Phạt “dọa ma” trẻ con: Mức nào là đúng?
Theo Nghị định xử phạt “ bạo lực gia đình”, cha mẹ “dọa ma” con, bị phạt 1,5 triệu đến 2 triệu. Nhưng Nghị định xử phạt vi phạm “bảo vệ, chăm sóc trẻ em” lại phạt lỗi này số tiền cao gấp 5 lần.
Việc cha mẹ thường xuyên “dọa ma” con đều bị xử phạt theo 2 Nghị định thuộc lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, mức phạt đối với một hành vi ở 2 văn bản lại “không giống nhau”.
Theo Nghị định 110 từ năm 2009 xử phạt về “bạo lực gia đình”, đang có hiệu lực, hành vi “thường xuyên dọa nạt thành viên gia đình bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần” bị phạt 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Dự thảo Nghị định mới mà Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến gần đây về xử phạt vi phạm an ninh, trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, vẫn giữ nguyên mức phạt cũ.
Nhưng trong Nghị định 144 xử phạt vi phạm về “bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em” vừa được ban hành, hành vi “thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, con vật, đồ vật mà người đó hoảng sợ, ảnh hưởng đến tinh thần” lại bị quy định mức phạt cao gấp 5 lần.
Nếu sắp tới, Nghị định do Bộ Công an đề xuất có hiệu lực, thì cả 2 Nghị định cùng có hiệu lực song song. Tuy nhiên quy định xử phạt cùng một hành vi ở 2 Nghị định lại có mức tiền khác nhau.
Theo Nghị định xử phạt “bạo lực gia đình”, cha mẹ “dọa ma” con, bị phạt 1,5 triệu đến 2 triệu. Ảnh minh họa
Nghị định xử phạt về bạo lực gia đình chỉ đưa ra mức phạt 1 triệu đến 2 triệu cho các hành vi “bắt thành viên gia đình lao động quá sức” và “ép buộc thành viên gia đình lang thang xin ăn”. Trong khi đó, Nghị định xử phạt vi phạm chăm sóc, bảo vệ trẻ em lại đưa ra mức phạt hành vi “ép buộc trẻ em xin ăn” cao gấp 5 lần, còn “bắt trẻ em lao động quá sức” bị phạt 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Tương tự, “con cái bất hiếu với cha mẹ, ngược đãi người già cũng bị “vênh” nhau mức xử phạt. Theo Nghị định xử phạt về bạo lực gia đình, hành vi “bỏ mặc, không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu” bị xử phạt 1,5 triệu đến 2 triệu đồng. Nhưng Nghị định mới xử phạt vi phạm về bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em mới được phê duyệt, lại đưa ra mức phạt cho hành vi “không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi theo quy định của pháp luật” là 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Video đang HOT
Nghị định xử phạt vi phạm về “bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em” sẽ có hiệu lực từ 15/12/2013.
Nhiều hành vi bị xử phạt trong các Nghị định nói trên đều được quy định, thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND các cấp, cơ quan công an tại địa phương,…
Theo Khampha
Vợ kiểm soát tiền chồng: Ai đã bị phạt?
Nhiều hành vi bạo lực gia đình vẫn bị cộng đồng nhìn nhận là chuyện bình thường trong cuộc sống.
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình".
Hầu hết quy định xử phạt trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đã có trong Nghị định cũ từ năm 2009. Nhưng thực tế, các hành vi này vẫn chưa bao giờ hoặc rất hy hữu bị cơ quan có thẩm quyền xử lý. Nhiều ý kiến vẫn cho rằng, nguyên nhân của điều này là do nhận thức của cộng đồng và của cả những người làm nhiệm vụ thực thi.
Nạn nhân không tố cáo
Một số trường hợp đáng chú ý mà chưa bị xử phạt dù đã có quy định là: Phạt đến 1 triệu đồng nếu vợ kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (hoặc ngược lại) hoặc nguồn của gia đình nhằm làm cho người đó cũng như thành viên gia đình phải phụ thuộc về tài chính. Phạt 2 triệu đồng nếu con cái bất hiếu, bỏ mặc, không chăm sóc cha mẹ già yếu, hoặc thành viên gia đình là người tàn tật, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ.
Chồng đánh đập gây thương tích cho vợ hay lăng mạ, chửi bới, chì chiết vợ con hoặc ngược lại, sẽ bị phạt 1 triệu đến 1,5 triệu đồng. Chồng/cha không cho vợ/con tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh; Cha mẹ cưỡng ép hay cản trở con cái kết hôn, ly hôn bằng cách uy hiếp tinh thần, sẽ bị phạt 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Một cán bộ công an quận tại Hà Nội (phụ trách về quản lý hành chính và trật tự xã hội) thừa nhận, tổng kết theo số liệu thống kê từ các phường những năm qua, rất ít trường hợp bị xử phạt hành chính trong bạo lực gia đình.
Theo cán bộ này, chỉ có một số vụ bạo lực gia đình rất nặng đã bị khởi tố, xử lý hình sự. Còn những hành vi như vợ mắng chồng, chồng chửi vợ, có thể vẫn xảy ra thường xuyên nhưng rất khó có căn cứ để xử phạt.
Bà Lê Thị Ngân Giang - nguyên Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (áo sẫm)
Bà Lê Thị Ngân Giang (nguyên Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng đánh giá, thực tế, mới chỉ một vài trường hợp bạo lực thô bạo thể xác bị xử lý hình sự. Còn xử phạt hành chính trong bạo lực về tinh thần, kinh tế đến nay vẫn chưa được thực thi.
Theo bà Giang, bản thân những quy định này có tính khả thi rất kém. Bởi đây là những hành vi thuộc dạng đặc biệt, được khép kín trong môi trường gia đình, liên quan đến khía cạnh riếng tư. Nhiều khi, chính bản thân nạn nhân của việc bạo hành không dám nói ra, không dám tố cáo.
Coi bạo lực là chuyện đời thường
Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn xem nhẹ, chưa có sự quan tâm đúng mức và phản ánh kịp thời với những hành vi này. Không có người tố cáo, phản ảnh, các hành vi trên không bị xử lý và đương nhiên vẫn tồn tại.
Dù các quy định, chế tài này không khà thi, nhưng bà Giang vẫn cho rằng không thể xóa bỏ. Bà Giang cho biết, không phải chỉ Việt Nam mới có những quy định này. Chế tài xử phạt vi phạm lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình đều có ở các nước xã hội phát triển và được thực thi rất tốt.
Theo bà Lê Thị Ngân Giang, những quy định đó chưa khả thi với xã hội Việt Nam hiện nay vì nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhưng những quy định đó không thể bỏ đi trong một xã hội phát triển, văn minh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hoà (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), những hành vi nói trên vẫn diễn ra thường xuyên ở các gia đình Việt Nam mà ít bị xử lý, còn có nguyên nhân là nhận thức của chính cán bộ thực thi ở các cơ quan quản lý.
Chính những cán bộ thực thi quy định đôi khi vẫn nhìn nhận rằng, những hành vi đó chỉ là đời sống sinh hoạt bình thường hằng ngày. Phần đông vẫn quan niệm, những hành vi bị xử phạt trong Nghị định thực chất đã là những hành vi, thói quen tồn tại từ nhiều đời trong gia đình người Việt. Do vậy, ai cũng ngộ nhận đó là những việc làm bình thường, không trái pháp luật.
Bà Hòa khẳng định, để thay đổi một thói quen, một nhận thức cũ là điều không dễ. Có thể phải qua nhiều năm, bằng nhiều biện pháp. Xử phạt không phải là cách duy nhất. Một việc quan trọng là sự giáo dục nhận thức trong cộng đồng. Để người ta thấy được đó là những hành vi xấu, thiếu văn minh. Tự người dân thấy cần phải sửa đổi cách ứng xử để phù hợp hơn với xã hội hiện đại.
Theo bà Hòa, chế tài xử phạt những hành vi này nhất thiết phải có. Nhưng không có nghĩa, chế tài phải được thực hiện ngay. Những chế tài, quy định đó cũng cần thời gian để được phổ biến tới mọi người.
"Xã hội muốn phát triển văn minh, những chế tài xử phạt phải được đề ra, nhận thức của con người phải thay đổi. Giáo dục, phổ biến nhận thức vẫn là điều quan trọng." - Vị Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
Theo 24h
Vợ kiểm soát tiền chồng: Phạt 1 triệu Vợ kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của chồng (hoặc ngược lại) nhằm tạo cho người đó sự phụ thuộc về tài chính, có thể bị phạt 1 triệu đồng. Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Nghị định "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng,...