Phận nghèo “chạy Tết”
Tết về, nỗi lo lại hằn trên khuôn mặt của những phận nghèo mòn mỏi mưu sinh nơi bến cá, đánh giày, bán vé số giữa chốn thị thành Đà Nẵng… Nơi mảnh đất tha phương cầu thực, kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh không ít người sợ… Tết.
“Chợ người” nửa đêm nơi bến cá
0 giờ đêm, cái lạnh giăng khắp khu bến cá âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng). Cụ Nguyễn Thị Giá (quê Quế Sơn, Quảng Nam), tất tả rời xóm trọ Nại Hiên Đông (Sơn Trà) vớ vội quang gánh, tấm áo lạnh bạc màu rảo bước. Bến cá rực đèn cao áp, thêm những ánh đèn hắt lên từ giàn câu mực, tàu cá vừa cập bến.
60 tuổi, dáng người gầy nhom nhưng cụ Giá tỏ ra rắn rỏi, gánh trên vai những chậu cá nặng trĩu. Hơn nửa đời người gắn với bến cá mưu sinh, cụ Giá là một trong ít “lão phu” còn sót lại với nghề. Nhà 3 con gái, 1 con trai, cụ Giá hiện có đến 2 con gái cùng nối nghiệp.
“Nghề này chắc nó chọn người. Cứ làm riết thành quen. Đêm làm, ngày ngủ bù. Hôm nào mưa bão không đi được lại thấy nhớ nhớ cái mùi bến cá”, cụ Giá bộc bạch. Ngày nào cũng thế, cụ Giá thức dậy 0 giờ, cùng các “đồng nghiệp” tập kết bến cá.
“Chợ người” nơi bến cá. Ảnh: Nguyễn Huy
Gọi là “chợ người” vì họ bán cái duy nhất là sức khỏe. Cụ Giá chẳng nhớ cái nghề này thịnh hành từ lúc nào. Chỉ biết theo quy luật cung-cầu, cánh tư thương, đầu nậu cần có một loại hình vận chuyển cá từ chợ ra chỗ tập trung, hoặc từ ghe thuyền lên chợ. Thế là cánh phu cá ra đời. Tất thảy đều là phụ nữ.
Chị Hồ Thị Xuân Thu (30 tuổi), con gái cụ Giá hơn chục năm nay theo mẹ, tạm gửi 2 con nhỏ ở quê Quế Sơn ra bến cá mưu sinh. Ngày đông tàu cập bến, hai mẹ con tất bật chẳng nhận ra nhau. Nhưng những tháng cuối năm biển động, cả hai mong từng chuyến hàng kiếm sống. Chị Thu bảo: Ngày nào “chạy” tốt kiếm được hơn trăm bạc, ngày ế thì vài chục nghìn. Có khi chẳng đủ bữa ăn sáng.
Hơi lạnh phả vào khuôn mặt hằn sâu vết nhăn nheo của bà Trần Thị Học (62 tuổi, Phú Lộc, Huế). Khó nhọc lắm, bà cất 2 quang cá nặng lên vai, cố rảo bước để kịp quay chuyến mới. Duyên số tình cờ đưa bà đến với bến cá, rồi gắn luôn đời mình mưu sinh tại đây.
Nói chuyện “nghỉ hưu”, bà cười buồn: Chỉ nằm xuống mới hết lo. Giờ còn sức thì còn cố, kiếm cái ăn qua ngày. Thời thiếu nữ, lăn lóc đủ nghề làm bánh, bán hàng dạo, bà Học dạt vào Đà Nẵng, rồi theo giới thiệu, bà về bến cá. Bà Học bảo: Nghề này “độc” lắm. Vốn ít, chỉ cần vài chục bạc cho đôi quang gánh, nhưng cái chính sức khỏe, bền bỉ, dẻo dai.
Theo ông Ngô Văn Cát, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang: Bến cá lúc cao điểm có trăm mấy mươi người “phu cá”. Tất cả hoạt động tự phát, tự thỏa thuận với nhau. Phần lớn đều ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Do không thuộc tổ chức quản lý nào nên dịp Tết không có sự hỗ trợ, chia sẻ như những đơn vị khác.
Nghề “đụng” vào vụ
19 tuổi, Nguyễn Thị Cẩm (Phước Sơn, Quảng Nam) trông già dặn hơn với tuổi. Chọn góc phố trên con đường Nguyễn Lương Bằng (Liên Chiểu, Đà Nẵng), Cẩm trầm buồn nhìn phố thị tấp nập đón Tết, sắm sửa đèn điện, hoa cảnh. Xe bò chở túi cát lư hương, chẳng mấy khách hỏi mua. “Gần chục năm, em theo nghề bán cát cận Tết, chẳng năm nào thấy ế ẩm như năm nay. Mỗi ngày bán được vài chục túi”, Cẩm nói.
Hai mẹ con Cẩm xin người quen dùng tạm mảnh đất trống, kêu xe tải cát, tất tả hong phơi, cho vàobao rảo bán khắp các con hẻm phố phường.
Cẩm bảo: Có bao người ta mua 10.000 đồng, nhưng có người chỉ trả 4-5.000 đồng. Mình lấy công làm lãi. Hơn tuần lễ mà bán chưa hết xe cát. Mỗi ngày, Cẩm rong ruổi hàng chục cây số, kéo xe bò cát nặng trịch. Theo bà Trần Thị Nhung (54 tuổi), mẹ Cẩm, bán ở dưới trung tâm đắt hàng hơn nhưng mẹ con bà không có xe máy để kéo. Lên mạn phía Bắc thành phố này, nếu có sức kéo xe đi nhiều nơi thì mới bán chạy, còn không ế lắm.
Xe khoai nướng của anh Đông vào vụ Tết
Video đang HOT
Nhà bà Nhung có 5 con, 3 người ra ở riêng. Năm nào, bà cùng Cẩm rời quê ra Đà Nẵng bán cát mưu sinh. Bà Nhung nhẩm tính: Mỗi vụ Tết hên lắm thì kiếm dăm ba triệu, về sắm ít đồ lễ cúng Tết, quần áo, và một số lương thực chính.
Tết về ai cũng chộn rộn, nhưng hai mẹ con bà Nhung ăm ắp trăn trở: Ông xã ở nhà ốm mấy hôm nay, tiền dành dụm bao nhiêu đổ vào chạy chữa cả. Nhung tranh thủ ngày bán cát, tối phụ một số nhà hàng chạy bàn, rửa bát, kiếm thêm thu nhập. “Bình thường nó đi làm may công nhưng thu nhập chỉ đủ chi tiêu trong ngày. Cận Tết làm mấy cái “nghề tạp” này mới hi vọng có tiền sắm Tết”, bà Nhung nói.
Dọc đường Hùng Vương, Trần Phú, Lê Duẩn, khu chợ Cồn, chợ Hàn… hàng chục xe cát tần tảo mưu sinh. Đang vào chính vụ nên ai cũng khá tất bật.
Chị Phạm Bích Hương (35 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) cho hay: Hơn chục người cùng quê kéo ra Đà Nẵng bán cát dịp Tết. Nghề ít vốn, lấy công làm chính nhưng nếu gặp may sẽ cải thiện thu nhập.
Hai vợ chồng chị Hương, người bán cát, người tranh thủ “bắt mối” đánh lư đồng, vệ sinh đồ trang trí, đồ thờ ngày Tết. Theo anh Bình, chồng chị Hương, đánh mỗi bộ lư đồng được vài chục ngàn đồng. Ngày nào may lắm được 2-3 bộ, coi như ổn.
Nghề không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung để có độ bóng sạch. Quanh năm nhờ vào 3 sào ruộng, đàn lợn, mỗi dịp giáp Tết, hai vợ chồng chị Hương tranh thủ gởi lại nhà, rồi ra Đà Nẵng thuê trọ, mưu sinh.
Sợ tết
Sáng sớm, xóm trọ kiệt đường Thái Thị Bôi (Thanh Khê, Đà Nẵng) tất bật đội ngũ xe rong “chuyên doanh” khoai nướng. Tổ đội gần chục xe, chủ yếu là người dân tứ xứ Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình… 38 tuổi, nhưng anh Trần Đông (quê Tam Điệp, Ninh Bình) có ngót chục năm gắn bó Đà Nẵng, với nghề đẩy xe khoai nướng.
Tạo món khoai “thương hiệu riêng”, mỗi dịp Đông về, Xuân tới, anh Đông rủ thêm hai vợ chồng em gái, rồi nhờ mẹ bắt xe vào Đà Nẵng giữ con nhỏ để các cặp vợ chồng đẩy xe, mưu sinh.
Theo anh Đông, bình thường bán trên dưới trăm củ khoai, nhưng ngày gần Tết người đi chơi, dạo phố nhiều, lượng bán ra cũng nhiều hơn. Khoai này được anh “nhập” từ quê vào nên thơm, chắc, khi nướng có vị giòn tan, được khá nhiều người từ học sinh, thanh niên đến người lớn tuổi thích thú.
“Ngày nào bán tốt cũng dư được vài trăm ngàn đồng. Ở quê chẳng biết làm gì kiếm ra số tiền này. Năm nào kha khá mới dám tính chuyện về quê ăn Tết, còn không phải “cố thủ” tại Đà Nẵng để hạn chế chi tiêu”, anh Đông nói.
Chỉ con phố nhỏ bùng binh Điện Biên Phủ – Nguyễn Tri Phương có đến cả chục xe khoai nướng lớn nhỏ. Nhiều “đồng nghiệp” của anh Đông còn dạt về phía mạn sông Hàn, cầu Rồng dịp khách đông để bán hàng. Anh Nguyễn Lương (quê Thường Tín-Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) cho hay: Mùa cao điểm nên có đến cả trăm xe khoai nướng dọc ngang khắp các ngã ba, tư của Đà Nẵng.
Theo anh Lương, nghề nướng khoai có thu nhập nhưng chỉ tiêu vài ngày Tết là hết sạch. Ở xa, nhiều gia đình tốn phí xe cộ, thăm bà con, phong tục lễ Tết, mừng tuổi. Có năm, gia đình anh Lương dành dụm gần 20 triệu đồng về quê, nhưng chưa qua mùng (10 Tết) đã “cạn túi”. “Tết mừng vì là dịp đoàn viên cùng gia đình, họ hàng, lối xóm, nhưng nhiều khi nhắc đến lại sợ vì thiếu điều kiện”, anh Lương bộc bạch.
Ngồi nghỉ tạm bên vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hải Châu, Đà Nẵng), bà Trần Hồng (56 tuổi, quê Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) thở dài nhìn chồng vé số dày cộm. Hơn nửa ngày rảo bước khắp các ngõ phố, quán cà phê, tiệm ăn… nhưng bà Hồng chỉ bán hơn chục tờ vé số.
Nhắc đến Tết, giọng bà trầm buồn: Ngày thường còn khó kiếm đủ cái ăn, huống chi bao nhiêu cái lo, sắm sửa ngày Tết. Năm nào, bà Hồng cố lắm cũng chỉ sắm đĩa hương hoa bàn thờ, sửa soạn bữa tất niên nhỏ cho con cái sum họp. Có khi mới mồng 2 Tết, bà tranh thủ bắt xe ra Đà Nẵng để chạy vé số sớm.
“Tết của người giàu, không của người nghèo”, giọng ông Tạ Văn Quảng (58 tuổi, Thanh Khê Tây, Thanh Khê, Đà Nẵng) chua chát. Ông Quảng làm nghề phu xe, chuyên kéo vật liệu xây dựng trên đường Hà Huy Tập. Hơn nửa năm nay, kinh tế khó khăn, các công trình xây dựng nhà cửa giảm, người thuê ít hẳn. Nhà nghèo, con ông Quảng bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, mất kiểm soát hành vi, thường xuyên phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng.
