Phát hiện 16 con rắn và 13 trăn kim cương trong vỏ gối
Những con vật được tìm thấy trong vỏ gối vứt đi tại thùng rác sau trạm cứu hỏa Farringdon ở Sunderland, Anh hôm 15/2, theo Guardian.
Hai chiếc vỏ gối chứa 15 con rắn ngô và một con trăn thảm. Sau khi được giải cứu bởi Heidi Cleaver, một điều tra viên Hiệp hội bảo vệ động vật Hoàng gia Anh (RSPCA), những con vật được đưa tới bác sĩ thú y.
Chỉ cách đó vài ngày, 13 con trăn kim cương cũng được phát hiện trong vỏ gối tại cùng địa điểm.
“Tôi không thể tin nổi khi người ta gọi tới và nói rằng lại vừa phát hiện những con rắn mới. Những con rắn bị bỏ trong thù rác và thật may mắn là chúng chưa bị đưa tới bãi rác”, Cleaver nói.
Rắn ngô và trăn thảm được tìm thấy hôm 15/2 tại Sunderland, Anh. Ảnh: RSPCA
Theo bà Cleaver, việc vứt bỏ những con rắn là hành động độc ác và tàn nhẫn. “Thật đáng ngại khi có ai đó có tới 30 con rắn và quyết định bỏ rơi chúng theo cách này. Chúng ta đang ở giữa tâm cơn bão Dennis, nơi những con rắn, vốn cần hơi ấm và ánh sáng để tồn tại lại bị bỏ rơi bên ngoài trong giá lạnh”.
“Những con rắn cũng sẽ rất căng thẳng khi nằm sát nhau như vậy”.
Rắn và trăn vốn là loài động vật hằng nhiệt và không thể sản sinh nhiệt tự thân. Trong môi trường quá lạnh, hệ miễn dịch của chúng có thể bị suy yếu, khiến con vật yếu đi và không thể di chuyển hay tìm kiếm mồi.
Tại thời điểm những con rắn được phát hiện ở Sunderland, Anh, thành phố này vừa được nâng lên mức cảnh báo vàng hôm 16/2 với gió giật 112km/h và giá lạnh do bão Dennis.
Hiệp hội bảo vệ động vật Hoàng gia Anh đang truy tìm người chịu trách nhiệm cho vụ việc trên.
Theo news.zing.vn
Loài đỉa có thể giúp ích trong ngăn chặn virus lây lan trong tương lai
Với đặc tính hút máu, loài đỉa sẽ giúp ích trong cuộc chiến chống nạn săn trộm cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm các chủng virus mới từ động vật hoang dã sang con người.
Ruột đỉa chứa mẫu ADN của các loài động vật chúng hút máu. Ảnh: Shutterstock
Một biện pháp tiên phong nhằm giám sát các loài động vật hoang dã - được phát triển tại trung tâm bảo tồn thiên nhiên Ailao Shan ở Vân Nam, Trung Quốc - có thể trở thành công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh do virus bùng phát. Giải pháp này có thể nằm trong ruột của một loài kí sinh trùng là đỉa.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), sử dụng công nghệ sinh học mới nhất, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Douglas Yu tại Đại học East Anglia (Anh) đã lấy ADN từ máu trong ruột đỉa để xác định chúng đã hút máu những con vật nào và sau đó lập ra mô hình phân bổ động vật hoang dã tại trung tâm Ailao Shan.
Ông Yu cho biết biện pháp phân tích ADN tương tự có thể dễ dàng áp dụng trong việc kiểm tra đường ống thoát nước tại các khu chợ nhằm tìm kiếm bằng chứng về hoạt động buôn bán, giết mổ động vật hoang dã trái phép.
Nhóm nghiên cứu của ông đã phải mất gần 5 năm để nghiên cứu hơn 30.000 con đỉa. Giờ đây họ hy vọng phương pháp này sẽ được ứng dụng để chống nạn buôn bán động vật hoang dã.
Động vật hoang dã vốn là các ổ virus do khả năng thay đổi nhanh chóng về cấu trúc di truyền. Các ổ virus này thường bị lây sang các loài sinh vật khác, trong đó có con người. Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) được cho là bắt nguồn từ loài dơi rồi chuyển sang tấn công cầy hương và sau đó là con người.
Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) đã lây từ tinh tinh sang người vào đầu những năm 1900. Nguồn gốc của 2019-nCoV vẫn chưa được xác định rõ ràng, song tê tê - loài động vật bị buôn bán trái phép nhiều nhất thế giới - được cho là một phần của chuỗi lây truyền nCoV. Các nhà khoa học cho rằng loài dơi có thể đã lây virus này cho tê tê trước khi virus lây nhiễm sang con người.
Việc săn bắt, bẫy và ăn thịt động vật hoang dã sẽ khiến con người nhiễm các ký sinh trùng siêu nhỏ này. Giáo sư Yu nói: "Động vật hoang rất nguy hiểm. Nó tiềm ẩn nguy hiểm khi săn bắt, giết mổ và ăn thịt".
Nhờ công nghệ sinh học mới nhất có thể xử lý đa phân tử ADN cùng lúc, nhóm nghiên cứu do ông Douglas Yu dẫn đầu có khả năng tìm ra sự hiện hữu của động vật mà không cần trông thấy hay chạm vào chúng, từ trong mẫu đất, nước, hoặc mẫu máu được tiêu hóa trong ruột đỉa.
