Pháp điều tra ‘bố già của bố già’
Các nhà điều tra Pháp đang thu thập chứng cứ để đưa doanh nhân Michel Tomi ra trước pháp luật với nhiều cáo buộc gây chấn động.
Michel Tomi, người bị cho là ông chủ lớn của giới tội phạm Pháp – Ảnh: AFP
Theo tờ Le Monde, đây là vụ việc cực kỳ phức tạp và nghiêm trọng vì không chỉ liên quan đến mạng lưới tội phạm ở Pháp mà có thể đụng chạm đến các quan chức cấp cao và ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao giữa nước này với nhiều quốc gia châu Phi. Từ năm ngoái, hai thẩm phán Serge Tournaire và Hervé Robert cùng 10 cộng sự bắt đầu bí mật điều tra về doanh nhân Michel Tomi, 67 tuổi, với các cáo buộc rửa tiền có hệ thống, thâm lạm tài sản xã hội, hoạt động tội phạm… qua Tập đoàn Kabi của ông này. Bên cạnh đó, ông Tomi còn bị nghi ngờ đã thiết lập một mạng lưới chính trị với quan hệ “thân thiết trên mức bình thường” với nguyên thủ các nước Mali, Gabon, Chad, Cameroon…
Đến nay, đã có thêm 2 hồ sơ điều tra khác ở các thành phố Ajaccio và Marseille cùng báo cáo của Cơ quan Chống rửa tiền trực thuộc Bộ Kinh tế Pháp liên quan đến Tomi cũng được tập trung về Paris. Các thẩm phán chính thức đề nghị tòa án cho mở rộng điều tra “hối lộ quan chức nước ngoài” đối với ông Tomi và cảnh sát cũng không bỏ qua khả năng ông này được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia Pháp.
Ông trùm trong bóng tối
Khởi nghiệp từ các sòng bạc ở Pháp vào cuối thập niên 1960 nhưng sau một số rắc rối pháp lý vào năm 1988, ông Tomi bắt đầu đẩy mạnh hoạt động kinh doanh sang châu Phi thông qua quan hệ với các chính trị gia sở tại, theo Le Monde. Tại đây, doanh nhân này từ mạng lưới cá cược và các sòng bạc ban đầu đã xây dựng một đế chế công nghiệp xuyên quốc gia ở nhiều lãnh vực: bất động sản, nhà hàng khách sạn, xây dựng với Tập đoàn Kabi; hàng không với 2 hãng Afrijet Business Service và Gabon Airlines… Giới điều tra nhận định, ông Tomi đã dùng lợi nhuận từ việc kinh doanh ở châu Phi để tiếp tục giữ tầm ảnh hưởng cực lớn trong thế giới ngầm Pháp mà không cần phải ra mặt, thậm chí có thể được xem là “bố già của bố già”. Nhờ đó, ông này thường xuyên dùng luận điệu “hầu như không kinh doanh ở Pháp” để bác bỏ mọi cáo buộc dính líu đến giới tội phạm trong nước, đặc biệt là các băng nhóm khét tiếng tàn bạo ở đảo Corse.
Video đang HOT
Qua nhiều đợt theo dõi, nhà chức trách đã nắm được những thông tin quan trọng để hiểu rõ hơn về doanh nhân “lắm chiêu” Tomi. Năm 2011, cảnh sát Pháp đã mở đợt truy quét một băng nhóm tội phạm Corse bị nghi ngờ đang âm mưu thâu tóm sòng bạc Wagram ở Paris. Ba tên tội phạm cộm cán của tổ chức này là Frédéric Federici, Stéphane Luciani và Jean-Luc Germani đã bỏ trốn. Cơ quan tình báo của cảnh sát Paris (DRPP) tiếp nhận hồ sơ và trong quá trình điều tra đã phát hiện bộ ba Federici, Luciani, Germani được ông Tomi nhiệt tình hỗ trợ tại châu Phi. Đây là cơ sở để DRPP xâu chuỗi sự kiện và có những khám phá quan trọng tiếp theo.
