Pháo phòng không “quái thú” một thời của quân đội Xô Viết
Pháo Shilka là vũ khí phòng không lừng danh của Liên Xô và xứng đáng được gọi là “quái thú” bởi khả năng tấn công vào các đỉnh núi hay thậm chí là tác chiến trong đô thị.
Pháo phòng không Shilka.
Những người lính trong quân đội Xô viết thường nói đùa rằng “lính phòng không là những phi công không đủ tiêu chuẩn nên không thích kẻ khác bay lượn”. Nhưng cho dù cố gắng đến đâu, họ cũng không thể giữ bầu trời bình yên trong thời hậu chiến.
Các loại vũ khí phòng không của những năm 1950 không thể bắn trúng những mục tiêu tốc độ cao và thường chỉ nhằm mục đích tạo ra lưới lửa để đẩy lùi máy bay địch tránh xa các mục tiêu dưới đất.
Vào thời điểm đó, dựa trên việc đoạt được những bí quyết của quân đội Đức quốc xã, cả Mỹ và Liên Xô đã gấp rút phát triển các loại tên lửa phòng không đầu tiên trên thế giới. Được thiết kế để tấn công các mục tiêu tầm trung và tầm cao, tên lửa vẫn “cho phép” máy bay địch bay từ độ cao dưới 300 m một cách khá an toàn.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của một loại pháo phòng không có thể ngắm bắn trong lúc di chuyển là điều cần thiết.
Vào thời kỳ này, quân đội Mỹ vẫn sử dụng pháo M42A1 Duster, một hệ thống phòng không dạng xe tăng được trang bị súng 2 nòng 40 mm. Sau đó, Mỹ cũng cải tiến thêm pháo M163 Vulcan 20 mm để gắn trên xe bọc thép chở quân.
Meteor, R-77 (RVV-AE), IRIS-T hay AIM-9X Sidewinder nằm trong số những tên lửa không đối không hiệu quả nhất thế giới hiện nay.
Còn phía quân đội Xô viết, họ có 2 hệ thống được phát triển cùng lúc, là mẫu súng 4 nòng 23 mm và mẫu súng 2 nòng 37 mm, lần lượt được đặt tên là Shilka và Yenisei.
Pháo Shilka ZRK-23-4 mặc dù tỏ ra vượt trội hơn so với tất cả, nhưng vẫn có những nhược điểm. Cỡ đầu đạn mà Shilka sử dụng khá hiếm trong quân Liên Xô, và trọng lượng 28 tấn của khẩu súng cũng như khoang điều khiển khiến nó chỉ có thể được trang bị trên xe tăng (xe bánh xích). Một yếu tố quyết định khác có lợi cho Shilka là sự hữu hiệu đối với các mục tiêu tầm thấp và tầm gần.
Shilka ZRK-23-4 được sử dụng trong quân đội vào năm 1962, 5 năm trước pháo Vulcan của Mỹ, và theo lời của Đại tá quân đội Liên Xô đã nghỉ hưu Anatoly Dyakov viết trong hồi ký của mình thì nó được coi là “một cuộc cách mạng thật sự”.
“Mặc dù các sĩ quan ngày nay coi những thiết bị này như sẵn có, vào những năm 1960 nó là đỉnh cao của thiết kế công nghệ”, Anatoly Dyakov viết.
Video đang HOT
Với tốc độ bắn 4.000 viên/phút, pháo Shilka có thể bắn trúng các mục tiêu trên không bay với tốc độ 450 m/s trong tầm bắn 2.500 m khi ngắm bắn theo góc chéo hay 2.000 m khi ngắm bắn thẳng đứng.
Pháo Shilka ngắm bắn bằng mắt thường hay bằng rađa tự động, có thể truy lùng mục tiêu và chuyển dữ liệu tới máy tính để có được tọa độ bắn. Góc nghiêng của súng cũng được điều chỉnh tự động để giảm ảnh hưởng khi xe di chuyển.
