Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại họp báo với Tổng thống Philippines
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu tại họp báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 21.5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi họp báo sau Hội đàm Việt Nam-Philippines chiều 21.5 – Ảnh: VGP – Nhật Bắc
Tôi và Ngài Tổng thống Aquino vừa có buổi hội đàm rất thực chất và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Chúng tôi đã kiểm điểm tình hình hợp tác giữa hai nước và cùng nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hai Bên đều coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với nhau và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác theo tinh thần “Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo”, cũng như các thỏa thuận cấp cao đã có giữa hai nước.
Trước hết, chúng tôi nhất trí triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đã đạt được; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong chương trình Hành động Việt Nam – Philippines giai đoạn 2011-2016 đúng thời hạn; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thông qua các cơ chế Ủy ban hợp tác song phương; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; hợp tác ở các kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân nhằm thắt chặt hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, trong đó có việc xúc tiến lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Philippines và Hội Hữu nghị Philippines – Việt Nam.
Tôi và Ngài Tổng thống Philippines cũng đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được về quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Dẫn độ; nghiên cứu thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm hậu cần, công nghiệp quốc phòng; tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng an ninh như ADMM, ADMM , ARF… Chúng tôi cũng tái khẳng định hợp tác biển đại dương là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp lập trường, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, Nhóm Chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển, khí tượng thủy văn và bảo vệ môi trường biển.
Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và các lĩnh vực khác, chúng tôi nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2016; tạo thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư; tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ… đồng thời khuyến khích tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và du lịch…
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hiện có, chúng tôi nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam- Philippines, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện lên tầm cao mới theo đó, chúng tôi nhất trí lập Ủy ban công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ Đối tác chiến lược, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực để sớm trình Lãnh đạo Cấp cao hai nước quyết định.
Bên cạnh hợp tác song phương, chúng tôi cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Video đang HOT
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác, phấn đấu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Về tình hình Biển Đông, tôi và Ngài Tổng thống cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.
Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cuộc hội đàm giữa tôi và Ngài Tổng thống Philippines đã thành công tốt đẹp, chúng tôi đã đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới.
Xin cảm ơn.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Nhật ký Hoàng Sa: Lao về "tọa độ nóng"
Những ngày giữa đầu tháng 5, miền Trung nóng như chảo lửa nhưng cũng không át được cái "nóng" từ phía Hoàng Sa, nơi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép. Mấy ngày Hoàng Sa "nóng", anh em báo chí miền Trung cứ nhốn nháo tìm đường ra Hoàng Sa, dù biết nơi ấy là hiểm nguy. Mặc kệ, phải đến với Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc.
Đi Hoàng Sa tác nghiệp
Sáng ngày 10/5, nghe tin Kiểm ngư Việt Nam có tàu ra Hoàng Sa, tôi leo lên xe máy phóng 80km/h đến cảng Tiên Sa. Đến cảng, thấy anh em phóng viên các báo đã ở trên tàu mang số hiệu HP 926. Còi tàu hụ chuẩn bị rời cảng. Chỉ kịp dựng chiếc xe trên cầu cảng, vứt chiếc chìa khóa cho một anh Kiểm ngư viên không quen biết với lời nhắn vội "Em gửi xe, về sẽ tìm anh" rồi phóng lên tàu. Xuất trình thẻ nhà báo, giấy tờ và ước nguyện đi Hoàng Sa, các anh gật đầu đồng ý. Vừa lên tàu, tàu hụ còi rời cảng.
Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi đưa ra một quyết định quan trọng chỉ trong vòng chưa đầy 5 phút, thế mà lần này tôi đưa ra quyết định, mà lại là quyết định lên tàu ra Hoàng Sa. Điều khó tin hơn, người quyết định cho tôi đi còn "khẩn hơn", quyết định của các anh chỉ bằng cái gật đầu. Thế là tôi là một trong những phóng viên đầu tiên có mặt trên chuyến tàu ra "vùng chiến sự" Hoàng Sa với hành trang là một chiếc giỏ xách đựng máy quay, máy ảnh, máy tính và... bộ đồ mặc trên người.
Lên tàu, tưởng chỉ mỗi mình mình không kịp chuẩn bị gì, hỏi quanh anh em, ai cũng hành trang là túi đựng đồ nghề và bộ đồ mặc trên người và nụ cười tươi... hơn hoa. Một chuyến tác nghiệp mang tính lịch sử!
