Phan Thị Bích Hằng: Mỗi tối, tôi trò chuyện với 4-5 vong hồn
Tôi sợ thông tin kiểu đồn đại lắm rồi. Chỉ vì những lời đồn kiểu này mà cuộc sống gia đình bị xáo trộn, có thời gian tôi chìm trong stress.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tin vào nhân duyên âm – dương
Cuối cùng, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã đồng ý để chúng tôi ghi lại thời khắc chị tưởng như gục ngã trước những lời đồn ác tâm. Và cũng chính nhờ những “linh hồn”- những “người” mà Bích Hằng vẫn trò chuyện hằng đêm đã giúp chị cân bằng cuộc sống vốn đầy rẫy thị phi!
Mỗi tối, tôi trò chuyện với 4- 5 linh hồn
Thời gian gần đây, khi nhắc đến chị, mọi người thường nhớ đến hình ảnh một doanh nhân bất động sản, chứ không phải là một nhà ngoại cảm tìm mộ như trước đây?
- Mọi người nhìn nhận như vậy bởi lẽ họ thấy tôi đang làm việc cho một Công ty kinh doanh bất động sản. Nhưng trên thực tế, công việc mà tôi đang đảm nhiệm tại đây là mảng từ thiện xã hội. Đây cũng chính là công ty trước đây thường tài trợ giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tôi thực hiện các chương trình hoằng dương Phật pháp, cầu siêu và tìm mộ liệt sĩ. Năm 2009, công ty muốn mở rộng phương án công tác xã hội nên mời tôi về phụ trách mảng này.
Ngoài thời gian ở trường đại học, chị còn làm thêm việc công ty, lại còn chăm sóc gia đình nữa. Như vậy chắc hẳn hết thời gian cho việc đọc hồ sơ, “trò chuyện với các linh hồn” để tìm mộ như chị vẫn làm?
- Tôi làm việc tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (tên cũ là trường ĐH Quản trị Kinh doanh Hà Nội) từ năm 1999 đến nay. Để tạo điều kiện cho tôi làm công tác xã hội, từ thiện, tìm liệt sĩ, nhà trường giao cho tôi công việc bán thời gian. Trường chính là gia đình thứ hai, là cái nôi tinh thần của tôi. Ngoài ra, tôi còn là cán bộ bộ môn cận tâm lý, cộng tác viên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Những công việc này tôi đều hoàn thành. Còn ở công ty, chỉ khi nào có việc liên quan đến các chương trình từ thiện, hỗ trợ tìm mộ hay các Đại lễ cầu siêu thì tôi mới dành nhiều thời gian thôi.
Việc tìm mộ tôi vẫn làm như một thói quen. Cứ vào lúc 11h đêm mỗi ngày, khi xong hết mọi việc nhà, 2 con đi ngủ tôi lại ngồi với các hồ sơ được gửi đến. Trước khi “trò chuyện” với mọi người, tôi thường đọc cho họ nghe một vài đoạn Kinh địa tạng hay những đoạn Kinh trong Lễ Vu Lan báo hiếu. Để làm gì ư? Để giúp những linh hồn này siêu thoát, nhẹ nhàng hơn trong một thế giới khác. Sau đó tôi lần lượt giở những hồ sơ lưu giữ ra làm việc. Có hồ sơ ở trong phòng làm việc này đã hơn 10 năm, có những hồ sơ vừa được gửi đến. Mỗi tối tôi cố gắng “giải quyết” (tức là nói chuyện với các linh hồn- PV) khoảng 5 người. Khi nói chuyện, tôi phải tỉ mỉ ghi chép hết những thông tin họ kể như về địa danh, phương hướng, đặc điểm nhận dạng mộ, đường đi, lối lại… Để thông tin lại cho các gia đình đi tìm kiếm.
Vậy ra không như thiên hạ đồn thổi: Chị hoàn toàn “giải nghệ” trong lĩnh vực tìm mộ?
- Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ “giải nghệ” như người ta nói. Tôi tâm niệm, khả năng “nói chuyện được với các linh hồn” của mình như là một trọng trách mà tôi đã được giao phó. Bao gia đình cả người sống và người đã mất đang cần tôi. Vậy tại sao tôi lại “giải nghệ” cơ chứ? Đúng là có thời điểm, do quá chán nản, mệt mỏi trước những lời đồn độc địa, tôi tạm dừng các buổi “nói chuyện” với người của thế giới bên kia. Nhưng chỉ được 10 ngày, sau đó đầu tôi đau khủng khiếp. Uống thuốc giảm đau cũng không tác dụng. Thật sự lúc đó tôi còn thấy “rất nhớ” các liệt sĩ và người âm nữa, tôi chọn giải pháp: Quay trở lại nghiên cứu hồ sơ được gửi đến. Kỳ lạ, chứng đau đầu tự dưng thuyên giảm. Cũng có thể chỉ là sự trùng hợp, nhưng nó cho thấy: Số phận tôi dường như đã gắn bó với công việc này. Một trọng trách kỳ lạ mà không phải ai cũng có khả năng gánh vác. Công việc này gắn bó với cuộc đời tôi, tuy nhiều khi rất cực khổ nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì giúp đỡ được nhiều người, nhiều gia đình, góp phần làm dịu bớt nỗi đau chiến tranh, nỗi đau mất người thân!
Từng bị dư luận dồn đến chân tường
Theo báo chí đưa tin, hồi tháng 10/2010 chị đã tuyên bố dừng nhận hồ sơ tìm mộ. Nhiều người cho rằng, động tác này chính là cách chị thông báo “giải nghệ” khi có quá nhiều lời “tiên tri” bất thành?
- Đúng là tôi đã tuyên bố dừng nhận hồ sơ, nhưng lý do không phải như mọi người nói. Tôi chỉ đi tìm mộ chứ không phải nhà tiên tri nên không bao giờ tiên tri.
Trước đó, có một loạt tin đồn: Bích Hằng tiên đoán cầu Bãi Cháy, cầu Long Biên, cầu Thăng Long sẽ sập khiến tôi vô cùng bàng hoàng. Nhưng tôi cũng không lên tiếng đính chính hay nói lại đôi co với các báo về những thông tin mà bản thân tôi không hề phát ngôn. Tôi đã im lặng và thoát khỏi những ngày tháng mệt mỏi bằng cách lên đường cùng Công ty, Bộ đội Biên phòng 2 tỉnh Quảng Bình – Hà Tĩnh, Trường Đại học Y Hà Nội, Đài truyền hình Việt Nam, đi làm từ thiện ở miền trung. Cùng Tổ đình Chùa Vĩnh Nghiêm và các bạn bè Phật tử làm lễ cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn.
Đến khi thấy tin đồn thất thiệt ngày một lan xa, gây hoang mang trong nhân dân nên tôi đã đồng ý trả lời phỏng vấn một số cơ quan chức năng và thông tấn, báo chí: Phủ nhận, phản bác tin đồn để giữ an ninh tư tưởng trong nhân dân và xã hội. Lần đầu tiên, sau vô số sự cố, tôi đã trả lời trên báo Thanh Niên, chương trình truyền hình “Vì an ninh Tổ quốc VTV1″, Truyền hình thông tấn xã Việt Nam… Cũng thời điểm đó, tại nhà tôi còn tồn đọng hơn 7.000 bộ hồ sơ. Việc tồn đọng hồ sơ cũng là một lý do lớn để tôi nghĩ đến việc mình phải tạm dừng để giải quyết cho xong. Và trong một lần phỏng vấn của VTC New tôi tuyên bố dừng nhận hồ sơ.
Cũng có nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, bản thân chị ngày càng mất đi khả năng “nói chuyện với người cõi âm” nên chị đành phải tuyên bố dừng nhận hồ sơ?
- (Cười) Thế à? Nếu hết khả năng để được sống như một người bình thường chẳng phải là đỡ mệt mỏi lắm sao? Nhưng tiếc là khả năng này của tôi không hề bị suy giảm mà có phần được tăng cường hơn bởi kinh nghiệm 21 năm qua. Có những việc mà chỉ những người có khả năng như tôi hay những nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề tâm linh mới thấu hiểu.
Video đang HOT
Tin vào “nhân duyên” âm- dương
Những năm 90 người ta thường thấy khu nhà chị ở Kim Liên những ngày cuối tuần thường chật nêm người xếp hàng để được vào nhà chị gửi hồ sơ. Nhưng giờ có vẻ mọi người không còn tín nhiệm hoặc giả chị “mất thiêng” nên không thấy cảnh này ở nhà chị nữa?
- Đó là cảnh thường ngày diễn ra ở nhà tôi suốt thời gian từ năm 1996 đến năm 2010. Ngày nào cũng có khách đến nhờ, khách gửi hồ sơ. Đông đến mức, tôi đi làm về nhiều khi không vào nhà được bà con ngồi chật dưới cầu thang, trong nhà, ngoài ngõ. Ngày đó, tôi tiếp nhận có khi hàng trăm hồ sơ một ngày nhưng chỉ giải quyết được 20-30 bộ hồ sơ/ngày. Có khi chẳng kịp ăn tối.
Trước đó, từ năm 1994, tôi công tác tại Binh đoàn 11 và được ở nội trú trong Binh đoàn. Người ta biết tôi, nên tìm đến nhờ tìm mộ đông lắm. Lúc đầu, Binh đoàn còn cho tiếp khách, nhưng sau này thấy đông quá họ đề nghị đóng cửa. Thấy phiền quá, tôi chuyển ra ngoài ở và từ ngày chuyển ra khu Kim Liên, họ lại đi theo và tiếp tục xếp hàng đông trước nhà. Đến năm 1997 tôi lấy chồng, cuộc sống gia đình cũng bị xáo trộn bởi những buổi tiếp nhận hồ sơ như thế. Có khi vừa bầy mâm cơm ra, là lại có khách. Thời gian này, rất ít khi tôi được ăn cùng gia đình. Tiếp khách lúc nào cũng hơn 10 giờ đêm, thậm chí 12 giờ đêm mới xong việc. Cả ngày tôi làm ở cơ quan, trở về nhà lại chẳng được nghỉ ngơi nên rất mệt mỏi.
Tháng 3/2010 sau chuyến đi Nghệ An và Đắk Lắk tìm mộ về tôi ốm nặng phải nằm điều trị nhiều ngày ở BV Bạch Mai, khi đó chồng tôi quyết định phải chuyển nhà, giấu địa chỉ với mọi người. Cảnh xếp hàng trước nhà không còn nữa. Nhưng rồi hồ sơ vẫn được chuyển đến, họ không xếp hàng nữa mà nhờ người thân, quen của tôi chuyển hộ. Tức là có trốn, ẩn danh họ cũng vẫn biết cách để gửi hồ sơ.
Thời gian gần đây, người ta nói chị chỉ lựa chọn hồ sơ khách VIP, những người có chức có quyền để tìm mộ giúp. Còn với những người dân bình thường, chị dồn hồ sơ để lại hoặc là không tiếp nhận nữa. Chính điều này đã khiến khả năng của chị bị suy giảm?
- Đó là một trong những lời cay độc nhưng không đúng sự thật khiến tôi rất bất bình. Trong chuyện này, nhiều khi muốn tìm giúp người này hay người khác sớm nhưng “người âm” không hiện lên cho tôi nói gặp thì làm sao mà tìm được? Có người tôi xin tới mấy chục lần mà vẫn không “gặp” được. Sau khi nghiên cứu kinh Phật tôi mới hiểu điều này rõ ràng phụ thuộc vào “nhân duyên” âm- dương. Hồ sơ mà tôi giải quyết nhiều nhất trong suốt thời gian qua lại chính là do gia đình người dân ở các tỉnh gửi về.
Hồi tôi còn ở Binh đoàn 11 hay khu Kim Liên- Hà Nội nhiều người biết tin tôi tìm được mộ, ngày nào cũng có bà, có chị xếp hàng để được vào nhà tôi gửi hồ sơ. Họ thường là người các tỉnh lên, đi lại rất vất vả nhưng vẫn quyết tâm, khao khát tìm cho được mộ người thân nên tôi thường dành nhiều thời gian cho những người này. Còn khách VIP như bạn nói tôi thấy họ có phương tiện đi lại dễ dàng, thuận tiện, lại là những người hiểu và thông cảm với công việc của tôi, rất nhẫn nại chờ đợi nên tôi thường để lại hồ sơ làm sau thành thử có những quan chức, đại gia, kể cả bạn bè thân nhờ đến 5 – 7 năm rồi mà tôi đã giúp được đâu! Thú thật nhiều khi tôi rất áy náy và thấy mình có lỗi với những người này
Các “linh hồn” giúp tìm chìa khóa két
Chị nói giờ mỗi ngày chỉ “nói chuyện” được 3-5 linh hồn, thay vì trước đây, khi còn nhiều năng lực thì con số này là hơn 20 bộ hồ sơ?
- Vấn đề này không phụ thuộc vào năng lực nhiều hay ít mà phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và thời gian. Trước đây, công việc chưa bận rộn nên tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc xem hồ sơ. Hồi mới đi làm ở Binh đoàn 11, tôi làm thủ quỹ và đã từng phát nhầm tiền, phải bù tiền vì bị phân tán bởi những lần “nói chuyện” với các linh hồn trong giờ làm việc. “Họ” thường đến lúc tôi đang làm việc, nói rằng nhờ thông báo về địa chỉ này, người kia rằng mộ họ nằm ở chỗ này, chỗ khác. Thế là tôi lại ghi ghi-chép chép. Có lần, tôi làm mất chìa khóa két. Đến mức thủ trưởng cơ quan phải gọi Công an vào lập biên bản để phá khóa két và đề nghị cho tôi thôi việc vì sự thiếu thận trọng. Nhưng ngay lúc đấy, tôi than thở với các liệt sĩ và rồi chẳng hiểu sao tôi lại tìm được chìa khóa két để trong… tủ lạnh! Vì vậy sau đó để tránh những phiền phức trong công việc, tôi đã “xin” các linh hồn không xuất hiện lúc tôi làm việc. Và tôi đã dành thời gian buổi tối để gặp họ.
Bây giờ với tình hình sức khỏe và công việc trong thời gian ngắn ngủi từ 11 giờ đêm đến khoảng 2 giờ sáng hàng ngày, tôi cũng chỉ có thể giải quyết được khoảng 3-5 bộ hồ sơ mà thôi. Như hiện nay, tôi vẫn để ở bàn làm việc của công ty hai hộp hồ sơ. Khi nào tôi rảnh, hay khi bỗng dưng “thấy” họ, tôi lại tranh thủ ghi chép những thông tin về địa chỉ mộ rồi thông báo cho gia đình.
Giờ chị sống ở nhà đẹp hơn, có lái xe riêng thay vì trước kia sống ở chung cư cũ, đi xe máy. Tức là, chính năng lực khác người này của chị đã giúp cuộc sống chị có đầy đủ tiện nghi hơn?
