Pháp gặp khó trong việc rút quân khỏi Afghanistan
Rút toàn bộ lực lượng chiến đấu Pháp ra khỏi Afghanistan trước cuối năm 2012 là một trong những cam kết tranh cử mấu chốt của Francois Hollande trong lĩnh vực đối ngoại.
Quân Pháp tại căn cứ Tora, tỉnh Surobi, Afghanistan. (Nguồn: AFP)
Tuy nhiên, một khi đã trở thành tổng thống, việc ông có khả năng làm như vậy hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Một cách cụ thể, nếu làm đúng chủ trương của ông Hollande, Pháp sẽ phải rút hết một lực lượng gồm 3.400 binh sỹ, 900 xe chuyên dụng (trong đó có 500 bọc thép), 1.400 container, 3 máy bay tiêm kích Mirage 2000 và 14 trực thăng.
Cách duy nhất tôn trọng thời hạn rút quân cuối năm 2012 là sử dụng các máy bay vận tải hạng nặng, có khả năng vận chuyển cả người và phương tiện chiến đấu từ các sân bay ở Kabul hoặc Bagram về Pháp hoặc tới Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, nơi Pháp có một căn cứ quân sự.
Điều đáng nói là quân đội Pháp được trang bị rất khiêm tốn về khả năng vận tải hàng không hạng nặng. Để thực hiện lệnh rút quân, Pháp sẽ phải thuê của Nga hoặc Ukraine các máy bay Antonov, có sức chở từ 7-8 xe bọc thép mỗi chiếc. Nhưng với giá khoảng 30.000 euro/giờ, chi phí cho hành trình đi-về sẽ rất lớn. Vì vậy, việc rút quân sớm sẽ phải trả một cái giá rất đắt về tài chính. Một chuyên gia quân sự Pháp nói đùa rằng muốn làm vậy, Chính phủ Pháp “phải tăng thuế” đối với người dân ngay lập tức.
Ngay cả khi có phương tiện thì Pháp cũng sẽ vướng phải kế hoạch rút 23.000 binh sỹ mà Mỹ tiến hành gần như ở cùng thời điểm. Vấn đề sẵn có các máy bay chuyên chở lớn lại được đặt ra bởi không chỉ có Pháp, mà các nước NATO khác cũng muốn quay vòng sử dụng các máy bay này.
Video đang HOT
Giải pháp thứ hai ít tốn kém hơn nhưng cũng ít chắc chắn hơn, đó là mượn tuyến đường phía nam qua Pakistan. Hiện tại, tuyến đường này đã bị đóng cửa, bởi Islamabad vẫn đang thực thi lệnh cấm NATO vận chuyển trang thiết bị quân sự qua lãnh thổ Pakistan để phản đối sự đột nhập của các máy bay không người lái Mỹ.
Chỉ còn lại tuyến đường phía bắc, đi qua Trung Á và Nga bằng đường sắt. Nhưng nói như vậy cũng không phải không có vấn đề. Bỏ qua các rắc rối hải quan, hành trình rút quân sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức, vì thời gian rút quân sẽ kéo dài và diễn ra phức tạp. Hơn nữa, hành trình này rất thuận lợi cho các cuộc phục kích tấn công của Taliban.
Như ý thức được vô số những trở ngại trong vấn đề Afghanistan, Tổng thống Hollande dường như bắt đầu do dự với chủ trương của mình. Đã có lần ông đánh tiếng rằng chỉ có các đơn vị chiến đấu có thể rút quân trước cuối năm 2012, còn các trang thiết bị của quân đội Pháp “sẽ tính sau.”
Tuy nhiên, dù cho kế hoạch diễn ra như vậy thì nhiều sỹ quan Pháp vẫn cảm thấy không ổn, bởi Pháp “không thể vứt trang thiết bị ở lại và nhờ người Mỹ trông hộ.” Nếu lính chiến rút quân thì ai sẽ là người bảo vệ các đoàn xe chuyên chở trước các cuộc tấn công tiềm tàng của Taliban sau này.
Một số chuyên gia quân sự cũng nhấn mạnh rằng về mặt tổ chức, việc rút quân sớm của Pháp còn có thể gây rối loạn cho đồng minh. Công tác bàn giao quyền lực tại Kapissa, nơi quân đội Pháp đang quản lý, thông thường phải kéo dài 18 tháng. Nếu Pháp rút sớm, địa phương rất bất ổn về an ninh này sẽ không có người huấn luyện, gánh vác và chia sẻ nhiệm vụ cho các đơn vị vũ trang non trẻ của Afghanistan trong thời gian này.
Ngoài những hạn chế về tài chính, an ninh và kỹ thuật, việc rút quân sớm của Pháp còn gây ra những khó khăn về ngoại giao trong quan hệ với Mỹ. Đầu năm nay, ông Sarkozy chỉ tuyên bố rút quân vào cuối năm 2013, sớm một năm so với kế hoạch dự kiến chung cuối năm 2014 của NATO, cũng đủ gây tức giận cho Washington.
Vấn đề là ở chỗ nhiều nước nhỏ trong lực lượng đồng minh, vốn không dễ chịu với cam kết tại Afghanistan, có thể vin cớ Pháp rút quân sớm để thúc đẩy kế hoạch tháo lui của riêng mình và Washington không thể chấp nhận nguy cơ này.
Giữ lời hứa với các cử tri, thực tế chiến trường, quan hệ ngoại giao và các đòi hỏi về mặt an ninh, Hollande sẽ có rất ít lựa chọn tại Chicago, nơi ông sẽ lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO trong tư cách một tổng thống. Thậm chí một số người còn bảo đảm rằng tân Tổng thống Pháp sẽ làm theo lịch trình của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy./.
Theo TTXVN
Cuộc chiến Afghanistan chủ đề chính của Hội nghị cấp cao NATO
Cuối tuần này, Tổng thống Obama sẽ chào đón các nhà lãnh đạo của NATO đến thành phố Chicago (Mỹ) để tham dự Hội nghị cấp cao của nhóm.
Cuộc chiến ở Afghanistan chắc chắn sẽ là chủ đề quan trọng nhất được các nguyên thủ quốc gia và hàng nghìn quan chức cao cấp khác của NATO tập trung thảo luận.
Mục tiêu của hội nghị lần này là tìm giải pháp để các nước thành viên có thể chia sẻ trách nhiệm đối với cuộc chiến ở Afghanistan, đồng thời đề ra phương pháp giải quyết các thách thức mà NATO đã, đang và sẽ phải đối mặt.
Lính NATO chết trận ở Afghanistan (Ảnh: Nation.com.pk)
Có thể khẳng định rằng, Afghanistan sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu tại cuộc họp của các nguyên thủ từ 28 nước thành viên thuộc NATO vào 2 ngày (19 - 20/5) tới. Theo các chuyên gia phân tích chính trị, cuộc họp cấp cao NATO tại Chicago lần này sẽ tái khẳng định kế hoạch của nhóm là sẽ rút hết 130.000 binh sỹ chiến đấu ra khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, NATO sẽ cam kết tiếp tục duy trì quan hệ đối tác dài hạn đối với chính quyền Afghanistan.Chính vì thế, đầu tháng 5 này, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố: Tại cuộc họp ở Chicago, Liên minh NATO sẽ đặt một mục tiêu cho các lực lượng của Afghanistan để đảm nhận vai trò dẫn dắt trong các hoạt động chiến đấu tại quốc gia này vào năm tới. Các binh sỹ quốc tế tiếp tục thực hiện vai trò đào tạo, tư vấn và hỗ trợ đối với Afghanistan, đồng thời sẽ cùng chiến đấu khi cần thiết. Tuy nhiên, NATO sẽ chuyển sang vai trò hỗ trợ khi mà các lực lượng của Afghanistan trưởng thành.
Câu hỏi đặt ra ở đây là NATO sẽ tiến hành rút quân như thế nào để với sự hỗ trợ của khối thì các lực lượng an ninh của Afghanistan có thể tự đảm đương trách nhiệm bảo vệ đất nước. Một nguyên tắc vàng được NATO thống nhất đó là "Cùng nhau đổ quân, và cùng nhau rút quân", nhưng tại thời điểm hiện nay nguyên tắc này lại trở thành một vấn đề rắc rối, khi mà tân Tổng thống Pháp Francois Hollande, một nguyên thủ thành viên của NATO đã cam kết với cử tri Pháp trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ rút hết binh sỹ Pháp ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay chứ không phải là năm 2014.
Ông Sean Kay, chuyên gia nghiên cứu về NATO thuộc trường đại học Wesleyan University của Mỹ nhận định, tại cuộc họp ở Chicago sắp tới, các quan chức NATO sẽ phải thuyết phục Tổng thống Pháp Francois Hollande từ bỏ kế hoạch rút 3.300 binhh sỹ ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, cho dù việc thuyết phục là rất khó. Nếu các nước thành viên cứ tiến hành rút quân theo kế hoạch riêng sẽ gây rắc rối cho những đồng minh còn lại, đặc biệt là Mỹ, nước đã cam kết có trách nhiệm với cuộc chiến của Afghanistan.
Ngoài vấn đề Afghanistan, tại cuộc họp cấp cao của NATO lần này, các nhà lãnh đạo NATO cũng phải bàn bạc để giải quyết những bất đồng và xung đột diễn ra ngay trong nội khối, đồng thời thảo luận về tương lai của NATO.
Hiện NATO đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong bối cảnh các nước thành viên đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, và phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng cũng như cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Ông Philip Gordon, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu nhận xét: Xu hướng chi tiêu quốc phòng của châu Âu hiện đang giảm đi và trong dài hạn, nếu nguồn ngân sách này không được duy trì thì khối NATO trong nhiều năm, thậm chí cả vài thập kỷ tới sẽ không có khả năng thực hiện được những việc mà trước đây đã từng làm, ngay cả vụ gần đây nhất như trường hợp của Libya.
Bên cạnh đó, các nước thành viên NATO cũng sẽ thảo luận về khái niệm "Quốc phòng thông minh" của Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen, liên quan tới việc chia sẻ nhiều hơn các nguồn lực trong nội khối.
Một vấn đề quan trọng nữa cũng sẽ được các nhà lãnh đạo đưa ra bàn bạc đó là hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Mặc dù bị Nga phản đối kịch liệt, nhưng Mỹ và NATO vẫn có kế hoạch triển khai hệ thống này.
Tại cuộc họp cấp cao ở Chicago, các nhà lãnh đạo của NATO cũng sẽ phải đánh giá cơ sở hạ tầng quân sự, khả năng hỗ trợ hậu cần, các hoạt động tình báo và do thám của các nước thành viên trong khối để đảm bảo việc tiếp tục duy trì và phát triển khả năng quân sự cần thiết của NATO trong tương lai./.
Theo VOV
Afghanistan sẵn sàng tiếp quản trách nhiệm an ninh Đáp lại cam kết của Tổng thống đắc cử Pháp Francois Hollande, theo đó sẽ sớm rút binh sĩ về nước, Bộ Quốc phòng Afghanistan ngày 7/5 tuyên bố các lực lượng của nước này sẵn sàng tiếp quản trách nhiệm an ninh vào năm 2013. Lực lượng an ninh Afghanistan đang đứng gác tại Kabul. Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP)Người phát ngôn...