Pháp thay Anh thành người tiên phong của Mỹ?
Theo nhận định giới quân sự “Pháp đã thay thế Anh trở thành đối tác chủ chốt nhất của Mỹ trong xử lý các vấn đề toàn cầu”.
Đây là nhận định của giới quân sự Pháp nhân sự kiện Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Pierre de Villiers, đón tiếp Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey trên tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp.
Trong bối cảnh sự sát cánh của Anh trong các chiến dịch quân sự với Mỹ ngày càng giảm, việc giới chức quân sự Pháp đưa ra nhận định về việc trở thành “đối tác chủ chốt” nhất của Mỹ là điều dễ hiểu.
Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ này giữa quân đội hai nước trái ngược hẳn với sự bất đồng sâu sắc cách đây 12 năm, khi Paris phản đối Mỹ tấn công vào Iraq.
Tàu sân bay duy nhất của Pháp đang tham gia chiến dịch tấn công IS.
Còn nhớ, năm 2013, khi Anh phản đối tấn công quân sự vào Syria thì Pháp là nước đồng minh duy nhất của Mỹ ở châu Âu ủng hộ kế hoạch này, cho dù sau đó một cuộc tấn công như vậy đã không xảy ra. Với sự hỗ trợ hậu cần và tình báo của Mỹ, Pháp cũng là nước đi đầu trong chiến dịch không kích vào Li-bi năm 2011 cũng như trong cuộc chiến tại Ma-li.
Mới đây nhất, sự sát cánh của Pháp với Mỹ còn thể hiện trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông, với hình ảnh mang tính biểu tượng cao nhất là hai người đứng đầu giới quân sự hai nước trên con tàu Charles de Gaulles đang có mặt tại vùng Vịnh.
Tuy nhiên, đó chỉ là hợp tác trên lĩnh vực quân sự. Nhiều người băn khoăn rằng, liệu cặp “đối tác chủ chốt” Pháp-Mỹ có thay thế được “đồng minh truyền thống” Anh-Mỹ hay không khi mà cặp đồng minh này rất bền chặt, bắt nguồn từ những lợi ích và giá trị chung.
Quan hệ Mỹ-Anh được xây dựng một cách toàn diện trên các góc độ văn hóa, xã hội, chính trị và quân sự, và hơn nửa thế kỷ nay đã cùng sát cánh vượt qua nhiều thử thách, từ cuộc chiến ở Afghanistan, tiến trình hòa bình Trung Đông, chương trình hạt nhân của Iran, sự trở lại của “chú gấu” Nga đến các vấn đề kinh tế…
Dù liên minh này suy yếu trong thời gian gần đây do Luân Đôn đang chịu áp lực về ngân sách, song quan hệ Anh-Mỹ vẫn là mối quan hệ “đặc biệt”, “có một không hai” trên thế giới.
Thế nên, có ý kiến cho rằng, Pháp có thực sự thay thế Anh để trở thành “đối tác chủ chốt” của Mỹ hay Paris chỉ là “đồng minh thời vụ” của Washington thì còn phải xem xét lại, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang rất cần sự ủng hộ mạnh mẽ của Pháp trong cuộc chiến chống IS hiện nay.
Theo Đất Việt