Pháo phản lực mạnh nhất Nga có khả năng phóng UAV
Nga tích hợp khả năng phóng máy bay không người lái ( UAV) vào các tổ hợp pháo phản lực đa nòng BM-30 Smerch.
Tổ hợp BM-30 Smerch của Nga. Ảnh: Sputnik
Các kỹ sư quân sự Nga vừa phát triển thành công mẫu UAV quân sự có thể được phóng từ tổ hợp pháo phản lực đa nòng BM-30 Smerch của lục quân nước này, Sputnik ngày 1/3 đưa tin.
“Ý tưởng phóng UAV từ các tổ hợp rocket và pháo phản lực không phải là mới trên thế giới, nhưng chúng tôi đã phát triển thành công loại vũ khí này hoàn toàn bằng công nghệ nội địa”, tổng giám đốc tập đoàn vũ khí Nga Splav Nikolai Makarovets tuyên bố.
Theo ông Makarovets, UAV mới sẽ được gắn vào đầu quả rocket và sẽ bung ra trong quá trình rocket hướng đến mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin trên chiến trường.
Tổ hợp pháo phản lực BM-30 Smerch (Lốc xoáy) được phát triển vào đầu thập niên 1980, biên chế cho Hồng quân Liên Xô từ năm 1987. Khi đó, nó là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) mạnh nhất trên thế giới. Đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất.
Video đang HOT
Smerch có khả năng phóng từng quả đạn riêng rẽ hoặc phóng theo loạt 3, 6 và 12 đạn. Tổ hợp này đặc biệt hiệu quả đối với các nhóm quân tập trung, xe thiết giáp, khẩu đội pháo binh, sân bay và mục tiêu tản mát của đối phương.
Một loạt phóng 12 đạn của BM-30 có thể bao phủ diện tích tới 67 hecta. Đôi khi Smerch còn được gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, với việc đầu đạn chống bộ binh đủ sức tiêu diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
BM-30 Smerch pháo phản lực đáng sợ nhất của Nga
Một xe phóng của tổ hợp pháo phản lực Smerch có thể hủy diệt mọi sinh vật sống trên diện tích 67 hecta từ khoảng cách 90 km.
Xe phóng đạn của tổ hợp BM-30 Smerch. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.
Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-30 "Smerch" (Lốc xoáy) được phát triển vào đầu thập niên 1980, đi vào biên chế Hồng quân Liên Xô từ năm 1987. Khi đó, nó là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) mạnh nhất trên thế giới. Đến nay, Smerch vẫn nằm trong số các tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất, theo Military Today.
Ngoài 106 tổ hợp đang được biên chế trong lực lượng pháo binh, tên lửa Nga, BM-30 cũng hiện diện trong quân đội 15 quốc gia khác. Smerch từng tham chiến tại Chechnya, Ukraine và gần đây nhất là Syria. Tổ hợp Smerch hoàn chỉnh được Bộ Quốc phòng Nga định danh là 9K58, xe phóng đạn có định danh 9A52.
Mỗi xe phóng đạn được trang bị 12 ống phóng cỡ nòng 300 mm. Loại đạn 9M55 tiêu chuẩn của Smerch dài 7,6 m và nặng 800 kg. Tầm bắn của hệ thống đạt 20-70 km, phiên bản đạn 9M528 có tầm bắn tới 90 km.
Các quả đạn đều có hệ thống hiệu chỉnh đường bay và tầm bắn để tăng độ chính xác. BM-30 có thể sử dụng nhiều loại đầu đạn khác nhau, bao gồm nổ mảnh (HEF), nhiệt áp (FAE), đạn cháy, đạn chùm có khả năng chống bộ binh hoặc chống tăng, cũng như đạn chống tăng tự dẫn.
Smerch có khả năng phóng từng quả đạn riêng rẽ hoặc phóng theo loạt 3, 6 và 12 đạn. Tổ hợp này đặc biệt hiệu quả đối với các nhóm quân tập trung, xe thiết giáp, khẩu đội pháo binh, sân bay và mục tiêu tản mát của đối phương.
Một loạt phóng 12 đạn của BM-30 có thể bao phủ diện tích tới 67 hecta. Đôi khi Smerch còn được gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt, với việc đầu đạn chống bộ binh đủ sức tiêu diệt mọi sinh vật sống trong khu vực sát thương.
Xe tiếp đạn 9T234-2 của tổ hợp Smerch. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.
Xe phóng 9A52 có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang khai hỏa chỉ trong vòng 3 phút. Người điều khiển có thể ra lệnh phóng đạn từ trong xe hoặc từ xa. Một loạt phóng toàn bộ 12 đạn chỉ kéo dài trong 38 giây.
Bệ phóng được đặt trên khung gầm hạng nặng MAZ-543. Xe có tốc độ tối đa 60-65 km/h, có thể chạy liên tục 850 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Việc nạp đạn được tiến hành bởi xe nạp 9T234-2. Loại xe này sử dụng chung khung gầm MAZ-543, được trang bị cần cẩu và 12 quả đạn dự trữ. Quá trình nạp đạn kéo dài 36 phút.
Mỗi tổ hợp BM-30 thường bao gồm 6 xe phóng 9A52 và 6 xe nạp 9T234-2. Sau khi khai hỏa, các xe phóng sẽ rời trận địa và nạp đạn ở khu vực riêng để tránh đối phương phản pháo.
Hệ thống điều khiển hỏa lực Vivari có thể hoạt động tự động hoặc do con người vận hành. Hệ thống này được đặt trên một xe riêng, có khả năng chỉ huy 6 bệ phóng khác nhau. Nó có nhiệm vụ tính toán đường đạn và dữ liệu mục tiêu cho từng bệ phóng.
Năm 2007, Nga đã giới thiệu phiên bản 9A52-4 Tornado, dựa trên thiết kế của BM-30. Nó đóng vai trò bệ phóng pháo phản lực hạng nhẹ và đa năng hơn Smerch, với hỏa lực giảm xuống chỉ còn 6 ống phóng. Tornado cũng được trang bị hệ thống định vị và điều khiển hỏa lực hiện đại hơn BM-30.
(Theo Vnexpress)
Cập nhật: Pháo phản lực BM-30 Smerch dội bão lửa ở Syria? Sự xuất hiện của pháo phản lực BM30 Smerch ở Syria tiếp tục khiến phiến quân IS phải chịu "cơn ác mộng" kinh hoàng nhất. Một số trang mạng Trung Đông mới đây đăng tải hình ảnh được chụp "tự sướng" bởi binh sĩ Quân đội Syria với phía đằng sau là hệ thống pháo phản lực hạng nặng cùng xe tiếp đạn...