Phản ứng của Việt Nam về việc Philippines khởi kiện Trung Quốc
Trước việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ:
“Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
“Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982″, thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Bãi cạn Scarborough/ Hoàng Nham, tâm điểm tranh chấp và căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines. Ảnh vệ tinh: Google
Hôm 23/1, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario công bố việc nước này đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế. Ông del Rosario nói Manila đi đến quyết định này sau khi đã “tìm hết cách để giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức chính trị và ngoại giao”, nhưng không được.
Philippines và Trung Quốc lâm vào căng thẳng ngoại giao kể từ tháng 4 năm ngoái, khi các tàu của chính phủ hai nước đối đầu nhau nhiều tuần liền ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham ở phía đông bắc Biển Đông. Hai nước đều nói có chủ quyền và quyền liên quan đến bãi đá không người ở này.
Văn bản của Philippines gửi lên tòa án dẫn ra các việc làm của phía Trung Quốc đối với các đảo mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình; cũng như bác bỏ yêu sách chủ quyền hầu hết Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra trong đường 9 đoạn. Đáp lại, phía Trung Quốc tố ngược Manila “xâm phạm các đảo của Trung Quốc”.
Dự đoán chiến thuật của Trung Quốc nhắm đối phó với vụ kiện
Video đang HOT
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Philippines đưa tranh chấp ra tòa, và tái khẳng định Bắc Kinh chỉ ủng hộ việc đàm phán song phương giữa các bên có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc lâu nay vẫn kiên quyết chỉ muốn giải quyết tay đôi các tranh chấp mà không muốn có sự can dự của bên nào khác. Trên Biển Đông hiện có nhiều nước có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei và Malaysia.
Tàu Hải Tuần 21 của Trung Quốc được điều ra Biển Đông cuối tháng trước. Ảnh: Xinhua
Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc có nhiều bước đi trên Biển Đông bị các nước phản đối bởi xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của láng giềng. Mới đây nhất, báo chí nước này đưa tin Cục Đo vẽ Bản đồ Quốc gia Trung Quốc công bố đã hoàn thành và dự kiến cho phát hành “Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Bản đồ địa hình Trung Quốc” khổ dọc mới vào cuối tháng 1/2013, trong đó vẽ yêu sách “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) và các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Về việc này, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị.”
Các nước liên quan cũng như giới quan sát quốc tế đang chờ đợi các diễn biến tiếp theo xung quanh quyết định khởi kiện của Philipines.
Theo VNE
'Chiến thuật của Trung Quốc đang gây bất ngờ'
Cùng với việc điều hàng loạt tàu tới bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines, Trung Quốc đã đưa giàn khoan khổng lồ Ocean Oil 981, tàu thăm dò dầu khí Hải dương 201, tổ hợp chế biến Hải Nam Bảo Sa 001 ra biển Đông.
Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu biển Đông trao đổi với VnExpress xung quanh động thái mới nhất của Trung Quốc.
- Biển Đông đang gây sự chú ý của thế giới bởi hàng loạt động thái của Trung Quốc sau tuyên bố về Đường lưỡi bò. Ô ng đánh giá thế nào về điều này?
- Yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc bị quốc tế phản đối gay gắt vì đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế và luật pháp quốc tế. Nhưng vì lợi ích của mình, Trung Quốc vẫn đang ra sức nỗ lực để biến yêu sách này thành hiện thực.
Vừa qua, Trung Quốc và Philippines đã rất căng thẳng xung quanh bãi ngầm Scarborough - nơi chỉ cách Philippines chưa tới 130 hải lý. Trung Quốc tìm cách gây hấn với Philippines ngay tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được quy định tại Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Trung Quốc thì lại cho đây là vùng đánh cá truyền thống của mình, đây chính là lập luận cho "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đang muốn hiện thực hóa.
Với các tuyên bố cứng rắn, có thể thấy chiến lược của Trung Quốc về biển Đông không thay đổi. Tuy nhiên, chiến thuật để thực hiện mục đích đó năm nay có nhiều điều khá bất ngờ.
Trung Quốc đang triển khai ra Biển Đông đội tàu hùng hậu đóng vai trò như một tổ hợp chế biến hải sản di động. Giữ vị trí trung tâm của đội tàu này là tàu Hải Nam Bảo Sa 001 có trọng tải 32.000 tấn. Ảnh: Dwnews
- Ông nói gì trước quan điểm cho rằng, Trung Quốc đang muốn mở đầu một giai đoạn mới trong chiến lược độc chiếm biển Đông?
- Khi xem xét các chính sách của Trung Quốc đối với biển Đông, học giả Mỹ Mark J. Valencia đã tổng kết: Trung Quốc tăng cường sức mạnh của hải quân; mở rộng và bành trướng sự hiện diện thực tế tại các khu vực tranh chấp, từ đó hợp thức hóa việc chiếm đóng của họ; thu hút các công ty dầu khí phương Tây đến thăm dò khai thác tại các vùng tranh chấp; khăng khăng đòi thương lượng song phương với từng quốc gia có tranh chấp.
Báo cáo về an ninh Trung Quốc năm 2011 của Học Viện nghiên cứu quốc phòng của Nhật Bản thì cho hay, Trung Quốc đang tiến hành ba cuộc chiến nằm ngoài cuộc chiến quân sự: cuộc chiến truyền thông; tâm lý và luật pháp. Chính sách này của họ luôn là nhất quán và xuyên suốt, tuy họ trình bày với thế giới hết sức mập mờ, có thể lúc vận dụng UNCLOS, lúc vận dụng yêu sách "đường lưỡi bò" với mục đích là để duy trì được lợi ích của họ trên biển Đông.
- Trung quốc hành động bất chấp sự phản ứng của các nước trong khu vực và thế giới. Vậy lợi thế của Trung Quốc là gì thưa ông?
- Sự căng thẳng xung quanh tranh chấp bãi ngầm Scarborough gần đây cho thấy cả Philippines và Trung Quốc đều đang đi những nước cờ chiến lược đầy toan tính. Philippines khá tự tin khi mời Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp này trước Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS). Đây không phải là lần đầu Philippines làm như vậy.
Nhưng Trung Quốc cũng tự tin không kém với nước đi của họ. Trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại bãi Scarborough, Philippines đã không đủ sức mạnh cho các lực lượng tuần duyên khi so sánh với các lực lượng tương tự của Trung Quốc. Khả năng để duy trì sức mạnh trên biển thông qua các lực lượng không phải quân sự của Philippines hay của các quốc gia ASEAN khác là yếu so với Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc có những lợi thế nhất định của kẻ mạnh.
Tôi cho rằng, khả năng xung đột quân sự tại khu vực này hiện nay không cao. Nhìn vào hành động của cả Philippines và Trung Quốc ta sẽ thấy điều đó. Philippines đã phải rút ngay lực lượng tàu chiến của hải quân mình, còn Trung Quốc cũng không đưa lực lượng hải quân tới, và cũng có những hành động hạ nhiệt nhất định. Tuy một số báo đài Trung Quốc tuyên bố rất mạnh, nhưng gây chiến trong lúc này đều là điều bất lợi cho cả hai.
Xin nói thêm là Philippines đã có Hiệp ước an ninh 1951 với Mỹ, trong trường hợp Philippines bị đe dọa thì chắc chắn Mỹ sẽ phải dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ Philippines. Nhưng cũng còn một ẩn số là hiệp ước này có bao gồm cả vùng bãi ngầm Scarborough thì chưa rõ.
- Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ John McCain vừa cho rằng, Washington cần ủng hộ các nước thành viên ASEAN trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tại biển Đông và "Mỹ cần bảo đảm Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm". Ông bình luận gì về ý kiến của ông McCain ?
- Mỹ đang là cường quốc biển, chi phối rất nhiều đến quyền lực biển trên thế giới. Nếu không có vai trò của Mỹ thì khó có quốc gia nào có thể ngăn chặn được tham vọng rất lớn của Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc thành công trong việc độc chiếm biển Đông, thì Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi rất nhiều. Đó là lý do ông John McCain đã tuyên bố như vậy.
Nhưng chỉ tuyên bố thôi thì chưa đủ. Trong tranh chấp tại bãi Scarborough vừa rồi, Mỹ có thể tuyên bố rõ ràng hơn về Hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines có bao gồm vùng biển xung quanh bãi ngầm Scarborough không. Trong Hiệp ước này, Mỹ đã nhiều lần giải thích là không bao gồm vùng KIG (Kalayaan Island Group - tức quần đảo Trường Sa), nhưng bãi ngầm Scarborough lại không thuộc quần đảo Trường Sa.
- Với những chiến thuật mới của Trung Quốc như ông vừa nói, c ác quốc gia trong khối ASEAN đang phải đối mặt với nguy cơ gì?
- Nếu Trung Quốc thành công trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough, khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng tương tự với các quốc gia khác. Như vậy, Trung Quốc sẽ thành công khi độc chiếm biển Đông. Tất cả quốc gia ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế sẽ bị thua thiệt khi một vùng biển rộng lớn và quan trọng nhất nhì thế giới lại bị một quốc gia đầy tham vọng xâm chiếm.
Như một chuyên gia Australia đã lên tiếng, nếu Philippines thất bại trong tranh chấp này, yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc sẽ có thêm một bước tiến, và đó sẽ là một nguy cơ đối với các nước ASEAN. "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc sau khi "liếm" Philippines sẽ "liếm" tới các quốc gia ASEAN khác liên quan, như Trung Quốc từng làm.
Theo VNExpress
Trung Quốc phản đối đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa quốc tế Bắc Kinh yêu cầu Manila tránh bất kỳ hành động nào mà Trung Quốc cho là làm leo thang tranh chấp ở Biển Đông, sau khi Philippines quyết định đưa vấn đề này lên tòa án quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Ảnh minh họa: People's Daily Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm qua,...