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Tàu đưa chúng tôi ra Hoàng Sa thuộc biên chế Kiểm ngư Việt Nam nhưng lại là con tàu có chức năng cứu hộ cứu nạn và ứng phó sự cố dầu tràn trên biển. Tàu được thiết kế chịu sóng vô cấp, dềnh dàng nhưng chắc chắn.
Vật vã...
Giàn khoan Hải Dương-981 cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 117 hải lý nhưng cách cảng Tiên Sa đến 190 hải lý (hơn 350km) về hướng Đông Nam. Dù là giữa hè nhưng trên biển Đông đã có gió Tây Nam nên biển động mạnh, sóng giật cấp 6, cấp 7.
Vì thế, chặng đường 190 hải lý từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa là chặng vật vã không chỉ với cánh báo chí mà cả với những Kiểm ngư viên. Trong đêm vượt biển đến với Hoàng Sa, sóng gió dữ dội. Chiếc tàu Kiểm ngư loại lớn nhưng dần dần bé nhỏ giữa trùng khơi. Biển động mạnh. Tàu lắc lư như muốn úp xuống biển. Mặt biển cao hơn tàu gần cả chục mét. Mọi hoạt động của con người lắc lư theo con tàu. Không quen với sóng lớn, phần lớn phóng viên trên tàu không chịu nổi sóng dập đều phải nằm vật trên sàn tàu... Đi tàu gặp sóng lớn, đến những việc nhỏ thường nhật như ăn cơm, uống nước, tắm gội,... cũng trở nên hết sức khó khăn. Giữa biển khơi, chúng tôi chính thức bị "cách ly" với trên bờ vì sóng điện thoại không có.
Biết chúng tôi không quen với sóng biển, thuyền phó Nguyễn Bưởi, hạ lệnh cho anh em thuyền viên nhường giường ngủ trong khoang cho cánh phóng viên với lý do: "Anh em Kiểm ngư chúng tôi chịu sóng quen rồi nên có thể ngủ bất cứ ở đâu, còn các anh phải có giường mới ngủ được". Nói vậy nhưng không phải vậy! Cánh nhà báo nhanh chóng rời khoang ngủ ra nằm vật vã trên những thùng hàng đặt ở phía sau tàu vì không chịu nổi mùi dầu máy. Nhiều anh em cố bám trụ ở khoang ngủ thì đến giữa khuya, khi sóng cấp 4, cấp 5, phải bò ra nhà vệ sinh "hò dô ta". Khoảng 2 giờ sáng ngày 11/5, sóng gió thêm mạnh cấp 6, cấp 7 cộng với "sức cùng lực tận", nhiều phóng viên không tự đứng dậy để ra nhà vệ sinh "hò dô ta" mà chỉ đủ sức bò ra bệ cửa... Bẹp dí.
Chúng tôi, những người thuộc diện khỏe mạnh nằm ngủ ở những thùng hàng phía sau tàu đến khuya cũng phải bỏ chạy vì những đợt sóng vỗ mạn tàu phủ ướt. Hết chỗ "đẹp", chúng tôi buộc phải lên sàn tàu ở tầng 2 để ngủ, dù biết, càng lên cao càng lắc lư dữ dội. Ở tầng 2, ban đầu chúng tôi nằm tề chỉnh trên gối, chiếu nhưng sau những đợt sóng dập, mọi người đều thả mình lăn tự do qua lại trên sàn tàu vì không còn đủ sức để gượng lại.
4 giờ sáng, chúng tôi đã nằm trong vùng biển Hoàng Sa. Giữa biển, trời sớm sáng, 4 giờ đã thấy mặt trời nhô lên từ biển sáng rực. Biển lóng lánh xanh mướt. Sau gần 20 giờ nằm vật vã trên tàu và một đêm sóng dần gió dập tơi bời, sáng ra nhìn quanh chỉ vài anh em phóng viên còn sức dậy rửa mặt và ra boong hít thở, phần lớn anh em vẫn bẹp dí trong những khoang tàu.
Bữa sáng đầu tiên của chúng tôi trên biển Hoàng Sa là mì tôm. Chưa bao giờ chúng tôi thấy bữa điểm tâm mì tôm lại thơm ngon đến vậy. Thơm, ngon nhưng ai cũng chỉ ăn vội một hai chén rồi lo chạy ra boong vì không thể chịu nổi ăn uống trong sự lắc lư ở buồng kín. Nếu như buổi ăn tối trước đó tương đối đầy đủ anh em thì bữa sáng thưa vắng đến một nửa. Nửa còn lại đang vật vã với những trần say sóng ở trong khoang, ở trên boong và ở trên sàn tàu.
Hàng chục tàu Hải cảnh, dịch vụ và cả tàu cá giả dạng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Thấy hai đồng nghiệp của chúng tôi ở báo Tiền Phong và VOV lả người vì say sóng, ăn không được nằm vật vã trên giường, Đường - Kiểm ngư viên - lấy hai phong lương khô đưa cho hai người. Thế nhưng, vài giờ đồng hồ sau, cả hai đồng nghiệp của chúng tôi vẫn không thể ăn được lương khô vì... không đủ sức để bóc phong bao.
Vây ráp... chào nhau
9 giờ 15 ngày 11/5, chúng tôi đến tọa độ X, nơi tập kết quân, cách giàn khoan Hải Dương-981 chừng 10 hải lý. Ngay tức khắc, "chào" tàu chúng tôi là một nhóm 11 tàu các loại của Trung Quốc gồm tàu Hải cảnh, tàu hàng, tàu dịch vụ,... vây quanh, áp sát trong nhiều giờ đồng hồ liên tiếp. Trên đầu, nhiều chiến đấu cơ và máy bay do thám của Trung Quốc quần thảo. Biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ tại vị trí mặc cho những hành động gây hấn vây quanh. Anh em chúng tôi, những "nhà báo đất liền" lần đầu tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió, dù đang lả người nhưng đều bật dậy để tác nghiệp. Quay phim, chụp ảnh trong cái lắc lư, chao đảo của tàu. Đến đầu giờ chiều, thêm một lần nữa, hàng chục tàu các loại của Trung Quốc vây ráp các tàu Kiểm ngư trong biên đội chúng tôi với những hành động tương tự.
Biên đội trưởng Biên đội Kiểm ngư Việt Nam vùng 4, Vũ Đức Tạo, người có mặt tại đây từ ngày 3-5, nửa đùa nửa thật trấn an: "Mỗi lần có tàu mới xuất hiện là hàng chục tàu các loại của Trung Quốc và cả máy bay vây đến để... chào nhau. Dần dần, các anh sẽ quen cả thôi".
Trước lúc chia nhóm để tác nghiệp, ông Phan Đình Cát, phụ trách Kiểm ngư Việt Nam vùng 4, tâm sự: "Khi các anh trên bờ, các anh là nhà báo, còn khi đã bước lên tàu ra đây thì các anh là phóng viên chiến trường, là chiến sĩ. Chúng ta cùng đấu tranh để thấy sự hung hăng của tàu Trung Quốc khi đâm va, dùng vòi rồng tấn công tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam".
Chiều 11/5, nhóm phóng viên chúng tôi được chia ra 5 mũi để tác nghiệp. Mỗi lượt tàu đến đón, anh em chúng tôi lại bịn rịn chia tay nhau. Không ai nói với ai lời nào, chỉ để những cặp mắt nói chuyện với nhau. Trong bão, lũ dữ dội miền Trung, anh em chúng tôi cùng nhau lao vào tâm bão, chạy về rốn lũ đầy hiểm nguy đã trở nên quá đỗi bình thường, nhưng lần này, anh em chia nhau tác nghiệp giữa Hoàng Sa, dù không ai nói ra nhưng ai cũng lo lắng. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên chúng tôi tác nghiệp giữa trùng khơi, nơi rập rình của hàng trăm tàu các loại và cả máy bay quần thảo trên đầu đe dọa, uy hiếp tinh thần với những ngón đòn đầy nham hiểm, chưa biết sống chết thế nào.
Với chúng tôi, đây là cuộc tác nghiệp giữa vùng chiến sự, giữa chốn mà địch có thể dùng vòi rồng, dùng tàu đâm va bất cứ lúc nào.
Theo Khampha
Cấm đánh bắt trên biển Đông: TQ quá ngang ngược "Chúng tôi sẽ không bao giờ e sợ Trung Quốc vì lệnh cấm ngang ngược này. Ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của đất nước...". Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng khẳng định như vậy trước thông tin Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông...