bột thơm, bột nguyên liệu, phẩm màu… đều do Trung Quốc sản xuất, được cơ sở mua trôi nổi ngoài thị trường.
Lực lượng công an phát hiện cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Duyên “độn” đường Cyclamate vào bim bim. Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận: tất cả các sản phẩm bim bim sản xuất ra đều chứa đường Cyclamate và phẩm màu công nghiệp.
Video đang HOT
Ông Kiều Đình Cảnh, Đội phó Đội QLTT số 12, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: đường Cyclamate không được phép sử dụng trong thực phẩm, có độ ngọt gấp 1.000 lần đường trắng thông thường. Sử dụng đường Cyclamate sản xuất bim bim ngoài tiết kiệm chi phí, còn giúp doanh nghiệp bảo quản được sản phẩm lâu, dù trong điều kiện thời tiết nóng bức.
Đại diện Đội QLTT số 12 cho biết thêm: Thực phẩm nói chung và bim bim nói riêng trước khi bán ra thị trường, theo quy định phải được cơ quan quản lý Nhà nước về VSATTP kiểm định, công bố chất lượng sản phẩm để tránh “độn” chất cấm, gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, việc đơn vị cấp phép không thường xuyên hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau khi cấp giấy chứng nhận, đã vô tình “giúp” các cơ sở có ý định độn chất cấm dễ dàng thực hiện.
Theo Dantri
Tin có đỉa trong bim bim, sữa là ấu trĩ
Thời gian gần đây xuất hiện hàng loạt tin đồn về đỉa xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm như sữa, bim bim, đỉa trong bánh kẹo, dưa vàng nhập lậu từ TQ.
Nhiều tin đồn đỉa xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm
Những tin đồn này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp.
Cái gì cũng có... đỉa
Không biết nguồn thông tin ở đâu hay với động cơ gì mà những ngày gần đây đâu đâu cũng thấy tin đồn có đỉatrong sản phẩm này, sản phẩm khác. Trên các trang mạng, thông tin này lan chuyền chóng mặt. Một thành viên mạng facebook "chia sẻ" rằng hiện nay rất nhiều các loại sữa, bánh kẹo, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc có đỉa: "Trường hợp đầu tiên phát hiện được là ở Tuyên Quang. Bệnh nhân nữ này đau bụng và được đưa đi bệnh viện đa khoa và được các bác sĩ ở đây chụp chiếu thì phát hiện có rất nhiều sinh vật lạ và đã tiến hành phẫu thuật. Vị bác sĩ này đã ngất ngay tại chỗ vì khi vạch bụng bệnh nhân ra toàn là đỉa". Một thông tin khác được nhiều thành viên chia sẻ khắp nơi: "Trung Quốc đang thu mua đỉa của Việt Nam với giá 1 triệu đồng/kg... Mục đích: Sản sinh ra trứng cấy vào thức ăn. Khi trứng nở ra đỉa sẽ cắn, phá hủy nội tạng người mà không một thuốc nào có thể chữa được"... Trên một diễn đàn mạng khác, các thành viên còn bàn tán về việc Trung Quốc mua đỉa phơi khô rồi cán nhỏ cho vào thực phẩm xuất khẩu sang Việt Nam...
Có lẽ, nỗi ám ảnh từ việc Trung Quốc thu mua đỉa của Việt Nam với giá cao mà chưa có lý giải thỏa đáng khiến nhiều người quá nhạy cảm nên những tin đồn như thế này lan truyền chóng mặt. Ở một số xã của huyện Thạch Thất (Hà Nội), nơi mà thời gian gần đây có nhiều người đến thu mua đỉa với giá cao liên tục có những thông tin kiểu như vậy khiến người dân hoang mang tột độ. Lúc thì đỉa xuất hiện khi bổ quả dưa vàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó là tin một số kẻ lạ mặt bí mật thả đỉa đã cho hút máu của người nhiễm HIV xuống các ruộng...
Nghiêm trọng hơn là việc những tin đồn có đỉa trong những sản phẩm thực phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng. Đầu tiên là tin đồn xuất hiện khi một gia đình ở Đông Anh (Hà Nội) phát hiện trong hộp sữa mở nắp đã lâu của gia đình có những sinh vật lúc nhúc màu trắng mà họ nghi là đỉa. Tiếp đó là hàng loạt các hãng sữa khác cũng bị đồn loạn lên là có... đỉa. Mới đây nhất là thông tin người dân một xã ở Thừa Thiên - Huế khi ngâm miếng bim bim vào chậu nước, hôm sau phát hiện những sinh vật lạ giống đỉa. Từ đó hoang tin đỉa xuất hiện trong bim bim lại lan truyền khắp nơi.
Tin vào việc đỉa có trong sữa, bim bim là ấu trĩ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Lân Hùng (Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam) về vấn đề này. Ông Hùng cho biết đây là sự vô lý không tưởng về mặt khoa học. Thứ nhất về khía cạnh sinh học thì đỉa là loại sinh sản hữu tính nên không có chuyện tán nhuyễn đỉa ra mà nó vẫn sống và sinh sản được. Đây là sinh vật lưỡng tính nhưng lại không thể tự thụ tinh, chúng sinh sản bằng cách tạo ra nhiều kén nhỏ, tiếp đó những kén này được thụ tinh bởi một con đỉa khác thì mới nở được. Hơn nữa đỉa chỉ có thể sinh sản và phát triển trong môi trường nước ngọt, ẩm... chứ không thể sinh sôi, nảy nở trong môi trường đậm đặc đường như sữa hay môi trường nhiều axit và men tiêu hóa như dạ dày người. Còn về khía cạnh an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Hùng cho rằng các sản phẩm sữa, bim bim của Việt Nam được khử trùng ở nhiệt độ lên tới 140 độ C và sản phẩm sữa công nghiệp còn phải trải qua màng lọc đến 0,2 micromet nên vi khuẩn cũng không chui qua được chứ không nói đến các ấu trùng hay vi sinh vật. "Tôi thấy thông tin lan truyền khắp nơi chỉ xuất phát từ một vài hiện tượng được người ta kể lại, độ kiểm chứng rất thấp. Đây là thông tin cần phải được kiểm tra ngay nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường, người tiêu dùng và sản xuất." - ông Hùng nói.
Trước những tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận, mới đây, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản bác tin đồn có đỉa và vật lạ trong sữa và bim bim. Cơ quan này cho biết qua kiểm tra các mẫu vật phẩm thì không hề phát hiện ấu trùng hay đỉa trong sữa và bim bim. Ông Trịnh Xuân Đà, Viện trưởng viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cũng khẳng định trên báo chí: "Hiện nay chúng tôi đã nhận được một số mẫu của các Đoàn thanh tra cũng như của các công ty sữa gửi về xét nghiệm. Đến nay chúng tôi cũng đã có kết quả theo đúng công bố về tiêu chuẩn sản phẩm, không có yếu tố về vi sinh vật, kim loại nặng, bào tử nấm".
Đỉa sống trong cơ thể người như thế nào?
Thông thường, đỉa sống trong môi trường nước ngọt hoặc ẩm và lấy thức ăn từ máu của động vật có xương sống. Trên thực tế y học đã ghi nhận một số ca đỉa sống trong cơ thể người. Tuy nhiên theo các chuyên gia y học thì đỉa chỉ có thể sống một thời gian nhất định tại các cơ quan, tạng rỗng như họng, hầu, thực quản, lỗ tai, lỗ mũi và một số chỗ vùng kín trên cơ thể như bộ phận sinh dục nam, nữ, niệu đạo và bàng quang... Một thời gian, đỉa sẽ gây ra nhiều biến chứng như tắc hoặc bán tắc nghẽn một cơ quan nào đó, gây xuất huyết, ho khạc ra máu như mũi, hầu họng, phế quản - phổi từ nhiều tuần đến nhiều tháng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phẫu thuật gắp ra. Riêng việc trứng và ấu trùng đỉa nếu có xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm và đi vào đường tiêu hóa của người thì cũng không sống và sinh sôi, nảy nở được vì môi trường không phù hợp như đã phân tích ở phần trên.