Xâm nhập giới chính trị
Trong số các nguyên thủ châu Phi, ông Tomi được cho là có quan hệ rất đặc biệt với Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita. Le Monde dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp nhận định: “Điểm mạnh của Tomi là kết thân với ông Keita từ khi vị này chưa là gì ở chính trường Mali”. Hồ sơ của các nhà điều tra Pháp ghi nhận vào tháng 4.2012, “bố già của bố già” đã tay bắt mặt mừng với ông Keita sau một bữa ăn ở nhà hàng sang trọng ở Paris. Tomi còn thường xuyên chi trả trọn gói các chuyến thăm Pháp của ông Keita; dành các suất miễn phí ở 2 hãng máy bay Afrijet và Gabon Airlines để ông này di chuyển trong chiến dịch tranh cử tổng thống… Chính vì vậy, khi ông Keita trở thành tổng thống vào năm 2013, ông Tomi ngay lập tức tăng cường đầu tư vào Mali.
Một chi tiết khiến các nhà điều tra rất quan tâm là bố già giấu mặt còn lo cả an ninh cho Tổng thống Keita trong những lần đến thăm Pháp với sự hỗ trợ của cựu Giám đốc Cục Tình báo nội vụ trung ương Pháp Bernard Squarcini, từng là cộng sự thân tín của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Ngoài Tổng thống Mali, những đoạn ghi âm điện thoại do cảnh sát thu thập cho thấy ông Tomi còn là người quen lâu năm của nhiều quan chức, lãnh đạo cấp cao của châu Phi, đặc biệt là cha con Tổng thống Gabon Omar Bongo và Ali Bongo hay Bộ trưởng Quốc phòng Cameroon Edgard Ngo’o. Những mối quan hệ này không chỉ giúp công việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió mà còn giúp ông Tomi trở thành trung gian cho nhiều nhà đầu tư Trung Quốc xâm nhập thị trường các nước châu Phi. Đến nay, các quốc gia liên quan chưa có phản ứng gì về các tiết lộ trên còn ông Tomi đã bác bỏ mọi cáo buộc.
Theo Le Monde, đây mới chỉ là bước đầu của quá trình điều tra, có thể cảnh sát sẽ còn phát hiện nhiều chứng cứ quan trọng và dư luận Pháp đang chờ đợi một cơn địa chấn mới nổ ra trên chính trường nước này cũng như nhiều nước khác.
Theo TNO
Quân Nga tràn vào Crimea
Theo AP và CNN ngày 2.3, một lực lượng lớn quân Nga đã tiến vào bán đảo Crimea của Ukraine và chính quyền Kiev đã gần như mất quyền kiểm soát khu vực này.
Lực lượng được cho là lính Nga hoặc "thân Nga" đã kiểm soát hầu hết bán đảo Crimea - Ảnh: AFP
Tờ Le Monde ngày 2.3 dẫn lời đại diện Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andriy Paruby cho biết: "Bộ Quốc phòng ra lệnh tổng động viên toàn bộ quân dự bị để đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ sau khi Nga vi phạm các thỏa thuận song phương". Cùng ngày, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố nước này sẽ đóng cửa không phận đối với mọi máy bay phi dân sự, đồng thời nhận định những động thái mới nhất của Moscow là "tuyên chiến". Ông Turchynov kêu gọi cộng đồng quốc tế có những biện pháp thiết thực để hỗ trợ Kiev trước tình hình ngày càng phức tạp ở Cộng hòa tự trị Crimea (Ukraine). Hôm qua, Quốc hội Ukraine đề nghị các nước gửi quan sát viên đến nước này. Ngay sau khi Thượng viện Nga "bật đèn xanh" để Tổng thống Vladimir Putin can thiệp quân sự vào Ukraine, Kiev đã đặt quân đội vào tình trạng báo động và tăng cường biện pháp an ninh đối với các trung tâm hạt nhân và những "vị trí chiến lược" trên toàn quốc.