Theo N.H
Cả nước sẽ rực sáng pháo hoa đêm Giao thừa Tết Nguyên đán 2014
Nhiều tỉnh miền Tây sẽ bắn sớm trước Giao thừa, người dân Bạc Liêu được ngắm pháo hoa từ 23h30, còn ở An Giang, bữa tiệc ánh sáng thậm chí còn được bắt đầu từ 21h30.
Trình diễn pháo hoa tại cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2013
Tại thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, người dân sẽ được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa rực rỡ trong vòng 15 phút tại 29 điểm thuộc các quận, huyện trên địa bàn, trong đó có 5 điểm tầm cao và 24 điểm tầm thấp.
Các điểm tầm cao gồm: Hồ Hoàn Kiếm có 2 điểm trước Bưu Điện Hà Nội và trước trụ sở Báo Hà Nội mới (Quận Hoàn Kiếm); Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng); vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). 24 điểm còn lại được tổ chức tại các huyện, thị trên địa bàn.
Cùng thời điểm đó, đồng bào tại TP.HCM sẽ được thưởng thức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật trong vòng 15 phút, tại 6 điểm, trong đó có 1 điểm tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (quận 2) và 5 điểm tầm thấp tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9), Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), Sân bóng đá huyện Cần Giờ, Khu Tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò, huyện Bình Chánh.
Đúng thời khắc Giao thừa, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, những màn pháo hoa sẽ tỏa sáng đón chào năm mới. Ngoài thành phố Lào Cai, Tết năm nay đồng bào các dân tộc ở huyện nghèo Mường Khương (Lào Cai) náo nức khi lần đầu tiên được xem bắn pháo hoa nhân dịp đón Giao thừa.
Ông Pờ Sảo Mìn, người dân tộc Pa Dí, ở thị trấn Mường Khương, phấn khởi nói: "Đầu năm 2013, bà con các dân tộc huyện Mường Khương phải căng sức chống chọi với trận mưa đá lịch sử, nhờ được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội trong tỉnh, trong nước quan tâm mà chúng tôi đã sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất. Nay được biết tỉnh Lào Cai tổ chức bắn pháo hoa ngay tại huyện thì vui quá, đồng bào rất háo hức tu sửa nhà cửa, sắm Tết để đón sự kiện này".
Tại Điện Biên, đón Xuân Giáp Ngọ, những chùm pháo hoa tầm thấp sẽ rực sáng trên bầu trời Quảng trường Trung tâm hội nghị tỉnh (thành phố Điện Biên Phủ). Năm nay, tỉnh Điện Biên tổ chức bắn pháo hoa ở một điểm duy nhất, thay vì bắn tại 3 điểm tại trung tâm tỉnh lỵ và 2 địa phương khác như mọi năm.
Tỉnh Lai Châu sẽ bắn 90 giàn pháo hoa tầm thấp trong thời gian 15 phút tại 2 điểm là bờ hồ công viên Thủy Sơn (thành phố Lai Châu) và thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường).
Tại Bắc Kạn, người dân sẽ được chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa tầm thấp tại hai điểm ở đầu cầu sắt, bên bờ sông Cầu (thị xã Bắc Kạn) và tại Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện, thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn).
Vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang sẽ được chứng kiến màn bắn pháo hoa tầm cao và tầm trung với những giàn pháo hoa đẹp mắt như pháo hoa đuôi hổ, đuôi rồng, hoa cúc, liễu rủ... tại thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương.
Tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại 9 điểm thuộc trung tâm thành phố Hòa Bình và trung tâm các huyện Lương Sơn, Tân Lạc, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Kim Bôi, Nhà văn hóa huyện Cao Phong, sân vận động trung tâm huyện Yên Thủy, khu vực Đồi Hoa thuộc thị trấn Chi Nê (huyện Lạc Thủy).
Tại Phú Thọ - Đất Tổ linh thiêng, đông đảo người dân sẽ được thưởng thức pháo hoa tầm cao tại khu vực hồ Công viên Văn Lang (thành phố Việt Trì) và khu vực Đồi Tre, xóm Dế, khu 8, xã Tân Phú (huyện Tân Sơn). Mỗi điểm bắn 120 giàn pháo hoa trong thời gian từ 0h00 đến 0h15 ngày mùng 1 Tết.
TP Hải Phòng tổ chức bắn pháo hoa tại khu vực bờ hồ Tam Bạc và Nhà triển lãm thành phố. Số lượng pháo gồm 500 khẩu tầm cao và 90 giàn tầm thấp.
Tỉnh Ninh Bình chào đón năm mới bằng màn bắn pháo hoa tầm thấp kéo dài trong thời gian 15 phút, với tâm điểm là thành phố Ninh Bình và huyện Gia Viễn.
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức bắn pháo hoa chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới tại 3 địa điểm gồm: Trung tâm thành phố Thanh Hóa, trung tâm huyện Ngọc Lặc và Khu kinh tế Nghi Sơn. Dự kiến tại mỗi địa điểm, màn trình diễn pháo hoa sẽ kéo dài từ 12 đến 15 phút.
Đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014, các địa phương khu vực miền Trung cũng sẽ rực sắc pháo hoa đêm Giao thừa. Tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm: Kỳ Đài-Ngọ Môn (thành phố Huế) và thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang).
Tại Đà Nẵng - nơi từng tổ chức thành công các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, đông đảo người dân và du khách sẽ thêm một lần được chứng kiến màn trình diễn pháo hoa ấn tượng tại 2 điểm (4 cụm). Trong thời gian 15 phút, bắt đầu từ 0h ngày mùng 1 Tết, hơn 2.000 quả pháo hoa tầm cao sẽ đồng loạt nổ trên bầu trời như những ngôi sao băng lung linh, huyền ảo, mang theo niềm tin và hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ của thành phố năng động.
Tại đông bắc cầu Sông Hàn sẽ bắn pháo hoa ở các cụm: công viên đường Bạch Đằng, thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu (đầu đường Lê Văn Duyệt); đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (đầu đường Nguyễn Thế Lộc).
Tại tây nam cầu Rồng bao gồm cụm công viên đường 2 Tháng 9, thuộc phường Bình Hiên, quận Hải Châu (khu vực tàu du lịch Sông Hàn); đường Trần Hưng Đạo, thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (đầu đường Hà Thị Thân).
Đánh dấu thời khắc Giao thừa, đón năm mới Giáp Ngọ 2014, ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức 2 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (thành phố Pleiku) và trung tâm thị xã An Khê.
Thành phố Pleiku và thị xã An Khê đã xây dựng phương án và huy động lực lượng bảo vệ trật tự, đảm bảo an toàn cho người dân ở các nơi đến xem bắn pháo hoa; đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện về sân bãi, chỗ gửi xe..., tạo môi trường thuận lợi cho nhân dân hưởng trọn niềm vui trong đêm Giao thừa.
Tại tỉnh Đắk Lắk, bắt đầu từ 22h đêm Giao thừa, đồng bào các dân tộc cũng sẽ được chiêm ngưỡng những tràng pháo hoa muôn màu sắc ở 2 địa điểm là Quảng trường huyện Krông Pắk và Quảng trường Buôn Ma Thuột. Tỉnh Kon Tum tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại huyện Đăk Hà, khu vực bờ kè sông Đăk Bla và Quảng trường thành phố Kon Tum.
Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, tỉnh Ninh Thuận tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm thấp đón Xuân Giáp Ngọ 2014 tại khu vực Quảng trường - Tượng đài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm vào thời khắc Giao thừa, nhằm động viên, khích lệ tinh thần cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014.
Tại các địa phương thuộc khu vực Đông Nam bộ, sắc Xuân phương Nam sẽ được điểm tô bởi những màn pháo hoa rực rỡ. Tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp ở 7 điểm, trong đó ngân sách tỉnh chi 2 điểm bắn ở thành phố Thủ Dầu Một và huyện Dầu Tiếng, còn 5 điểm bắn ở các huyện, thị xã, sử dụng kinh phí xã hội hóa.
Tại tỉnh Đồng Nai, điểm nhấn của các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong dịp Tết năm nay chính là màn bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa. Lễ hội bắn pháo hoa sẽ diễn ra trên sông Đồng Nai, vị trí bắn trên cầu Hóa An. Địa điểm này được kỳ vọng màn bắn pháo hoa thêm lung linh, huyền ảo và tạo cơ hội cho người dân dễ dàng chiêm ngưỡng.
Hòa chung không khí phấn khởi cùng cả nước đón năm mới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ bắn pháo hoa tại thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa trong vòng 15 phút, phục vụ người dân.
Đón Giao thừa Giáp Ngọ 2014, tỉnh Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp tại 3 điểm là thành phố Tây Ninh (tại sân vận động thành phố), huyện Trảng Bàng (tại thị trấn Trảng Bàng), huyện Tân Châu (tại thị trấn Tân Châu). Tại các địa điểm bắn pháo hoa, ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh tổ chức các hoạt động giao lưu biểu diễn văn nghệ với chủ đề "Mừng Đảng, mừng Xuân" phục vụ người dân địa phương và công nhân tại các khu công nghiệp không có điều kiện về quê ăn Tết.
Với các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có những miệt vườn sông nước, cùng với đờn ca tài tử chào xuân, những màn pháo hoa cũng sẽ tỏa sáng trong đêm Giao thừa. TP Cân Thơ sẽ tô chưc 4 điêm băn phao hoa tư 0h00 đên 0h15 phut, sau lơi chuc Têt cua Chu tich nươc. Trong đo, co 1 điêm băn tâm cao với 300 qua, tai Nha hang Hoa Sư (quân Ninh Kiêu) va 3 điêm băn tâm thâp, 60 gian/điêm, tai thi trân cua 3 quân, huyên là Vinh Thanh, Phong Điên, Thôt Nôt.
Trong không khí phấn khởi đón xuân mới, tỉnh Tiền Giang tổ chức bắn pháo hoa tại 2 điểm: thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công. Vĩnh Long tổ chức một điểm bắn pháo hoa tầm thấp trong thời khắc Giao thừa tại Quảng trường Vĩnh Long bên bờ sông Tiền. Tỉnh Hậu Giang bắn pháo hoa tại một điểm duy nhất là trung tâm thành phố Vị Thanh.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thưởng thức, chiêm ngưỡng pháo hoa, tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngành chức năng, nhất là ngành công an, giao thông phân luồng, tuyến giao thông đi lại thuận tiện, đảm bảo an ninh trật tự... để mọi người đến xem và cùng đón năm mới vui tươi, hạnh phúc.
Thời gian bắn pháo hoa đêm Giao thừa năm nay tại hai tỉnh Bạc Liêu và An Giang sẽ diễn ra sớm hơn các tỉnh, thành phố khác. Từ 23h30, tỉnh Bạc Liêu sẽ đồng loạt bắn pháo hoa tại 3 điểm là thành phố Bạc Liêu; khu vực giáp ranh 2 huyện Hồng Dân và Phước Long; khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Giá Rai và Đông Hải.
Trong khi đó, tỉnh An Giang sẽ bắn pháo hoa tại 3 điểm là thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu; mỗi điểm bắn 30 phút bắt đầu từ 21h30 đêm 30 Tết.
Nơi cực Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa tại trung tâm thành phố Cà Mau và một số huyện như Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời.
Với phương châm hướng về cơ sở, để không khí đón xuân ấm áp đến với mọi người, mọi nhà, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, những công nhân đang ngày đêm lao động trên công trường không có điều kiện về với gia đình..., cùng với những màn pháo hoa rực rỡ, các địa phương trong cả nước tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, hấp dẫn "Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Ngọ".
Theo Xahoi
Vé tàu Tết Nguyên đán 2014 tăng giá 10% Giá vé tàu Tết Giáp Ngọ 2014 sẽ tăng từ 2-10% so với Tết năm 2013 tùy theo từng giai đoạn. Mức điều chỉnh tăng được áp dụng đối với vé ghế ngồi, vé tàu hạng giường nằm vẫn được giữ nguyên mức giá. Ông Nguyễn Văn Bính - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội...