Phan Quang – Nhà báo xuất sắc liền hai thế kỷ
Phan Quang là một nhà báo xuất sắc liền hai thế kỷ. Sự nghiệp của ông không chỉ làm vẻ vang cho bản thân, còn tạo nên vị thế quan trọng và vẻ vang của nghề báo trong xã hội.
Nhà báo Phan Quang (Ảnh: Việt Hưng)
Xin được làm phóng viên đến cuối đời
Từ báo Cứu quốc Liên khu IV, năm 1954, qua một sự chọn lọc khắt khe, Phan Quang được điều động về báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đây là tờ báo chính thống lớn nhất của cả nước có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến đời sống tinh thần của cả một thời đại, thực sự là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể vì sự nghiệp xây dựng đất nước và đấu tranh thống nhất theo học thuyết về báo chí cách mạng của Lê-nin.
Tại báo Nhân Dân, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng mà trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh; cộng với nỗ lực học hỏi không ngừng, dấn thân vào cuộc sống trong niềm say mê lý tưởng, nguyện hy sinh vì sự nghiệp; các nhà báo Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Nguyễn Thành Lê; Phan Quang và Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Nguyễn Hữu Chỉnh, Diệu Bình, Quang Thái, Trần Kiên, Trần Minh Tân, Chính Yên… làm nên một thế hệ vàng khó lặp lại với những công trạng không chỉ phục vụ thời sự mà còn góp phần hết sức căn bản làm nên nền tảng, diện mạo, đạo lý… cho nền báo chí nước nhà.
Phan Quang làm báo Nhân Dân 28 năm liền, từ 1954 đến 1982, từ phóng viên đến Trưởng ban Nông thôn, Trưởng ban Kinh tế, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Trưởng ban Phóng viên Thường trú…, Ủy viên Ban Biên tập. Hàng nghìn bài báo mang phong cách riêng biệt, bầu nên nhà báo Phan Quang có uy tín với Đảng, với dân được viết trong thời kỳ này.
Nhà báo Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Bí thư Trung ương Đảng, một người giống như Chế Lan Viên rất kiệm lời khen, đã viết về người đồng nghiệp, người cán bộ của mình như thế này: “Ngay trong những ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ còn tiếp tục ác liệt, ngoài công việc hằng ngày, anh đã dịch xong tác phẩm đồ sộ nổi tiếng thế giới: Nghìn lẻ một đêm. Khi ta đang hiếm giấy, tôi nói nên in chậm lại…
Trong thời gian làm việc ở báo Nhân Dân, Phan Quang là một trong mấy đồng chí đi nhiều nhất, viết nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom Mỹ. Anh viết nhiều về nông thôn, nông dân, góp phần to lớn cùng Lê Điền, Hữu Thọ và nhiều đồng chí khác, phát động các phong trào hợp tác hóa, thâm canh, cuộc vận động thâm canh lúa, làm ra 5 tấn thóc 1 hecta một năm…
Ở miền Bắc, anh quen biết cuộc sống, con người gần như ở khắp các tỉnh. Và nhiều người kể cả lãnh đạo lẫn dân thường, nhất là bí thư đảng bộ, chủ tịch ủy ban, chủ nhiệm hợp tác xã đều quen thân Phan Quang. Anh còn là người bạn đồng hành của các nhà khoa học… Người ta ví Phan Quang là một chuyên gia sành sỏi về nông nghiệp, nông thôn. Sự đánh giá ấy không sai một chút nào.
Anh viết nhiều thể loại: xã luận, bình luận, phóng sự điều tra, bút ký. Phong cách làm việc và viết của anh rất nghiêm chỉnh, khoa học” ( Một phong cách làm việc – Tạp chí Người làm báo, số tháng 1-2000).
Năm 1982, khi nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương, Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam từ trần đột ngột trong chuyến công tác nước ngoài; Phan Quang được tổ chức điều động giữ vị trí này và ít lâu sau được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.
