Phát điên với con
Nói gì cũng trơ trơ ra, vừa bề bộn, ở dơ, lại còn chậm chạp, cố chấp. Mở miệng ra là cãi mẹ xoi xói. Tôi đến phát điên với con.
Bé Su năm nay lớp Chín, đối mặt với kỳ tuyển sinh vào cấp III “gay go còn hơn cả thi đại học”. Tôi cho con học thêm buổi tối ở một trung tâm. Thầy dạy toán ở đó vốn là bạn học cũ của tôi. Một bữa, thầy gọi hỏi thăm đã chuẩn bị tinh thần cho con vào trường nào chưa? Đang bực mình vì nhắc con học bài nãy giờ chưa được, tôi bảo: “Nó vừa dở vừa lười, thôi kệ tới đâu thì tới”.
Đoạn sau là những phân tích thuần chuyên môn của một người trực tiếp kèm cặp Su học. Rằng thật ra Su không phải đứa trẻ chậm chạp hay làm biếng. Khả năng tiếp thu, tư duy nắm bắt của Su rất tốt. Mẹ đừng nên nghĩ Su như vậy. Điều quan trọng nhất là, mẹ hãy tin tưởng vào con.
Sau câu nói đó của thầy giáo là một khoảng lặng của riêng tôi. Bất ngờ. Ngại ngần. Xấu hổ. Không biết phải nói sao cho đúng nữa. Bao nhiêu nỗi ân hận vừa ngang qua lòng mình.
Bé Su có lẽ còn khá hơn cả lời nhận xét của người thầy giáo thân thiết kia. Là một cô bé nhạy cảm, có tư chất, nhưng Su cũng thừa hưởng đâu đó cái tính bốc đồng, ham chơi của đa số đám nhóc bây giờ. Con bé cũng chỉ ưa ngọt ngào, không thích bị mẹ xẵng giọng la mắng. Mà tôi thì…
Nhiều lúc, tôi tự bào chữa rằng, cuộc sống bây giờ bao điều lo toan. Mình đã bận rộn kiếm tiền rồi, về tới nhà rất mệt mỏi, mà con cái thì lì lợm, vô tâm. Nói gì cũng trơ trơ ra, vừa bề bộn, ở dơ, lại còn chậm chạp, cố chấp. Mở miệng ra là cãi mẹ xoi xói. Tôi đến phát điên với con.
Nhiều lần đã cố nhẹ nhàng khuyên nhủ, nhưng hai mẹ con cứ nói tới là ầm ĩ, tôi cũng đành bỏ cuộc. Đã có lần, tôi thở dài than với bạn rằng, hình như hai mẹ con tớ khắc khẩu, chuyện gì cũng bất hòa, chẳng thể nào vui vẻ với nhau được một lúc.
Mười bốn tuổi, Su khá phổng phao, thích ôm điện thoại, ngại ăn, có những mối quan hệ bạn bè kín đáo đâu đó. Tôi luôn thấy mình không thể nào tin tưởng hoàn toàn vào con được, đặc biệt là sau vài lần con bé lấp liếm nói dối hoặc gây ra chuyện ở trường. Con nói một đằng, cô giáo kết tội một nẻo, bạn bè của con đôi chối thêm một đằng nữa.
Video đang HOT
Cái nỗi khổ đang ở chỗ làm thấy cô chủ nhiệm của con gọi điện mắng vốn ấy, phải trải qua rồi mới có thể thấu hiểu, đồng cảm. Lo âu. Quê độ. Tức giận. Muôn bậc cảm xúc của một bà mẹ khốn khổ, không có cái phần phước sinh được một đứa con gái nhu mì hiểu chuyện, thân tình chia sẻ cùng mẹ như hai người bạn với nhau…
Tôi từng nhìn những cặp mẹ con khác mà ao ước. Sao con gái họ thuần tính, hồn hậu, dịu dàng, sạch sẽ phát mê như thế chứ. Sao mà bé Su nhà tôi lại cá biệt tới chừng này. Sao mà nó cứ thích đối đầu mẹ suốt, làm gì cũng chướng mắt tôi, bảo gì cũng chẳng chịu vâng lời. Tôi đã làm sai chỗ nào mà phải chịu đựng một đứa con gái dở ương khó dạy tới ngần này!
