Pháo tự hành M109A7 của quân đội Mỹ có gì mới?
Quân đội Mỹ đã đưa vào sản xuất tỷ lệ thấp pháo tự hành M109A7 và xe tiếp đạn M992A3 được mệnh danh là pháo mặt đất của tương lai.
Pháo mặt đất các loại nói chung và pháo tự hành nói riêng tuy không còn là một vũ khí mang tầm chiến lược như trước nhưng vẫn là một bộ phận hỏa lực mặt đất không thể thiếu của bộ binh. Tuần qua, khả năng tấn công mặt đất của quân đội Mỹ được gia tăng đáng kể với việc lựu pháo tự hành M109A7 và xe tiếp đạn M992A3 bước vào giai đoạn sản xuất ban đầu với tỷ lệ thấp (LRIP).
M109A7 và M992A3 đã được giới thiệu trong một buổi lễ được tổ chức tại Anniston Army Depot vào ngày 14/05. Đây là một cơ sở chuyên thực hiện các hoạt động nâng cấp và bảo trì các phương tiện chiến đấu bọc thép của quân đội Mỹ.
Vào mùa hè này, các xe pháo tự hành M109A6 Paladin và xe tiếp đạn M992A2 sẽ được chuyển đến Anniston Army Depot. Tại đây, chúng sẽ được tháo rời để tiến hành các hoạt động nâng cấp lên tiêu chuẩn mới M109A7 và M992A3.
Một khung gầm hoàn toàn mới được sản xuất tại cơ sở của BAE System ở York, bang Pennsylvania sẽ kết hợp với các thành phần được tân trang lại tại cơ sở sản xuất mới của BAE System ở Eglin, bang Oklahoma để tiến hành lắp ráp theo tiêu chuẩn mới.
Pháo tự hành M109A7 và xe tiếp đạn M992A3 được giới thiệu trong buổi lễ vào ngày 14/05 vừa qua.
M109 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1963, loại pháo tự hành này đã từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam. Trong vòng 50 năm qua, nó đã cung cấp cho quân đội một phương tiện hỗ trợ tác chiến có khả năng di động cao, cung cấp hỏa lực mạnh mẽ và có khả năng thực hiện vai trò xuất sắc trong hầu hết các chức năng: Di chuyển, cơ động, khai hỏa, bảo vệ và thực hiện nhiệm vụ.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trải qua hàng chục năm nâng cấp khung gầm cho thấy nó đã tới giới hạn, đặc biệt là về không gian, trọng lượng, động cơ, hệ thống làm mát cũng như các hệ thống điện tử liên quan khác. Để đảm bảo khả năng chiến đấu, loại pháo tự hành này cần có một loại khung gầm mới.
M109A7 sẽ giữ nguyên pháo 155mm như trên biến thể M109A6, thay vào đó, chúng sẽ được trang bị một khung gầm, động cơ, hộp số, hệ thống treo và hệ thống lái mới. Khung gầm mới được phát triển dựa trên xe chiến đấu bộ binh Bradley với tính năng phổ biến là giảm công tác hậu cần, chi phí. Bên cạnh đó, việc cải thiện khả năng sống sót cũng là một thành phần quan trọng của chương trình nâng cấp.
Khung gầm mới sẽ có một hệ thống điện mới được thiết kế với công nghệ mới để đáp ứng các yêu cầu hiện tại và tương lai. Ngoài ra còn có hệ thống điều khiển đặc biệt giúp cải thiện đáng kể khả năng bắn của pháo.
M109A7 có thể bắn một cách nhanh chóng mà không cần lấy phần tử bắn từ trước nhờ vào việc cập nhật phần tử mục tiêu từ GPS thông qua hệ thống kết nối mạng. M109A7 còn có khả năng tấn công các mục tiêu bên ngoài tầm quan sát của hệ thống.
Hệ thống điện trên khung gầm mới được đảm bảo nền tảng để thực hiện các nâng cấp cho đến năm 2050. Dự kiến, quân đội Mỹ sẽ mua khoảng 133 lựu pháo tự hành M109A7, công tác giao hàng ban đầu sẽ tiến hành vào năm 2015.
Theo Tri Thức
Trận địa pháo châu Á - Thái Bình Dương
Bất chấp xu hướng tập trung tăng cường tàu chiến và máy bay, hệ thống pháo lục quân vẫn chiếm vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều nước.
Pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc trong một đợt tập trận - Ảnh: Cleveland.com
Lâu nay, do tranh chấp chủ quyền trên biển có chiều hướng gia tăng và thay đổi chiến lược trong khu vực khiến các nước tập trung tăng cường tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa hiện đại. Tuy nhiên, vụ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nã pháo vừa qua được các chuyên gia xem là bằng chứng cho thấy pháo hạng nặng vẫn chưa hề bị lãng quên.