Mở đầu bài ký chân dung viết về Lưu Quý Kỳ ( Thương nhớ vẫn còn, Tập I), Phan Quang thốt: “Chạy trời không khỏi nắng”. Ấy là vì ông vốn không thích làm công tác quản lý chút nào. Mấy năm trước, khi Lưu Quý Kỳ sắp vào tuổi 60, cấp trên ngỏ ý muốn điều Phan Quang sang thay, để cho ông vốn sức khỏe yếu, được bớt việc, nghỉ hưu và làm công tác khác phù hợp hơn. Phan Quang đã thiết tha nói với Tổng Biên tập Hoàng Tùng, lúc này đã tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, xin được tiếp tục làm một chân phóng viên cho đến cuối đời. Nhưng nếu Hoàng Tùng muốn cũng không giữ được, vì tổ chức thấy rằng, không ai đúng hơn, tốt hơn Phan Quang trong cương vị đó.
Rồi Phan Quang được bầu làm Đại biểu chính thức Đại hội VI của Đảng. Trong bước chuyển lịch sử trọng đại này, Phan Quang vừa là chứng nhân, đồng thời là tác nhân làm nên những đổi thay quan trọng của đất nước trên tinh thần đổi mới.
Video đang HOT
Nhà văn hóa, nhà kiến trúc xã hội
(Ảnh: Vietnamnet)
Quốc hội Khóa VIII quyết định thành lập Bộ Thông tin (1987). Hai anh em họ Phan, cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương, Phan Hiền và Phan Quang cùng lúc từ giã ngôi nhà cổ kính phố Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Cảnh Chân (vốn là Lycée Albert Sarraut thời Pháp) về phố Quán Sứ giúp Bộ trưởng, Nhạc sĩ Trần Hoàn xây dựng Bộ Thông tin. Thứ trưởng Phan Quang được phân công phụ trách mảng báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất nhập khẩu sách báo…, đồng thời trực tiếp làm công tác đối ngoại của Bộ, thực hiện chủ trương của Đảng mở cửa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với nước ngoài. Ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Khóa VIII, và làm tiếp ba nhiệm kỳ (1987-2002).
Năm 1988 đến hết năm 1997, ông là Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Bí thư Ban Cán sự Đảng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Phan Quang giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo, Bí thư Đảng đoàn của Hội hai nhiệm kỳ V và VI từ năm 1989 đến 2000. Ngay từ khi mới sang thay nhà báo Lưu Quý Kỳ, ông được giao trách nhiệm giúp lãnh đạo Hội chuẩn bị Đại hội lần thứ IV của Hội, sẽ tiến hành cuối năm 1984, mà ông sẽ được bầu làm Phó Tổng Thư ký Thường trực (Tổng Thư ký nhiệm kỳ này là nhà báo Đào Tùng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, kiêm nhiệm).
Ngoài ra, ông còn tham gia Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc từ khóa II, rồi Ủy viên Đoàn Chủ tịch MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các Nhà báo (OIJ), Thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn Báo chí các nước ASEAN (CAJ)…
Sau khi được nghỉ hưu ở tuổi 75, ông vẫn được anh em giữ lại, tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (mà ông đã cùng Trần Hoàn, Vũ Khắc Liên, Dương Ngọc Đức, Hồng Đăng, Lưu Trần Tiêu, Vương Thịnh… là những thành viên sáng lập) hai nhiệm kỳ nữa. Ông cũng được cử làm thành viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam. Cùng với nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Phan Quang là ba thành viên được cử tham gia với tư cách cá nhân, không đại diện cho một hội hữu nghị nào thành viên của Liên hiệp.
Giai đoạn từ sau đổi mới, Phan Quang có ba cống hiến lớn: Một là xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam theo hướng hiện đại hóa, tiếp cận trình độ phát thanh hiện đại thế giới; làm cho Đài có một hạ tầng mạnh chưa từng có; đội ngũ phóng viên có trình độ tác nghiệp quy chuẩn, năng động, khởi đầu những chương trình phát thanh thanh trực tiếp chưa từng có trước đây. Hai là, đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng Luật Báo chí, Quy ước về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đưa báo chí nước ta hội nhập quốc tế mà vẫn giữ bản sắc của mình, phục vụ sự nghiệp Đổi mới. Ba là, với hoạt động báo chí, với công tác đối ngoại của Quốc hội, ông là nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc giữ vững nguyên tắc đối ngoại, đường lối chính trị của Đảng, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam; tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước.
