Phan Văn Anh Vũ đề nghị không gọi bị cáo là Vũ ‘Nhôm’
Trong 4 đề nghị gửi cho HĐXX, Phan Văn Anh Vũ đề nghị tòa và các cơ quan tố tụng không gọi bị cáo bằng tên Vũ “Nhôm” như từ trước đến nay.
Sáng 4/1, Phan Văn Anh Vũ (cựu thượng tá an ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) được HĐXX thẩm vấn xung quanh cáo buộc thâu tóm 22 nhà đất, dự án bất động sản ở Đà Nẵng.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: TTXVN.
Phan Văn Anh Vũ phản bác cáo trạng
Phiên toà sáng nay, Vũ mặc trang phục sáng màu, xưng “tôi” khi trả lời. Bị cáo khai bản thân là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, góp vốn thành cổ đông lớn nhất vào các Công ty I.V.C., Minh Hưng Phát và Nhất Gia Phúc.
Liên quan vụ án, Vũ cũng khai bị cáo Nguyễn Quang Thanh là em vợ, bị cáo Phan Minh Cương là bạn xã hội, bà Phan Thị Anh Đài là chị ruột còn ông Ngô Ánh Hùng là anh rể.
Bị cáo có mối quan hệ thế nào với các cấp lãnh đạo thành phố Đà Nẵng? Trả lời chủ tọa, Phan Văn Anh Vũ khai ông ta không có quan hệ gì với lãnh đạo thành phố. Bản thân là một lãnh đạo doanh nghiệp nên bị cáo phải biết danh tính các lãnh đạo đó.
Nói về 22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản liên quan vụ án, Vũ trình bày cá nhân bị cáo và các công ty ông ta góp vốn chỉ là bên mua tài sản. Tùy từng dự án và từng căn nhà, nếu liên quan cá nhân thì bị cáo quyết định. Còn nếu tài sản do công ty Vũ góp vốn thì tất cả thành viên đều tham gia bàn bạc, thống nhất trước. Sau đó, Vũ là quyết định cuối cùng vì ông ta là cổ đông lớn nhất.
“Tôi được quyền làm những gì pháp luật cho phép, tôi là cổ đông lớn nhất nên có quyền quyết định”, Phan Văn Anh Vũ trình bày.
Bị cáo có chỉ đạo Phan Minh Cương, Nguyễn Quang Thành làm đơn để nhận được quyền sử dụng đất và dự án tại Đà Nẵng? Vũ trình bày một số công ty ông ta góp vốn là công ty gia đình nên mọi việc đều được các thành viên bàn bạc. “Bị cáo không chỉ đạo mà là phân công, còn ký là do người đại diện pháp luật của công ty đó”, Vũ thừa nhận.
Tiếp tục khai báo, Phan Văn Anh Vũ phản bác cáo trạng quy kết ông ta và các công ty ông ta có cổ phần đã nhận chuyển nhượng 15/22 nhà, đất công sản và 7 dự án bất động sản. Bị cáo nói rằng việc nhận chuyển nhượng các tài sản này không sai.
“Tôi hoàn toàn không đồng tình với các nội dung trong cáo trạng, tôi đã gửi một số ý kiến mong HĐXX xem xét”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng 79 nói và lý giải tất cả các tờ trình mua 29 nhà, đất công sản và dự án trong cáo trạng đều được gửi qua đường văn thư đến UBND thành phố Đà Nẵng. Còn việc giải quyết hay không thuộc thẩm quyền của UBND.
“Nếu toà kết tội, bị cáo sẽ khởi kiện các công ty đã bán đất”
Trình bày về việc mua đất, Vũ nói rằng ông ta là người kinh doanh bất động sản nên khi thấy có nhà, đất cần bán Vũ sẽ hỏi mua.
Video đang HOT
Vì sao bị cáo biết các công ty ở Đà Nẵng có bất động sản để bán? Đáp lời chủ tọa, Vũ nói việc nhận biết rất đơn giản. Lúc đó, thị trường nhà đất ở Đà Nẵng đang đóng băng. Nhiều nhà, đất và dự án cần bán được công bố rộng rãi.
“Bất kỳ người dân nào cũng có thể biết, trong khi đó tôi là người kinh doanh bất động sản”, Vũ khai và khẳng định ông ta mua, bán bất động sản đều thông qua thỏa thuận theo hợp đồng, chuyển tiền qua tài khoản theo đúng quy định của pháp luật.
Nói về lời khai của các cựu cán bộ Đà Nẵng cho rằng bị cáo có quan hệ thân thiết với lãnh đạo thành phố này nên được “ưu ái” khi mua đất công sản, Vũ phản bác và lý giải dưới góc độ doanh nghiệp, ông ta biết danh tính lãnh đạo địa phương là việc bình thường. Ngoài ra, thời điểm xảy ra vụ án, Vũ là người kinh doanh bất động sản nên khi có người rao bán, bị cáo thấy hợp lý thì sẽ mua.
Bị cáo có biết Luật đất đai quy định việc mua nhà, đất hay dự án bắt buộc phải qua đấu giá? Vũ nói luật này rất phức tạp. Với tư duy của bản thân lúc đó, ông ta thấy thành phố Đà Nẵng có chủ trương bán bất động sản. Bị cáo thấy mức giá hợp lý, phù hợp điều kiện kinh doanh thì mua. “Anh mà bán sai thì anh phải chịu trách nhiệm”, Vũ phân bua và nói rằng nếu phiên tòa lần này kết tội, bị cáo sẽ khởi kiện các công ty đã bán đất khiến ông ta vướng lao lý trong vụ án này.
“Bị cáo thấy trong cáo trạng mình như một tội đồ, mọi tội lỗi đều đổ hết cho bị cáo trong khi bản thân chỉ là người đi mua”, Phan Văn Anh Vũ trình bày và nói rằng ông ta mua đất của công ty Nhà nước, không mua của “công ty đầu đường xó chợ”. Do đó, Vũ mong HĐXX xem xét toàn bộ nội dung quy kết ông ta trong bản cáo trạng.
Các bị cáo tại phiên toà. Ảnh: TTXVN.
Phan Văn Anh Vũ: “Không ai bắt bị cáo ở Singapore”
Tại phiên toà hôm nay, Vũ nộp đơn kiến nghị với 4 nội dung. Phan Văn Anh Vũ cho rằng cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều đồ dùng cá nhân của bị cáo không liên quan vụ án gồm 3 điện thoại, 29.000 đôla Singapore và máy tính xách tay. Vũ đề nghị HĐXX xem xét việc này vì số vật chứng thu giữ trên không được nêu trong cáo trạng.
Ngoài ra, Vũ có đề nghị cơ quan tố tụng không bị cáo bằng tên Vũ “Nhôm”.”Có đại diện VKS ở đây, bị cáo mong VKS bỏ tên đó. Cha mẹ khai sinh đặt cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo không có tên Vũ “Nhôm”. Cứ gọi Vũ “Nhôm”, báo chí cũng đưa Vũ “Nhôm”, bị cáo nói tại tòa.
Về đề nghị này, HĐXX đề nghị cơ quan báo chí đưa tin trung thực, tôn trọng quyền cá nhân theo đúng Luật Báo chí và Luật An ninh mạng.
Trong kiến nghị gửi đến tòa, Phan Văn Anh Vũ không đồng ý với nội dung cáo trạng quy kết hành vi của bị cáo. Do đang ở phần xét hỏi nên thẩm phán đề nghị Vũ sẽ trình bày quan điểm khi tòa bước sang phần tranh luận.
Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 cũng không đồng ý với việc VKSND Tối cao kê biên tài sản. Theo Phan Văn Anh Vũ, bằng quyết định không số, cơ quan công tố đã kê biên thi hành án 32 tài sản, kê biên tịch thu 10 tài sản khác. Bị cáo cho rằng việc kê biên tịch thu tài sản là trái quy định pháp luật.
Với đề nghị này, HĐXX cho biết sẽ xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.
“Ngày 4/1/2018, bị cáo bị bắt trong bụ án Làm lộ bí mật Nhà nước”, HĐXX hỏi. Trình bày, Phan Văn Anh Vũ khai đã tự đến trụ sở cảnh sát Singapore để công an dẫn về Việt Nam.
Bị cáo đã có lệnh truy nã? “Bị cáo chưa nhận được quyết định truy nã nào và bị cáo hoàn toàn không bị bắt. Bị cáo qua Singapore thì thấy ở nhà đưa lên mạng khởi tố, khám xét. Bị cáo tự nguyện đến đồn cảnh sát Singapore để đưa bị cáo về Việt Nam trình diện, chứ không ai bắt bị cáo ở Singapore”.
Theo news.zing.vn
Bị cáo khai giúp Vũ 'nhôm' mua đất công sau cuộc điện thoại của ông Nguyễn Bá Thanh
Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng khai bán đất công sản cho Vũ "nhôm" sau khi được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch Đà Nẵng gọi điện giới thiệu.
Ngày 3/1, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng 18 bị cáo trong vụ thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.
Sau một ngày làm thủ tục và công bố cáo trạng, phiên toà bước sang phần xét hỏi. Trước khi xét hỏi các bị cáo, Chủ toạ phiên toà yêu cầu dẫn giải bị cáo Phan Văn Anh Vũ vào phòng cách ly.
Phan Xuân Ít, nguyên Chuyên viên, Trưởng phòng, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng là bị cáo đầu tiên được HĐXX yêu cầu đứng lên bục khai báo.
Phan Văn Anh Vũ tại toà.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Ít thừa nhận các hành vi sai phạm như cáo trạng của VKSND tối cao quy kết.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ 2006 đến 2013, Phan Xuân Ít trực tiếp tham mưu, đề xuất, soạn thảo các công văn, quyết định có nội dung trái pháp luật về quản lý công sản và pháp luật về đất đai để Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Nguyễn Ngọc Tuấn cho phép bán 20 nhà, đất công sản gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, 4 dự án bất động sản gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.
Tại phiên toà, bị cáo Phan Xuân Ít khai bị cáo làm theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
" Khi có chủ trương, Chủ tịch chỉ đạo bằng bút phê vào văn bản đề nghị của những người có nhu cầu nhận chuyển nhượng để chuyển bị cáo dự thảo văn bản quyết định đồng ý yêu cầu", bi cáo Ít khai.
Bị cáo cho rằng thời điểm đó, bị cáo có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của cấp trên và nghĩ là đúng. Bị cáo biết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất công phải qua đấu giá tuy nhiên "có chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo thì vẫn phải chấp hành".
Phan Xuân Ít khai không có quan hệ gì với Vũ "nhôm" nhưng biết Vũ "nhôm" có quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng, cụ thể là Bí thư và Chủ tịch thành phố.
Bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Công Lang, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng thừa nhận thực hiện các hành vi như trong cáo trạng quy kết
Bị cáo khai quyết định chủ trương chuyển nhượng nhà đất công sản là của Chủ tịch thành phố, việc thực hiện chuyển nhượng của bị cáo được thực hiện theo sự chỉ đạo bằng văn bản của UBND TP Đà Nẵng, thông qua sở chủ quản.
Bị cáo biết việc chuyển quyền sử dụng đất công sản của nhà nước bắt buộc phải qua đấu giá nhưng thành phố có chủ trương và không vướng quy hoạch nên đã bán cho các doanh nghiệp đang thuê thời điểm đó.
Các bị cáo tại toà.
Là người thứ 3 được yêu cầu đứng lên bục khai báo, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng trình bày các hành vi nêu trong cáo trạng và trong đơn giải trình gửi HĐXX, Viện Kiểm sát.
Khi HĐXX hỏi về việc cáo trạng truy tố có đúng tội hay không, bị cáo Lộc nói có chỗ đúng, có chỗ chưa đúng, nhưng khi được trình bày thì ông Lộc bị tòa yêu cầu dừng do nói "miên man".
" Tôi là doanh nghiệp, tôi thấy những gì có lợi cho doanh nghiệp thì làm. Việc công ty mua các nhà, đất công sản cũng có nhu cầu mua, đã làm đơn xin mua 4 nhà, đất nhưng thành phố chỉ giải quyết 2 (37 Pastuer và 57 Lê Duẩn).
Công ty có làm công văn gửi lên thành phố để mua tài sản, khi được giải quyết mua 2 tài sản, lúc đó cố Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND TP là Trần Văn Minh có điện cho tôi nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ (giám đốc công ty của Bộ Công an).
Sau đó tôi và Vũ gặp nhau, lúc đầu Vũ đề nghị mua luôn 2 cái, nhưng số 57 Lê Duẩn do công ty đóng ở đó nên không nhượng và chỉ bán ở 37. Chúng tôi chỉ bán được tài sản trên đất, còn đất muốn mua thì công ty sẽ hứa làm thủ tục mua đất, và Vũ có nhờ công ty ký một số công văn giấy tờ", bị cáo Lộc khai trước tòa.
Bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng.
Bị cáo Lộc cho rằng thời điểm thực hiện thoả thuận với Vũ "nhôm" do hiểu biết pháp luật hạn chế bị cáo không biết là sai, nhưng đến khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra và sau khi bị khởi tố bị cáo nhận thực được việc làm của mình là không đúng.
Bị cáo Lộc cho rằng bản thân có tội những không đến mức như cáo trạng truy tố.
XUÂN TRƯỜNG
Theo vtc.vn
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng 'gật đầu', 760 tỷ ngân sách bốc hơi Cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh bị cáo buộc đã cố ý làm trái, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 760 tỷ đồng. TAND TP Hà Nội đang xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vụ thâu tóm nhà đất công sản. Theo cáo buộc,...