Phận “mèo hoang”
Mới chưa đầy 20 tuổi nhưng cô gái này đã bị coi là “hàng quá đát” (Hình minh họa)
Một dãy phòng trọ nằm lọt thỏm giữa con ngõ dài trên đường Cầu Giấy (Hà Nội). Thoạt trông cũng bình thường như bao xóm trọ sinh viên khác giữa lòng thủ đô. Bà chủ nhà chừng ngoài 50 dường như đã quen với những vị khách bất ngờ tới tìm “công dân” của xóm trọ, vừa quét sân vừa lẩm bẩm: “cái ngữ con gái nhà quê đua đòi, hư hỏng, làm kiểu gì mà tám chín giờ đêm mới dắt xe ra khỏi nhà, quần áo thiếu vải, nhàu như xơ mướp…”
Từ “thiêu thân” thời vụ tới “hết đát”
Mới gặp lần đầu nhưng Hoa đã tạo cho tôi cảm giác dễ bắt chuyện. Ấn tượng đầu tiên của tôi là Hoa quá trẻ so với mấy từ “hết đát”, gái già mà khách làng chơi gọi cô. Bởi tính đến mùa hè này, Hoa mới tròn 19 tuổi. Cô mặc chiếc áo phông trắng, sát nách, bó chặt lấy thân hình mới lớn thon thả, cao ráo với đôi chân dài trắng, diện chiếc quần sooc kẻ gụ khó có thể ngắn hơn. Nếu không được báo trước, chắc chắn tôi đã không biết cái nhan sắc trời cho kia đã bước vào “kiếp mèo hoang” chừng 3 năm nay rồi.
Trò chuyện, tôi mới nhận thấy Hoa quá từng trải so với tuổi 19 của mình. Hoa kể: “Em theo “nghề” chẳng phải vì nhà nghèo khó gì đâu, mẹ em buôn bán, tiền tiêu vặt còn chẳng hết. Từ ngày bố chết, mẹ em đã chẳng thèm ở vậy thờ chồng. Cũng “loăng quăng” với ông này, ông nọ. Có lần em bắt gặp, mẹ còn bảo: Không thế thì làm sao có tiền cho chúng mày đi học. Nghĩ mà tủi!”.
Học lực của Hoa cũng ở mức bình thường. Em trai còn bé nên chỉ cần mẹ cho tiền chơi điện tử suốt ngày là nó thích. Khi Hoa nghe chúng bạn rủ bỏ học đi chơi, lúc đầu còn thấy có lỗi với người bố đã mất, thấy thương mẹ. Nhưng chẳng biết từ bao giờ, cô cảm thấy cuộc sống ở nơi phố huyện (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bỗng trở nên bí bách và ngột ngạt đối với cô gái đang tuổi lớn mà vẻ đẹp đã phơi phơi này.
Có những lần Hoa trốn mẹ, đánh bạo ra Hà Nội chơi, quen được mấy đứa bạn “dạt nhà”, nhìn đứa nào đứa nấy xe máy đẹp, điện thoại xịn, thích lắm. Hoa xinh, lại dễ bắt chuyện nên chúng thấy hay hay, kết thân, rồi cả lũ qua đêm với nhau. Hoa nhớ lại: “Đợt đấy trở về, mẹ em quản lý gắt gao hơn, thuê cả người trông chừng khi em tới trường”. Nhưng cái suy nghĩ về cuộc sống lang bạt như mời gọi, như mơn trớn, cứ thôi thúc cô bé 16 tuổi muốn bỏ đi.
Kỳ nghỉ hè đến, Hoa quyết tâm đi thật. Cũng nhờ không ít lần rong chơi ở Hà Nội mà Hoa đã hiểu khá nhiều về những “bướm đêm” lượn lờ ở các tụ điểm như đường Bưởi, đường Trần Duy Hưng… Ngay đêm thứ 2 ở Hà Nội, Hoa một mình bắt xe ôm tới Ngã Tư Sở, rồi đường Giải Phóng. Nhưng vì “lạ nước lạ cái”, em đã bị tay bảo kê tại đó túm lấy cổ áo, dằn mặt và đuổi về.
Ông xe ôm tuổi chừng 40 dường như đã hiểu, bèn lân la hỏi chuyện và gợi ý nếu muốn “đi khách”, ông ta sẽ giới thiệu cho. Ngay chiều hôm sau, Hoa đã nhận được điện thoại của một người đàn ông chừng 30 tuổi. Đó là thời điểm Hoa chính thức bước vào “nghề”.
Video đang HOT
Dần dần, có sẵn mối quan hệ và biết cách “chiều khách”, Hoa được nhiều khách cưng. Có người còn là khách quen, cứ vài ngày lại điện tới một lần. Nhưng sau 2 tháng hè, Hoa lại phải “khăn gói” về quê học. Cứ thế 3 năm qua, cái “nghề” này và những “mối quen” cứ bám riết, có lúc còn khiến Hoa muốn bỏ học luôn. Hiện tại, Hoa đã có thể đi 4, 5 khách/ngày, vào bất cứ lúc nào có điện thoại gọi.
Cảnh trong khu nhà trọ sinh viên
Buồn vui ở “động bàn tơ”
Mặc dù chỉ “canh tác” theo thời vụ nhưng Hoa nắm rất rõ tình hình “hành nghề” của các “đồng nghiệp”. Hoa có thể liệt kê vanh vách, gái gọi hạng sang như “con H, con T”, giá cả thì vô cùng lắm “chân dài xịn – tức có chút tiếng tăm vì làm người mẫu có thể được 100 – 200 đô mỗi lần đi khách. Hạng đứng đường là kém nhất, nhưng cũng tùy từng khu vực. Gái “hết đát” như Hoa thường tập trung ở khu vực Ngã Tư Sở, đoạn chân cầu vượt Giải Phóng kéo dài tới Định Công, vườn hoa Pasteur, giá mỗi lần đi khách chừng 60-150 nghìn. Riêng ở khu vực vườn hoa Bác Cổ chừng 150-200 nghìn. Tất nhiên, còn tùy theo mồm mép của mỗi đứa khi “chèo kéo” khách”.
Hoa tự cho rằng mình còn may mắn hơn những người khác ở chỗ có thể quyết định có “đi khách” hay không, chứ như gái trong nhà hàng có người phải “đi” tới cả chục khách/ngày. “Họ chẳng khác gì nô lệ, như chị Mai ở phòng bên cạnh này”, Hoa chép miệng. Không còn trẻ trung và có sức lôi cuốn như Hoa nhưng với khuôn mặt chưa son phấn, nhìn Mai tôi cũng có thể đoán được đó là một nhan sắc lúc còn “đắt khách”.
Mai kể, cô đến với “nghề” do cảnh nghèo. Nhà Mai ở huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ), đông con, Mai phải nghỉ học từ Cấp 2 để đi bán hàng thuê. Một lần theo người cùng xã lên biên giới Lào Cai lấy hàng, Mai bị lừa bán sang Trung Quốc. Cô cũng lang bạt vào mấy “động Bàn Tơ” ở Quảng Tây mất 6 năm ròng. Trong một đợt Công an truy quét, Mai đã may mắn được trả về. Về nhà, thấy gia cảnh vẫn nghèo, bố mẹ thì ngày một già yếu, các em đang tuổi lớn, mấy sào ruộng khô chẳng đủ cho cuộc sống, Mai đành dạt về Hà Nội, làm “mèo hoang” để sống và dành dụm tiền thay bố mẹ già nuôi các em.
Nhìn Mai, ai cũng sẽ hiểu rằng 6 năm trôi dạt ở xứ người đã quá đủ để đôi má hồng tuổi đôi mươi trở nên bạc thếch, sàm sạm vì son phấn rẻ tiền, hai má đã bắt đầu hõm sâu do rít thuốc. “Có những ngày nhục lắm, nhiều lúc vật, không có bơm kim tiêm, em phải ra bờ sông, bờ hồ nhặt về rửa sạch rồi dùng lại”, Mai xót xa. Về nước, như bông hoa đã tàn, “trụ sở chính” của cô là ở vệ đường hàng đêm. Đêm nào may mắn thì “bắt” được chừng đôi ba khách. Có khi gần sáng phải bò về nhà mà… “đói vêu”.
Làm “gái”, cả Mai, Hoa hay những “đồng nghiệp” khác cũng… biết sợ nhiều thứ lắm. Hoa kể: “Có lần được “cò” dẫn tới khách sạn. Khi “cò” mở cửa, em đã thoáng nhận ra vị khách đạo mạo kia là anh trai của đứa bạn. Sợ mọi người ở quê biết, em ba chân bốn cẳng phóng như bay ra khỏi khách sạn. Tối đó về, em bị “cò” tát cho tím mặt. Khi đó em đã khóc, không phải vì đau, mà bởi thấy “tủi” cho cái “nghề” của mình”.
Chúng tôi ra về khi Hoa có điện thoại gọi “đi khách”. Những ngón tay thon dài của Hoa vẫn vẫy vẫy thay lời tạm biệt. 19 tuổi nhưng vì học lực kém nên Hoa vẫn chưa tốt nghiệp THPT. “Điều khiến em phải suy nghĩ lúc này là mối “tình thơ” giữa em và một cậu bạn cùng lớp. Giờ cậu ấy đã trở thành sinh viên năm thứ nhất. Nếu để cậu ấy biết cái việc em đang làm, chắc sẽ chẳng ra sao mất”, Hoa mơ màng nhưng không giấu nổi vẻ xót xa…
Theo Thế giới phụ nữ
'Rùng mình' xóm trọ sinh viên
Mỗi lần đi qua phòng trọ cuối là nơi đặt hai sọt rác dùng chung cho cả xóm, ai nấy đều phải hãi hồn bịt mũi rồi chạy ra thật nhanh vì không chịu nổi ruồi muỗi và mùi bốc lên. Thế nhưng, không một ai có ý khắc phục...
Ngay cả hai cô sinh viên thuê ở căn phòng trọ cuối, nơi gần thùng rác, phải "chịu đựng" cảnh tượng trên nhiều nhất cũng mặc kệ. Nguyễn Thị Hiền, SV Trường CĐ Bách Việt (TP HCM) cho biết, cô và người bạn cùng phòng chuyển đến khu trọ ở đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) này đầu năm với giá một triệu đồng. "Chỉ còn phòng cuối cùng này người ta "chừa" lại nên bọn em đành phải thuê".
Lúc hai cô mới chuyển đến, những sọt rác bằng tre trên còn được đặt trước phòng, ngay lối đi lại. Như thế thì "đập ngay vào mắt" nên hai cô chuyển chúng sang mép phải của phòng trọ.
"Cả dãy trọ hơn 10 phòng, lúc đổ rác, chỉ cần qua cửa phòng nhà mình, đứng từ xa vậy là mọi người đưa tay ném mạnh vào sọt. Thế nên lúc nào cơm canh thừa cũng vương vãi từ chỗ rác đến cửa phòng mình thế này đây!", Hiền kể.
Hai sọt rác của khu trọ bốc mùi và đầy ruồi muỗi nằm "sát sườn" phòng trọ của Hiền.
Đúng như Hiền nói, ngay trước phòng trọ của cô, đủ thứ vương vãi, đặc ruồi muỗi. Nhiều người đổ canh, cháo hay nước rác mà không gói vào bịch nên đủ thứ nước cứ chảy lêng láng. Hay những hôm rơi mưa, nước đọng làm rác thải trôi lềnh bềnh.
"Hôm đầu bọn em còn dọn bây giờ thì mặc, dọn đâu cho xuể. Có ra đổ rác cũng ném cho lẹ rồi vào phòng đóng kín cửa. Đúng là phòng hai đứa em chịu cảnh "nặng mùi" nhất nhưng của chung mà, lo sao nổi", cô bạn cùng phòng với Hiền bày tỏ.
Chẳng những ở khu vực "của chung" này mới có cảnh tượng này mà ngay ở lối đi lại trước các phòng trọ cũng đã thấy rõ "đường đi chung chẳng ai dọn". Sinh viên quét bụi, rác cho trong phòng mình hất ra ngoài rồi để vậy. Rất ít phòng mà sinh viên ý thức quét dọn lối đi trước phòng mình. Lâu lâu, cô chủ nhà lại phải đến "tổng vệ sinh".
"Chẳng hiếu mấy đứa nó nghĩ gì nữa, cứ sạch trong phòng còn ngoài, dù là đường chúng đi chúng cũng có bao giờ quét đâu. Một hai tuần tôi lại phải đến đây dọn", cô Nga, chủ dãy trọ này tỏ ra ngán ngẩm.
"Ngoài nhìn thế này nhưng trong phòng sạch lắm!"
Đến dãy trọ mà H.V.A, nữ sinh viên năm thứ 3 ĐH Công nghiệp, trong một con hẻm sâu ở đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), tôi phải rùng mình để bước ra những vũng nước pha lẫn đủ thứ rác rưởi ngay ở lối đi chung vào khu trọ. Nhiều bịch rác được treo sơ sài trên chiếc đinh được đóng ngay trước phòng trọ, có bịch bị rách, rác văng tung tóe. Khi được hỏi, lối đi lại thì ai quét dọn, V.A cười: "Có người dọn mà dơ thế này được sao? Lối đi của cả xóm mà, có ai dọn đâu. Bạn nào chăm lắm thì quét ngay trước phòng mình thôi".
Lối đi lại cũng nhếch nhác vì quần áo phơi chằng khắp nơi và ít khi được quét dọn.
Trên đầu là quần áo phơi đặc, nước nhỏ xuống tong tong. V.A đưa tay đập đập vào một lớp quần áo còn ẩm thì cả đàn muỗi từ đó túa ra. "Mùa mưa, quần áo lâu khô nên sinh viên sống chung với muỗi thế này đây".
Khi thấy người đối diện có vẻ "ớn" trước vấn đề vệ sinh tại khu trọ, V.A nói: "Bên ngoài nhìn thế này thôi nhưng trong phòng em sạch sẽ lắm". Rồi cô mở cửa phòng mình chứng minh lời mình nói: Căn phòng ngay trước lối đi nhếch nhác đó đúng là gọn gàng và tươm tất.
"Sinh viên mà, mấy ai chịu được bẩn đâu nhưng cái gì của riêng mình thì sạch còn của chung thì bẩn thế nào cũng mặc. Hồi đầu, thấy sân mấy phòng trước dơ quá, mình còn lên tiếng nhắc thì mấy bạn ấy nói: "Sân trước phòng tui nhưng cả làng đi qua, ai muốn sạch thì đi mà dọn", Ngọc, cô sinh viên trường Ngoại thương, cạnh phòng trọ của V.A kể.
Rồi Ngọc khẳng định, đến xóm trọ sinh viên nào cũng vậy thôi. Những khu vực nào thuộc "cả làng sử dụng" thì sẽ chẳng ai động tay động chân đến. Theo Ngọc, điều kiện sống của sinh viên vốn bị hạn chế lại kèm theo ý thức chung rất kém nên bệnh tật lây nhiễm như sốt xuất huyến, tiêu chảy... sinh viên thường là người "dính" đầu tiên.
Theo Dân Trí
"Đại thiếu gia" đi thi Thuê khách sạn cao cấp để ôn thi như đi nghỉ mát... (Ảnh minh họa) Trong khi hàng nghìn thí sinh ngoại tỉnh phải chạy ngược chạy xuôi tìm nhà người thân, người quen, nhà trọ, ký túc xá để tá túc trong kỳ thi đại học thì một bộ phận không nhỏ các thí sinh coi việc đi thi như đi... nghỉ...