Đồng thời, cũng như trước đây, ông không ngừng viết, đặc biệt đẩy mạnh và nâng cao thể “du ký”, tranh thủ viết vào những dịp đi công cán nước ngoài, được tập hợp trong các cuốn sách như Thơ thẩn Paris, Bên mộ vua Tần, Chia tay trên sông, v.v.
Các cụ nói: Cái quan định luận. Nhưng không phải ai cũng như vậy. Những đánh giá về Phan Quang đã được những người có thẩm quyền như Chế Lan Viên và Hoàng Tùng khẳng định rõ và cũng được hàng triệu độc giả của ông thừa nhận. Tuy nhiên, đó chỉ là nói về Phan Quang trên tư cách nhà báo. “Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau”, song nếu tìm hiểu về Phan Quang mà không thấy được những cống hiến to lớn của ông trên cương vị nhà quản lý, nhà hoạt động chính trị thì sẽ là chưa đủ. Sự đánh giá, ghi nhận này thuộc về Nhà nước, Hội Nhà báo Việt Nam và những người có thẩm quyền.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khai sáng. Đường lối phát triển báo chí cách mạng Việt Nam được hoàn thiện qua các thời kỳ. Cùng với các vị tiền bối khác trong làng báo, Phan Quang là một trong những yếu nhân góp phần xây dựng và thực thi xuất sắc đường lối đó, tạo nên mẫu hình Nhà báo – Chiến sĩ. Đặc biệt, ông có công lớn trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để hội nhập và làm giàu cho bản sắc dân tộc trên lĩnh vực văn hóa nói chung, báo chí nói riêng. Đồng thời, giới thiệu một số kinh nghiệm tác nghiệp cá nhân cũng rất thú vị, bổ ích cho người làm báo chuyên nghiệp. Như vậy, đóng góp của ông đối với báo chí Việt Nam được thể hiện trên ba mặt: Tác phẩm báo chí, kinh nghiệm viết báo và góp phần làm nên đường hướng cho một nền báo chí cách mạng tiến bộ và nhân văn. Sự nghiệp của ông không chỉ làm vẻ vang cho bản thân còn tạo nên vị thế quan trọng và vẻ vang của nghề báo trong xã hội.
Nhà báo Phan Quang trở nên một nhà văn hóa bởi hoạt động phong phú của ông trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, đối ngoại, văn học… Sau tập truyện mở đầu Không khai (NXB Minh Đức, 1954), ông đã có hàng chục tập truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, truyện thiếu nhi, sách bàn về nghề báo… mà đáng chú ý là Hẹn cưới, Đất rừng, Một mình giữa đại dương, Chinh phục Hymalaya, Đất nước một dải, Lâm Đồng – Đà Lạt, Hạt lúa bông hoa, Đồng bằng sông Cửu Long, Quê hương, Nghề báo nghiệp văn, Thương nhớ vẫn còn, Cho đến khi giã từ trần thế, Tầm nhìn…
Về dịch, ông đã cho in hàng chục tập lần lượt ra mắt bạn đọc từ khi mới về Hà Nội như Hoa lạ (1957), rồi Hội chợ bán người, Những ngôi sao ban ngày, Trở lại với đời, Sử thi huyền thoại Đông Tây, Nghìn lẻ một ngày, Trà thư, Chuyện rừng châu Phi… Kỳ vĩ nhất là Nghìn lẻ một đêm. Với quà tặng này cho thiếu nhi Việt Nam, nhiều người ví Phan Quang như ông già Noel. Và cũng nhân chuyện này, nhớ lại ý kiến chỉ đạo của Hoàng Tùng vì hiếm giấy, dành giấy cho những công việc cần kíp khác mà mãi đến năm 1981 bộ sách này mới có điều kiện ra mắt bạn đọc qua Nhà xuất bản Văn học.
Có thể có người nghĩ rằng, những con người thời chiến tranh chỉ biết đến tuyên truyền mà không biết đến văn hóa, chỉ chú mục cái trước mắt mà không trù liệu cái lâu dài. Không! Bên cạnh những hạn chế mà thời đại nào cũng có, thì đó là thời người ta phải hy sinh! Chắc hẳn, Nghìn lẻ một đêm hay nhiều tác phẩm lớn khác được ra đời, phổ biến sớm hơn, sẽ tốt hơn rất nhiều. Nói như vậy, để chúng ta cần trân trọng hơn kho tàng của cải thông tin đồ sộ mà ngày nay chúng ta có được. Việc còn lại là biến chúng thành giá trị người, giá trị tiến bộ, thành sức mạnh của dân tộc.
Ai đã, đang và sẽ đến với nghề báo có thể thấy được sự khởi đầu và hướng cần đi cho nghề nghiệp của mình qua cuộc đời của nhà báo Phan Quang – một nhà báo, nhà văn hóa, nhà kiến trúc xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại
Theo Dantri
Nhà báo lão thành Phan Quang: Ba "vùng cấm" phải tuân thủ
Phan Quang là một nhà báo lão thành đã gắn bó với nền báo chí cách mạng Việt Nam qua nhiều thập kỷ. Trong sự nghiệp của mình, ông luôn có những chia sẻ tâm huyết về nghề báo với người làm báo. Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, PV NTNN đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phan Quang.
Có lửa nghề mới làm được việc
Thưa nhà báo Phan Quang, dù tuổi đã cao nhưng hình như ông chưa bao giờ cho phép mình ngừng nghỉ. Bằng chứng là trong mấy năm gần đây, ông cho ra mắt bạn đọc liên tiếp những cuốn sách mới. Xin hỏi động lực từ đâu mà ông lại có sức lao động miệt mài đến vậy?
- Ông cha ta nói: "Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên" có nghĩa một ngày an nhàn là ngày ấy như tiên. Mà ai chẳng muốn làm tiên. Có điều khi mình muốn nghỉ, mình muốn rời nhưng dường như cái nghề níu kéo mình trở lại. Có phải như vậy hay không? Tôi cũng chia sẻ với các bạn, bây giờ tôi đã lớn tuổi, động lực làm việc của tôi không phải vì tiền tài, không phải vì danh vọng.
Điều thôi thúc tôi đến tuổi này vẫn chưa ngừng nghỉ có lẽ tại liên quan đến nghề nghiệp chúng ta. Tôi đã cao tuổi, tai kém, mắt kém, đi lại cũng không nhanh nhẹn như thời trước, muốn leo dốc cần có người đỡ, dù vậy tai vẫn còn nghe, mắt vấn đủ đọc, đủ xem, đầu óc vẫn suy nghĩ và nảy ra ý kiến của mình. Và đã có ý kiến lại muốn chia sẻ với bạn đọc, cho nên, tôi vẫn lúi húi làm việc. Con người chúng ta khi về già ai cũng muốn tìm một thú vui. Các cụ ta xưa về già vui thú điền viên. Còn tôi thích chơi hoa, chơi sách và vẫn muốn viết để chia sẻ, thậm chí "viết cho vui". Đó chính là động lực thôi thúc mà bản thân dù có muốn cũng khó giã từ. Như ông cha ta nói: "Đã mang cái nghiệp vào thân" thì cái nghiệp ấy nó cứ bám mình đến hết đời, cho đến khi tâm tàn lực kiệt hẳn.
Nhà báo Phan Quang. Anh: M.L
Với bất cứ người cầm bút nào, "lửa nghề" là một yếu tố quan trọng. Phải chăng ông có bí quyết riêng để giữ "ngọn lửa nghề" luôn mãnh liệt kể cả khi đã vượt xa cái tuổi "bát thập cổ lai hy"?
