Phạt đến 3 triệu đồng nếu ra đường khi không cần thiết
Theo Chỉ thị 17 của thành phố Hà Nội, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, khẩn cấp hoặc đi làm đối với ngành, nghề được hoạt động bình thường.
Trước những diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng virus Delta có tốc độ lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm. Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Chỉ thị thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố.
Theo tinh thần chung của Chỉ thị 16, Hà Nội thực hiện cách ly toàn xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn thông báo công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ; tổ chức trực ban 24/7 đảm bảo kịp thời giải quyết các công việc cấp bách trong mọi tình huống. Trong trường hợp vi phạm sẽ tiến hành xử phạt.
Tại Điều 12, Nghị định 117/2020 quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người dân ra đường không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng do “không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”. Việc không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2 m nơi công cộng cũng sẽ bị xử phạt 1 – 3 triệu đồng do vi phạm điều khoản trên.
Những hành vị chủ quan, không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt
Cũng theo nghị định này, khi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế; Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch cũng bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Như vậy, người dân tập trung quá số người theo Chỉ thị giãn cách xã hội taị nơi công cộng sẽ bị xử phạt hành chính 10 – 20 triệu đồng/người.
Về thẩm quyền xử phạt, theo Nghị định 117/2020 gồm: chủ tịch UBND cấp xã/phường (xử phạt đến mức 5 triệu đồng), Chủ tịch UBND quận/huyện/TP, Chánh thanh tra Sở Y tế, trưởng công an cấp quận/huyện, trưởng phòng công an cấp thành phố…