Về việc vì sao tin đồn về đỉa xuất hiện tràn lan như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng có thể nó là dư âm của thông tin thương lái Trung Quốc mua đỉa giá cao mà không rõ mục đích. Trước đó nhiều địa phương cũng đã bị cảnh báo về việc này, bởi khi người dân đổ xô nuôi đỉa bị thương lái đột ngột dừng mua khiến đỉa phát triển tràn lan gây mất cân bằng sinh thái. Nhiều người đã chuyển hướng nghi ngờ việc thu mua này có mục đích xấu là đưa vào thực phẩm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì con đỉa cũng có những tác dụng nhất định trong y học và có thể được thu mua vì mục đích y học. PGS. TS. Phạm Bình Quyền (Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên, môi trường) cho biết: Đỉa có tác dụng thông máu, tan vết bầm, sưng, giải máu ứ đọng. Đỉa và các chế phẩm từ đỉa rất tốt cho bệnh khớp, tim mạch, bởi trong tuyến nước bọt của loài hút máu này chứa chất chống viêm sưng, chống đông máu cùng một số chất có khả năng hạn chế triệu chứng viêm khớp. Trong y học hiện đại, đỉa phơi khô được phối chế với nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tắc nghẽn mạch máu, ứ trệ máu.
Riêng ông Nguyễn Lân Hùng cũng cho biết, không loại trừ những thông tin này xuất phát từ động cơ cạnh tranh không lành mạnh, vì vậy người dân không nên quá hoang mang và phải trang bị cho mình những kiến thức, hiểu biết nhất định để có chính kiến. Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng phát đi thông điệp cho rằng đây là tin đồn thất thiệt nhằm phá hoại kinh tế và gây mất ổn định xã hội. Trên thực tế, đã có những trường hợp bị xử phạt liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí làm tiền.
Nhập lậu đỉa từ Campuchia về Việt Nam
Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Bến Cầu, Tây Ninh) ngày 17-10 đã phát hiện và bắt giữ một xe ôtô chạy hướng Tây Ninh - TP.HCM chứa 127kg đỉa sống. Ngay lập tức đơn vị này đã tịch thu và tiêu hủy số đỉa này. Các đối tượng khai số đỉa này được gom từ Campuchia với giá 135.000 đồng/kg rồi chuyển về TP.HCM để đưa đi bán cho các thương lái Trung Quốc làm thuốc chữa bệnh. Công an Tây Ninh cho biết, tính từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã bắt giữ, tiêu hủy 4 vụ nhập khẩu, vận chuyển trái phép với số lượng gần 500kg đỉa sống. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hiện nay, theo quy định, đỉa được xếp vào danh mục sinh vật ngoại lai phải kiểm soát nên không được phép nhập khẩu. Nếu là nhập từ nước ngoài về, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ NN&PTNT sẽ có chức năng phối hợp để xử lý. Bộ sẽ giao cho địa phương kiểm tra lại thông tin nhập khẩu đỉa, sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm.
Theo xahoi
Không xác định được sinh vật lạ trong bim bim vì mẫu nước đã... "biến mất" Sau khi có thông tin về việc người dân tự ngâm 1 mẫu bim bim và phát hiện có sinh vật trong đó, cơ quan chức năng đã có kết luận chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, sinh vật trong mẫu bim bim là con gì thì đến nay không ai biết.... Bà Dưa cầm đũa gắp con sinh vật lạ...