Pháp phá âm mưu IS tấn công căn cứ hải quân
Cơ quan chức năng Pháp đã phá một âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào căn cứ hải quân của nước này và bắt giữ một người có liên kết với IS tại Syria.
Tàu sân bay Charles de Gaulle tại cảng Toulon của Pháp – Ảnh: AFP
Bộ Nội vụ Pháp ngày 10.11 thông báo đã theo dõi người đàn ông trên từ lâu vì hành vi cực đoan và công khai ủng hộ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Người này được cho là đã cố thực hiện một cuộc tấn công nhắm vào quân nhân Hải quân Pháp tại thành phố Toulon, theo AFP ngày 10.11.
Các nguồn tin cho hay nghi can nói trên bị các cơ quan tình báo theo dõi sau 2 lần sang Syria nhưng không thành công. Người đàn ông này bị bắt giam vào hôm 29.10 và bị buộc tội tấn công khủng bố. AFP cho hay người này đã nhận được một kiện hàng gửi qua đường bưu điện, trong đó chứa một con dao và một mặt nạ trùm đầu.
Ông này thừa nhận đã liên lạc với một người Pháp hiện là thành viên của IS ở Syria và bị xúi giục hành động. Người này cũng thừa nhận âm mưu tấn công căn cứ Hải quân ở Toulon nhưng không có một kế hoạch chi tiết. Toulon nằm bên bờ Địa Trung Hải, có 20.000 quân nhân và thường dân.
Video đang HOT
Nước Pháp đã từng trong tình trạng báo động sau các vụ tấn công tại thủ đô Paris khiến 17 người thiệt mạng hồi tháng 1, trong đó có vụ khủng bố tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Kể từ đó, giới chức Pháp đã phá nhiều âm mưu tấn công.
Hơn 500 tay súng Pháp được cho là đang chiến đấu cùng IS tại Syria và Iraq, trong khi 250 người đã trở về Pháp và khoảng 750 người đang có ý định sang Trung Đông.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Pháp đang trả giá cho việc can thiệp quân sự ở nước ngoài
Việc Pháp tham chiến chống IS tại Syria và Iraq, tham gia cuộc chiến tại Afghanistan hay can thiệp quân sự chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở châu Phi đang khiến nước này trở thành đích ngắm của các vụ tấn công.
Nghi phạm vụ tấn công ở Isere (Pháp) ngày 26.6, Yassin Salhi bị cảnh sát áp giải - Ảnh: AFP
Vụ tấn công tại xưởng sản xuất gas của công ty Air Products tại Saint-Quentin-Fallavier, vùng Isere (Pháp) khiến một người thiệt mạng ngày 26.6 là vụ tấn công mới nhất trong những năm gần đây. Có một điều trùng hợp là các vụ tấn công đều do một số phần tử cuồng tín của đạo Hồi thực hiện như Mohamed Merah, hung thủ các cuộc tấn công tại Toulouse năm 2008, vụ Charlie Hebdo và cửa hàng Do Thái tại Paris hồi tháng 1.2015 là anh em Kouachi và Amedy Coulibaly.
Mặc dù vụ tấn công ở Isere đang được điều tra, nhưng với lá cờ xuất hiện bên cạnh đầu của nạn nhân Herve Cornara, trên đó viết các câu tuyên thệ của Hồi giáo, cũng để ngỏ ít nhiều đặc điểm của một vụ tấn công có tính Hồi giáo cực đoan. Nhiều người một lần nữa đặt câu hỏi, vì sao nước Pháp lại trở thành đích ngắm của khủng bố Hồi giáo?
Có nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng yếu tố quan trọng nhất theo báo L'Express là việc quân đội Pháp tham gia vào các cuộc chiến chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Iraq. Ngoài ra, Pháp còn can thiệp vào việc chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan Ansar Dine tại Mali, những hành động tại Afghanistan cũng như lệnh cấm đeo khăn che mặt của người Hồi giáo tại Pháp. Những điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực gần đây.
Cảnh sát, lực lượng cứu hỏa, cứu thương gần tòa soạn Charlie Hebdo sau vụ xả súng hồi tháng 1.2015 - Ảnh: AFP
Việc Pháp can thiệp quân sự chống IS tại Iraq và Syria là một trong những lý do chính khiến Pháp trở thành đích ngắm được ưu tiên của khủng bố. Sau khi Pháp thực hiện những cuộc không kích đầu tiên, IS đã liên tục hô hào người Hồi giáo cực đoan sát hại người Pháp ở khắp nơi.
IS đang chiếm nhiều vùng lãnh thổ tại Trung Đông, thu hút thêm nhiều người nước ngoài, trong đó có khoảng 450 người Pháp, theo L'Express. Nguy cơ đặt ra là những người này có thể quay về nước và thực hiện các vụ tấn công.
Nhưng mối đe dọa đối với Pháp không chỉ có IS. Trong một bài phỏng vấn năm 2010, nhà chính trị học Jean-Pierre Bayard, giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đã giải thích rằng nước Pháp trở thành đích ngắm của khủng bố là sự trả giá cho các hành động chính trị của Pháp tại nước ngoài. Việc Pháp tham chiến tại Afghanistan đã chọc giận al-Qaeda. Hành động can thiệp tại Sahara, nhất là chống lại mạng lưới al-Qaeda tại vùng Maghreb Hồi giáo (AQIM) để giải thoát con tin Michel Germaneau cũng có thể là nguyên do.
Việc Pháp can thiệp nhằm lật đổ chế độ Muammar Gaddafi tại Libya cũng giúp nhiều nhóm khủng bố cũng như tay chân của al-Qaeda và cả IS tăng cường sức mạnh. Còn việc cấm đeo khăn che mặt tại Pháp cũng khiến al-Qaeda và IS phản đối, đẩy mạnh phong trào tuyên truyền chống lại người Pháp.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Người Nga chỉ trích Charlie Hebdo vụ châm biếm máy bay rơi Người Nga đã dùng mạng xã hội để lên án tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp. Điện Kremlin đã gọi những hình ảnh biếm họa của tạp chí này về vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập là "phỉ báng" các nạn nhân. Tạp chí Pháp đã đăng tải hai hình ảnh biếm họa sau vụ máy bay chở khách...