Đến nay, ông Putin vẫn chưa đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố gì về khả năng can thiệp quân sự ở nước láng giềng. Trước đó, trong kiến nghị trình lên thượng viên, Tổng thống Nga đề nghị được động binh "trong trường hợp khẩn cấp" để đảm bảo an toàn cho công dân và lực lượng quân sự của nước này tại Ukraine. Khoảng 60% dân số Crimea là người gốc Nga, trong đó nhiều người có 2 quốc tịch Ukraine - Nga. Le Monde dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov cho biết ông Putin sẽ đưa ra quyết định "tùy theo diễn biến tại Crimea". Còn theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigori Karasine, sự phê chuẩn của thượng viện không đồng nghĩa với việc Moscow sẽ nhanh chóng động binh. Văn bản được thông qua chỉ cho biết nước này có thể huy động cả lực lượng của Hạm đội biển Đen đang đồn trú tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea lẫn lực lượng từ Nga. Tới tối qua, chính quyền lâm thời Ukraine kêu gọi Nga ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề Crimea.
Giải pháp liên bang ? Theo Le Monde, những chính trị gia thân Nga ở Kiev đã thảo luận rất nhiều về khả năng "liên bang hóa" Ukraine như một giải pháp "chia cắt không bạo lực" nước này. Ngoài ra, tờ L'Express dẫn nguồn tin riêng cho biết Quốc hội Nga đang xem xét một dự luật giúp tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận những lãnh thổ mới. Thông tin này "vô tình" khớp với việc người biểu tình tại Crimea liên tục kêu gọi chính quyền địa phương tổ chức trưng cầu với 3 lựa chọn chính: tiếp tục là cộng hòa tự trị thuộc Ukraine; trở thành quốc gia độc lập; tái sáp nhập Nga.
Nga "bắt đầu tấn công"
Trong lúc Moscow cùng lúc "treo lơ lửng" cả biện pháp ngoại giao lẫn quân sự đối với Kiev thì tình hình tại Crimea và các khu vực phía đông đang rất nóng bỏng. Nhiều quan chức cấp cao Ukraine khẳng định từ 28.2, khoảng 6.000 binh sĩ Nga đã có mặt tại Crimea. Interfax dẫn nguồn tin quân sự từ Kiev cho biết 2 tàu chiến chống tàu ngầm thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã xuất hiện ở vùng biển ngoài khơi thành phố Sevastopol.
Đến tối qua, truyền thông Ukraine dẫn lời một thành viên của đảng UDAR và dân địa phương loan tin quân đội Nga đã bắt đầu "tấn công căn cứ của đơn vị hải quân 39 ở Sevastopol và xe bọc thép chở quân đã vây kín lối vào căn cứ". "Một sĩ quan Ukraine đã bị bắt làm tù binh. Một tòa nhà bốc cháy và đã có tiếng nổ lớn", một nguồn tin tại chỗ cho hay.
Chưa hết, theo Bộ Quốc phòng Ukraine, ngày 2.3, nhiều tay súng người Nga đã tịch thu vũ khí tại một căn cứ quân sự ở thành phố Sudak. Cơ quan này cũng cho biết khoảng 1.000 tay súng (không rõ quốc tịch) đã phong tỏa lối ra vào của một căn cứ bộ binh Ukraine ở Perevalne (Crimea) và bắt buộc binh sĩ ở đây giao nộp vũ khí. Theo AP, nhóm quân nhân bao vây căn cứ này đang sử dụng ít nhất 13 xe quân sự và 4 xe bọc thép được trang bị nhiều súng máy hạng nặng. Hiện Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về những thông tin nói trên.
Cũng trong ngày 2.3, theo kênh truyền hình RT, soái hạm Hetman Sahaydachniy của Ukraine bất ngờ quay lưng với Kiev và giương cờ hải quân Nga sau một đợt tuần tra ở vịnh Aden. Đại diện Hội đồng Quốc phòng và Đối ngoại thuộc Thượng viện Nga Igor Morozov xác nhận tàu chiến này đã "đứng về phía Nga". Giới quan sát nhận định cú "chuyển hướng" đột ngột của tàu Hetman Sahaydachniy cảnh báo nếu quan hệ giữa Kiev với Moscow tiếp tục căng thẳng, có khả năng Ukraine sẽ còn hao hụt lực lượng do các tướng lĩnh hoặc binh sĩ ủng hộ Nga đào ngũ. Bằng chứng là RIA-Novosti đưa tin nhiều binh sĩ Ukraine đóng tại Crimea đã bỏ ngũ hoặc tham gia lực lượng tự vệ của chính quyền Crimea, vốn đang muốn tăng quyền tự trị và thậm chí là ly khai khỏi Ukraine. Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Kiev đã mất kiểm soát ở Crimea là việc quân đội nước này rút 2 tàu tuần duyên khỏi Crimea và di chuyển tới cảng biển khác ở biển Đen, theo Reuters.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tối cao Crimea Vladimir Konstantinov cho biết ngoài bán đảo Crimea, nhiều thành phố ở miền đông và nam Ukraine cũng tổ chức biểu tình ủng hộ Nga trong dịp cuối tuần qua. Hàng chục ngàn người đã biểu tình tại Kharkov trong ngày 1.3. Trước trụ sở chính quyền thành phố này đã xảy ra đụng độ giữa khoảng 300 người biểu tình thân Nga và những người ủng hộ chính phủ lâm thời, làm ít nhất 97 người bị thương, theo hãng tin Itar-Tass. Người biểu tình còn đợi đêm xuống để đặt cờ Nga kế cờ Ukraine ở nhiều cơ quan chính phủ của Kharkov và các thành phố khác như Donetsk, Odessa, Dnipropetrovsk...
Nga có thể bị loại khỏi G8 Trước những tuyên bố cứng rắn của Nga, trả lời kênh truyền hình NBC ngày 2.3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Moscow có thể đánh mất vị trí trong nhóm G8 nếu tiếp tục ý định can thiệp quân sự vào Ukraine. Ông còn nặng lời chỉ trích Moscow đang có "hành động hung hăng". Tuy nhiên, trong thông cáo trước đó, ông Kerry tuyên bố Nga vẫn sẽ được mời tham dự những cuộc họp sắp tới của các tổ chức quốc tế và khu vực về Ukraine để trình bày quan điểm về các lợi ích chiến lược của nước này. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định Washington "tôn trọng quan hệ lâu đời giữa Nga và Ukraine cũng như những lo ngại về tình hình an ninh của công dân và căn cứ quân sự Nga tại Crimea". Hiện cả Mỹ, Anh và Pháp đều tuyên bố tạm hoãn quyết định tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến được tổ chức tại Sochi (Nga) vào tháng 6. Theo Le Monde, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Nga sẽ bị cô lập về chính trị và kinh tế nếu tiếp tục "có hành động xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine. Đáp lại, ông Putin khẳng định Moscow có quyền bảo vệ quyền lợi và cộng đồng nói tiếng Nga trong trường hợp bạo lực bùng nổ ở miền đông Ukraine. Hôm qua, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cáo buộc Nga "đe dọa hòa bình và an ninh của châu Âu" còn Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi ông Putin đàm phán khẩn cấp với Kiev để giảm căng thẳng.
Theo TNO
Lật lại vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme Tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng Millenium (Thiên niên kỷ) Stieg Larsson đã dành hàng chục năm trời điều tra vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme. Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme - Ảnh: AFP Cách đây đúng 28 năm, ngày 28.2.1986, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme bị ám sát trên đường đi bộ về nhà sau khi...