Mặc dù được chống nhiễu khá tốt, rađa chỉ có tầm hoạt động khoảng 6-12 dặm (khoảng 10-20km) phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nhược điểm này được phát hiện trong chiến tranh Arab – Israel trong những năm 1960 và 1973.
Quân Syria không được huấn luyện đầy đủ, thường chọn ngắm bắn bằng mắt thường, Shilka vẫn được ghi nhận với chiến tích 16 trong tổng số 117 máy bay bị bắn hạ bởi lực lượng phòng không Syria trong các năm 1973-1974.
Mặc dù đến năm 1990 hệ thống đã lỗi thời, Shilka vẫn có khả năng gây ra tổn thất đối với máy bay của liên quân phương Tây trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất bằng chiến thuật ép phi công bay thấp một cách thận trọng và mắc sai lầm.
Hệ thống không chỉ đạt thành công đối với các mục tiêu trên không. Hỏa lực mạnh mẽ của Shilka chống quân bộ được đánh giá cao bởi quân du kích trên khắp thế giới. Vào năm 1975, hệ thống được sử dụng tại Angola, khi một nhóm quân Cuba dùng nó để ngăn chặn bước tiến của lien quân FLEC (Mặt trận Giải phóng Vùng bao Cabinda) và quân đội chính quy Zaire. Sau khi đã gài mìn trên đường, họ khai hỏa từ vị trí đã định trước và diệt gọn toàn bộ đoàn quân địch.
Quân đội Liên Xô sử dụng vũ khí tương tự để chống mai phục tại Afghanistan. Không như xe tăng và xe bọc thép có súng, nòng Shilka có thể hướng thẳng đứng để tấn công quân nổi dậy ở trên đỉnh vách núi. Đây được gọi là “phiên bản Afghan” của ZSU-23-4 không có rađa nhằm tăng sức chứa của đạn dược và khả năng bắn 4.000 viên trong một phút.
Shilka cũng được sử dụng cực kỳ hiệu quả trong nội chiến Chechnya. Trung tướng Vladimir Potapov, thủ lĩnh của vùng quân sự Bắc Kavkaz, đặc biệt chú ý đến tính hiệu quả cao của súng đối với đồn và điểm khai hỏa của địch.
Potapov đã viết trong một bản báo cáo kết quả tham chiến rằng: “Được hiệu chỉnh để giao tranh trên phố, chiến thuật sử dụng Shilka khi đối địch với sức kháng cự mạnh là đưa xe ra từ đằng sau điểm nấp, bắn một loạt đạn dài và rút trở lại ngay lập tức.”
Trong khi đó, những điểm yếu cố hữu như tầm bắn tối ưu hạn chế đối với các mục tiêu trên không, sức công phá của đạn dược không đủ và tầm hoạt động ngắn của rađa đã được hoàn toàn loại bỏ sau nửa thế kỉ hoạt động. Ngày nay Shilka vẫn được sử dụng tại 39 quốc gia.
Hệ thống cũng được sử dụng vào những năm 80 để phát triển hệ thống phòng không Tunguska, là tiền đề của hệ thống Pantsir-S1 hiện tại, được trang bị tên lửa đất đối không tầm ngắn-trung và hệ thống pháo phòng không.
Theo_Zing News
Trận đánh "giặc trời" trên thành phố Đỏ
Lưới đạn của trung đoàn pháo cao xạ 280, pháo trung cao, tiểu cao và dân quân tự vệ thành phố Vinh giăng đỏ trời. Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy cố lao ra biển. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc.
Ký ức của người lính năm xưa
Căn nhà nhỏ nép mình dưới chân núi Dũng Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) rợp trong bóng cây xanh. Người lính đã từng có những năm tháng chiến đấu trên đỉnh núi Dũng Quyết những ngày Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, nay lại trở về bình yên dưới chân núi với người bạn đời của mình.
Ngắm nghía chiếc huy hiệu quyết thắng ngày 5/8, ông hồi tưởng về chiến công đầu của quân dân thành phố Đỏ quê mình. Khi đó, trung sỹ Lương Đình Hiếu (SN 1940) là khẩu đội trưởng khẩu đội 3, Trung đội B74, Trung đoàn pháo cao xạ 280 đóng trên đỉnh núi Dũng Quyết.
