Phát biểu của Chủ tịch nước Trung Quốc với các đại biểu thanh niên
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chiều 7/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp mặt, phát biểu với các đại biểu thanh niên hai nước tham dự chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên hai nước Việt-Trung lần thứ 15 tại Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Triển lãm Thành quả Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
BBT trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi gặp mặt:
“Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Kính thưa các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam
Thưa các bạn thanh niên Trung Quốc và Việt Nam,
Tôi rất vui đến dự buổi gặp mặt với các bạn thanh niên hai nước Trung Quốc và Việt Nam, đến dự Chương trình gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung lần thứ 15 tại Đại lễ đường Nhân dân. Thay mặt Đảng và Chính phủ Trung Quốc, tôi nhiệt liệt hoan nghênh các bạn thanh niên Việt Nam và thông qua các bạn gửi lời thăm hỏi chân thành tới đông đảo thanh niên Việt Nam.
Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, nhân dân hai nước ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vun đắp tình hữu nghị nồng thắm.
Tôi từng thăm Việt Nam tháng 12/2011, hội kiến với đại biểu đại diện thanh niên hai nước đến dự gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 12. Mấy trăm thanh niên cùng hát bài hát hữu nghị truyền thống hai nước mang tên Việt Nam-Trung Hoa, đã để lại trong tôi ấn tượng rất sâu sắc. Nghe nói một số thanh niên dự cuộc gặp gỡ đó cũng có mặt tại đây. Tôi hoan nghênh các bạn.
Hiện nay, nhân dân Trung Quốc đang đoàn kết, phấn đấu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa, đi sâu cải cách toàn diện, quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện. Việt Nam cũng đang ra sức thúc đẩy sự nghiệp đổi mới.
Video đang HOT
Trên con đường phát triển, hai bên nên tiếp tục tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy tình hữu nghị láng giềng thân thiện, để tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Việt Nam được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Quan hệ thân thiết giữa nhân dân hai nước là nền tảng quan trọng của quan hệ song phương. Muốn để nhân dân hai nước thân thiết thì cần được vun đắp từ thế hệ trẻ. Nhân dịp này, tôi tham gia với các bạn Trung Quốc-Việt Nam ba điều mong mỏi.
Một là, mong các bạn trở thành người thừa kế tình hữu nghị truyền thống Trung Quốc-Việt Nam. Các bạn là lực lượng tràn đầy sức sống xây dựng đất nước, thì càng nên trở thành lực lượng nòng cốt phát triển đất nước trong tương lai. Mong các bạn quý trọng tình hữu nghị truyền thống do các nhà lãnh đạo tiền bối và nhân dân hai nước cùng nhau xây dựng, làm cho tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam được phát triển rạng rỡ trong thế hệ thanh niên.
Hai là, mong các bạn trở thành người thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Người trẻ có đầu óc linh hoạt, tầm mắt rộng mở, có điều kiện tiếp cận với mạng internet và các công cụ, phương tiện truyền thông mới. Ngoài giao lưu trực tiếp, các bạn còn trao đổi với nhau, tìm hiểu nhau qua mạng internet. Cần chuyển đưa năng lượng tích cực, không ngừng phát ra tiếng nói tích cực, không ngừng tăng thêm hiểu biết giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Ba là, mong các bạn trở thành người xây dựng quan hệ Trung Quốc-Việt Nam trong tương lai. Củng cố tình hữu nghị láng giềng thân thiện, thúc đẩy sự phát triển chung là trách nhiệm không thể chối từ của thanh niên hai nước. Các bạn cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của phát triển, hòa bình và hợp tác cùng thắng giữa Trung Quốc và Việt Nam, tích cực xây dựng cây cầu hợp tác giữa hai nước.
Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh đối với các bạn hiện nay tuổi thanh xuân là để phấn đấu. Trong tương lai, tuổi thanh xuân là để hồi tưởng. Nếu các bạn thanh niên góp phần tích cực vào tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam thì sẽ để lại ký ức rất tốt đẹp trong tuổi thanh xuân của mình.
Tôi tin tưởng sẽ có nhiều thanh niên tràn đầy sức sống như các bạn, tham gia vào đội ngũ xây dựng tình hữu nghị Trung Quốc-Việt Nam; sự nghiệp hữu nghị giữa hai nước chắc chắn sẽ được truyền từ đời này sang đời khác, thịnh vượng và phát triển hơn nữa”./.
Theo Vietnam
Thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định và lành mạnh
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 7-10/4/2015
Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
65 năm qua, quan hệ Việt-Trung có lúc thăng, trầm, nhưng hữu nghị và hợp tác là dòng chảy chính. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt-Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Các cuộc tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên với nhiều hình thức, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác thiết thực, tạo điều kiện để hai bên từng bước giải quyết tranh chấp, bất đồng.
