Phạt đội mũ bảo hiểm rởm: trút gánh nặng sang người dân
Với quy định sẽ xử phạt nặng người đội mũ giả, mũ kém chất lượng trong Dự thảo thông tư quy định về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe gắn máy, dư luận đang đặt ra câu hỏi: các cơ quan chức năng đang trút gánh nặng sang phía người tiêu dùng?…
Mũ bảo hiểm rởm tràn lan thị trường
Bà Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng bán MBH số 30 Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Mỗi ngày cửa hàng bán được 30 – 50 chiếc với giá từ 30 – 50.000 đồng/chiếc. Khách mua chủ yếu là thanh niên bởi họ thích mẫu mã đẹp, rất hợp thời trang mà giá bán cũng phải chăng”.
Đi xe “xịn” mua nhưng mua mũ rởm
Video đang HOT
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết MBH bày bán tại cửa hàng chỉ có 2 lớp là nhựa và vải lót mỏng bên trong, không hề có bất kỳ một nhãn tem đăng kiểm hay chỉ số sản xuất nào. Bên ngoài mũ được sơn nhiều loại màu và dán nhiều nhãn mác, biểu tượng khác nhau.
Chủ cửa hàng cho biết: “Lúc mới nhập về MBH còn ở dạng thô, chỉ có sơn màu. Nhãn mác, biểu tượng thì sau đó mới dán vào. Nhãn hiệu dán vào MBH thường là tên các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới hoặc biểu tượng của các đội bóng như MU, Arsenal, Chelsee,… Ngoài ra có thể dán các hoa văn khác cho đẹp thì mới thu hút được người mua”.
Mũ bảo hiểm rởm giá bèo
Trên một số tuyến đường như Lê Duẩn – Giải Phóng, Yên Phụ, đường Láng, Nguyễn Khánh Toàn,… chỉ vài trăm mét đã có từ 7 đến 10 điểm bày bán MBH ngay trên vỉa hè. Mức giá bán dao động từ 20 – 50.000 đồng/chiếc, (trong khi MBH chính hãng của Honda, Yamaha có giá bán từ 150 – 300.000đ/chiếc). Mẫu mã, màu sắc của những loại MBH này cũng khá bắt mắt với nhiều chủng loại phong phú.
Qua mặt các cơ quan chức năng
Một chủ cửa hàng bán MBH giả ở Hà Nội cho biết: MBH bày bán ở Hà Nội được nhập chủ yếu từ hai nơi: một số được vận chuyển ra từ trong TPHCM ra, còn lại chủ yếu nhập từ Trung Quốc về.
Khi được hỏi về vấn đề MBH nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn, ông Nguyễn Thắng Lợi – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho rằng: “Không hề có chuyện đó. Có thì chúng tôi phải biết chứ. Từ trước đến nay chúng tôi chưa bắt gặp trường hợp nào vận chuyển MBH lậu qua biên giới”.
Tuy nhiên qua thâm nhập thực tế, chúng tôi được một đầu nậu chuyên vận chuyển MBH qua biên giới ở thành phố Lạng Sơn tiết lộ: Hầu hết MBH không nhãn mác trên thị trường chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Giá sau khi đã vận chuyển qua biên giới để vào Việt Nam dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/chiếc. Nếu mua với số lượng nhiều từ 10.000 chiếc trở lên thì giá còn rẻ hơn. MBH được nhập về theo đường tiểu ngạch, tập kết tại một số điểm ở Lạng Sơn, rồi mới phân phối đi các tỉnh. Khi về các tỉnh thành, qua nhiều khâu trung gian khác nữa, giá MBH có khi đến tay người mua sẽ tăng lên thành 20 – 60.000 đồng/chiếc.
Để qua mắt các cơ quan chức năng và quản lý thị trường, các lái buôn ở biên giới chỉ “xuất hàng” khi có “khách quen” yêu cầu. MBH được đóng vào các bao hoặc thùng các – tông với số lượng từ vài trăm đến hàng ngàn chiếc, sau đó chở bằng xe tải nhỏ hoặc gửi qua xe khách. Chi phí vận chuyển trọn gói cho mỗi chuyến hàng từ 15 – 20% giá trị hàng vận chuyển.
Trao đổi với Kienthuc.net.vn ông Tô Sơn Hồng – Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 12 (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Vấn đề MBH giả, kém chất lượng bày bán trên thị trường đã có từ lâu rồi nên rất khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý”.
Ông Hồng cũng cho biết thêm: Cơ quan quản lý thị trường cũng có nhiều lần tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng không thể hết vì số lượng các cơ sở bày bán MBH không có nhãn mác quá nhiều. Mặt khác, đa phần những điểm bày bán MBH loại này thường ở các nơi như vỉa hè, trên cầu,… nên khá cơ động, hôm nay bị xử lý nơi này thì hôm sau họ lại chuyển đến địa điểm khác để bày bán.
Còn TS Vũ Thế Long – nguyên Trưởng ban nghiên cứu con người và môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam) bày tỏ quan điểm: “Nếu chỉ lo phạt thật nặng những người dân đội MBH kém chất lượng mà không xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH là một sự vô lý. Nó chẳng khác gì người đi xe mua phải xăng dởm khiến xe bị cháy, thay vì phạt người bán xăng rởm lại phạt người mua phải xăng rởm và bị cháy xe”.
“Để cho các cơ sở buôn bán MBH rởm tràn lan, không kiểm soát được chất lượng thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các cơ quan chức năng quản lý thị trường vì đã làm không tốt vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình. Chỉ lo phạt người dân đội MBH rởm thì chẳng khác gì cơ quan chức năng đá quả bóng trách nhiệm sang người tiêu dùng” – ông Long nhấn mạnh.
Theo Bee.net.vn