- Nếu nói như thế thì thật ác ý với tôi và phụ công chồng tôi quá! Cuộc sống gia đình tôi cho đến giờ hoàn toàn do chồng tôi lo là chính. Xe và lái xe là của công ty. Còn với việc tìm mộ, mọi người cũng đến cảm ơn khi bằng phong bì, khi thì những sản phẩm quê hương như mớ rau, con gà quê… có Tết cả mấy nhà bạn tôi và nhà tôi ăn gà không hết. Những chiếc phong bì đó tôi xung vào quỹ từ thiện Tâm vàng, tập trung hết trong ngăn kéo bàn làm việc. Khi có việc cần đến tiền đi làm từ thiện, tôi gọi mấy người bạn trong nhóm từ thiện mở ra và nói: “Xin cho cháu/em được sử dụng số tiền trong này để đi làm chương trình từ thiện …”, rồi tôi mới bóc phong bì. Nhiều năm đi tìm mộ tôi thấy nhiều gia đình liệt sĩ hoàn cảnh éo le, nhiều nạn nhân chất độc da cam, thương bệnh binh … nghèo khổ mà tôi không đủ tiền giúp đỡ nên từ năm 2002 tôi cùng một số bạn bè và chủ yếu là thân nhân các gia đình Liệt sĩ đã lập “Quỹ từ thiện Tâm vàng” để làm từ thiện.
Chồng tôi từng ước vợ mất khả năng ngọai cảm
Mọi chuyện dường như cũng đã lắng xuống. Chị đã dần lấy lại thăng bằng sau bao sự cố. Liệu chị có cần phải công bố chính thức việc &’tái xuất giang hồ” với khả năng hiếm có để tiếp tục giúp mọi người?
- Tôi chưa bao giờ tuyên bố “giải nghệ” nên cũng chẳng cần phải tuyên bố chính thức quay trở lại với việc tìm mộ. Bởi thời gian qua, tôi vẫn âm thầm nhận hồ sơ và ngày nào cũng xử lý 3-5 bộ vào mỗi đêm. Từ năm 17 tuổi tôi đã gắn bó với khả năng đặc biệt này nên tôi sẽ cố gắng làm việc với khả năng tốt nhất cho tới khi sức khỏe và khả năng còn cho phép.
Cũng đã có một thời gian dài gia đình chị có nhiều mâu thuẫn, có lúc tình cảm vợ chồng căng thẳng, mái ấm có nguy cơ tan vỡ vì chính khả năng của chị. Có lúc nào đó chị muốn nguyện mất đi khả năng đó để làm một người bình thường, một người vợ đúng nghĩa của gia đình?
- Đúng là tôi bị chi phối quá nhiều vào khả năng của mình. Nhiều khi ở nhà yên được vài hôm rồi cứ như bị thúc giục, tôi lại thu xếp hành lý và lên đường đi tìm mộ. Có tiếng nói ở đâu xa lắm, họ hướng dẫn chỉ bảo và khuyến khích tôi đi. Những lúc như thế, chồng con, gia đình nhất là 2 con bé bỏng của tôi phải chịu thiệt thòi, hy sinh và chồng tôi- chính là người chia sẻ với tôi rất nhiều.
Gia đình nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Nhưng chồng tôi cũng như bao người đàn ông khác, anh là một người làm kinh doanh, anh đã quá bận rộn, căng thẳng với thương trường, nên anh cũng muốn vợ dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái. Giai đoạn gia đình căng thẳng là giai đoạn tôi “nổi tiếng” quá. Nhiều người biết, nhiều người tìm đến nhờ. Bữa cơm gia đình lúc nào cũng dở dang vì tiếp khách. Thời gian đó, có dễ đến hàng năm, tôi không được ăn cơm tối cùng chồng con. Nhiều khi quá mệt mỏi, tôi cũng có những lời nói bực dọc với cả gia đình và mọi người đang nóng lòng chờ tôi tiếp nhận hồ sơ. Nhưng cũng chỉ thoáng qua như thế, tôi lại lao vào công việc như một sự đam mê định mệnh.
Tôi không nguyện mất đi khả năng này, vì tôi thấy nhiều người cần giúp quá. Sức lực tôi thì có hạn, nhưng tôi vẫn làm cho đến khi nào họ cần tôi. Nhưng chồng tôi thì có, anh ấy từng ước: “Anh ước, một sáng ngủ dậy, bỗng nhiên em nói: Anh ơi em mất khả năng ngoại cảm rồi”. Đó là một trong hai điều ước của chồng tôi khi đó. Điều còn lại anh ước, người bố nằm liệt ốm bao năm bỗng nhiên đứng dậy đi được. Nhưng cả hai điều ước này chẳng điều nào thành hiện thực!
Các con chỉ mong mẹ ở nhà
Chắc chồng chị vẫn ước chị mất khả năng?
- Không hẳn là như vậy. Sau đợt khủng hoảng gia đình đó, tôi đã biết cách thu xếp cuộc sống khoa học hơn, quan tâm chăm sóc tới gia đình và hai con nhiều hơn. Chồng tôi cũng hiểu thêm về những áp lực công việc của vợ và đã chia sẻ, động viên tôi rất nhiều. Giờ tôi đã sắp xếp được thời gian làm việc ở trường, ở công ty, đi làm từ thiện, tìm mộ và chăm sóc gia đình tốt hơn rồi!
Hai con trai của chị có bé nào thừa hưởng khả năng kỳ lạ này của mẹ không?
- Cậu em có vẻ có khả năng này. Vì có lần tôi đang nói chuyện với các linh hồn trên phòng làm việc, nó đẩy cửa bước vào và phụng phịu nói: “Con không thích các bạn đến nhiều thế này đâu”. Lúc đó là lúc tôi đang “nói chuyện” với các linh hồn chết trẻ. Tôi toát mồ hôi vì quá bất ngờ và lo sợ! Thật lòng tôi rất sợ con tôi có khả năng như tôi vì hơn ai hết tôi hiểu sự vất vả, cực khổ, đôi khi là cả sự đắng cay của người làm tâm linh và tôi không muốn con tôi phải khổ như tôi. Thằng anh nhiều lúc còn khóc không cho tôi đi tìm mộ hay cứu trợ đồng bào trong vùng lũ. Nó bảo, sợ mẹ… trôi theo nước lũ. Cả hai đứa con đều thích mẹ trong trang phục tóc thả ngang vai, đi giày cao gót và mặc đầm. Với chúng nó, như thế tức là tôi sẽ ở nhà. Chứ cứ thấy tôi đi giày thể thao, tóc cột cao, mặc quần bò áo phông tức là mẹ sẽ đi xa chúng đến cả tuần mất.
Từ tháng 10 năm 2010 tôi bắt đầu tập trung thời gian viết lại những công việc mà 21 năm qua tôi đã làm. Cũng nhờ vậy mà tôi có nhiều thời gian hơn bên hai con. Khi gần con hơn tôi mới càng hiểu và thương hai con đến quặn lòng về những tháng năm tôi đã để các con phải chịu thiệt thòi, hy sinh quá nhiều cho công việc của Mẹ. Có những đêm con ốm, cháu ôm chặt tôi nói &’con ốm mẹ đừng đi xa nữa nhé, con sợ lắm!’. Nhớ lại thời gian trước đây khi con ốm tôi vẫn đi tìm mộ để con ở nhà với bà nội tôi đã khóc ròng tới sáng.
Có cảm giác như sau khi chị hoàn thành hết những cuốn sách này là chính thức “rửa dao gác kiếm”?
- Tôi nói rồi, cuộc đời tôi như được giao trách nhiệm trong việc tìm mộ. Và tôi sẽ còn thực hiện đến khi nào còn đủ sức khỏe. Hiện tôi không đi được nhiều và xa vì bệnh thoát vị đĩa đệm. Nhưng tôi vẫn tiếp nhận hồ sơ và hàng đêm vẫn “trò chuyện” với các linh hồn để tìm ra địa chỉ mộ cho mọi người.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện !
Nhiều người cứ nghĩ khi đã nổi tiếng thì tôi chỉ chọn hồ sơ của khách VIP mà tìm giúp. Hoặc nghĩ tôi giàu lên nhờ khả năng tìm mộ nên nhiều người ghen ghét, đặt điều nhiều chuyện như thời gian vừa qua. Nhân đây tôi cũng xin lỗi nhiều bạn bè thân thiết, bà con cô bác gần xa có nhờ tôi tìm mộ mà tôi chưa kịp giúp được. Không phải vì tôi “mải mê với khách VIP”, không phải tôi ưu tiên những mối quan hệ cần thiết khác mà vì tôi quá bận để giải quyết 7.000 bộ hồ sơ đang còn tồn đọng trong nhà. Họ là những người nghèo, những người ở xa nên tôi dành thời gian cho họ nhiều hơn. Đặc biệt có một số “linh hồn” cương quyết từ chối không hợp tác, không chịu nói chuyện với tôi nên chưa làm được.
Theo xahoi
Ly kỳ những cuộc tìm mộ đầu tiên Kỳ 1
Thực chất, không cần đợi đến sau này, khi hoạt động trong lĩnh vực ngoại cảm, tên tuổi của Nguyễn Văn Nhã mới được người ta biết tới.
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn, theo sự hướng dẫn của ông Nhã, tìm được mộ của cha mình tại nước Lào sau 60 năm.
Bạn bè, người cùng thời biết đến ông với hình ảnh một chàng sinh viên trẻ tuổi dọc ngang hiển hách. Mỗi thời, ông cống hiến cho xã hội một kiểu khác nhau. Dù với cương vị là nhà ngoại cảm hay người hoạt động cách mạng, điều đầu tiên mà người ta cảm nhận ở ông, đó là sự chân thành, thẳng thắn và rất khiêm nhường.
Đường đến ngoại cảm
Trước mặt tôi, vẫn là một con người gầy gò dong dỏng cao, giọng nói nhỏ nhẹ. Nhưng tôi cảm nhận được trong cái hình hài ấy là cả một nhân cách lớn. Nói như vậy, tôi biết ông sẽ không đồng ý. Ông rất ngại những từ ngữ đao to búa lớn mà người ta gán ghép cho mình, kiểu như "thiên tài", "thần thánh"... ông chỉ nhận mình là một người rất bình thường. Có câu chuyện tôi mang kể với ông: Một người khi trực tiếp ngồi nói chuyện với ông khẳng định có những đốm sáng lạ phát ra quanh người ông như những vầng hào quang. Người này đã chụp ảnh lưu lại. Ông cười rất tươi nói: "Đừng nên tin vào những cái đó". Chợt nhớ lời ông dặn trước đó, rằng đừng thần thánh hóa ngoại cảm, rằng nhà ngoại cảm, trước hết chỉ là một con người.
Cũng như ông nhiều lần khẳng định khả năng ngoại cảm đến với ông như một cơ duyên, chính ông cũng không ngờ tới. Câu chuyện tìm mộ của liệt sĩ Trần Khai Nguyên chính xác gần như tuyệt đối là lần đầu tiên ông chủ động tìm mộ. Còn nhiều những cuộc tìm mộ khác trước đó như những cuộc tập dợt, sát hạch đưa ông đến với ngoại cảm. Năm 1997, sau khi tìm được mộ bố vợ ông theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên trên núi rừng Trường Sơn. Ông trở về Sài Gòn và có một số gia đình khác nhờ ông cùng đi tìm mộ người thân. Lúc đó ông không hề có khả năng ngoại cảm nhưng kỳ lạ nhất là những cuộc tìm mộ có ông đi cùng thường nhanh hơn và chính xác hơn, không ai giải thích được. Lần tìm mộ ở Tây Ninh, cô Tư- một nhà ngoại cảm đạo Cao Đài- nhìn kĩ vào trán ông rồi vỗ vai ông nói rằng: " Anh Nhã có sứ mạng tìm hài cốt chiến sĩ. Nên vận dụng giúp người tìm mộ". Lúc đó ông chỉ cười xòa cho qua chuyện.
Lúc bấy giờ, nhà ngoại cảm C. ở ngoài Bắc được cho là người đã phát triển cho nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, trong một lần gặp gỡ đã khuyên ông hoạt động ngoại cảm, phụ trách phía Nam. Vì thời đó, nhà ngoại cảm chủ yếu ở ngoài Bắc, thân nhân muốn tìm mộ hầu hết phải ra đằng ngoài tìm nhà ngoại cảm. Ông Nhã lại từ chối. Cho đến một ngày, như định mệnh. Đó là lúc nguyên Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Trương Văn Đa và mẹ là bà Hồ Thị Bi tổ chức đi tìm hài cốt của chồng và cha là liệt sĩ Trương Văn Ngài. Bà Hồ Thị Bi là đại tá, anh hùng LLVTND, tên tuổi bà gắn với nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến chống pháp. Bà được mệnh danh là "Nữ kiệt miền Đông" bở sự gan lì, táo bạo. Chồng bà, liệt sĩ Trương Văn Ngài cũng là một chiến sĩ cách mạng nổi tiếng. Giặc Pháp treo thưởng nhiều tiền đổi thủ cấp của ông. Năm 1947, ông và em trai bị giặc bắt, chúng chặt đầu ông đem về lĩnh thưởng. Bà chỉ nhận được thân thể chồng an táng. Năm mươi năm đằng đẵng, từ khi còn chiến tranh đến lúc hòa bình, cả gia đình chỉ có một ước nguyện tìm được thủ cấp của ông.
Ông Nhã lúc còn trẻ
Họ ra Bắc tìm gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên và may mắn được vẽ một bản đồ tìm đến một vùng đất ở Hóc Môn. Thế nhưng, sau 50 năm, cảnh vật đổi thay, những dấu hiệu tìm ra mộ gần như bị xóa sạch. Sau nhiều lần đào bới không kết quả, họ gọi lại cho nhà ngoại cảm C. và ông Nguyễn Văn Liên. Chợt bà C. phát ra lời như khẩu lệnh: "Tất cả bây giờ phải nhờ anh Nhã". Rồi bà gọi điện trực tiếp cho ông Nhã. "Tôi nghe chẳng hiểu gì cả. Lúc đó tôi không hề thấy bất cứ điều gì. Thời đó tìm cả bộ hài cốt đã khó. Đằng này chỉ tìm thủ cấp, khó gấp trăm lần. Mà lại nhờ người không biết gì như tôi nên thật vô lý"-ông Nhã kể. Thế nhưng, bà C. lại gọi liên tục giục ông chỉ. " Tôi không thấy gì cả, làm sao mà chỉ được"?-Lời ông như van nài. Bà C. sẵng giọng: "Anh cứ nói đi, lập tức ứng nghiệm". Lúc này ông hoang mang thật sự, bởi với ông lúc đó ngoại cảm cũng là sự thần bí ghê gớm, không thể giản đơn như vậy. Nhưng sau nhiều lần thúc ép, như để khẳng định bà C. đã sai, ông chỉ: Gia đình bước tới 10 bước nữa sẽ thấy một cây ổi hay cây xoài gì đó. Từ vị trí này, cách nửa mét về hướng tây bắc thì đào tìm. Gia đình liệt sĩ làm đúng lời ông, tiến 10 bước thì quả thật gặp ngay một cây ổi. Họ mừng rỡ, bắt đầu xác định vị trí và đào tìm. Ở nhà, ông vừa hồi hộp, vừa lo sợ. Vì lời ông nói đã linh nghiệm một nửa. Không lẽ, có sự kỳ lạ như vậy khi mà ông chỉ nói đại, không hề có hình ảnh nào hiện lên trong đầu? Cuối cùng, gia đình liệt sĩ sau khi đào sâu 1,2m rồi 1,5m vẫn không thấy gì. Ông lại ngổn ngang cảm xúc, chẳng biết nên buồn hay vui.
