Phản ứng của Nga trước các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây
- Nga tiếp tục vai trò trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở Đông-Nam Ukraine đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây.
Tại cuộc họp bất thường diễn ra tối 8/9, Đại sứ 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, giới chức phương Tây vẫn để ngỏ việc xem xét lại các biện pháp trừng phạt vốn vẫn chưa có hiệu lực này. Phía Nga phản ứng lại bằng tuyên bố tiếp tục thúc đẩy ổn định tình hình Ukraine và sẵn sàng đáp trả mọi biện pháp trừng phạt mới từ bên ngoài.
Từ trái sang: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và chính trị gia Ba Lan Donald Tusk trong một cuộc họp của EU (ảnh: Council of European Union)
Video đang HOT
Phát biểu tại cuộc họp của Đại sứ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định, căn cứ vào diễn biến tình hình, EU sẵn sàng xem xét lại một phần hoặc toàn bộ gói trừng phạt mới đối với Nga. Lệnh trừng phạt do Ủy ban châu Âu đề xuất hồi tuần trước nhằm siết chặt thêm gói các biện pháp đã được EU thông qua hồi cuối tháng 7 nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm của Nga.
Cho đến nay, xung đột ở miền Đông Ukraine đã tạm lắng dịu sau thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ và lực lượng đối lập, song căng thẳng giữa Nga và phương Tây không diễn biến cùng chiều với cuộc khủng hoảng này. Mỹ và các đồng minh châu Âu đang ráo riết tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Âu với lý do Nga gây quan ngại ở Ukraine và rộng ra là Đông Âu. Biểu hiện cụ thể là, Mỹ và các đồng minh NATO đã và sẽ tiến hành hàng loạt cuộc diễn tập ở các nước đồng minh tại Đông Âu cùng với các khoản đầu tư lớn hỗ trợ quân đội Mỹ hiện diện trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Nga tiếp tục tăng cường vai trò trong việc xử lý cuộc khủng hoảng ở Đông-Nam nước láng giềng, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko tối 8/9 đã có cuộc điện đàm để thảo luận về các bước đi nhằm giải quyết một cách hòa bình tình hình tại Đông Nam Ukraine.
Theo thông báo của Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục các cuộc đối thoại. Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng ra thông báo cho biết, lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh cần phải thực thi việc giám sát có hiệu quả thỏa thuận ngừng bắn hiện nay thông qua phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đồng thời các bên sẽ tiếp tục phối hợp để duy trì thỏa thuận ngừng bắn này.
Phản ứng về các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 8/9 cảnh báo, nếu các đối tác phương Tây “tiếp tục kích động sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế”, Nga sẽ đáp trả “tương xứng” đối với bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào, trong đó nhiều khả năng sẽ đóng cửa không phận với hàng không phương Tây.
Thủ tướng Nga nhận định cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn và tất cả các bên cần nắm bắt các đề xuất về kế hoạch hòa bình của Tổng thống Putin và giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Thủ tướng Medvedev cũng cho biết Nga tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho miền Đông Nam Ukraine.
Nhận định về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và EU nhằm vào Nga, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học California của Mỹ Steven Fish cho rằng, những biện pháp này sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Giáo sư Steven Fish tuyên bố: “Khi EU và Mỹ quyết định áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, thì câu hỏi ở đây là liệu những biện pháp này có thể làm thay đổi lập trường của Tổng thống Putin và nước Nga hay không. Và tôi nghĩ rằng giới quan sát quốc tế rất nghi ngờ về điều này”.
Giáo sư Steven Fish nói: “Trong một vài tháng tới thì các biện pháp trừng phạt này có thể tác động đến nền kinh tế Nga theo một vài góc độ nào đó. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin vẫn có ý định tiếp tục thúc đẩy kế hoạch của mình trong vấn đề Ukraine bất chấp các hậu quả kinh tế ít nhất là trong ngắn hạn”.
Theo các nhà quan sát, Nga buộc phải có những hành động để bảo vệ lợi ích của mình trước việc Mỹ và các đồng minh phương Tây lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Ukraine để tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu. Theo Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng tên lửa chiến lược của nước này sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quy mô lớn cũng trong tháng 9 này, với sự tham gia của hơn 4.000 binh lính và hơn 400 phương tiện quân sự cùng các đơn vị không quân tinh nhuệ, như máy bay tiêm kích siêu thanh Mig-31 hay máy bay phiên bản trinh sát Su-24MR.
Theo VOV