Phát biểu của Chủ tịch nước về “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 22 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh (Trung Quốc), sáng 11/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và có bài phát biểu tại phiên họp thứ nhất với nội dung “Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại một Hội nghị trong khuôn khổ Diễn đàn APEC. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN
Sau đây, Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại phiên họp:
Tôi chân thành cảm ơn nước chủ nhà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đặc biệt là Ngài Chủ tịch Tập Cận Bình về sự đón tiếp nồng hậu và chu đáo dành cho Đoàn Việt Nam.
Hội nghị của chúng ta năm nay diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa, đánh dấu chặng đường 25 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn APEC. Những đóng góp quan trọng của APEC vào việc thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc, dẫn dắt hình thành các thỏa thuận thương mại tự do then chốt, đã góp phần nâng cao vị thế châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.
Trong một thế giới phẳng hơn và trước thực trạng kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như các thách thức toàn cầu gay gắt, việc đẩy mạnh liên kết khu vực càng trở nên cấp thiết.
Do đó, tôi hoan nghênh nhiều đề xuất của các đồng nghiệp và chia sẻ một số ý kiến sau:
Video đang HOT
Trước hết, Việt Nam đánh giá cao và nhất trí Hội nghị chúng ta thông qua các biện pháp đẩy mạnh triển khai Gói cam kết Bali, trong đó có Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại, tăng cường thực hiện các Mục tiêu Bogor và các biện pháp thuận lợi hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư. Việt Nam ủng hộ và cho rằng việc thông qua “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC nhằm hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP)” và “Kế hoạch chiến lược APEC thúc đẩy phát triển và hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ tạo xung lực mới cho liên kết khu vực.
Hai là, để bảo đảm liên kết khu vực hiệu quả, tôi đề nghị gắn kết chặt chẽ các nỗ lực liên kết với nội hàm phát triển bền vững, việc hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ và xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 cũng như các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Ba là, do tính đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên APEC, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế-kỹ thuật và hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên đang phát triển, đặc biệt trong các vấn đề kinh tế, thương mại thế hệ mới.
Bốn là, với tiềm năng to lớn về kinh tế, khoa học và công nghệ, các thành viên và các doanh nghiệp trong khu vực cần tham gia và hỗ trợ các chương trình liên kết tiểu vùng và khu vực của các thành viên, trong đó có ASEAN, ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong.
Với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên mọi tầng nấc, Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ đóng góp vào mọi nỗ lực của APEC nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực. Việt Nam đang trở thành một hạt nhân tích cực ở Đông Nam Á và là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo và sẽ trở thành một mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn, trong đó có 18 thành viên APEC.
Theo VietnamPlus/TTXVN
Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC
Sáng 10/11, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tham dự Hội nghị có đại diện của hơn 1.500 tập đoàn hàng đầu khu vực.
Quang cảnh hội nghị các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp APEC. Nguồn: THX/TTXVN
Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các Lãnh đạo cấp cao APEC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của Hội nghị về chủ đề "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách".
Phát biểu định hướng tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội mới, to lớn với việc hình thành Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các liên kết Đông Bắc Á, Liên minh Thái Bình Dương...
Chủ tịch nước nêu bật những nỗ lực và đóng góp của ASEAN trong việc khởi xướng và thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối trong khuôn khổ APEC và ở châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật là việc các thành viên ASEAN đã đề xuất "Các Mục tiêu Bogo" năm 1994 tại Indonesia, ý tưởng hình thành "Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương" tại Hà Nội năm 2006, sáng kiến "Phát triển bền vững và kết nối khu vực" tại Singapore năm 2009, và "Kế hoạch dài hạn APEC về phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư" thông qua tại Bali, Indonesia năm 2013.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian từ nay đến năm 2020 là giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, năng động của Đông Nam Á với việc Cộng đồng ASEAN hình thành, tạo nên một thị trường chung, không gian kinh tế thống nhất của cả khu vực. Hầu hết các cam kết tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ trong các thoả thuận thương mại tự do của ASEAN với các đối tác hàng đầu sẽ được hoàn tất, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở rộng và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ....
Đánh giá cao vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trong liên kết và kết nối khu vực, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp cùng nỗ lực tham gia thực hiện Khuôn khổ và Lộ trình kết nối APEC được thông qua tại các Hội nghị Cấp cao ở Bali và Bắc Kinh, đặc biệt trong việc huy động vốn đầu tư và thông qua các mô hình quan hệ đối tác công-tư (PPP).
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực kết nối cho các nền kinh tế thành viên đang phát triển, nhất là trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai.
Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ các thành viên ASEAN trong triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, các dự án tiểu vùng về cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong.
Trao đổi với các doanh nghiệp về những quan tâm của Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai. Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh các ưu tiên hiện nay của Việt Nam là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc-Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu...
Các doanh nghiệp đều bày tỏ đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực tham gia các liên kết kinh tế ở khu vực, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp và khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam để cùng đón bắt những cơ hội, tiềm năng hợp tác mới.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số khuyến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam.
Với chủ đề "Tầm nhìn mới đối với châu Á - Thái Bình Dương: Sáng tạo, kết nối, liên kết và thịnh vượng", Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 đã diễn ra trong hai ngày 9 và 10/11 và do Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc tổ chức.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề lớn đang đặt ra đối với các nền kinh tế thành viên APEC và các doanh nghiệp khu vực, như hệ thống thương mại đa phương, đổi mới, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng, bảo đảm tương lai của tài chính toàn cầu, tăng cường kết nối, nhất là về đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở, hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương....
Hơn 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự các phiên thảo luận của Hội nghị với tư cách khách mời đặc biệt.
Theo TTXVN/Vietnam
"Việt Nam sẽ là mắt xích quan trọng của mạng lưới liên kết rộng lớn" Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta Phạm Bình Minh hôm nay 7/11 đã có bài phát biểu tại phiên toàn thế thứ nhất Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao - kinh tế APEC lần thứ 26 tại Trung tâm hội nghị quốc gia ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh....