Pháp sư lập đàn giải oan cho Tràng An
Trong một lần qua Tràng An, pháp sư Hiếu giật mình nhận ra đây là âm huyệt quan trọng nên đã cùng hàng trăm phật tử tới lập đàn giải oan.
Sau một năm trời âm thầm nghiên cứu, bằng cả tâm linh ngoại cảm, lẫn khoa học, ông Nguyễn Văn Son khẳng định, ông có đủ cơ sở tin rằng dưới đáy sông Sào Khê, ngay đoạn cửa hang Luồn (Tràng An, Ninh Bình) chính là trận đồ trấn yểm kinh hoàng từ 1.000 năm trước. Một số nhà ngoại cảm, nhà phong thủy được ông mời về đây, sau khi khảo sát địa điểm cũng tin rằng, vì khu vực này là nơi tế sống nhiều người, nên oan hồn vất vưởng ở đây rất nhiều.
Ông Son nhớ lại: “Chuyện xảy ra vào năm 2010. Khi công nhân vét lớp bùn bề mặt, xuống độ sâu chỉ chừng một mét, thì trận đồ trấn yểm đã hiện ra rõ mồn một. Tôi cũng như tất cả những người tham gia đào bới đều sợ toát mồ hôi.
Trận đồ trấn yểm sông Tô Lịch chỉ có vài mẩu xương, mà khiến bao nhiêu người sợ hãi, cả nước tranh cãi liên miên, chấn động một thời, đằng này, chỉ vét lớp bùn loãng bên trên, đã hiện ra vô số xương cốt. Điều kỳ lạ là các bộ xương đều con rất nguyên vẹn, đầy đủ. Hầu hết các bộ xương đều nằm theo tư thế có quắp, thể hiện cái chết sợ hãi, đau đớn, đầy oan khuất. Nhìn tư thế của những bộ xương, rõ ràng họ không phải là người chết bị chôn, mà bị chôn sống!”.
Hình ảnh xương cốt đào được ở cửa hang Luồn.
Mấy chục chiếc tiểu sành được đưa vào vách núi. Lễ lạt linh đình, hương khói nghi ngút, đội quy tập hài cốt do ông Son chỉ đạo làm việc miệt mài. Ông Son chỉ cho phép đào sâu thêm một mét nữa xuống lòng đất, và đào rộng ra chừng vài chục mét vuông. Chỉ khai quật từng đó, đã thu lượm được 40 bộ hài cốt nguyên vẹn, đầy đủ các bộ phận. Số lượng xương cốt nằm lẫn lộn với nhau, thu được một đống lớn. 6 chiếc tiểu sành loại to xếp chật xương cốt, đem chôn thành mộ tập thể.
Ông Son chèo thuyền qua cửa hang Luồn, đi sâu vào phía trong núi một đoạn đến nghĩa địa của thôn Tràng An. Ông đã xây dựng một khu mộ lớn, cạnh nghĩa địa làng, sát vách núi và táng cả trăm bộ xương đào được từ cửa hang Luồn vào đấy.
Hầu hết những bộ xương đào được ở cửa hang Luồn, là xương người trẻ, mà phần lớn là phụ nữ. Các bộ xương đều dài, to, chắc, chứng tỏ người Việt thời Đinh, Lê rất cao lớn, thậm chí cao to hơn người bây giờ, chứ không nhỏ bé như ta vẫn nghĩ. Điều kỳ lạ là ông Son tìm được một số hộp sọ trẻ con. Những bộ xương trẻ con có lẽ đã bị tiêu hủy, bởi thời gian quá lâu, nhưng hộp sọ thì vẫn còn. Ngoài việc thu thập được hàng trăm bộ hài cốt, ông Son đã thu thập được rất nhiều xương voi, ngựa, hổ, nhiều loại binh khí. Riêng tiền cổ ông Son thu được cả tạ.
Theo ông Son, sau này, nghiên cứu, ông mới biết, người xưa lập trận đồ trấn yểm bằng cách đánh thuốc mê người được chọn, trói vào cột gỗ, dán lá bùa, rồi đẩy xuống hố sâu đào sẵn. Riêng voi, ngựa, hổ thì bắn tên tẩm thuốc mê, rồi cũng đẩy xuống hố chôn sống.
Trong trận đồ trấn yểm thường có các yếu tố như: mộc (gỗ), nhân (người), mã (ngựa), tượng (voi), xà (rắn), ngũ sắc (5 thứ kim loại quý) và ngũ cốc (lúa, ngô, kê, sắn, đậu). Hầu hết những thứ này ông Son đều tìm thấy trong trận đồ dưới đáy sông Sào Khê, chỗ cửa hang Luồn.
Khu mộ quy tập cả trăm bộ xương đào được ở sông Sào Khê.
Sau khi khai quật một phần địa điểm mà ông cho là trận đồ trấn yểm ở cửa hang Luồn (Tràng An Cổ, Ninh Bình), thấy nhiều di vật, xương cốt quá, ông Nguyễn Văn Son dừng lại, không nạo vét nữa. Tin rằng, nhiều người bị tế sống, chết oan ở vùng đất này vào thời Đinh-Lê, nên ông lập đền, lập mộ, thờ cúng cho các oan hồn. Hai năm sau, một pháp sư kỳ lạ xuất hiện, khiến ông Nguyễn Văn Son càng tin vào công việc trông giữ long mạch quan trọng ở Tràng An.
Đó là vào một buổi sáng tháng 2 âm lịch, năm 2012, ông Son đang ở khu Tràng An Cổ, thì thấy một người có vẻ không giống khách du lịch, cứ ra lại vào ngắm nghía địa thế kỹ lưỡng. Thấy vị khách có biểu hiện lạ, ông Son mời lên lầu uống nước.
Người này đề nghị ông Son dẫn đi xem xét núi non, địa thế. Ông này trèo lên tận đỉnh núi, phóng ánh mắt nhìn tứ phía, rồi bảo với ông Son rằng: “Đây là Cái Hạ”. Người khách bí ẩn giải thích rằng, “Cái” tức là chính, “Hạ” là mặt đất. Ông khách bí ẩn chỉ cho ông Son từng đỉnh núi và phân tích. Cuối cùng, ông kết luận, 100 quả núi thiêng chầu vào đoạn sông Sào Khê chảy qua hang Luồn.
Video đang HOT
Những điều vị khách lạ nói, khiến ông Son vã mồ hôi hột. Ông Son chưa kể bất cứ điều gì, song pháp sư nọ cứ nói vanh vách. Vị khách này lại yêu cầu sông Son lấy thuyền chở dọc sông Sào Khê. Ông này dùng con lắc ở cửa hang Luồn, con lắc quay tít. Lên bờ, ông khách này giới thiệu tên là Hiếu, tu phái Mật Tông, đã mất nhiều năm đi tìm âm huyệt nhưng không thấy. Vị pháp sư này đặt nghi vấn âm huyệt chính là vùng đất Tràng An. Nói xong, pháp sư này chào ông Son, về Hà Nội. Hai tháng sau, pháp sư Hiếu cùng 50 đệ tử lại về gặp ông Son, bảo tìm vị trí lập đàn cầu siêu.
Theo pháp sư Hiếu, địa bàn Tràng An là âm huyệt quan trọng, nơi xảy ra quá nhiều oan khuất, kéo dài từ thời Hồng Bàng, Âu Lạc, mà nặng nề nhất vào thời Đinh, Tiền Lê, nên cần phải làm lễ cầu siêu, giải oan cho các linh hồn bị chết oan uổng. Pháp sư Hiếu không yêu cầu ông Son trợ giúp gì cả.
Hai ngày sau, tờ mờ sáng, một đoàn xe ôtô xuất hiện ở cổng Tràng An cổ. Pháp sư Hiếu xuất hiện cùng mấy trăm phật tử. Hai xe tải chở đồ lễ gồm 500 mâm xôi, 500 mâm gạo, 500 đĩa xôi, 500 bánh trưng, 500 bánh dày mỗi cái to bằng cái mâm. 1.500 lít nước đóng thành từng can 20 lít lấy từ Thăng Long về. Pháp sư này bảo, vùng đất Hoa Lư nước rất độc, nên cứ đời vua nọ giết vua kia, do đó phải mang nước từ Thăng Long về.
Đàn được lập trên bờ, dưới thuyền, các Phật tử ngồi lễ từ 7h30 sáng đến 11h30 trưa. Sau buổi trưa, tiếp tục làm lễ cầu siêu. Khi hoàng hôn buông xuống, đỉnh núi trên hang Luồn xuất hiện hào quang sáng rực. Các Phật tử tiếp tục tụng kinh Phật đến 11h đêm thì dừng. Nửa đêm, ánh trăng tràn ngập núi cao, thung sâu. Trong hang Luồn, có tới 1000 vòng hoa gắn nến được thắp sáng lung linh, kỳ ảo.
Đến đầu tháng 3/2013, pháp sư Hiếu cùng các đệ tử lại về Tràng An cổ, làm lễ giải oan trong hang Luồn. Lần này lễ đơn giản hơn, ít đệ tử hơn. Một phần lễ được hóa tại hang Luồn, còn lại rải ở cầu Đán, cầu Khuất, và vài địa điểm trên sông Đáy thuộc địa phận Hà Nam.
Ông Son giới thiệu các cổ vật dưới lòng sông.
Nhà của pháp sư Hiếu ở ngõ Gốc Đề (Minh Khai, Hà Nội). Ngôi nhà lúp xúp, cũ kỹ lọt giữa mảnh đất rộng, cây cối xum xuê. Pháp sư Hiếu tu theo phái Mật Tông và tu tại gia. Theo ông, trong lần về Tràng An, Bái Đính, lúc rẽ vào khu Tràng An cổ, ông đã giật mình khi nhìn vào hang Luồn, nơi dòng Sào Khê chảy qua quả núi đá.
Đứng cửa hang Luồn, ông thấy rõ như miệng con rồng, còn hang luồn như họng rồng. Nhìn ra xung quanh, thấy 5 ngọn núi bao quanh, như 5 hòn ngọc. Khi được ông Son dẫn lên đỉnh núi, ông càng bàng hoàng hơn. Đứng trên đỉnh núi, ông đếm đủ 100 ngọn núi, chồng chồng lớp lớp kéo dài từ Hà Nam đến tận Tam Điệp, Bỉm Sơn đều châu đầu về phía hang Luồn. Theo ông, không cần đến pháp sư, một người hiểu biết về phong thủy rất cơ bản cũng nhận thấy địa thế Tràng An cổ, mà cụ thể là cửa hang Luồn chính là đại huyệt.
Sau này, nghiên cứu lại các tài liệu cổ, ông Hiếu càng khẳng định rằng, thời vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, mỗi khi xuất quân, hay chiến thắng trở về, đều phải làm lễ ở đó. Tuy nhiên, đây chỉ là âm huyệt, nên chỉ có lợi khi đặt mồ mả. Các đời vua đóng đô ở đây đều phát rất mạnh, nhưng vận số ngắn. Người phát hiện ra điều này đầu tiên chính là vua Lý Thái Tổ. Vì thế, ông đã dời đô về Thăng Long. Thành Thăng Long mới là dương huyệt của nước Việt.
Theo pháp sư Hiếu, đại huyệt hang Luồn và dòng Sào Khê là một trận pháp trấn yểm khổng lồ. Nơi đây, oan hồn đời nọ nối tiếp đời kia, cứ chồng chồng, chất chất, đầy ai oán. Kiến giải theo tâm linh, thì oan oan tương báo, đời nọ hãm hại đời kia, anh em huynh đệ tương tàn, nên vùng đất này khó mà thịnh được. Chính vì thế, việc lập đàn giải oan, rồi cầu siêu cho các oan hồn là rất cần thiết, giúp vùng đất này cất cánh.
Pháp sư Hiếu bảo: “Tràng An là nơi hội tụ vận khí thiêng của nước Việt, nó thiêng liêng từ vô thủy kiếp. Vua Đinh cũng dựa vào đây để khai sinh nước Việt. Dòng Sào Khê là linh huyệt thiêng liêng. Oan khuất chồng chất ở đây, nên lập đàn tràng giải oan vài lần chưa phải đã xong. Việc chúng tôi làm mới chỉ là giai đoạn đầu, những năm sau vẫn phải làm tiếp”.
Trao đổi về chuyện phát hiện trận đồ trấn yểm ở Tràng An, với hàng chục bộ hài cốt bí ẩn, ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp UIA, khẳng định không có chuyện gọi là trận đồ, trận pháp trấn yểm nào cả.
Ông Khanh cho biết: “Tất cả chỉ là sự suy diễn. Từ những sự việc, hiện tượng không rõ ràng, một số ông thầy phong thủy, tâm linh thêm mắm thêm muối, quy kết, dọa nạt… thành thứ gọi là trận đồ trấn yểm. Người xuyên tạc chủ yếu là giới hành nghề mê tín dị đoan. Cái gọi là trận đồ trấn yểm Tràng An, theo tôi, không có thực. Chuyện có di vật, xương cốt dưới lòng sông là do nhiều nguyên nhân, mà chưa thể xác định rõ được đâu là nguyên nhân chính, cần phải có những khảo sát trên nhiều góc độ khoa học, ví dụ như quy luật dòng chảy, lịch sử, điều kiện tự nhiên từ xưa đến nay…”.
Theo Datviet
Rắn có mào và những bộ xương trấn yểm ở Tràng An
Đang hút bùn thì máy trục trặc, ông Son sai công nhân nhảy xuống sông mò thì phát hiện chiếc đầu lâu mắc vào ống hút.
Ông Nguyễn Văn Son, chủ khu du lịch Tràng An Cổ và cũng là cha đẻ của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) nổi tiếng Việt Nam bây giờ cho biết, ông gặp vô số điều lạ lùng, bí ẩn ở khu vực Tràng An. Vào năm 2005, trong quá trình đi thám hiểm, ông đã gặp một con rắn có mào.
Hồi trẻ, ông thường vào hang Bói săn sơn dương. Chính tại hang này, mới đây, các nhà khảo cổ đào hố thám sát, đã phát hiện bộ xương người có tuổi khoảng 7.000 đến 10.000 năm. Ở cửa hang có một tảng đá, khá giống cái ngai vàng. Ông Son cùng một nhóm đi vào hang Bói. Ông dựng tóc gáy khi thấy trên tảng đá hình ngai ấy có 2 con rắn vắt vẻo. Một con màu đỏ, thân to, đầu có mào. Một con màu xanh, nhỏ hơn, nằm uốn khúc, gối đầu lên lưng con đỏ.
Ông Son chợt nhớ lại lời các cụ kể, khi xưa khi các cụ ở Tràng An vào chỗ hang Bói khai thác gỗ sửa đền vua Đinh, từng gặp rắn có mào. Họ đặt chiếc mâm đồng, con rắn bò vào. Các cụ nghĩ "thần" về, nên đưa rắn mào vào hậu cung làm lễ cúng bái. Cúng xong, rắn biến mất, không ai nhìn thấy nữa.
Ông Son nghe chuyện rắn có mào nhiều nhưng không tin. Khi đó, trước mắt mình là một con rắn có mào trên đầu thực sự, khiến ông dựng tóc gáy. Trấn tĩnh lại, ông Son chạy về nhà lấy máy quay phim.
Ông Son là người rất tâm huyết với Tràng An cổ. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm sức để tìm hiểu và thu thập thông tin về những chứng tích còn lại ở nơi đây.
Lúc ông gặp rắn là 10h sáng, ông chạy về nhà làm lễ cúng bái, rồi quay lại lúc 4h chiều. Cặp rắn vẫn nằm đó. Ông Son đứng từ xa zoom lại, quay rõ hình ảnh con rắn có mào, loài rắn tưởng như chỉ có trong huyền thoại. Quay xong, hai con rắn ngọ nguậy, rồi trườn lên núi và biến mất. Cặp rắn vừa trườn đi, ông Son lại nghe thấy tiếng rinh rích như gà con. Lần theo tiếng kêu lạ, ông Son phát hiện một con cua rất to, màu vàng, chưa từng thấy bao giờ. Ông nhấc cua lên ngắm nghía, nó vẫn phát ra tiếng kêu rinh rích. Nghĩ chuyện lạ, ông thả con cua ra, rồi về.
Các nhà khoa học khẳng định, một số loài rắn có râu ở mũi, nhìn thoáng qua tưởng là mào, nhưng thực ra không phải. Để chứng minh điều mình nói, ông Son mở tủ lấy ra chiếc đĩa CD mà ông bảo quản rất cẩn thận cho mọi người xem. Quả thực, trong hình, rõ ràng là con rắn có mào, mặc dù cái mào không lớn lắm.
Sau khi dự án du lịch Tràng An được lập, ông Nguyễn Văn Son cùng người em trai là đại gia Nguyễn Xuân Trường vào cuộc nạo vét sông ngòi, hang động, thung lũng để xây dựng Tràng An. Khi nạo vét lớp bùn ứ đọng trong một hang động ngay cạnh huyệt mạch sông Sào Khê, họ phát hiện một bộ xương còn khá nguyên vẹn. Bên thi hài có 3 sâu tiền cổ niên đại thế kỷ thứ 7 đến thứ 10, là tiền Tùy - Đường.
Đầu bộ xương gối lên các tấm gỗ tiện tròn rất cầu kỳ. Các nhà khảo cổ đã về xem xét. Bộ răng còn nguyên vẹn, chưa mòn chứng tỏ đây là người trẻ. Các nhà khảo cổ đều khẳng định đây là người con gái, dáng cao, mảnh, rất đẹp, tuổi chỉ độ 17-18. Ông Son đã làm lễ chu đáo, an táng người thiếu nữ này ra nghĩa địa làng. Tham khảo một số chuyên gia phong thủy, ông Son tin rằng, người con gái này đã bị yểm trong hang.
Nạo vét xong hang động, thì việc nạo hút sông Sào Khê bắt đầu tiến hành. Dự án nhà nước về nạo vét sông đã có, nhưng không biết bao giờ mới được giải ngân, nên công ty bỏ tiền làm trước.
Có tới 150 chiếc máy hút bùn được huy động, rải dọc sông Sào Khê đoạn chảy qua Tràng An. Một lần, chiếc máy hút bùn trục trặc, ông Son sai công nhân nhảy xuống sông mò mẫm xem có vật gì lọt vào ống hút. Công nhân này xuống mò, nhấc lên chiếc đầu lâu. Anh này mò tiếp, thì vớt được nguyên bộ xương người.
Từ bấy, ông Son rút kinh nghiệm, hễ máy đang hoạt động trơn tru, mà gặp dị vật bít ống hút, thì sai người xuống mò mẫm dưới lớp bùn, thế nào cũng kiếm được xương người. Theo ông Son, dưới dòng Sào Khê, chỗ nào có xương người, y rằng đã bị trấn yểm, vì xung quanh chỗ có xương người thường có nhiều vật lạ khác.
Con rắn có mào nhỏ trong video ông Son quay lại.
Một ngày tháng 7, trời mưa sụt sùi, ông Son sai người làm mấy mâm lễ lớn, vừa cúng bái vừa khao chúng sinh ngay trên sàn con tàu hút bùn. Khi công nhân lấy lên vô số vật lạ, ông Son đã tin rằng đào phải trận pháp trấn yểm, nên đã cúng bái, rồi sai công nhân khoanh vùng, nạo vét lòng sông bằng thủ công. Giữa một đống di vật lạ, công nhân đã lôi lên được một chiếc đầu lâu.
Có lẽ, do nằm rất sâu dưới lòng đất, trong tình trạng yếm khí, vi khuẩn không hoạt động được, nên hộp sọ được bảo quản rất tốt, còn rất nguyên vẹn. Một số nhà khảo cổ, nhân chủng học tìm về và khẳng định hộp sọ to, đẹp, cân đối, thể hiện đây là một người thông minh, khỏe mạnh, thậm chí là một vị tướng.
Điều lạ lùng là lại chỉ phát hiện hộp sọ dưới lòng sông, còn xương cốt bộ phận khác lại không có. Ông Son đã huy động mấy chục công nhân, mở rộng diện đào bới, tuy nhiên, tìm kiếm suốt một tuần không thấy thêm mẩu xương nào. Tin rằng, chiếc đầu lâu này của vị tướng, nên ông Son sai người an táng rất chu đáo. Khi đó, một đội chuyên phục vụ án táng, di chuyển hài cốt được thành lập.
Theo lời ông Son, họ mua tiểu sành, vải liệm màu đỏ. Đích thân ông đã cúng cho oan hồn này. Cúng xong, đội an táng đưa ra nghĩa địa chôn ở vị trí đã chọn sẵn. Sau này, một số người đi xem tâm linh, đã nhận thủ cấp ấy là của tổ tiên mình, tức tướng Nguyễn Bặc. Đã có cả trăm bộ xương được moi lên từ lòng sông Sào Khê, đoạn cửa hang Luồn được án táng vào một khu vực mà ông Son xây dựng, trong nghĩa địa làng Tràng An.
Ông Nguyễn Văn Son nói: "Cả đời gắn bó với vùng đất Tràng An này, gặp không thiếu chuyện gì, nhưng ngẫm lại, tôi tin rằng anh linh các cụ đã dẫn dắt tôi từng bước, để khám phá những bí ẩn trong lòng đất Tràng An. Việc phát hiện ra trận đồ trấn yểm này không phải ngẫu nhiên, mà tôi tin rằng do các cụ sắp đặt".
Kể từ khi phát hiện ra trận pháp, ông có cảm giác rất lạ, ông thấy mình phải có trách nhiệm để trông coi, giữ gìn long mạch thiêng liêng này. Ông để lại dự án Tràng An cho người em, là ông Nguyễn Xuân Trường xây dựng, quản lý, ông về Tràng An Cổ, huyệt mạch quốc gia để xây dựng lại cơ nghiệp, nhằm bảo vệ trần đồ trấn yểm kỳ bí này.
Ông Son tin rằng, đoạn sông Sào Khê chảy qua hang hang Luồn chính là huyệt mạch trọng yếu của quốc gia, nơi quan trọng nhất của nhà Đinh và cũng là nơi tổ tiên ông đã đổ máu, dựng nghiệp, rồi sinh sống đến tận bây giờ.
Một số cổ vật tìm thấy dưới lòng sông.
Sông Sào Khê khi xưa to, nước sâu, chứ không nhỏ và cạn nước như bây giờ. Mùa lũ, nước từ sông Đáy thốc vào, nước dâng cao chảy cuồn cuộn. Chỉ có con đường duy nhất vào Tràng An là đường thủy, trên sông Sào Khê, xuyên qua hang Luồn. Cả con sông đã chảy qua lòng quả núi. Nơi đây bốn bề núi cao hiểm trở, các dãy núi là tường thành tự nhiên, dễ phòng thủ, khó tấn công, nên vua Đinh, rồi nhà Tiền Lê đã chọn làm nơi dựng nghiệp.
