Phát biểu quan trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trong lần đầu tiên chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã có phát biểu mạnh mẽ. PLO xin trích đăng.
Nhìn về tâm tư, mong mỏi và dư luận xã hội thì lĩnh vực xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng được Nhân dân, cán bộ đảng viên đồng tình, đánh giá cao, cho đây là một nhân tố làm tăng lên niềm tin của Nhân dân với Đảng, chế độ.
Một không khí đang lan tỏa trong toàn xã hội. Mỗi lân họp Ủy ban Kiểm tra hay có tòa tuyên xử là nhân dân rất quan tâm. Nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng, liệu xây dựng Đảng, chống tham nhũng ấy có duy trì được không? Có tiếp tục làm mạnh không hay chùng xuống? Đấy là tâm lý có thật, chính đáng, là sự ủng hộ chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa.
Trên thực tế, sáu tháng qua chúng ta không hề dừng lại, không hề ngơi nghỉ, mà làm ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu, có hiệu quả cao hơn, và cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý.
Có vùng cấm không? Có ngoại lệ không? Có vùng cấm không? Rõ ràng không. Thậm chí làm quyết liệt, mạnh mẽ, có bài bản hơn. Bao nhiêu vụ lớn, bao nhiêu vụ các đồng chí lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật đây, bao nhiêu đồng chí Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương bị kỷ luật đấy. Tướng trong quân đội, trong công an bị đấy. Gần đây nhất thi hành kỷ luật nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đây. Các vụ khác đang làm cả. Có cái công bố được, có cái chưa công bố được.
Trước tâm lý ấy, chúng ta phải làm sao để Nhân dân hiểu rõ. Mà không cách gì khác, không chỉ nói mà phải làm quyết liệt hơn nữa. Duy trì cái này ngày càng nhuần nhuyễn, bài bản hơn.
Pháp luật và nguyên tắc Đảng
Về phương pháp, tôi đã nói nhiều lần rồi. Nếu như chưa có thống nhất cao thì ta theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Không phải chỉ căn cứ vào mỗi luật pháp, mà phải căn cứ vào ý thức Đảng, nguyên tắc tổ chức của Đảng. Cách làm phải theo tập thể, không cá nhân nào được lèo lái chỗ này.
Như tôi bảo, bây giờ không phải anh nào muốn không làm mà được. Anh lảng tránh cũng không được, kể cả đó là cơ quan có đủ quyền lực. Cơ chế buộc anh phải thế. Đấy là kinh nghiệm quý.
Mấy nay các đồng chí làm như vậy: thống nhất, ra văn bản để cơ quan điều tra làm. Điều tra làm theo luật pháp. Ý kiến khác nhau thì đưa ra bàn. Mà còn nhiều ý kiến khác nhau thì theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Bàn cho kỹ đi, nhưng phải đi đến kết luận. Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Đảng lên trên hết.
Video đang HOT
Chống tham nhũng ngay trong cơ quan PCTN
Tôi nói rồi, phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng mà. Cá nhân anh dính vào đây, có động cơ gì thì tôi xử cả anh. Anh vướng vào quan hệ thân quen, tìm mọi cách bênh che, muốn xóa nhẹ nó đi? Không được! Gia đình, vợ con anh vướng vào, anh tìm mọi cách cũng không được! Tôi phải nói thẳng như vậy. Đây là kinh nghiệm làm, cũng là hướng sắp tới. Tôi nói lại, loại trừ động cơ cá nhân ở đây đi. Anh trong sáng mấy mà nếu vì cái chung thì phải theo nguyên tắc tập thể.
Tôi muốn nói sâu cái này vì đó là bài học, thành bài, thành nếp. Không làm không thể được. Lò cháy lên rồi không ai ngoài cuộc được. Ngược cái anh lộ ran gay. Trong Ban Chỉ đạo anh ngược cái là lộ ra ngay, có biểu hiện gì đó tôi kiểm tra anh ngay. Có được không? Ủy ban Kiểm tra vào kiểm tra ngay!
Về phương hướng sắp tới, tinh thần là phải tiếp tục làm, làm quyết liệt, làm tập trung, dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những địa bàn trọng điểm. Toàn Đảng, toàn dân quyết tâm. Không có chuyện dừng lại hay ngập ngừng. Mà cũng không thể ngừng lại được. Đây là yêu cầu của cách mạng, yêu cầu, tình cảm của Nhân dân, mong muốn của Đảng ta.
Phải khẳng định quyết tâm ấy. Còn trong chúng ta có ai dao động, ngập ngừng thì tự giác báo cáo, xin tự thôi đi! Phải quyết tâm như thế, và truyền tinh thần này xuống dưới.
Chúng ta ngồi đây trước hết phải mẫu mực để phòng chống tham nhũng. Nếu đồng chí nào dây vào đây thì phải chống tham nhũng ngay trong các đồng chí chống tham nhũng.
Miễn là mình thật trung thực với Đảng, với Nhân dân. Có thật lòng không? Làm vì nước vì dân, thì không sợ! Tôi nói vậy có đạo lý không, nói xuông không, hay thực tế cuộc sống đòi hỏi như thế? Dân người ta biết hết ý mà.