Một vấn đề quan trọng là cần phải biết chính xác loài vật nào sống trong rừng. Bẫy gắn camera có thể là giải pháp song chúng không bắt được động vật nhỏ bé. Đi khắp rừng để kiểm kê động vật hoang dã thì tốn nhân lực và kém hiệu quả bởi đa số loài động vật không muốn xuất hiện trước mắt con người.
Khi đó, loài đỉa - lúc nào cũng thèm hút máu - trở thành công cụ tìm kiếm động vật trong rừng rậm còn tốt hơn cả con người. Chúng không hề kén chọn, hút từ máu ếch cho đến máu gấu. Chúng cũng xuất hiện nhan nhản trong rừng. Du khách đến thăm rừng ở Vân Nam vào mùa hè phải liên tục xử lý đỉa bám vào chân vài phút một lần.
Năm 2015, ông Yu đã bắt đầu mở cuộc thám hiểm các cánh rừng ở Vân Nam tìm kiếm động vật hoang dã thông qua cái dạ dày của loài đỉa với mục tiêu phát triển một biện pháp xác định ADN đáng tin cậy.
Nằm cách Côn Minh 170km, Ailao Shan là khu rừng cổ thụ rộng 6km và trải dài 125km nằm trên núi cao. Xung quanh là đất nông nghiệp, khu bảo tồn này được cho là nơi có đời sống hoang dã nguyên sơ nhất ở Trung Quốc song chưa hề được nghiên cứu đúng cách. Nạn săn bắn trái phép tại đây xảy ra như cơm bữa.
Tê tê có thể nằm trong chuỗi lây truyền dịch bệnh COVID-19 virus. Ảnh: Shutterstock
Các nhà khoa học đã thuê nhân viên kiểm lâm của khu bảo tồn thu thập đỉa trong mỗi chuyến tuần tra. Họ đã trích xuất ADN từ ruột đỉa, sau đó áp dụng phần mềm số liệu tinh vi để so sánh kết quả gen khác nhau giữa các loại động vật trên cơ sở dữ liệu sẵn có - giống như cách công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện nay so sánh hình ảnh khuôn mặt của một cá nhân với hàng triệu người khác.
Kết quả, loài đỉa đã cho thấy tính hiệu quả trong việc xác định các loài động vật đang trú ẩn ở Ailao Shan. Gen di truyền của gấu đen châu Á, hươu nai, khỉ đuôi ngắn, mèo rừng, linh dương đầu bò cũng như vô số loài chim, ếch và cóc đã được tìm thấy trong ruột của đỉa. Danh sách này bao gồm cả những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng lẫn thường xuyên bị săn bắn.
Từ dữ liệu trên, nhóm của ông Douglas Yu đã lập ra một bảng phân bổ động vật tại Ailao Shan. Kết quả thu được trùng lặp cao với hệ sinh thái động vật nơi đây cũng như các ghi chép trước đó. Loài đỉa đã chứng minh được độ tin cậy.
Ông Yu cho biết: "Chúng tôi chắc chắn không lường trước về một đại dịch do virus Corona bùng phát. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố có thể cấm hoạt động vĩnh viên các chợ buôn bán động vật hoang dã cũng như dập tắt hoạt động buôn bán này".
Do đó, biện pháp giám sát chuyên sâu động vật hoang dã của nhóm ông Yu có thể trở thành một phần quan trọng để thực thi lệnh cấm trên. Chuyên gia này cho biết sẵn sàng đóng góp công nghệ sinh học vào cuộc chiến chống nạn buôn bán động vật hoang dã, cũng như góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm các chủng virus mới sang con người.
Theo Giáo sư Yu, việc nền đông y cổ truyền Trung Quốc cho rằng ăn các sản phẩm từ động vật hoang dã có thể bồi bổ sức khỏe, tình hình dịch bệnh hiện nay cho thấy điều trái ngược hoàn toàn.
Ông kết luận: "An toàn nhất là cứ để động vật hoang dã được sống yên ổn và không chuyện gì sẽ xảy ra. Đừng mua bán sản phẩm động vật hoang dã bởi lẽ vô số người sẽ lao vào săn bắt chúng và khiến người khác có thể bị nhiễm virus lạ, sau đó bùng phát một đại dịch khác trong tương lai. Người dân cần hiểu rằng mua thuốc điều chế từ động vật hoang dã, thịt, xương, sừng, vẩy hay da của chúng đều đẩy cuộc sống chúng ta và toàn bộ nền kinh tế vào rủi ro".
Hoàng Trang
Theo Báo Tin tức
Cá sấu đeo lốp xe và những hình ảnh ấn tượng về động vật Những bức ảnh đẹp nhất về động vật thời gian gần đây, trong đó có bức ảnh chú cá sấu bị mắc kẹt 1 chiếc lốp xe trên cổ. Sói xám và quạ trong công viên quốc gia Yellowstone. Tác giả: Danita Delimont. Một con rái cá Alaska hoang dã ở Vịnh Phục sinh ngoài khơi thành phố cảng Seward, miền nam Alaska....