Hai nước đã ký nhiều hiệp định và văn kiện hợp tác ở các cấp, ngành, địa phương, tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai bên.
Các cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giữa các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương của hai nước ngày càng được mở rộng và tăng cường.
Hai bên đã tổ chức 10 cuộc hội thảo về lý luận giữa hai Đảng; thành lập cơ chế Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương và tiến hành 7 phiên họp toàn thể để điều phối tổng thể các mặt hoạt động trong quan hệ hai nước. Các ngành quan trọng như ngoại giao, an ninh, quốc phòng đã ký kết và triển khai hiệu quả nhiều thỏa thuận hợp tác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sang thăm chính thức Việt Nam, tháng 10/2013.
Hai bên đã thiết lập và tiến hành 6 phiên họp Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang của Việt Nam với Quảng Tây của Trung Quốc; 4 phiên họp Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang của Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tiến hành họp 4 kỳ Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc; 6 kỳ họp Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố của hai nước gồm: Côn Minh, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Giao lưu nhân dân và thế hệ trẻ hai nước được tăng cường, với việc tổ chức 2 Liên hoan thanh niên Việt Nam-Trung Quốc tại Quảng Tây, 2 Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc, 6 Diễn đàn nhân dân Việt-Trung và 14 lần Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt-Trung.
Trong 10 năm gần đây, Trung Quốc liên tục là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ đồng thời, Việt Nam cũng là một trong các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong các nước ASEAN.
Năm 2014, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN (chỉ sau Malaysia); kim ngạch thương mại song phương đạt 58,87 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất 14,91 tỷ USD, nhập 43,87 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng, tuy nhiên cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo, nông, lâm, thủy sản, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản.
Về đầu tư, đến hết tháng 12/2014, Trung Quốc có 1082 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký là 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trung Quốc đã cho Việt Nam vay 1,6 tỷ USD tập trung vào những lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, đường sắt, năng lượng, dệt may, hóa chất...
Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp Việt Nam nhiều khoản viện trợ không hoàn lại dùng vào việc tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội ở Trung Quốc, giao lưu thanh thiếu niên, đầu tư trang thiết bị cho một số bệnh viện tại Việt Nam.
Hai bên đã ký Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung giai đoạn 2012-2016 nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc tháng 10/2011.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (năm 2013), hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với trọng tâm là hợp tác xây dựng một số dự án tiêu biểu có quy mô lớn về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông; tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thúc đẩy quan hệ thương mại phát triển cân bằng, lành mạnh, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 60 tỷ USD năm 2015, đặt mục tiêu 100 tỷ USD năm 2017; tăng cường phối hợp và hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhất là hợp tác trong việc phòng ngừa tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ quốc tế, giữ vững an ninh tiền tệ ở mỗi nước.
Quan hệ trao đổi, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Hiện có hơn 13.500 lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc với những ngành nghề đa dạng, có khoảng 4000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam, tập trung vào các ngành ngôn ngữ, du lịch, kinh doanh. Hai bên đang tích cực triển khai "Kế hoạch thực hiện Hiệp định Văn hóa Việt-Trung giai đoạn 2013-2015;" thực hiện hiệu quả "Thỏa thuận về hợp tác Thể dục thể thao"...
Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch lớn của Việt Nam. Hàng năm có khoảng 1 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, trong khi khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam năm 2013 đạt 1,9 triệu lượt người và năm 2014 đạt 1,94 triệu lượt người. Hai bên cũng mở thêm nhiều tuyến bay (thuê bao), chủ yếu từ Thâm Quyến, Trùng Khánh, Thượng Hải, Hàng Châu đi Đà Nẵng...
Về biên giới lãnh thổ, hai bên đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ; đã tiến hành đàm phán về 3 vấn đề: Biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề Biển Đông.
Đến nay, hai bên đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền (1999); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000), Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000) và Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004).
Về vấn đề Biển Đông, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc. Trong khuôn khổ đa phương, ASEAN (trong đó có Việt Nam) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và đang tích cực thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đầu tháng 9/2013, ASEAN-Trung Quốc lần đầu tiên tham vấn chính thức ở cấp SOM về COC. Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực khác. Đến nay, tuy quan hệ đã được khôi phục một bước, nhưng nhiều thỏa thuận giao lưu, hợp tác giữa hai bên vẫn chậm được triển khai.
Tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc lần này nhằm củng cố, duy trì cục diện hữu nghị, ổn định, tạo thêm đà phát triển lành mạnh cho quan hệ Việt-Trung, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa./.
Theo Vietnam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh ngày 23/2 đã trình quốc thư lên Tổng thống Barack Obama, đề nghị hai bên tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian tới. Trong lễ trình quốc thư, Đại sứ Phạm Quang Vinh bày tỏ vinh dự được giao trọng trách...