Pháp cho phép người từ 12 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19
Ít ngày sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho phép tiêm chủng ngừa Covid-19 đối với những người từ 12 đến 15 tuổi bằng vaccine Pfizer-BioNtech, nước Pháp đã thông báo kế hoạch tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên kể từ ngày 15/6.
Ngày 2/6, một cuộc họp Hội đồng An ninh – Quốc phòng đã diễn ra tại thủ đô Paris. Vấn đề tiêm chủng ngừa dịch Covid-19 tiếp tục được Tổng thống Pháp và các thành viên Chính phủ bàn thảo, trong đó có chủ trương tiêm phòng Covid-19 cho những người dưới 18 tuổi, sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu đồng thuận việc tiêm chủng cho người từ 12 đến 15 tuổi bằng vaccine Pfizer-BioNtech.
Tại một trung tâm tiêm chủng Pháp. Ảnh: Le Parisien
Chiều cùng ngày, trong chuyến thăm tới một địa phương ở phía Nam, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo cho phép người từ 12 đến 18 tuổi được tiêm vaccine kể từ ngày 15/6: “Sáng nay, chúng tôi đã quyết định, kể từ ngày 15/6, sẽ tổ chức tiêm chủng cho những thiếu niên, những người trẻ tuổi nhất, cho phép những người từ 12 đến 18 tuổi được tiêm chủng trong các điều kiện về tổ chức, điều kiện y tế, sự đồng thuận của phụ huynh, thông tin đến các gia đình, tiêu chuẩn về đạo đức… Các điều kiện này sẽ được các cơ quan y tế, cơ quan có thẩm quyền xây dựng trong những ngày tới”.
Ngày 15/6 vốn là mốc mà nước Pháp từng dự kiến tổ chức tiêm chủng cho toàn bộ người từ 18 tuổi trở lên nhưng kế hoạch này đã được đẩy sớm lên 2 tuần. Như vậy, kể từ ngày 15/6, tất cả những người từ 12 tuổi trở lên sẽ được tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 nếu có nhu cầu.
Nước Pháp cũng đặt mục tiêu tiêm chủng cho 30 triệu người vào ngày 15/6, nhưng mục tiêu này dự kiến cũng sẽ đạt được sớm hơn. Theo số liệu do Bộ Y tế nước này công bố, tính đến tối ngày 1/6, đã có hơn 26 triệu 200 nghìn người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Việc mở tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên nhằm giúp Pháp sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, tương đương khoảng từ 80% đến 90% tổng dân số.
Campuchia tiêm vaccine cho người trưởng thành tại Phnom Penh và Kandal
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia tiếp tục được đẩy nhanh khi nhiều ngày nay số ca mắc mới COVID-19 ở nước này vẫn tăng nhanh chóng mỗi ngày dù nhiều địa phương đang bị phong tỏa.
Vận chuyển bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh . (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo báo Khmer Times ngày 28/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đề nghị Ủy ban quốc gia về chiến dịch tiêm phòng COVID-19 tiến hành tiêm chủng cho toàn bộ 3 triệu người ở Phnom Penh và tỉnh Kandal giáp thủ đô, bắt đầu từ "Khu vực Đỏ" - nơi được khoanh vùng chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh.
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh đưa tin ông Hun Sen đã chỉ đạo cơ quan trên sử dụng toàn bộ hơn 1 triệu liều vaccine sẵn có và thêm 400.000 liều khác sẽ được gửi tới Phnom Penh trong ngày 28/4 để tiêm phòng cho toàn bộ người dân Phnom Penh và Kandal từ 18 tuổi trở lên.
Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Campuchia tiếp tục được đẩy nhanh khi nhiều ngày nay số ca mắc mới COVID-19 ở nước này vẫn tăng nhanh chóng mỗi ngày dù Phnom Penh, Takhmao (Kandal) và Preah Sihanouk đang phong tỏa.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 22/4, gần 1,3 triệu người sống tại Campuchia đã được tiêm ít nhất là một mũi vaccine ngừa COVID-19. Cụ thể, có 1.277.688 người, tương đương khoảng 8% dân số Campuchia đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 , trong đó có 983.145 người dân và 294.543 người thuộc lực lượng vũ trang.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Heng Sour cho biết khoảng 1,2 triệu công nhân các nhà máy đang phải hứng chịu những ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa tại Phnom Penh và Takhmao, vốn có hiệu lực từ ngày 15-28/4 và mới được gia hạn thêm một tuần tới ngày 5/5 tới.
Trong tổng số 1,2 triệu công nhân có khoảng 400.000 người sống trong những khu vực bị phong tỏa, trong khi số còn lại làm việc tại các nhà máy nằm trong khu vực hạn chế đi lại.
Các nhà máy đều rơi vào tình trạng thiếu nhân lực để hoàn thành đơn đặt hàng của nước ngoài, trong khi 60% tổng số các nhà máy may mặc ở Campuchia nằm ở Phnom Penh và Kandal. Khoảng 100.000 công nhân nhà máy và liên hiệp thương mại đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và số công nhân được tiêm đủ 2 mũi là 8.700 người.
Đức khẳng định công dụng của vaccine AstraZeneca Nước Đức sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID19 của hãng AstraZeneca do chưa có bằng chứng rõ rệt nào về các phản ứng phụ nghiêm trọng từ việc tiêm phòng loại vaccine này. Người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bremen, Đức ngày 26/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo của Viện Paul Ehrlich...