- Tất nhiên, làm nghề gì cũng phải có lửa nghề. Nghề văn, nghề báo, nghề văn học nghệ thuật thì điều đầu tiên cần thiết ở mỗi người là ngọn lửa trong lòng. Lửa ấy có còn thì ta mới làm được việc. Nếu không còn lửa nghề thì ta đơn thuần là làm công việc "cạo giấy" hằng ngày chứ không phải là sáng tạo. Và sáng tạo tôi nói ở đây, tức sáng tạo báo chí, không phải hư cấu mà là sáng tạo nên tác phẩm của mình.
Với tôi, nghề viết là đam mê cá nhân từ ngày còn trẻ, và tôi luôn xác định đó cũng là trách nhiệm xã hội của người làm báo. Người vẫn làm báo mà lửa nghề tắt sớm thì coi như người đó làm gì còn nhiệt tình. Từ ngày vào làm báo ở tuổi 20, tôi luôn ý thức rằng, kiến thức của mình, năng lực của mình nó ở dưới cái tầm và trách nhiệm của người làm báo. Cho nên, phải hết sức cố gắng, suốt đời phải học, phải trải nghiệm, phải nghiên cứu, phải viết để từ đó bản thân ngày một nâng mình lên.
Hiện nay độc giả có thể tìm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau khiến báo chí có vẻ đang mất đi vị trí "độc tôn". Theo ông báo chí hiện nay phải chuyển hướng thế nào?
Thời đại thay đổi, báo chí nước ta cũng thay đổi rất nhanh như báo chí thế giới. Chúng ta không nên hài lòng với những điều làm được mà cần tiếp tục hiện đại hóa báo chí, phải chuyên nghiệp hóa báo chí ta sâu hơn nữa, cao hơn nữa, ngày càng cao hơn, đó là một yêu cầu.
Tuy nhiên, trong thời đại thông tin ngày nay, khi ta nói cố gắng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa thì đó mới là vấn đề kỹ thuật, công nghệ. Nhà báo chúng ta không bao giờ được tự hài lòng, thỏa mãn với những việc mình vừa làm được. Nhà báo phải tự tin nhưng tự mình phải luôn đổi thay. Quá trình đổi thay ấy tùy thuộc năng lực, và con đường của mỗi người một khác, nhưng chung quy phải xuất phát từ cái tâm, cái đức của người cầm bút. Một khi nhà báo tự hài lòng thì đó là biểu hiện bắt đầu sự trì trệ.
"Báo chí nước nào cũng có vùng cấm"
Có người nói rằng: "Không có vùng cấm trong báo chí", quan điểm của ông thế nào?
- Có vùng cấm chứ. Bất kỳ báo chí nước nào cũng có vùng cấm. Báo chí nước ta cũng có vùng cấm. Điều này được thể hiện trong Luật Báo chí tại Điều 9, Chương 1 chỉ rõ báo chí không được làm, đại thể như: Làm báo không được làm gì vi phạm đến an ninh và ổn định của đất nước. Nhà báo không được xâm phạm đời sống riêng tư của công dân. Nhà báo không được truyền bá văn hóa đồi trụy làm hư hỏng đạo đức con người,... Nói cách khác, nhà báo phải xuất phát từ tính nhân văn. Cho nên, ai nói báo chí không có vùng cấm, tôi không đồng ý. Đó là những vùng cấm do pháp luật quy định. Chúng ta với tư cách là công dân, với trách nhiệm của một nhà báo cầm chiếc thẻ nhà báo trong tay thì chúng ta buộc phải tôn trọng, vì nếu không thực hiện được những điều đó, chúng ta vi phạm pháp luật.
Nhưng nghề báo còn có mặt thứ hai, bên cạnh luật pháp mà bên Tây người ta gọi là "điều khoản lương tâm", còn chúng ta gọi là "đạo đức nghề nghiệp báo chí". Đạo đức không phải là văn bản pháp quy, tức là khi ta xâm phạm đạo đức, ta không bị khởi tố trước pháp luật nhưng phải chịu xử lý theo như quy định tại bản quy tắc đạo đức nghề nghiệp của mình. Ví dụ: Một cô gái trẻ vì non dại làm chuyện sai lầm và cô đưa lên mạng, ngay sau đó bị mọi người xúm vào "ném đá" đến mức cô gái bức xúc không chịu nổi phải tìm đến cái chết. Lương tâm người ném đá có bị cắn rứt không? Vậy thì tính nhân văn của báo chí ở chỗ nào? Trong khi người đời ai cũng từng mắc sai lầm, sao ta không giúp đỡ, vực cô gái đó dậy mà để xảy ra chuyện đau lòng đến vậy? Thế mới biết, thời đại ngày nay hay ở chỗ luôn luôn đổi mới, đổi mới không ngừng nhưng cũng có mặt trái tức là tính nhân văn của con người dường như có phần sút kém đi.
Từ đó, tôi xin nhắc lại, khi nói đến vùng cấm trong báo chí gồm có: Vùng cấm quy định tại luật pháp; vùng cấm do đạo đức nghề báo chí, và vùng cấm xuất phát từ tấm lòng, tức là từ tinh thần nhân văn nhà báo tự đặt ra cho mình. Có thể sự việc đó ta viết ra sẽ "ăn view" đấy nhưng nếu nó không hợp với tấm lòng nhân ái của ta thì ta nên dừng lại.
Với tư cách là một nhà báo lão thành, trải qua rất nhiều thăng trầm trong nghề, ông có lời khuyên nào cho những người cầm bút trẻ hiện nay?
- Cả đời tôi không muốn khuyên các bạn trẻ. Tôi nói thật lòng là. so với lớp chúng tôi, các bạn trẻ ngày có năng lực, bản lĩnh, kiến thức được cập nhật hơn lớp chúng tôi nhiều. Có những hiểu biết của các "cây đa, cây đề" chúng tôi nay cũ rích, chúng tôi đã bị cuộc sống gần như gạt sang bên lề xã hội, mình phải tự thấy điều đó. Và đó cũng là quy luật tự nhiên thôi.
Nói như vậy nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm của mình cho các bạn trẻ để các bạn tự lựa chọn, điều nào thích hợp thì theo, điều nào không thích hợp thì gác lại. Quan điểm của tôi trong mối quan hệ giữa người già người trẻ là như thế.
Nói vậy cũng không có nghĩa là người trẻ không cần lắng nghe ý kiến của những người đi trước, trong trường hợp này là các "nhà báo già". Riêng tôi muốn chia sẻ với các nhà báo trẻ: Hãy tự tin. Tự tin và tiến lên. Tự tin nhưng không tự mãn. Học tập kinh nghiệm từ người khác nhưng học qua sàng lọc, sáng tạo, không rập khuôn, không bắt chước, và nghe thì phải có suy nghĩ. Có như vậy, nhà báo trẻ mới dần tạo được bản lĩnh, phong cách riêng của mình. Tôi mong muốn các bạn trẻ hãy lắng nghe, hãy mở lòng học tập bạn bè, trong đó có lớp người đi trước, nhằm tạo cho mình một nhân cách. Tất cả chung quy nhằm phục vụ lợi ích của dân tộc, nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo.
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 tại Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông có nhiều năm công tác tại báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin, Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam...
Tính đến nay, nhà báo Phan Quang đã có gần 70 năm "tuổi nghề". Với vốn sống đa dạng, thành thạo nhiều ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Pháp và tiếng Nhật, nhà báo Phan Quang còn được biết đến với vai trò là một dịch giả và cây bút du ký đầy cá tính. Trong các tác phẩm văn học và văn hóa mà Phan Quang đã dịch, được biết tới nhiều nhất là bộ Nghìn lẻ một đêm, xuất bản năm 1981, tính tới nay bộ sách đã được tái bản hơn 30 lần...
Theo Danviet
Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968: Sức mạnh khối đại đoàn kết Nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta càng có cơ sở để nhận thức toàn diện, sâu sắc thêm về tầm vóc, ý nghĩa cùng những bài học lịch sử rút ra từ sự kiện trọng đại này. Nền tảng làm nên chiến công vang dội đó chính là sức mạnh của khối đại đoàn...