Hỏi một chị đồng nghiệp: “Chị quản con gái cách nào hay vậy? Sao nó thân thiết với mẹ tới phát hờn, không ngang ngược lạnh lùng với mẹ như Su nhà tôi thế?”. Chị mới chia sẻ, rằng hãy dành thời gian cho con thật nhiều. Hỏi han kề cận bên nó. Nắm rõ bạn bè con y như bạn mình. Thời khóa biểu, lịch học của con mình thuộc như sổ tay công tác của mình. Tủ đồ của nó mình cần quen thuộc y như các món quần áo trang sức vật dụng của mình.
Phải như vậy thì mới có thể gần gũi, thâu tóm tâm tư tình cảm của một đứa con gái mới lớn. Chứ nào phải đơn giản đâu mà lầm! Điều quan trọng nhất, là hãy động viên và tin tưởng ở con. Con cái chúng ta rất giỏi, nó có thể làm được, bao quát được, tự quyết định được. Hãy nhìn vào những điều tích cực của con mà lạc quan lên nào!
Tôi giật mình. Bấy lâu nay, tôi dường như đã “soán quyền” của Su nhiều quá. Áp đặt rồi thất vọng, mắng mỏ la hét. Tôi đã quên mất cảm xúc độc lập của một cô gái nhỏ. Tôi để suy nghĩ của một phụ nữ nhiều hoài nghi từng trải tràn vào tâm tưởng đầy chán ngán. Tôi quên mất, Su vẫn là một cô bé hoàn toàn có thể tự khẳng định mình.
Hãy tin tưởng ở con. Một câu đơn giản thế thôi, mà tôi thì mãi loay hoay chưa tìm ra lời giải.
Người cha đơn thân xoay xở với 10 con trai giữa đại dịch
Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến hàng triệu phụ huynh trên khắp thế giới gặp khó khăn khi cho con học tập tại nhà. Thế nhưng, một người cha ở Seoul đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt của mình.
Gà trống nuôi dạy 10 đứa con
Kim Tae-hoon, 45 tuổi, là cha nuôi của 10 cậu bé Triều Tiên không có cha mẹ, đứa nhỏ nhất mới 10 tuổi, lớn nhất 22 tuổi. Thông thường "bầy con" của anh Kim đều ở trường nhưng từ tháng 4/2020, Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển sang giảng dạy trực tuyến.
Vào buổi học từ xa đầu tiên, anh Kim đưa các con đến một cái bàn lớn trên tầng hai, nơi có wifi mạnh nhất và để mỗi em tự đeo tai nghe, tránh lẫn lộn âm thanh với nhau. Dù vậy, cả nhà vẫn bỡ ngỡ trước hệ thống trực tuyến xa lạ và các thiết bị công nghệ mới thuê từ văn phòng giáo dục địa phương.
Các chàng trai của gia đình anh Kim vui đùa trong một chuyến dã ngoại gần đây
Việc đăng nhập của hai trong số những cậu bé học cùng cấp bị xáo trộn và Geum-seong (15 tuổi) - đứa trẻ vừa trốn khỏi Triều Tiên một năm trước, cần sự giúp đỡ nhiều hơn những người khác.
Trong khi đó, Jun-seong, con út trong gia đình, bị cha mắng vì xem YouTube trên máy tính bảng thay vì chú tâm học. Dù vậy chỉ hai ngày sau, Kim Tae-hoon nói rằng các chàng trai đã ổn dưới sự giám sát chặt chẽ của anh.
Tám trong số những đứa con của anh Kim đã vượt qua biên giới mà không có người lớn đi kèm, một mình hoặc với anh chị em và không có người thân nào ở Hàn Quốc. Kim giải thích: "Các gia đình gửi con đến Hàn Quốc để tìm cuộc sống tốt hơn. Nếu những đứa trẻ còn quá nhỏ, chúng thậm chí còn được cõng trên lưng của người môi giới".