Đợi một lúc, chuông điện thoại lại réo. Giọng bà C. bên kia thúc giục : "Anh Nhã chỉ tiếp đi, gần rồi đó". Lần này, ông hoảng sợ thực sự, rồi như dồn hết sức bình sinh, ông chỉ: Từ chỗ đã đào, gia đình đào thêm nửa mét nữa về hướng tây bắc. Lại im ắng, sự chờ đợi trong im lặng như bóp nghẹt ông. Điện thoại reo khiến ông giật thót mình. Lần này thì ông gần như đã kiệt sức và tự nhủ không thể chỉ dẫn gì nữa cả. Thế nhưng, ông vừa bật máy đã gặp ngay giọng nói của ông Trương Văn Đa reo lên mừng rỡ: "Tìm thấy mảnh sọ rồi anh Nhã ơi! Đúng hài cốt của ông cụ đây rồi". Gia đình liệt sĩ thì mừng vui khôn xiết, còn ông ngồi trong căn phòng vẫn với một tâm trạng ngổn ngang giằng xé. "Tìm thấy rồi tôi vẫn không tin. Sao có sự kỳ lạ đến vậy"?-ông hồi tưởng và tâm sự rằng đó là lần đầu tiên trong đời, ông sống trong cảm giác không thể đặt tên nhưng không bao giờ ông quên được.
Đó là lần đầu ông góp sức tìm mộ. Phải qua nhiều cuộc tìm kiếm đầy thử thách tương tự như vậy ông mới chính thức tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm. Một trong những thử thách cam go đầu tiên như vậy là trường hợp của ông Lê Văn Tự. Ông Tự là Giáo sư-Tiến sĩ nông học, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và khuyến nông TP.HCM. Thời ấy, ngoại cảm tìm mộ vẫn chưa rộng rãi, vẫn là vấn đề nhạy cảm và giới trí thức ít người tin, nhiều người phản bác. Người học rộng tài cao như ông Tự tìm đến nhờ giúp đã là một thử thách đối với ông, càng cam go hơn khi vị trí tìm mộ cách hàng ngàn cây số. Ông Tự thuật lại: Người em út của ông tên là Lê Văn Tường, SN 1947, là chuẩn úy, hy sinh ngày 15/3/1969 tại Khe Sanh, mặt trận đường số 9, Quảng Trị. Theo sự mách bảo, ông tìm đến ông Nhã. Sau cuộc hỏi han, ông Nhã vẽ cho ông Tự sơ đồ hướng dẫn rõ đường đi từ thị xã Đông Hà đến thị trấn Hướng Hóa và vào nghĩa trang liệt sĩ cùng lời ghi chú: " Liệt sĩ Tường đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện từ năm 1991. Vị trí mộ nằm phía sau đài tưởng niệm, hàng thứ tư kể từ dưới lên, hàng thứ ba kể từ bên trái vào. Trên mộ có một lỗ thủng nhỏ bằng đầu đũa". Tất cả các thông tin được ông truyền đạt ra hoàn toàn tự nhiên.
Vợ chồng ông Tự cầm sơ đồ trên tay tức tốc lên đường, hai ngày sau đã tìm đến đúng nghĩa trang huyện. Chỉ mất 10 phút họ tìm được mộ của liệt sĩ Tường, đúng như lời ông Nhã nói, từ vị trí hàng ngang hàng dọc đến cái lỗ thủng nhỏ trên mộ. Được sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, việc cải táng hài cốt liệt sĩ Tường diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Cuộc "tương phùng" ý nghĩa của hai anh em sau 30 năm hoàn hảo đến không ngờ. " Sự thật không đơn giản như vậy, nếu họ dễ dàng nhận ra nhau thì chính tôi cũng chưa tin là đúng"-ông Nhã kể. Vì những lần đầu tiên đó bao giờ cũng kèm theo sự lo lắng, đợi chờ nghẹt thở. Bởi nếu không chính xác tức là làm khổ người ta, ông sẽ hối hận nhiều lắm. Ở đây có một câu chuyện làm an lòng người tìm kiếm và khiến ông vui mừng không kém. Ông Tự kể rằng: Trước đây, lần hai anh em ông gặp nhau ở Hà Nội, ông có một chiếc thắt lưng to bản bằng nhựa hóa học của Liên Xô. Ông đưa ra thợ cắt thành hai cái giống nhau để hai anh em làm kỷ niệm trước khi trở lại chiến trường. Sau khi khai quật mộ em trai, ông òa khóc trong sung sướng vì tìm thấy chiếc thắt lưng ấy gần như nguyên vẹn sau 30 năm, như một sự sắp đặt của trời đất.
Riêng với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, những trường hợp đầu tiên chính xác như vậy cho ông niềm hạnh phúc thậm chí còn lớn hơn thân nhân những liệt sĩ. Đó cũng là một trong những động lực lớn giúp ông gắn bó với việc tìm mộ bằng ngoại cảm sau này.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã bây giờ
Nhân cách Nguyễn Văn Nhã
Là một trong ít người may mắn được gặp gỡ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, người viết bài này thường nhận được nhiều câu hỏi về ông pha lẫn hiếu kỳ là sự kính phục, ngưỡng vọng. Riêng tôi, tất cả những điều tôi biết hồ như đều hướng về bản ngã của ông: Sự chân thiện. Nguyễn Văn Nhã sinh năm 1949, trong một gia đình buôn bán nhỏ. Thời trẻ ông từng học trường Trung học Petrus Ký nổi tiếng ngày trước (nay là THPT chuyên Lê Hồng Phong) rồi vào Đại học Khoa học Sài Gòn. Ngôi trường này là một trong những cái nôi của phong trào học sinh sinh viên gắn với những người hoạt động cách mạng nổi tiếng như: Nguyễn Minh Triết, Phạm Chánh Trực, Dương Văn Đầy, Lê Công Giàu... Người cùng thời hay nói về ông Nhã với hình ảnh chàng sinh viên ốm yếu, thường tham gia tổ chức những cuộc xuống đường biểu tình chống chế độ những ngày đất nước sục sôi hào khí cách mạng. Ông một mình dán khẩu hiểu, cờ giải phóng, phát truyền đơn trong trường đại học, sau này tham gia thành lập chi đoàn hoạt động cách mạng bí mật.
Đầu năm 1975, ông bị bắt và bị đưa vào nhà giam Nha cảnh sát Đô Thành. Hơn 3 tháng trong ngục tù, ông trải qua những màn tra tấn thừa sống thiếu chết. Giặc đánh vào tay chân, thân thể ông nhiều ngày đến khi sưng vù, chảy nước quyện máu rồi xích lại trên băng ca bỏ giữa hành lang phòng giam cho muỗi cắn. Tất cả chỉ để khai thác danh sách 8 cơ sở cách mạng mà ông phát triển. Những lần tra khảo bằng kim đâm vào các ngón tay rồi dùng thước đóng dần xuống, hay để một chân ghế lên chân cái ông rồi chúng ngồi lên rung lắc.. đau đến tận xương tủy, ngất lên ngất xuống nhưng ông không nói nửa lời. Tất cả những "tra khảo viên" khét tiếng Nha cảnh sát thời đó đều được triệu hồi thay phiên nhau "làm việc" với ông Nhã nhưng đều nhận được câu trả lời: "Không biết"! Sau này, đã nắm được đầy đủ danh sách trong tay từ tư liệu tịch thu được của người khác nhưng vì sự háo thắng, chúng tiếp tục tra tấn để buộc ông khuất phục. Có lúc chúng dùng những điếu thuốc đang cháy thui vào chỗ kín nhưng ông không hé răng nửa lời. Mỗi lần bị đưa vào phòng xét hỏi, ông chỉ một câu: "Đánh đi rồi để tôi về". Cái khí phách hiên ngang của ông làm những tên "đồ tể" phải khiếp sợ và là một biểu tượng kiên trung có sự lan tỏa rộng rãi trong thế hệ người tù ở nha cảnh sát thời bấy giờ.
Hòa bình, ông tham gia hoạt động đoàn rồi nghỉ việc nhà nước. Tuổi trẻ oai hùng và kiêu hãnh nhường chỗ cho cuộc sống bình lặng. Kể cả sau này đã có tên tuổi trong lĩnh vực ngoại cảm, ông cũng ở ẩn, ít khi xuất hiện, ít khi nói về mình, những câu chuyện về ông đa phần được người khác kể lại. Có điều người ta không khỏi thắc mắc, ông đi qua thời cuộc với những đòn thù liên miên của kẻ thù, có lúc ở bờ vực sinh tử. Nhưng khi là nhà ngoại cảm tìm mộ, ông không phân biệt liệt sĩ hay lính cộng hòa, vẫn giúp đỡ như nhau? Tất cả nằm trong câu nói ông nhiều lần nhắc đến: " Bản chất của tìm mộ là siêu thoát. Vong hồn nào cũng khổ đau, cũng cần được siêu thoát như nhau, không nên phân biệt".
Có lẽ cái quan niệm ấy ông cũng áp dụng trong đời thường. Thành ra những người đã gặp đều thấy ở ông một sự chân thành, một nhân cách lớn bên trong hình hài dung dị. Tất cả làm nên một Nguyễn Văn Nhã lôi cuốn đến lạ kỳ.
(Còn tiếp...)
Nguyễn Văn Nhã, một con người kỳ lạ
Sau khi báo Công lý & Xã hội đăng tải bài viết đầu tiên về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã, rất nhiều độc giả đã gọi điện, gửi thư đến tòa soạn mong muốn biết thêm về ông. Nhiều người được ông giúp tìm mộ trước đây mong một lần được gặp ông nay biết được thông tin về ông trên báo đã rất vui mừng, xúc động. Để đáp ứng mong mỏi của đông đảo bạn đọc, được sự đồng ý của ông Nguyễn Văn Nhã, báo Công lý & Xã hội thực hiện loạt phóng sự dài kỳ để bạn đọc tiếp cận thêm những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Hiển nhiên, không thể không đề cập đến những cuộc tìm mộ mà người ta gọi là "nhiệm màu", "thần thánh" với mục đích tôn chỉ là hướng bạn đọc vào bản chất ngoại cảm và ý nghĩa thật sự của việc tìm mộ
Theo xahoi
Tâm sự mới nhất của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về sứ mệnh tìm mộ liệt sỹ Tại sao ở Hàn Quốc, hầu hết khi chết đều hỏa táng, trải tro cốt ra biển mà dân họ vẫn giàu, nước vẫn mạnh? Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng - Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Hơn 20 năm tiếp xúc với thế giới người âm để tìm hài cốt liệt sỹ, chị thấy thế giới ấy như thế nào? Có...