Cửa hang Luồn là một công trình kỳ vĩ của tự nhiên. Mái hang khá thấp, nhiều chỗ bơi thuyền chạm đầu, tuy nhiên bề rộng thì tới 60 mét, đủ chỗ cho thuyền bè tấp nập ngược xuôi, mà không sợ tắc.
Chèo thuyền đến cửa hang Luồn, ông Nguyễn Văn Son dừng thuyền chỉ lên những hình khắc kỳ lạ trên cửa hang rồi kể, khi việc nạo hút đoạn hang Luồn gặp nhiều sự cố, ông Son mới để ý đến những hình khắc này. Ông tìm lại sách cổ, rồi gặp các chuyên gia phong thủy, chuyên gia văn hóa cổ, thì thấy rằng, những hình khắc như trên vách đá thường được sử dụng trong các lễ trấn yểm, hoặc cầu siêu, giải oan của người xưa.
Khi xưa, con sông Sào Khê thực tế tên là Tào Khê (đặt tên theo con sông Tào Khê nổi tiếng linh thiêng của Trung Quốc). Khê có nghĩa là con ngòi luồn lách qua khe núi. Khi chúa Trịnh Sâm về đây, đã cho lập bia và đề thơ trên vách đá, ngay cửa hang Luồn. Hiện tấm bia trên vách đá vẫn còn nguyên vẹn. Ông Son đã lợp mái để che mưa nắng, giữ cho tấm bia được bền vững với thời gian.
Một nhà ngoại cảm nổi tiếng về cửa hang Luồn, cũng khẳng định như vậy và mô tả kỹ lưỡng trận pháp dưới lòng sông. Sau này đào lên, mọi thứ đều đúng như lời người này nói. Nhà ngoại cảm còn nói, mỗi khi xuất quân, vua Đinh và vua Lê đều bái lễ ở cửa hang Luồn. Thắng trận cũng về đây làm lễ, rồi thả đèn, nến, vàng hoa trên sông Sào Khê, trôi qua hang Luồn sáng rực.
Một số nhà phong thủy cũng được ông Son mời về nghiên cứu những hình khắc. Nhiều nhà khoa học cũng đã lấy những bản dập hình khắc mang đi nghiên cứu và có giải mã bước đầu.
Những hình khắc bao gồm: tháp kính thiên, cá phóng sinh, đài sen, ngọn lửa, đạo linh phù. Những hình khắc này tập trung ở mái đá ngay cửa hang Luồn, không phát hiện ở nơi nào khác. Dựa vào độ mòn, các nhà khoa học cũng khẳng định các hình khắc có tuổi đời rất lâu. Hình khắc Tháp kính thiên khá cầu kỳ. Dưới đế hình tháp là ngọn lửa thả trên mặt nước. Tổ hợp hình ảnh này biểu thị cho lễ cầu siêu cho tướng sĩ vì nước quên thân.
Hình con cá thể hiện sự phóng sinh trong nghi lễ cầu siêu. Hình bùa linh phù có lẽ bí ẩn nhất. Phía dưới hình là miếng gỗ (mộc), trên là hình người quỳ nâng lư hương, tiếp theo là hình mặt trời, và trên cùng là hình ngũ cốc. Đây là một lá bùa cổ, được người xưa dùng để trấn yểm, giữa yên âm trạch.
Theo Datviet
Phát hiện 'trận đồ trấn yểm' ở Tràng An Ông Son đã phát hiện cả trăm bộ xương người, xương hổ, voi, gấu mà theo ông là nạn nhân của các cuộc tế sống nhằm trấn yểm. Mới đây, ông Nguyễn Văn Son, tác giả của khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) đã công phố phát hiện trận đồ trấn yểm trên sông Sào Khê, từ thời nhà Đinh, nhà Lê....