Xử nghiêm, không sợ thiếu người làm
Nhân dịp chuẩn bị đại hội các cấp, chúng ta phải kiểm tra cái này, tạo điều kiện cho cấp ủy ở đấy chuẩn bị tốt hơn, xây dựng báo cáo chính trị và đặc biệt công tác nhân sự. Tôi nói rồi, dứt khoát không để lọt người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, suy thoái đạo đức, chính trị, lối sống vào đại hội sắp tới. Nơi nào để xảy ra cái này thì kỷ luật đi!
Tôi nói rồi, có dấu hiệu vi phạm là phải kiểm tra. Kiểm tra có vấn đề thì không đưa vào cấp ủy. Thời buổi rồi, không như vậy thì làm thế nào? Đang có tâm lý chờ đợi xem sắp tới ông ấy có làm quyết liệt không, hay là tình hình sẽ thay đổi thế này thế khác? Không có đâu! Ai làm thì cũng phải thế thôi.
Họp Trung ương tôi đã nói rồi. Hôm nào họp tôi còn nói nữa. Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi. Không sợ thiếu cán bộ.
Có người lo làm thế thì lấy đâu người làm? Cứ thử đi xem có người làm không? Tôi tin là có người làm. Không thiếu người tận trung với Đảng, tận hiếu với dân đâu. Làm để giữ uy tín chứ không sợ mất uy tín. Càng ché giấu càng mất uy tín.
Theo NGHĨA NHÂN (Theo VTV)
Không khoan nhượng với tham nhũng, nhân văn với người khắc phục hậu quả
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, không khoan nhượng với tham nhũng, nhưng cũng rất nhân văn với những người tự giác nhận tội, ăn năn hối lỗi, chủ động khắc phục hậu quả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chống tham nhũng "không có vùng cấm".
Sáng 21/1, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ 15 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2018 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là năm 2018, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả toàn diện.
Trong đó, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc về tham nhũng, kinh tế đồng bộ, hiệu quả, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý sai phạm có sức cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Năm 2018 cấp ủy, ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 650 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã thi hành kỷ luật 38 cán bộ, đảng viên diện Trung ương quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán có nhiều cố gắng, quyết liệt. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 319 ngàn tỷ đồng, hơn 7.200 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với 5.932 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 311 vụ, 481 đối tượng. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" bước đầu được khắc phục; nhiều địa phương, bộ ngành đã tích cực phát hiện, xử lý tệ "tham nhũng vặt".
"Công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế, phong trào; tham nhũng được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi, để lại dấu ấn tốt đẹp, củng cố thêm niềm tin, góp phần quan trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tạo khí thế mới, niềm tin mới và cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Nhân văn với những người tự giác, ăn năn hối lỗi
Nguyên nhân đạt được kết quả trên, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, những kết quả đã đạt được, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ban Chỉ đạo quyết tâm rất cao, chỉ đạo quyết liệt, với cách làm khoa học, chặt chẽ, bài bản, phối hợp nhịp nhàng, từng bước chắc chắn, rõ đến đâu xử lý đến đó, công khai, minh bạch; không khoan nhượng với tham nhũng, nhưng cũng rất nhân văn với những người tự giác nhận tội, ăn năn hối lỗi, chủ động khắc phục hậu quả...
Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo có nhiều nỗ lực, cố gắng, quyết liệt, làm tốt nhiệm vụ tham mưu chỉ đạo, đôn đốc, điều phối hoạt động của các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng.
Sự phối hợp nhịp nhàng, quyết tâm vượt bậc của các cơ quan: Nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là sự đồng tình, ủng hộ, khích lệ của nhân dân; sự chủ động vào cuộc rất tích cực của báo chí, đã tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng chống tham nhũng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: Năm 2019 và những năm tới cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp; nhân dân đòi hỏi công tác phòng chống tham nhũng phải tiếp tục quyết liệt. Vì vậy, không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đạt được, mà vẫn phải kiên trì, tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, đẩy mạnh hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Năm 2019 phải đạt kết quả tốt hơn năm 2018, ở các cơ quan, các ngành, lĩnh vực; vừa xây dựng, hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách, vừa cụ thể hóa để triển khai thực hiện; vừa xem xét, xử lý nghiêm những vụ việc đang làm, vừa kịp thời phát hiện những vụ việc mới, chú ý các khâu như thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại, bảo đảm thi hành án, xử lý nghiêm hành vi tư lợi, chiếm đoạt, chống "tham nhũng vặt"...
Về nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Năm 2019, Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, truy tố 22 vụ án, xét xử sơ thẩm 27 vụ án, xét xử phúc thẩm 10 vụ án và kết thúc xử lý đối với 43 vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo; khắc phục các khâu, lĩnh vực còn yếu, các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa phòng chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt"; tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, báo chí trong phòng chống tham nhũng...
THANH AN
Theo Dansinh
Tổng Bí thư yêu cầu kết thúc điều tra 21 vụ án trong năm 2019 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong năm 2019, tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 21 vụ án, truy tố 22 vụ án, xét xử sơ thẩm 27 vụ án Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (ảnh TTXVN). Sáng 21.01, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng...