Phạt 200 người ra ngoài không lý do chính đáng, bán hàng không thiết yếu
Trong 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội, cơ quan chức năng TPHCM đã xử phạt hơn 200 trường hợp, với các hành vi mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, ra ngoài không có lý do chính đáng.
Thông tin trên được ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho biết, tại cuộc họp báo về công tác chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, tổ chức tối 10/7.
Theo số liệu tổng kết toàn địa bàn trong 2 ngày thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, các lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện hàng loạt các trường hợp vi phạm quy định.
Hàng loạt trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội đã bị xử phạt với số tiền 841 triệu đồng (Ảnh minh họa: Nguyễn Quang).
Cơ quan chức năng ở 22 quận huyện và Thành phố Thủ Đức đã tiến hành xử phạt 841 triệu đồng với các hành vi vi phạm, chủ yếu là các lỗi: ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết; kinh doanh khi đã bị tạm dừng; tập trung đông người nơi công cộng.
Ông Từ Lương cho hay, 2 ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, cơ quan chức năng đang kiên trì giải thích và vận động sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo, nếu các vi phạm trên vẫn diễn ra, hình thức xử phạt sẽ được thực hiện triệt để nhằm thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, phục vụ công tác phòng chống dịch.
“Người dân nên tuân thủ quy định để bảo vệ an toàn cho chính bản thân, gia đình sớm đưa xã hội trở lại giai đoạn bình thường mới” – ông Từ Lương nhấn mạnh.
Người dân chỉ nên ra đường trong trường hợp thực sự cần thiết (Ảnh minh họa: Nguyễn Quang).
Video đang HOT
Tại buổi họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu – Công an TPHCM, cho biết trên địa bàn đã lập 12 trạm kiểm soát cấp thành phố và 266 chốt kiểm soát của cấp quận huyện.
Đến 12h ngày 10/7, các chốt kiểm soát đã kiểm tra tổng cộng 51.890 lượt xe các loại, 33.600 người, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 203 trường hợp với các hành vi: không đeo khẩu trang; mở cửa kinh doanh hàng hóa không thiết yếu; ra ngoài không có lý do chính đáng. Tổng số tiền lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt 389 triệu đồng.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân trước khi có lộ trình qua chốt kiểm soát cần phải mang theo giấy tờ chứng minh lý do cần di chuyển của mình, bên cạnh đó là các giấy tờ của phương tiện, giấy tờ tùy thân để thuận lợi cho việc kiểm tra, hỗ trợ, tránh gây ùn tắc giao thông, tập trung đông người trên các tuyến đường.
Lao động tự do bối rối về giấy "thông hành" khi qua chốt kiểm soát
Hôm nay (10/7), ngày thứ 2 TPHCM thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Tình trạng ra đường vẫn còn, nhưng chỉ cần xuất trình giấy xác nhận nơi công tác, người dân có thể qua chốt kiểm soát.
Giúp việc nhà nên không có giấy xác nhận mộc đỏ
Sáng 10/7, cô Nguyễn Hữu Thạch Lan Hương (52 tuổi) đón xe ôm từ huyện Hóc Môn lên quận Phú Nhuận để làm giúp việc nhà cho một gia đình trên đường Nguyễn Kiệm.
Người dân xếp hàng chờ kiểm tra giấy xác nhận tại chốt kiểm soát Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý.
Đến chốt kiểm soát tại giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình), cô Hương xuất trình tờ giấy xác nhận viết tay có kèm theo số điện thoại của chủ nhà nhưng vẫn bị tổ công tác yêu cầu quay đầu xe do giấy "thông hành" không hợp lệ.
Sau một hồi cố gắng thuyết phục nhưng không có kết quả, người phụ nữ này đành nhờ xe ôm chở lại về nhà trọ với nét mặt buồn hiu trên mắt.
"Chủ nhà không phải là công ty thì làm sao mà có mộc đỏ cho được. Tôi làm việc từ 11h đến 20h hàng ngày. Không cho đi thì tôi đành phải ở nhà thôi, mọi chi phí trong gia đình đều phụ thuộc vào tiền lương từ công việc này", cô Hương lo lắng cho những ngày sắp tới.