Theo Bộ Thống nhất hai miền Triều Tiên, đã có 33.658 người rời Triều Tiên đến Hàn Quốc tính đến tháng 3/2020, trong đó khoảng 15% từ 19 tuổi trở xuống. Kể từ năm 2017, chính phủ ghi nhận ít nhất 96 trẻ em vượt qua biên giới mà không có cha mẹ.
Kim Tae-hoon không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành người chăm sóc cho 10 cậu con trai. 15 năm trước, anh làm việc trong ngành xuất bản và dành thời gian rảnh rỗi tham gia tình nguyện tại Hanawon - cơ sở tái định cư do chính phủ điều hành ở Seoul, nơi tất cả những người chạy trốn từ Triều Tiên sống trong ba tháng, tham gia khóa học để chuẩn bị hòa nhập xã hội.
Tại đây, anh Kim gặp một cậu bé tên Ha-ryong (khi ấy 10 tuổi). Mẹ của Ha-ryong tìm được một công việc xa nhà nên phải để con trai ở lại một mình; cậu bé đề nghị anh Kim làm người trông nom và đó là bước ngoặt của cuộc đời anh. Từ đó, anh Kim tiếp tục nhận thêm trẻ em từ Triều Tiên, từng người một. Cậu con trai sống cùng anh lâu nhất cho đến tận hôm nay là Cheol-gwang. Cậu bé đến Hàn Quốc vào đêm Giáng sinh năm 2012, lúc chỉ mới 11 tuổi.
Cheol-gwang và chị gái ban đầu cố gắng trốn thoát cùng mẹ nhưng bị bắt lại và giam giữ. Cậu được thả ra một mình và người chị gái cũng được thả ba tháng sau đó, nhưng mẹ của cả hai không bao giờ xuất hiện trở lại. Cuối cùng, Cheol-gwang và chị gái cũng trốn thoát thành công sang Hàn Quốc. Geum-seong thừa nhận rằng lúc đầu cậu rất sợ anh Kim.
Khi số thành viên gia đình tăng, anh Kim đến đăng ký với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để thành lập "nhà tập thể" - hình thức tổ chức nhỏ nhất của quốc gia có thể cung cấp nơi ở cho trẻ em mà không cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ thay thế. Dù vậy theo anh, "những đứa trẻ nghĩ về nơi đây như một ngôi nhà thực sự, không phải là một cơ sở xã hội".
Các chàng trai của gia đình anh Kim vui đùa trong một chuyến dã ngoại gần đây
Ban đầu, cha mẹ của Kim Tae-hoon một mực phản đối quyết định của anh, thậm chí cắt đứt mọi liên lạc suốt vài năm, nhưng cuối cùng họ đã chấp nhận và giờ trở thành những người ủng hộ nhiệt tình nhất, coi các cậu bé như cháu nội của mình.
Công tác hậu cần tại nhà là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng Kim vẫn muốn tự mình làm tất cả các công việc. Anh kể: "Phần khó nhất là mua sắm hàng tạp hóa. Khi bạn có bầy con là những cậu bé đang lớn, chúng ăn như ngựa! Tôi chất đầy giỏ hàng của mình với số lượng lớn thực phẩm, nhưng tất cả đều sẽ biến mất chỉ sau một ngày". Thức ăn được anh đóng gói cẩn thận trong sáu tủ lạnh. Hai máy giặt chạy không ngừng mỗi ngày và anh Kim cần hút bụi quanh nhà liên tục.
Tuy mệt mỏi, anh ấy không yêu cầu các chàng trai giúp đỡ gì khác, bởi anh tin rằng điều quan trọng nhất là các con được nuôi dưỡng tốt: "Tôi không yêu cầu chúng bất cứ điều gì khác ngoài việc lớn lên và biết cách cư xử đàng hoàng. Đó là những gì tôi từng được cha mẹ nuôi dạy". Bởi phải quán xuyến rất nhiều nhiệm vụ trong nhà, anh Kim không thể chọn cho mình một công việc toàn thời gian.
Gia đình lớn của anh Kim sống ổn nhờ một số phúc lợi của chính phủ và hỗ trợ từ doanh nghiệp. Dù vậy, anh nói rằng mình không cảm thấy thoải mái khi nhận trợ giúp tài chính; do đó, gần đây anh đã mở một quán cà phê nhỏ trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập về kinh tế.
"Chúng tôi là một gia đình"
Tài chính không phải thách thức duy nhất mà gia đình lớn của anh Kim phải vượt qua. Sự kỳ thị mới chính là điều khó khăn hơn cả. Ban đầu, anh Kim chuyển nhà khá đều đặn do tiền thuê nhà tăng hoặc cần nhiều không gian khi có thêm con và mỗi lần như vậy đều tạo ra sự chú ý không mong muốn. Một lần, gia đình thậm chí còn bị cảnh sát đến hỏi thăm vì bạn học của một trong những đứa trẻ cáo buộc cậu bé là gián điệp từ Triều Tiên.
Hình ảnh Triều Tiên trong các bức vẽ từ ký ức của những cậu con trai nhà anh Kim
Anh Kim thổ lộ: "Khi người Hàn Quốc nghe rằng ai đó đến từ Triều Tiên, họ có xu hướng hoài nghi, một số thậm chí còn tỏ ra thù địch. Thật buồn khi những đứa trẻ của tôi vẫn còn là thanh thiếu niên. Đáng lẽ chúng không nên bị phán xét dưới góc độ chính trị". Trong thực tế, nhiều đứa trẻ gốc Triều Tiên không thể học tại trường chính thống ở Hàn Quốc do sự kỳ thị, nhưng anh Kim tin rằng có bạn bè là người Hàn Quốc và tạo ra những kỷ niệm tại trường học bình thường sẽ là một tài sản quý giá đối với những đứa trẻ của anh.
Bảy năm trước, một trong những cậu con trai, Jin-beom, quyết định ứng cử vị trí chủ tịch hội học sinh. Giáo viên của Jin-beom gọi cho Kim, nói rằng nhà trường lo lắng cậu bé sẽ gặp rắc rối với bạn bè, nhưng Kim khẳng định con anh sẽ buồn hơn nếu không được giáo viên ủng hộ. Cuối cùng, cậu bé đã được các học sinh khác bầu chọn.
Mỗi năm, gia đình anh Kim chọn một dự án để làm cùng nhau. Đôi khi đó là một triển lãm nghệ thuật và đôi khi là một vở nhạc kịch. Gần đây nhất là cuốn sách du lịch giới thiệu những bức ảnh mà các chàng trai trẻ chụp về phong cảnh Hàn Quốc.
Anh Kim kể: "Các con tôi nói rằng chúng tò mò về hai điều khi còn ở Hanawon. Một là Hàn Quốc trông như thế nào... và hai là liệu người dân có thích chúng hay không? Vì vậy, gia đình quyết định ghi lại cảnh quan Hàn Quốc khi đi du lịch". Sau đó, anh và các con sẽ quyên tặng bản sao của cuốn sách cho trẻ em ở Hanawon để giúp chúng vượt qua nỗi sợ về những điều chưa biết.
Dưới sự chăm sóc tận tình của anh Kim, những đứa trẻ rất lạc quan về tương lai ở Hàn Quốc. Tham vọng của các cậu bé bao gồm trở thành người viết truyện tranh, kiến trúc sư và vận động viên điền kinh. Ha-ryong, cậu bé đầu tiên anh nhận nuôi, đã rời đi và đang học năm cuối đại học ngành xã hội học. Dù bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, Kim nói rằng cánh cửa căn nhà của anh sẽ luôn mở, bởi "chúng tôi là một gia đình".
Mẹ chồng hí hửng xếp cả va li quần áo cho cháu đích tôn về ngoại, tôi điếng người khi vô tình nghe được lời thì thầm trong phòng ngủ Tôi vừa đi làm về đã thấy mẹ chồng chủ động xếp quần áo vào chiếc va li nhỏ của cháu nội ở phòng khách. Tôi ngơ ngác thì bà cười tươi rói, bảo: "Này Minh, con đưa cháu nó về ngoại đi. Mẹ chồng tôi không giống những người khác. Bà không giữ con dâu hay cháu đích tôn, vì thế khi...