Pháp, Mỹ yêu cầu làm sáng tỏ cái chết của nhà báo J.Khashoggi
Ngày 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã cùng nhất trí giới chức Saudi Arabia cần phải làm sáng tỏ hoàn toàn cái chết của nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước.
Thắp nến tưởng niệm nhà báo Jamal Khashoggi bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/10. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo một nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Pháp, hai nhà lãnh đạo cũng cho rằng các bên liên quan không nên để vụ việc khiến tình hình Trung Đông thêm bất ổn. Hai nhà lãnh đạo cho rằng vấn đề này có thể tạo cơ hội cho một giải pháp chính trị đối với cuộc xung đột tại Yemen. Nguồn tin trên cũng cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Macron và người đồng cấp Trump trước đó đã diễn ra “rất mang tính xây dựng”.
Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu liên minh Hồi giáo chống phiến quân Houthi tại Yemen, hiện đang vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế sau khi thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ, song không cho biết xác nhà báo đang ở đâu. Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.
Video đang HOT
Chính quyền Riyadh thông báo đã bắt giữ 18 người Saudi Arabia liên quan đến vụ này, đồng thời mở cuộc điều tra theo hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ việc đã được lên kế hoạch từ trước. Cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều nước là đồng minh của Saudi Arabia, đã bày tỏ quan ngại về vụ việc này và cảnh báo về các hạn chế trong quan hệ song phương.
Theo Lê Ánh (TTXVN)
Quốc tế kêu gọi điều tra toàn diện và minh bạch vụ nhà báo mất tích
Vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi đã gây chấn động thế giới và phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh của Saudi Arabia.
Dù Saudi Arabia ngày 20/10 lên tiếng thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã bị chết ngay trong lãnh sự quán nước này ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, song vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp. Chính phủ một loạt nước, trong đó có Đức, Anh, Pháp, cùng Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Quốc tế kêu gọi điều tra toàn diện và minh bạch vụ nhà báo mất tích. Ảnh: Washington Post
Cùng ngày, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng phạm vi tìm kiếm thi thể nhà báo Jamal Khashoggi tới khu rừng lớn gần thành phố Istanbul, trong khi chính phủ nước này tuyên bố sẽ "tiết lộ" tất cả mọi thứ về số phận của nhà báo Khashoggi.
Trước đó, cùng ngày trong một thông cáo, văn phòng công tố Saudi Arabia khẳng định, ông Jamal Khashoggi đã có cuộc tranh cãi với một số người tại lãnh sự quán, và cuộc tranh cãi đã biến thành ẩu đả, khiến ông này thiệt mạng. Saudi Arabia cho biết, đã điều tra vụ việc và bắt giữ 18 công dân nước này. Saudi Arabia cũng thông báo sa thải hai quan chức tình báo hàng đầu liên quan tới vụ việc, cũng là hai trợ lý thân cận của Thái tử Mohammed bin Salman. Tuy nhiên, những thông tin mà nước này đưa ra không hề đề cập tới vị trí, cũng như cho phép xác định vị trí thi thể của nhà báo Khashoggi. Đây là lần đầu tiên Saudi Arabia thừa nhận cái chết của nhà báo này, vụ việc đã làm lung lay mối quan hệ của Saudi Arabia với phương Tây.
Phản ứng trước những thông tin mà Saudi Arabia đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố "không thỏa mãn". Theo Tổng thống Trump, việc chính quyền Saudi Arabia thừa nhận nhà báo Khashoggi đã chết là bước quan trọng đầu tiên. Tuy nhiên, ông vẫn muốn có câu trả lời rõ hơn về vấn đề này. Dù bác bỏ thông tin sẽ dừng các hợp đồng mua bán vũ khí với Saudi Arabia, song người đứng đầu nước Mỹ cũng đề cập tới khả năng trừng phạt nước này.
"Cùng với con số 450 tỷ USD giá trị đầu tư, với 110 tỷ USD hợp đồng quân sự từ phía Saudi Arabia, sẽ là hơn 1 triệu việc làm. Sẽ không hữu ích khi chúng ta hủy bỏ các hợp đồng đó. Điều này gây tổn hại cho nước Mỹ hơn là Saudi Arabia. Không có các trang thiết bị quân sự của Mỹ, họ có thể đến Trung Quốc và Nga hay những nước khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều khác có thể được thực hiện bao gồm các biện pháp trừng phạt", Tổng thống Trump cho biết.
Đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, những lời giải thích của Saudi Arabia là không đủ và theo bà Merkel, lý do thực sự đằng sau cái chết của nhà báo Khashoggi cần phải được làm sáng tỏ: "Liên quan tới Saudi Arabia, vụ mất tích của nhà báo Khashoggi là một sự kiện kinh hoàng. Vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ và chúng tôi yêu cầu có những lời giải thích rõ ràng".
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini thì yêu cầu một cuộc điều tra "sâu rộng, đáng tin cậy và minh bạch" về "cái chết cực kỳ đáng lo ngại này". Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian cho rằng, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải, trong khi Bộ Ngoại giao Anh kêu gọi, những người chịu trách nhiệm về hành vi kinh khủng này phải bị xét xử.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 20/10 cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc sau thông báo của Saudi Arabia, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cuộc điều tra nhanh chóng, sâu rộng và minh bạch về bối cảnh vụ việc.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia cùng ngày cũng thông báo, Tòa án nước này sẽ thụ lý vụ nhà báo Khashoggi, bởi vụ việc xảy ra tại Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul - phần lãnh thổ chủ quyền của Saudi Arabia.
Vụ mất tích của nhà báo Jamal Khashoggi đã gây chấn động thế giới và phần nào ảnh hưởng tới hình ảnh của Saudi Arabia. Nhiều nhà đầu tư đã tạm dừng các hoạt động tại nước này, trong khi một số sự kiện quan trọng được tổ chức tại Saudi Arabia cũng vắng bóng các nhà lãnh đạo phương Tây. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, một cuộc điều tra sâu sắc, nhanh chóng và minh bạch sẽ giúp lấy lại hình ảnh của nước này./.
Thu Hoài
Theo VOV1 Tổng hợp
Sau trưng cầu dân ý, New Caledonia vẫn thuộc Pháp Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 4.11 cho thấy người dân New Caledonia lựa chọn ở lại thay vì độc lập hoàn toàn khỏi nước Pháp. Đa số người dân New Caledonia đi bỏ phiếu lựa chọn không độc lập hoàn toàn khỏi Pháp - Ảnh: AP Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ước tính đạt khoảng 80%. Họ lựa...