Tương tự, anh Lê Ngọc Phú đi xe máy từ Quận 12 sang quận Tân Bình để giao hàng cho khách thì bị tổ công tác chặn lại để kiểm tra. Không xuất trình được giấy xác nhận nơi làm việc, anh Phú được yêu cầu quay đầu xe.
Anh Phú đặt tài xế công nghệ để giao hàng cho khách do không có giấy xác nhận khi đi qua chốt kiểm soát.
Theo anh Phú, anh là người đại diện công ty và không được ai cung cấp mẫu cũng như hướng dẫn cách thức làm giấy xác nhận để phòng trường hợp bắt buộc phải di chuyển ngoài đường.
"Tôi không biết là có giấy thông hành thì mới được đi qua các chốt kiểm soát. Giấy tờ cá nhân thì ai cũng luôn mang theo người rồi nhưng còn giấy thông hành thì chưa được ai hướng dẫn sẽ viết nội dung gì trong đó", anh Phú cho hay.
Còn vài trăm mét nữa là tới điểm giao hàng nhưng không thể di chuyển, anh Phú phải đón tài xế xe công nghệ để giao hàng cho khách.
Trong 30 phút, nhiều người dân được yêu cầu quay đầu xe do không có giấy xác nhận nơi làm việc hoặc lý do ra đường vào thời điểm thành phố thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16.
Có giấy "thông hành" là qua chốt
Tại các chốt kiểm soát trên địa bàn quận Bình Tân, Quận 6, Quận 8, người dân chỉ cần xuất trình giấy "thông hành" kèm theo giấy CMND là có thể dễ dàng di chuyển, các trường hợp không có đều bắt buộc quay đầu xe.
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy xác nhận của một tài xế giao hàng.
Ghi nhận, giấy "thông hành" mà người dân xuất trình chủ yếu là xác nhận về nơi công tác, một số khác có nội dung cam kết về việc tuân thủ phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16.
Tại chốt kiểm soát Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý, hàng trăm người dân lần lượt xuất trình giấy tờ để được qua chốt và chủ yếu là người giao hàng. Có thời điểm, lưu lượng người quá đông nên tổ công tác phải "xả chốt" để tránh tình trạng ùn ứ.
Từ nhà đến nơi làm việc, anh Nguyễn Tri Túc qua 3 chốt kiểm soát và phải 3 lần xuất trình tờ giấy xác nhận nơi làm việc của công ty cấp. Theo anh Túc, trước khi có Chỉ thị 16, công ty chủ động cấp giấy xác nhận cho các nhân viên để thuận tiện trong việc đi lại.
Người dân chuẩn bị sẵn giấy xác nhận để trình cho tổ công tác.
"Mọi người đều cần phải đi làm nên việc cấp giấy xác nhận và lập chốt kiểm soát là cần thiết. Chỉ cần xuất trình giấy xác nhận và CNMD là có thể di chuyển", anh Túc chia sẻ.
Còn theo anh Nguyễn Chí Hiếu, công ty anh chỉ làm giấy xác nhận cho các nhân viên xử lý công việc ở ngoài, các trường hợp còn lại đều làm việc tại nhà để đảm bảo việc phòng, chống dịch Covid-19.
"Mỗi lần qua chốt đều bị kiểm tra giấy tờ thì tốt cho việc chống dịch của thành phố thôi. Tôi thấy không phiền hà do cán bộ kiểm tra cũng nhanh", anh Hiếu cho hay.
Kể từ 0h ngày 9/7, TPHCM thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố trong 15 ngày theo Chỉ thị 16. Đồng thời, tái kích hoạt 12 chốt tại các cửa ngõ chính và 157 chốt tại các quận, huyện để kiểm soát việc di chuyển của người dân.
Lãnh đạo TPHCM yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như cấp cứu, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp...
TP.HCM: Cháy nhà tại TP.Thủ Đức, người dân tụ tập theo dõi, công an phải giải tán Vụ cháy nhà xảy ra vào trưa 10.7 tại P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Người dân địa phương tụ tập theo dõi công tác chữa cháy, quên cả Chỉ thị 16, khiến công an phải yêu cầu giải tán. Vụ cháy xảy ra lúc giữa trưa 10.7 trên đường số 23, P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức). ẢNH: T.T Theo thông tin ban...