Phản ứng lạnh nhạt của các bên về kế hoạch hòa bình Gaza của Ai Cập
Phong trào Hồi giáo Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) đã bác bỏ đề xuất của Ai Cập mà theo đó, Hamas sẽ từ bỏ quyền kiểm soát Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại Dải Gaza ngày 25/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The Times of Israel ngày 25/12, thông tin trên do hai nguồn tin Ai Cập xác nhận.
Cụ thể, Hamas và PIJ cho biết họ không sẵn lòng thảo luận bất cứ nhượng bộ nào đối với Israel ngoài việc thả khoảng 130 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza.
Một quan chức Hamas phát biểu với Reuters ngày 25/12: “Hamas tìm cách chấm dứt hành vi gây hấn của Israel nhằm vào người dân của chúng tôi, chấm dứt các vụ thảm sát và diệt chủng. Chúng tôi đã thảo luận với Ai Cập về biện pháp để làm điều đó”.
Quan chức này cho biết thêm: “Chúng tôi cũng nói rằng viện trợ cho người dân phải tiếp tục và phải tăng lên, phải đến được với toàn bộ người dân ở miền Bắc và miền Nam. Sau khi hành động gây hấn chấm dứt và viện trợ tăng lên, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về việc trao đổi tù nhân”.
Về phần mình, báo chí Israel cũng đưa tin rằng nước này đã không từ chối thẳng thừng đề xuất của Ai Cập và các quan chức cho rằng đề xuất có thể làm cơ sở cho các cuộc đàm phán.
Ngày 25/12, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã công khai nhắc lại lập trường của Israel rằng quân đội nước này sẽ không ngừng chiến đấu ở Dải Gaza cho đến khi lật đổ Hamas. Ông nói với các binh sĩ đang hoạt động ở Gaza: “Chúng ta không dừng lại… Cuộc chiến này sẽ đi đến tận cùng. Cho đến khi chúng ta kết liễu họ”.
Theo ông Netanyahu, Israel đang thực hiện mọi nỗ lực để đưa các con tin đang bị Hamas bắt giữ ở Dải Gaza về nước, đồng thời nói rằng làm như vậy đòi hỏi phải có áp lực quân sự để thành công. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không dừng lại và sẽ không dừng lại cho đến khi chiến thắng bởi vì chúng ta không còn mảnh đất nào và con đường nào khác”.
Video đang HOT
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel, ông Bezalel Smotrich đã kiên quyết bác bỏ đề xuất của Ai Cập. Ông nói rằng Nội các Chiến tranh Israel không có thẩm quyền phê chuẩn kế hoạch như vậy, đồng thời nhấn mạnh rằng đảng của ông sẽ không là đối tác trong một chính phủ đồng ý chấm dứt chiến tranh hoặc cho phép các quan chức Chính quyền Palestine tham gia quản lý Gaza. Ông Smotrich nói: “Nội các Chiến tranh không có nhiệm vụ ngừng chiến tranh trước khi đạt được tất cả các mục tiêu chiến tranh… Cả Qatar và Ai Cập đều sẽ không can thiệp vào tương lai ở dải đất này. Chúng ta sẽ không lặp lại sai lầm. Bất cứ ai nghĩ rằng Nhà nước Israel sẽ đồng ý với một số kế hoạch thành lập một chính phủ gồm những chuyên gia mà có sự tham gia của Hamas và Chính quyền Palestine, dưới vỏ bọc của các quan chức kỹ trị, đều đang sống trong ảo tưởng”.
Kế hoạch hòa bình của Ai Cập
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 19/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Kế hoạch mà Ai Cập đề xuất có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là tạm dừng giao tranh trong hai tuần, có thể kéo dài đến ba hoặc bốn tuần, để đổi lấy việc thả 40 con tin bị bắt cóc từ Israel. Đổi lại, Israel sẽ thả 120 tù nhân Palestine. Trong thời gian này, giao tranh sẽ dừng lại và viện trợ nhân đạo sẽ vào Gaza.
Giai đoạn thứ hai sẽ là cuộc đàm phán quốc gia Palestine do Ai Cập bảo trợ nhằm chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa các phe phái Palestine, chủ yếu là giữa Chính quyền Palestine do đảng Fatah lãnh đạo và Hamas, sau đó tiến tới thành lập một chính phủ kỹ trị ở Bờ Tây và Gaza. Chính phủ này sẽ giám sát tái thiết Dải Gaza và mở đường cho các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống của người Palestine.
Giai đoạn thứ ba sẽ gồm một lệnh ngừng bắn toàn diện, thả các con tin Israel còn lại để đổi lấy một số lượng tù nhân an ninh Palestine có liên quan đến Hamas và PIJ đang bị Israel giam giữ. Israel sẽ rút lực lượng khỏi các thành phố ở Dải Gaza và cho phép người dân Gaza trở về nhà.
Ngày 25/12, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian về những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza, cũng như những nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại vùng đất của Palestine.
Theo Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc điện đàm, ông Shoukry nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Nghị quyết 2720 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Ông khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và bền vững nguồn viện trợ nhân đạo ở Gaza, đồng thời kêu gọi thành lập một cơ chế của LHQ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và giám sát hàng viện trợ nhân đạo.
Trong những ngày qua, các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn mới đi kèm với việc trả tự do cho các con tin vẫn diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Các cuộc đàm phán này được tiến hành thông qua các đối tác trung gian nước ngoài như Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Hồi tháng 11, Hamas và Israel đã ngừng bắn trong khoảng 1 tuần, tạo điều kiện cho 80 con tin phía Israel và 240 tù nhân người Palestine được trả tự do. Thỏa thuận do Qatar làm trung gian, với sự trợ giúp của Mỹ và Ai Cập.
Tình hình tại Dải Gaza đang ngày càng bất ổn và mất an ninh, trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đang xảy ra tại dải đất ven biển. Ngày 24/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lo ngại về hệ thống y tế bị tàn phá ở Dải Gaza và nhắc lại lời kêu gọi ngừng bắn. Hiện chỉ có 9 trong số 36 bệnh viện trên toàn Gaza hoạt động.
Đối mặt nhiều sức ép, Israel có thể thu gọn quy mô tấn công ở Gaza
Các tướng lĩnh ở Israel đang chuẩn bị cho chiến dịch quy mô nhỏ hơn chống phong trào Hamas của Palestine ở Gaza.
Binh sĩ Israel kiểm tra một đường hầm của phong trào Hamas ở gần cửa khẩu biên giới Erez, phía Bắc Dải Gaza ngày 15/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi chiến dịch tấn công của Israel tại Gaza bước qua tuần thứ 10, có rất ít dấu hiệu cho thấy cường độ tấn công đang giảm bớt. Nhằm mục tiêu săn lùng và xóa sổ phong trào Hồi giáo Hamas, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã triển khai toàn bộ sư đoàn không quân trong và xung quanh thành phố Khan Younis ở miền Nam Gaza, nơi họ tin rằng các thủ lĩnh cấp cao của Hamas đang ẩn náu. Cùng lúc đó, ba sư đoàn thiết giáp vẫn hoạt động ở khu vực phía Bắc.
Giao tranh ác liệt đã xảy ra ở khu vực Shujaiya và Jabalia của thành phố Gaza. IDF đang cho nổ tung các đường hầm, nơi các chiến binh Hamas lẩn trốn, cũng như phá hủy cơ sở hạ tầng, cả quân sự và dân sự, trong thành phố và vùng ngoại ô. Cuộc bắn phá của Israel vẫn tiếp diễn kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7/10. Hậu quả là trên 19.000 người Gaza, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng.
Tuy nhiên, một số nguồn tin hé lộ rằng cuộc tấn công hiện nay gần như chắc chắn là đợt quy mô lớn cuối cùng trong chiến dịch chống Hamas của Israel. Một quan chức an ninh cho biết: "Chúng tôi đã triển khai ở mức độ cao nhất trong hơn hai tháng nay. Giai đoạn tiếp theo sẽ là chiến dịch di động có cường độ thấp hơn". Một câu hỏi được đặt ra đối với các tướng lĩnh Israel tại thời điểm hiện nay là liệu bước thay đổi đó có cản trở mục tiêu chính của Israel hay không: phá hủy khả năng quân sự của Hamas - nhóm Hồi giáo muốn tiêu diệt Israel và đã kiểm soát vùng đất Gaza 16 năm qua.
Israel có rất ít lựa chọn ngoài việc thu hẹp quy mô tấn công. Đồng minh và nhà cung cấp vũ khí chính của nước này là Mỹ đang yêu cầu sử dụng hỏa lực ở mức độ thấp hơn để tránh gây thêm thương vong cho dân thường. Những đợt ném bom đã phá hủy phần lớn thành phố Gaza, thành phố lớn nhất trong dải đất này và khiến 1,8 triệu người phải di dời khỏi nhà cửa. Các hoạt động quân sự của Israel sẽ phải tránh những khu vực lều trại ở phía Nam nơi người dân Palestine hiện trú ẩn. Ngoài ra, quyết định tiếp tục huy động 360.000 binh sĩ dự bị bắt đầu gây căng thẳng cho nền kinh tế Israel.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 16/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi giai đoạn dữ dội nhất của cuộc tấn công sắp kết thúc, Israel đang cố gắng tạo ấn tượng rằng sức phản kháng của Hamas đang sụp đổ và IDF đang kiểm soát lãnh thổ rộng lớn ở dải đất này. Đoạn videp xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hàng chục người đàn ông bị lính Israel vây bắt, ra lệnh lột quần áo để khám xét. IDF đã treo cờ Israel tại Quảng trường Palestine ở thành phố Gaza và thắp nến Hannukah tại một số vị trí trên chiến trường. Nhưng đây chưa phải là "bức tranh chiến thắng" cuối cùng mà người dân Israel đang đòi hỏi ở các nhà lãnh đạo.
IDF có thể đã tiêu diệt tới một nửa lực lượng gồm 30.000 thành viên của Hamas. Nhưng phong trào vũ trang này vẫn còn hàng nghìn tay súng ẩn nấp trong các đường hầm để thực hiện các cuộc phục kích binh lính Israel, khiến khoảng 100 binh sĩ thiệt mạng. Hamas vẫn đang giam giữ trên 130 con tin sau khi hai bên nhất trí đình chiến và trao đổi con tin vào tháng 11. Những người này đang gặp nguy hiểm vì bị đánh bom liên tục.
Ngày 8/12, các binh sĩ Israel đã bị thương trong nỗ lực giải cứu con tin thất bại. Hamas sau đó đã công bố đoạn video về một con tin là thường dân Israel 25 tuổi thiệt mạng. Hamas tuyên bố rằng thanh niên này đã bị chính người Israel đã giết chết trong nỗ lực giải cứu. Phía Tel Aviv đã bác bỏ thông tin đó, cho rằng Hamas đã sát hại người đàn ông xuất hiện trong video.
Israel vẫn chưa thể xóa bỏ ban lãnh đạo của Hamas hay phá hủy cơ sở hạ tầng của tổ chức này. IDF đã tiêu diệt một số chỉ huy chiến trường cấp cao. Nhưng Yahya Sinwar, thủ lĩnh tối cao Hamas ở Gaza, cùng Muhammad Deif và Marwan Issa, hai chỉ huy lực lượng chiến đấu của nhóm này, cho đến nay vẫn sống sót. Điều đó một phần nhờ vào mạng lưới đường hầm dài hàng trăm km của Hamas mà Israel phải từng bước dò tìm, bất chấp hỏa lực và khả năng giám sát bằng máy bay không người lái của nước này.
Về mặt công khai, có rất ít dấu hiệu cho thấy Mỹ đang gây áp lực lên Israel. Ngày 8/12, Mỹ phủ quyết một nghị quyết khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Anh bỏ phiếu trắng. Tất cả 13 thành viên còn lại đều bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Quyền phủ quyết của Mỹ nhấn mạnh việc Israel đã trở nên phụ thuộc như thế nào vào đồng minh chiến lược của mình về hỗ trợ ngoại giao. Tel Aviv cũng cần thêm vũ khí của Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã cấp phép cho một chuyến hàng gồm gần 14.000 đạn xe tăng 120 mm đến Israel. Đây là một trong những loại đạn chính mà lực lượng IDF đang sử dụng trong chiến dịch trên bộ. Cả hai chính phủ đều phủ nhận về khả năng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đặt ra bất kỳ thời hạn nào để người Israel kết thúc cuộc tấn công của họ.
Nhưng áp lực từ Mỹ đang gia tăng tại các cuộc họp kín. Một số nguồn tin xác nhận rằng trong chuyến thăm Israel gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói với phía Israel rằng họ sẽ phải chấm dứt cuộc tấn công vào năm mới. Lập trường khác biệt đang trở nên rõ rệt hơn giữa hai chính phủ về cách quản lý Gaza sau khi giao tranh chấm dứt.
Ông Biden đã kêu gọi để chính quyền Palestine được hồi sinh và tiếp quản Gaza. Trong khi đó, ngày 12/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như đã bác bỏ đề xuất này. Ông tuyên bố rằng Gaza không nên nằm dưới quyền của phong trào Hamas và Fatah - phong trào chính trong Chính quyền Palestine ở Bờ Tây.
Dù vậy, ở bất kỳ kịch bản nào, IDF sẽ tiếp tục duy trì hiện diện lớn tại Gaza trong một khoảng thời gian. Và rất có thể Hamas sẽ tiếp tục kiểm soát các khu vực thuộc dải đất này. Chiến dịch bắn phá và cùng với nỗi khổ sở của người dân Gaza có thể giảm bớt phần nào. Nhưng tương lai của họ sẽ trở nên khó đoán hơn bao giờ hết.
Hamas nêu điều kiện tiếp tục đàm phán thỏa thuận ngừng bắn Ngày 25/12, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Phong trào Hồi giáo Hamas đã từ chối tham gia đàm phán bất kỳ thỏa thuận mới nào về trao đổi con tin tại Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn, trước khi Israel chấm dứt các hoạt động quân sự ở vùng lãnh thổ này. Binh sĩ Israel triển khai tại...