Phát hiện cây gõ mật quý hiếm thuộc hàng đại thụ
Ngày 27/12, tin từ Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, vừa phát hiện 1 cây gõ mật quý hiếm thuộc vào hàng đại thụ, với chu vi thân cây hơn 4 mét.
Theo đó trong đợt tuần tra giám sát đa dạng sinh học vừa qua, các cán bộ bảo vệ rừng của Khu bảo tồn Sao La đã phát hiện 1 cây gõ mật (tên khoa học là Sindora cochinchinensis H.Baill, thuộc nhóm 1A, gỗ quý hiếm, nghiêm cấm khai thác rừng tự nhiên với mục đích thương mại) tại một tiểu khu thuộc Khu bảo tồn này.
Qua đo đạc, cây gõ mật có chu vi toàn thân 4,4m, đường kính gần 1,5m, đạt chiều dài trên 15m. Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là cây gõ mật có đường kính lớn nhất tính đến thời điểm hiện nay, được phát hiện trong khu vực rừng thuộc tỉnh nhà.
Cán bộ Khu bảo tồn Sao La tiến hành đo đạc cây gõ mật đại thụ (Ảnh do Khu Bảo tồn Sao la TT-Huế cung cấp)
Hiện các bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn Sao La TT-Huế đang ráo riết cùng Đồn biên phòng Hương Nguyên (huyện A Lưới) tăng cường tuần tra lâm tặc hoặc người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép ở khu vực có cây gõ mật trên để tránh điều đáng tiếc xảy ra.
Được biết thời gian qua, cán bộ ở khu bảo tồn Sao La TT-Huế đã tìm thấy nhiều động vật đặc hữu. Việc phát hiện cây gõ mật lớn trên đã cho thấy tiềm năng đa dạng sinh học rất lớn tại Khu bảo tồn này.
Video đang HOT
Cây gõ mật quý hiếm vừa được phát hiện ở Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên – Huế (Ảnh do Khu Bảo tồn Sao la TT-Huế cung cấp)
Tại Việt Nam, cây gõ mật mọc nhiều ở các tỉnh Gia Lai, KonTum, Đắk Lắk, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai. Đặc biêt ở vùng núi của tỉnh An Giang, cây gõ mật mọc tập trung nhiều ở núi Nam Qui, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn. Loại cây này đã bị khai thác, chặt phá trái phép đến cạn kiệt. Chủ yếu trong rừng chỉ còn những cây có đường kính thân nhỏ, chủ yếu là những cây tái sinh sau nương rẫy.
Đại Dương
Theo Dantri
Khởi công đại dự án đường Hồ Chí Minh qua Huế - Đà Nẵng
Ngày 22/12, tại tỉnh TT-Huế, Bộ GTVT đã chính thức khởi công xây dựng đại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT) đi qua 2 tỉnh TT-Huế và Đà Nẵng.
Đây là dự án giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Đến dự có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng nhiều lãnh đạo Bộ ban ngành, Cục, tỉnh TT-Huế và Đà Nẵng.
Dự án này được phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe, giai đoạn 2 hoàn thành quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Trong đó, tuyến cao tốc dài khoảng 77,06km có điểm đầu là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan ở Km0 giao với ĐT14B tại thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) và điểm cuối ở Km79 800 (điểm đầu dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) tại thị tứ Túy Loan, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Tuyến nối cao tốc có độ dài 4,68km.
Tổng mức đầu tư cho dự án gần 11.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Trên tuyến đường này có tất cả 65 cây cầu, 1 hầm đi qua địa phận 3 huyện: Phú Lộc, Nam Đông của TT-Huế và Hòa Vang của Đà Nẵng. Có tất cả 2.500 nhân công được huy động để làm đường và hàng ngàn triệu mét khối đất đá thi công. Tất cả dồn lực để công trình về đích đúng thời hạn, chất lượng, an toàn để xứng đáng với tên của vị chủ tịch vĩ đại của đất nước.
Các lãnh đạo bấm nút khởi công dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan qua Huế và Đà Nẵng
Được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ GTVT đã lựa chọn Công ty TNHH Đầu tư BT Cam Lộ - Túy Loan là nhà đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT). Nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư dự kiến trong thời gian 5 năm kể từ khi công trình hoàn thành bàn giao và được đưa vào sử dụng từ năm 2006-2020.
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan nhằm hoàn thiện một phần tuyến chính của đường Hồ Chí Minh, kết nối với tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và hòa nhập vào tuyến đường xuyên Á; góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống đường cao tốc Việt Nam. Sau khi hoàn thành, công trình giao thông này sẽ phá thế độc đạo của tuyến đường bộ qua hầm Hải Vân, giải quyết ngập lụt và sự cố trên QL 1A.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh được khởi công ngày 5/4/2000 tại địa phận Xuân Sơn, tỉnh Quảng Bình. Sau hơn 13 năm xây dựng, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc đưa vào sử dụng, khai thác một tuyến đường dài hơn 1.350km từ Hòa Lạc - Hà Nội đến Tân Cảnh - Kon Tum, được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá cao về chất lượng công trình. Giai đoạn 2 đang tiếp tục triển khai, đưa vào khai thác sử dụng một số đoạn tuyến tại Cao Bằng, Phú Thọ, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Cà Mau...
Hiện dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt đối với cuộc sống hàng chục triệu đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây. Rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, miền núi và đồng bằng và hỗ trợ Quốc lộ 1A khi giao thông bị ách tắc trong mùa mưa lũ; đảm bảo an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những khối đất đá đầu tiên được xe múc tiến hành nghi lễ động thổ tại La Sơn, Phú Lộc
Do tính chất quan trọng và ý nghĩa chiến lược của tuyến đường Hồ Chí Minh, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã cho phép huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nối thông đường Hồ Chí Minh. Đồng thời Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 cũng đã thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu để đầu tư xây dựng đồng bộ đường Hồ Chí Minh tại khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Năm Căn - Đất Mũi tỉnh Cà Mau. Riêng đoạn Cam Lộ - Túy Loan được Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, được tách thành 2 dự án thành phần gồm: Cam Lộ - La Sơn (dài 103km, tổng mức đầu tư 14.000 tỷ đồng) và La Sơn - Túy Loan (dài 83km, tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng).
Đại Dương
Theo Dantri
Quần thể voọc mũi hếch quý hiếm lớn nhất thế giới ở Hà Giang Đến tháng 12/2013, quần thể voọc mũi hếch quý hiếm lớn nhất toàn cầu tại khu rừng Khau Ca của tỉnh Hà Giang đã phát triển lên đến 113 cá thể. Ông Hoàng Văn Tuệ, Trưởng Phòng Bảo tồn, Chi cục Kiểm lâm Hà Giang, Trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca cho biết:...