Phản ứng trái chiều về số ca nhiễm nCoV tăng vọt
Truyền thông Trung Quốc kêu gọi không hoảng loạn, trong khi nhiều người nghi ngờ chính quyền che giấu thông tin khi số ca nhiễm nCoV tăng 10 lần.
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm nay khiến nhiều người bị sốc khi cho biết phát hiện thêm 14.840 trường hợp dương tính với virus corona, nâng tổng số ca nhiễm tại địa phương lên 48.206. Số trường hợp nhiễm mới này lớn hơn gần 10 lần so với một ngày trước đó. Số ca tử vong là 242 người, gấp hơn hai lần so với hôm qua.
Cơ quan này nhanh chóng giải thích rằng dữ liệu được công bố có sự biến động mạnh là do Hồ Bắc thay đổi phương pháp tính số ca mắc nCoV. Theo đó, từ ngày 13/2, những ca được chẩn đoán lâm sàng dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 và chụp CT sẽ được tính vào số ca nhiễm bệnh, không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic trong phòng thí nghiệm.
Ngay sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc như Xinhua và CCTV đã ca ngợi cách tính mới của Hồ Bắc, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh trước số người nhiễm gấp nhiều lần bình thường.
“Đây là cách tính thực tế và có trách nhiệm”, một bài viết đăng trên Xinhua nhận định. “Phương pháp này không chỉ đẩy nhanh việc đưa các bệnh nhân vào bệnh viện mà còn thúc đẩy việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh”.
Trên kênh truyền hình nhà nước, một nhóm chuyên gia hàng đầu của chính phủ Trung Quốc giải thích rằng việc xét nghiệm axit nucleic đã cho ra nhiều kết quả âm tính giả và tỷ lệ chính xác chỉ là 50%.
Trên Weibo, chủ đề thảo luận về sự tăng vọt của số ca mới dương tính với nCoV thu hút hơn 500 triệu lượt xem.
“Tôi cho rằng cách tiếp cận này là đúng với thực tế. Các bệnh nhân có thể được chẩn đoán nhanh nhất có thể, tăng tỷ lệ điều trị thành công. Phương pháp này rất tốt. Tôi hy vọng dịch bệnh sớm qua”, một người bình luận.
Video đang HOT
Một nhân viên y tế vẫy tay chào các bệnh nhân tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 12/2. Ảnh: Xinhua
Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ nỗi lo sợ rằng chính phủ Trung Quốc đang cố tình hạ thấp quy mô của dịch, giống như những gì từng làm khi đại dịch SARS bùng phát năm 2002-2003. Hoài nghi càng tăng lên khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng nay không công bố số liệu liên quan đến Covid-19 trên toàn quốc như mọi hôm.
Nhiều người để lại những bình luận dưới trang Weibo của NHC, yêu cầu cập nhật số liệu hàng ngày.
“Số liệu hôm nay đâu? Các ông quên rồi sao? Cả nước đang chờ!”, một người viết. “Hay vì con số hôm nay tăng vọt nên họ chưa cập nhật được?”, người khác thắc mắc.
Đến chiều nay, NHC mới cho biết số ca tử vong mới ở nước này là 254 và có 15.152 trường hợp nhiễm mới. Toàn Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 1.367 ca tử vong, 59.805 ca nhiễm và 6.002 người được chữa khỏi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả quyết định mở rộng định nghĩa về nhiễm nCoV của Trung Quốc là biện pháp cần thiết.
“Khi dịch bệnh tiếp tục tiến triển, thay đổi định nghĩa là nhằm đảm đảo có thể theo dõi dịch bệnh một cách chính xác”, Sylvie Briand, giám đốc ban Quản lý Các bệnh truyền nhiễm của WHO, nói trong cuộc họp báo hôm nay. Giới chức WHO trước đó từng bày tỏ lạc quan rằng số ca mắc nCoV ở Trung Quốc “đang ổn định”, nhưng cảnh báo rằng virus vẫn có thể lan đến bất kỳ đâu.
Các nhà phân tích cho rằng phương pháp tính ca nhiễm mới của Hồ Bắc có thể là một nỗ lực nhằm minh bạch hơn về dịch bệnh, nhưng tác động ngay trước mắt của nó là gây ra nhiều ngờ vực hơn.
“Đến nay vẫn không rõ liệu vấn đề này là thiếu minh bạch hay đơn giản là hoạt động y tế còn kém”, Sam Crane, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Williams, bang Massachusetts, Mỹ, nói.
Yun Jiang, một nhà nghiên cứu tại đại học quốc gia Australia, cho rằng đây có thể là một “phương pháp thực tế” vì Hồ Bắc thiếu các dụng cụ xét nghiệm virus, vốn rất phức tạp và tốn kém.
Sau hai tháng khởi phát từ Vũ Hán, dịch Covid-19 đã làm 1.369 người tử vong, trong đó hai trường hợp được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục. Có 60.374 người nhiễm virus trên toàn cầu, hơn 8.200 người trong tình trạng nguy kịch và hơn 6.000 người được chữa khỏi.
Ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc đại lục là du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly tại bờ biển Nhật Bản. Thêm 44 người vừa được xác nhận dương tính với virus, nâng tổng số ca nhiễm trên tàu này lên 218.
Anh Ngọc
Theo Washington Post, AFP/VNE
WHO: Chưa có bằng chứng virus corona biến thể bất thường
Chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện chưa có bằng chứng về sự đột biến của virus corona, khẳng định đây là chủng virus khá ổn định.
Theo Sylvie Briand, giám đốc phòng chống rủi ro truyền nhiễm toàn cầu tại WHO, hiện chưa có bằng chứng virus corona có biến thể bất thường, và nói thêm rằng "đây là chủng virus khá ổn định".
Những người bị nhiễm nặng hoặc chết chủ yếu là những người mắc sẵn các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như ung thư, tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch bị ức chế, hoặc người già, bà Briand nói.
Khi được hỏi tại sao chỉ có một trường hợp chết người được ghi nhận ở nước ngoài Trung Quốc cho đến nay, bà cho biết những người đi du lịch có lẽ không phải là người già với bệnh mãn tính, mà là những người trẻ tuổi hơn và những người có sức khỏe tốt.
Bà Sylvie Briand. (Ảnh: Reuters)
PHƯƠNG ANH (Nguồn: Al Jazeera)
Theo vtc.vn
Người nhiễm virus corona chết ở Philippines đã đi nhiều nơi Người đàn ông đến từ Vũ Hán đi qua hai đảo ở Philppines trước khi nhập viện vào ngày 25/1 với triệu chứng ho và sốt. Một bệnh nhân nhiễm viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) chết hôm nay ở Manila, Philippines, trở thành ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới....