Phát cơm, nước cho người về miền Tây
Nhiều nhóm thiện nguyện phát thức ăn, chở phụ nữ mang thai, trẻ em về quê sau một ngày ở chốt giáp ranh TP HCM và Long An.
Chiều 1/10, hàng nghìn người dân vẫn đứng trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, chờ về các tỉnh miền Tây sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách.
Phía trước, hàng rào cứng được lực lượng chức năng dựng ngang đường, ngăn toàn bộ xe qua. Dòng xe tập trung ở cả hai chiều đường, kéo dài hơn 100 m.
Trước đó, từ tối hôm trước, người dân đã tấp nập về quê và bị chặn lại ở cửa ngõ phía Tây thành phố. Chính quyền sau đó phối hợp các tỉnh thành dùng xe buýt, ôtô tải đưa người chạy xe máy từ thành phố về quê.
Phải chờ đợi nhiều giờ khiến nhiều người mệt mỏi. Người dân hai bên quốc lộ 1A đã phát cơm, nước, sữa, trái cây, áo mưa… cho mọi người.
“Sáng giờ tôi phát hết ba xe ba gác nước suối rồi. Chưa khi nào thấy đường về quê với bà con lại nhọc nhằn vậy. Đại dịch khiến họ thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, mình giúp được tí nào đỡ chút ấy”, anh Khá nói, trong lúc đưa nước cho người dân.
Anh Huynh mang khay nhựa đựng những phần cơm miễn phí, len lỏi vào rào chắn để lo bữa trưa cho hàng nghìn người đang chờ về quê.
“Tôi chỉ kêu gọi mọi người trong nhóm nấu được vài trăm suất mà dân về quê nhiều quá, không đủ lo hết được”, anh Huynh nói.
Trung đoàn cảnh sát cơ động TP HCM phát hàng trăm ổ bánh mì cho người dân lót dạ vào trưa cùng ngày.
Lực lượng dân quân của thị trấn Tân Túc thay phiên nhau phát cơm, bánh mì, sữa… cho người dân.
14h, trời đổ mưa nhẹ, chị Trần Thị Vân Châu mang hơn 200 áo mưa phương tiện đi phát. “Tôi còn chuẩn bị thêm trái cây, chiều nay nếu vẫn còn nhiều người chưa về quê được thì sẽ lại nấu cơm cho họ”, chị nói.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, mang bầu 8 tháng được cảnh sát giao thông hỗ trợ lên xe của đoàn thiện nguyện ở huyện Bình Chánh để về quê.
Đoàn thiện nguyện đã huy động gần 20 xe bán tải, ôtô 16 chỗ để chở những phụ nữ mang thai, người khuyết tật, phụ nữ có con nhỏ về quê. Trước khi lên xe, người dân phải có xét nghiệm âm tính nCoV.
Trong trang phục bảo hộ, tài xế Phạm Văn Thái tất bật hướng dẫn mọi người lên xe, xếp chỗ ngồi. Anh cho biết, ôtô đã đăng ký hoạt động thiện nguyện với Thành đoàn TP HCM. “Hôm nay xe chở người dân về nơi cách ly tập trung tại các tỉnh. Xe chạy suốt không dừng, chúng tôi cũng chuẩn bị đồ ăn, nước uống để bà con lót dạ”, nam tài xế nói.
Được chồng chở ra chốt từ sáng để về huyện Châu Thành, Trà Vinh, chị Nguyễn Lam Hồng Phương cùng ba con chờ gần chục tiếng trước khi được lên ôtô.
Chị Phương sinh non 6 tháng nên phải lên thành phố chạy chữa gần một năm nay chưa về quê, chồng phải đi bán cá dạo để trang trải. “Con tôi từ lúc sinh tới giờ hơn 8 tháng chưa được gặp ông bà nội. Dịch không có tiền thiếu thốn đủ thứ. Về quê là đường cùng rồi”, người phụ nữ 30 tuổi nói.
Hầu hết người dân đều được lấy mẫu tại chỗ để đủ điều kiện qua chốt. Hơn 30 nhân viên y tế chia thành nhiều nhóm để xét nghiệm nhanh Covid-19 cho mọi người.
Đến 18h vẫn còn đông đúc người kiên nhẫn chờ đợi trên đường để qua chốt rời TP HCM.
Dòng người từ TP HCM đổ về miền Tây bắt đầu từ chiều 30/9, sau khi thành phố công bố nới lỏng giãn cách. Hàng nghìn người chạy xe máy từ nhiều ngả đã đổ về chốt kiểm soát trên quốc lộ 1, giáp ranh khu vực Long An nhưng bị chặn lại.
Với quy định mới, chính quyền nới lỏng đi lại ở nội đô nhưng vẫn không cho phép người dân tự ra khỏi thành phố. Lãnh đạo thành phố lý giải việc kiểm soát này nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả người dân vì mỗi tỉnh diễn biến dịch và độ phủ vaccine khác nhau. Người dân cần phải về quê phải đi theo tổ chức để tránh lây lan dịch bệnh.
Trong công điện chiều 30/9, Thủ tướng yêu cầu UBND TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An tiếp tục kiểm soát người ra vào, không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn. Việc đưa, đón người ra vào khu vực này phải được chính quyền các tỉnh thành liên quan thống nhất, tổ chức an toàn, chu đáo.
Người kẹt ở chốt cửa ngõ TP HCM được chở về quê, ngày 1/10. Video: Điệp Khang – Giang Anh