Tạp chí quốc phòng Defense Review Asia (DRA) dẫn lời giới quan sát khẳng định số lượng các hệ thống đạn pháo vẫn tăng đều đặn trong quân đội các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Các đại gia khu vực
Hiện nay, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore là những quốc gia được đánh giá đủ khả năng tự sản xuất pháo hạng nặng, theo DRA. Công ty Samsung Techwin của Hàn Quốc nổi tiếng với pháo tự hành K-9, nặng 46,3 tấn và có cỡ nòng 155 mm. Hàng trăm khẩu K-9 đã được lục quân Hàn Quốc đưa vào biên chế và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 1.000 khẩu.
Nhiều công ty quân sự Nhật Bản cũng đang tự nghiên cứu hoặc sản xuất theo nhượng quyền nhiều loại pháo cho lực lượng phòng vệ mặt đất (GSDF). Hiện nay, GSDF sở hữu 54 khẩu Type 99, cỡ nòng 155 mm và có tầm bắn lên tới 40 km của Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi. Ngoài ra, các đơn vị pháo binh Nhật được cho là đủ khả năng chống trả mọi lực lượng đổ bộ lên các hòn đảo của nước này nhờ 91 khẩu pháo tự hành M110A2 203 mm kết hợp với 479 khẩu pháo kéo FH-70 155 mm.
Trung Quốc, nước có tranh chấp chủ quyền với Nhật và Hàn Quốc, thì đang sở hữu hơn 6.000 khẩu pháo kéo và 1.700 pháo tự hành, phần lớn từ thời Liên Xô, theo DRA. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, Trung Quốc tự sản xuất pháo tự hành cỡ nòng 155 mm như PLZ05 được quảng cáo là có tầm bắn lên tới 100 km. Thế nhưng, giới chuyên gia quân sự tỏ ra rất nghi ngờ vì phần lớn những loại đầu đạn điều khiển chính xác chỉ có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 22 - 64 km.
Ở khu vực Đông Nam Á, mới duy nhất có Singapore tự sản xuất 2 hệ thống pháo kéo Pegasus 155 mm và pháo tự hành Primus 155 mm.
Mạnh mẽ và linh hoạt
Tuy pháo bánh xích vẫn là chủ lực của lục quân các nước nhưng theo DRA, trong thời gian gần đây, hệ thống pháo gắn trên xe tải đang ngày càng chứng tỏ sức hút vì chi phí vận hành thấp hơn mà lại cơ động hơn và hỏa lực không thua kém.
Samsung Techwin đã được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đặt hàng chế tạo nhiều hệ thống pháo gắn trên xe tải như EVO-105 được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực của K-9. Lục quân Hàn Quốc dự kiến mua 800 khẩu EVO-105 và sẽ nhận những đơn vị đầu tiên vào năm 2017. Ngoài ra, Samsung Techwin đang có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu EVO-105.
Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang rất quan tâm tới việc tăng cường hệ thống pháo gắn trên xe tải. Hồi năm 2006, nước này trở thành quốc gia châu Á đầu tiên mua 6 khẩu pháo CAESAR 155 mm của Công ty Nexter (Pháp). Tuy nhiên, do hệ thống điện tử của CAESAR có vấn đề khi vận hành trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nên Bangkok đang tích cực tìm giải pháp thay thế.
DRA dẫn lời đại tá Teera Nakmalee thuộc Trung tâm sản xuất vũ khí của lục quân Thái tiết lộ họ đang phát triển pháo cỡ nòng 155 mm sử dụng công nghệ gắn trên xe tải của Israel để thay thế CAESAR với chi phí thấp hơn. Lục quân sẽ nhận những khẩu đầu tiên trong năm nay.
Theo chân Thái Lan là Indonesia với hợp đồng đặt mua 37 khẩu CAESARS hồi năm 2012, còn Myanmar cũng được cho là đã đặt hàng 150 hệ thống pháo gắn xe tải SH1 của Trung Quốc.
Theo TNO
Pháo binh Hàn-Triều: "Kẻ tám lạng, người nửa cân" Sau màn "đấu pháo" ngày 31/3 ở Hoàng Hải, giới phân tích tập trung mổ xẻ tương quan lực lượng về pháo binh giữa hai miền Triều Tiên. Theo nhận định ban đầu, Triều Tiên có ưu thế về số lượng trong khi Hàn Quốc lại tỏ ra vượt trội về chất lượng. Triều Tiên có "siêu pháo" M-1978 và pháo phản lực...