Ngay sau khi Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ta đã dự đoán được khả năng địch sẽ sử dụng máy bay leo thang phá hoại miền Bắc. Vinh sẽ là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Để chủ động đối phó với địch, thành phố Vinh đã chỉ đạo sơ tán hơn 1 nghìn tấn máy móc để tiếp tục sản xuất. Phối hợp quân của Bộ, quân khu, Tỉnh xây dựng 15 đài quan sát, 23 điểm báo động, 92 trận địa pháo các loại, đào đắp gần 250 nghìn m3 công sự, 24 nghìn mét giao thông hào, thành lập 20 đội rà phá bom mìn, 173 đội cấp cứu tải thương....
Tình hình trở nên căng thẳng, báo động chiến đấu cấp 1 trên tất cả các trận địa. Trận địa pháo cao xạ trên đỉnh núi Dũng Quyết trực chiến 100% trên mâm pháo cả ngày lẫn đêm. Trên bầu trời, thường xuyên có máy bay U2 của Mỹ trinh sát ở tầm cao 10km. 11h15 phút ngày 5/8/1964, lệnh báo động về cấp 2. Bộ đội được lệnh nghỉ ăn cơm. Lương Đình Hiếu cùng một đồng chí quan sát thông tin ở lại trận địa đảm nhận nhiệm vụ trực ban.
Trận đánh đầu tiên với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc được cựu chiến binh Lương Đình Hiếu tái hiện lại bằng chất giọng hào sảng của một người lính: "Khoảng 12h15 phút ngày 5/8/1964, tiếng động cơ máy bay từ hướng Đông Nam rõ dần. Bằng ống nhòm và quan sát mắt thường, tôi phát hiện 3 tốp máy bay địch, mỗi tốp 3 chiếc A.4D bay thấp dọc sông Lam vào. Ngay lập tức, tình hình được báo về sở chỉ huy. Báo động toàn đơn vị.
Ông Lương Đình Hiếu và chiếc Huy hiệu Quyết thắng được tăng sau trận đánh ngày 5/8/1964.
Tôi hất tấm bạt che pháo xuống, lắp 2 băng đạn, nhảy vào vị trí pháo thủ số 1. Đồng chí Thìn làm pháo thủ số 2 và bắn loạt đạn đầu tiên nhằm vào tốp máy bay thứ nhất ở cự li 2.200m. Tiếp đó, toàn đơn vị khai hỏa, bắn vào tốp máy bay thứ 2, thứ 3. Sau loạt đạn của chúng tôi, các đơn vị pháo trung cao, tiểu cao của trung đoàn 280 và lực lượng tự vệ thành phố bắn mãnh liệt vào đội hình máy bay địch. Mặc dù kho xăng dầu ở xã Hưng Hòa đang bốc cháy ngùn ngụt do trúng bom của Mỹ nhưng lưới đạn của ta vẫn dày đặc tầm cao, tầm thấp khiến chúng buộc phải phân tán đội hình. Một chiếc A.4D trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt, các chiếc khác hoảng sợ tháo chạy ra biển".
Sau trận đánh, các đơn vị được lệnh kiểm tra vũ khí, đạn dược, rút kinh nghiệm chiến đấu và tổ chức trực chiến trên mâm pháo, sẵn sàng đánh địch bởi xác định có thể Mỹ sẽ quay lại phá hoại thành phố lần thứ 2. Lúc này, tất cả các trận địa pháo phòng không đã bị lộ, yếu tố bất ngờ không còn, do đó trận chiến dự báo sẽ ác liệt hơn lần 1.
Huy hiệu Quyết thắng 5/8 được ông cất giữ cẩn thận để ghi nhớ những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Đúng như dự đoán, khoảng 16h30, 8 chiếc máy bay A.4D từ biển vào, nâng độ cao, lấy đỉnh núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) làm điểm bổ nhào công kích trận địa pháo trung cao ở Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và ném bom ồ ạt vào kho xăng dầu Bến Thủy. "Lần trước, chúng lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, bay thấp để che "mắt thần" rađa nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, chúng ta phát hiện và đánh phủ đầu chúng ngay từ đầu. Sang trận đánh lần 2 này, ta chủ động tấn công địch.
Phía Nam thành phố lưới đạn đan dày đặc. Các đơn vị phòng không đồng loạt khai hỏa, chặn địch bổ nhào ném bom, bắn rốc-két các trọng điểm thành phố như nhà máy điện Vinh, cảng Bến Thủy, các trận địa... Bầu trời chiều đỏ rực bởi đạn pháo từ dưới mặt đất quyết tâm bắn hạ bọn "giặc trời". Thêm 2 máy bay Mỹ phải đền tội, số còn lại tháo chạy ra biển", ông Hiếu kể tiếp.
Cuộc chiến đấu 50 năm trước vẫn nguyên vẹn trong ký ức người lính pháo binh trên núi Dũng Quyết.
50 năm trôi qua, sau những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, TP Vinh - TP Đỏ anh hùng đã hồi sinh, phát triển để xứng tầm với trung tâm văn hóa, kinh tế của Bắc Trung bộ. Đỉnh núi Dũng Quyết - trận địa pháo phòng không năm xưa nay đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh. Nơi đây, mọi dấu tích chiến tranh đã bị che phủ bởi một màu xanh rợp mắt của rừng thông, cứ như thể những khốc liệt của đạn bom chưa từng diễnra trên mảnh đất này.
5/8/1964 - một mốc son lịch sử
Vào lúc 12 giờ 25 phút ngày 05/8/1964, tám máy bay phản lực cường kích cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga chia thành hai tốp, bay thấp trờn biển làm cho ra-đa của ta khó phát hiện, rồi đột nhập Cửa Sót (phía nam huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, Nam Đàn che khuất và bay thấp theo triền sông Lam để đánh phá các mục tiêu ở khu vực Vinh - Bến Thủy.
Vọng quan sát của Trung đoàn 290 ở Cửa Sót đã phát hiện được máy bay địch. Đại đội 14 ra-đa đánh dấu được đường bay của máy bay địch trên bàn tiêu đồ. Nhưng do thông tin không thông suốt nên Trung đoàn Phòng không 280 bảo vệ thành phố Vinh không nhận được thông báo kịp thời...
50 năm đã trôi qua của quân và dân thành phố Vinh mãi không bao giờ quên trận đánh thắng đầu tiên.
Vinh đã bắn rơi 146 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay đầu tiên (ngày 5/8/1964), chiếc máy bay thứ 100 (ngày 14/9/1966), thứ 300 (ngày 27/5/1965) của giặc Mỹ trên miền Bắc.
Ngày 16/9/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân thành phố: "Vinh là thành phố đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Đó là một thắng lợi quang vinh". Chiến tranh càng ác liệt, bản lĩnh thành phố Đỏ càng được tôi luyện; quân và dân thành phố không sợ hy sinh, quyết tâm bám trụ, giữ vững huyết mạch giao thông và thông tin liên lạc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Vượt qua muôn vàn khó khăn, Vinh vẫn vừa chiến đấu vừa sản xuất, ổn định cuộc sống.Càng tự hào về những chiến công đó, chúng ta càng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, những đồng chí thương binh đã xả thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trận đầu đánh Mỹ của quân và dân thành phố.
Hoàng Lam - Nguyễn Duy
Theo dantri
SIPRI: Những vũ khí mới Việt Nam sẽ nhận trong năm 2015 Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) vừa qua đã công bố bản báo cáo chi tiết về tình hình mua sắm vũ khí của Việt Nam. SIPRI: Những vũ khí mới Việt Nam sẽ nhận trong năm 2015 Trong bản báo cáo, SIPRI đã lần đầu tiên thống kê những chủng loại vũ khí mới mà Việt Nam sẽ tiếp...