Phẫn nộ công nhân nghèo bị nhà xe chèn ép, mua vé xe hơn 2 triệu nhưng bị nhồi nhét, ép sang xe nhỏ hơn
Công nhân bức xúc khi bị nhà xe chèn ép, nhồi nhét trên chuyến xe từ Bình Dương về Thanh Hóa dù trước đó đã bỏ số tiền hơn 2 triệu để mua vé.
Đối với những người làm ăn xa quê, Tết trở thành một nỗi ám ảnh khi vật giá leo thang chóng mặt. Đặc biệt là các chuyến xe đường dài bị nhồi nhét, mệt mỏi, kèm theo đó là gá vé tăng gấp nhiều lần so với ngày thường.
Mới đây CĐM không khỏi bức xúc với câu chuyện của công nhân từ Bình Dương về Thanh Hóa ăn Tết. Trong bài viết của mình, chủ tài khoản cho biết đã bỏ số tiền hơn 2 triệu để mua 1 ghế giường nằm. Tuy nhiên chỉ mới Nghệ An nhà xe đã “lùa” hơn 40 người xuống xe để chuyển sang một chiếc khác chật hẹp, nhỏ hơn.
Với câu trả lời không thuyết phục từ nhà xe, người công nhân trên đã chia sẻ câu chuyện của mình lên MXH mong tìm được sự đồng cảm. Đồng thời giúp nhiều người cảnh giác với những “chiêu trò” ngày Tết.
Video đang HOT
Hành khách hoang mang vì bị đột ngột chuyển sang xe nhỏ hơn.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 152/2014 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT (hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ), tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện niêm yết giá theo quy định, phải lập văn bản kê khai giá và gửi thông báo mức giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá. Thế nhưng, thực tế tình trạng xe khách không niêm yết giá, tăng giá vé đột ngột vào các dịp lễ, tết vẫn diễn ra và chưa thể giải quyết triệt để.
Điều 23 Nghị định 46/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) quy định, hành vi điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho hành khách, hoặc thu tiền vé cao hơn quy định, thì xử phạt người điều khiển ô tô chở hành khách 600.000 – 800.000 đồng.
Theo Điều 13 Nghị định 109/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn), hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 1 triệu đến 55 triệu đồng, tùy theo tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá.
Trên thực tế, hành khách không chỉ bị buộc phải chấp nhận giá vé tăng cao vào dịp lễ tết, mà còn bị các nhà xe nhồi nhét với số lượng hành khách vượt quá giới hạn cho phép. Pháp luật hiện hành quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi này tại khoản 2 và khoản 4 Điều 23 Nghị định 46/2016.
Theo đó, người điều khiển ô tô chở hành khách (trừ xe buýt) sẽ bị xử phạt 400.000 – 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng.
Cũng với các hành vi vi phạm này, người điều khiển ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km sẽ bị phạt tiền 1 – 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng. Chủ nhà xe, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, nhà xe có hành vi “chặt chém”, tăng vé xe vào dịp lễ tết để thu lợi nhuận còn bị buộc phải nộp vào ngân sách số tiền thu lợi do vi phạm mà có; người điều khiển phương tiện chở vượt quá số lượng hành khách quy định sẽ bị buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá. – Trích chia sẻ của Luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam).
Kiều Loan Hà Nguyễn