Phần mềm gián điệp được cài lên máy tính thế nào
Phần mềm gián điệp có thể được cài vào máy tính thông qua cửa sổ quảng cáo, các tiện ích mở rộng hay những ứng dụng có sẵn của nhà sản xuất…
Spyware hay phần mềm gián điệp, là thuật ngữ thường dùng để chỉ các ứng dụng tự ý thu thập thông tin người dùng, thay đổi cấu hình máy tính, thậm chí cướp quyền điều khiển thiết bị… Nói cách khác, phần mềm gián điệp cài đặt và thực hiện các hành vi một cách lén lút, bí mật, không được sự cho phép của chủ sở hữu.
Theo FaceTime Communications, ước tính hơn 80% trong tổng số máy tính cá nhân trên toàn thế giới đang nhiễm phần mềm gián điệp. Một số người nhầm lẫn giữa spyware và virus máy tính, nhưng hai khái niệm này khác nhau.
Virus máy tính là một đoạn mã được thiết kế để tự “nhân bản”, lan truyền từ thiết bị này sang thiết bị khác thông qua một kết nối nào đó. Virus máy tính có xu hướng phá hoại các tập tin, thậm chí “ăn” và phá hỏng cả hệ điều hành.
Trong khi đó, phần mềm gián điệp nhìn chung không làm hỏng thiết bị của người dùng. Nó thường chạy ngầm và tránh để người dùng phát hiện, đồng thời nó thu thập thông tin một cách bí mật, từ lịch sử duyệt web, tên tài khoản, mật khẩu, các giao dịch ngân hàng… hoặc hiển thị quảng cáo, tự động đổi hướng khi truy cập Internet…
Hiện nay hầu hết các phần mềm gián điệp xuất hiện trên hệ điều hành Windows. Một trong những spyware “khét tiếng” là Trymedia, Nuvens, Estalive, Hotbar và New.Net.Domain.Plugin…
Phần mềm gián điệp được cài vào máy tính thế nào
Có nhiều nguyên nhân khiến thiết bị nhiễm spyware. Khi sử dụng máy tính, người dùng thường vô tình cài đặt phần mềm gián điệp thông qua cửa sổ pop-up, cài đặt thêm một số tính năng trong gói phần mềm chung…
Cách đầu tiên để phần mềm gián điệp xâm nhập vào thiết bị là qua việc download phần mềm. Khi tải các ứng dụng từ Internet hay truy cập web, một cửa sổ pop-up hiện lên và spyware sẽ gợi ý được cài đặt. Cảnh báo duy nhất người dùng nhận được là tên của phần mềm, thậm chí nếu máy thiết lập bảo mật ở mức thấp thì không có cảnh báo nào.
Video đang HOT
Ngoài ra, khi cài đặt phần mềm, người dùng được gợi ý cài thêm các phần mềm khác, lại chính là spyware. Nếu không đọc kỹ thông tin, bạn sẽ chấp nhận cho các phần mềm này thu thập thông tin cá nhân hay tự ý quảng cáo… Con đường khác để spyware lây lan vào máy tính là thông qua việc cài đặt tiện ích mở rộng (add-ons) cho trình duyệt.
Spyware cũng có thể được cài đặt sẵn trên máy tính từ khi xuất xưởng. Một số nhà sản xuất có sẵn các tiện ích cho khách hàng, trong số này có cả ứng dụng thu thập thông tin mà các hãng thường nói là “để nâng cao trải nghiệm người dùng”. Phần mềm này hội tụ đầy đủ các yếu tố của spyware và do cài sẵn nên đôi khi người dùng không biết hoặc quên mất sự tồn tại của nó.
“Thủ đoạn tàn bạo” nhất là phần mềm gián điệp được thiết kế giả mạo như là một phần mềm diệt virus, diệt spyware. Bạn từng thấy một thông báo hiện lên nói rằng máy tính chạy chậm, có virus…và cần khắc phục. Ngay khi bấm Đồng ý, người dùng đã cho phép spyware được cài đặt trên thiết bị của mình.
Phần mềm gián điệp gây hại ra sao
Ở mức thấp nhất, hầu hết các phần mềm gián điệp được thiết kế để chạy ngầm ngay khi bạn bật máy tính. Do đó nó gây tiêu tốn điện năng, bộ nhớ RAM và ảnh hưởng đến hiệu suất xử lý của thiết bị.
Phần mềm gián điệp có thể phát sinh quảng cáo và thường “nhảy ra” dưới dạng cửa sổ pop-up. Nó gây khó chịu khi liên tục xuất hiện, đôi khi ở ngay trang chủ và còn chứa các nội dung phản cảm. Ngoài ra, phần mềm gián điệp có thể thay đổi hướng khi bạn truy cập Internet, thao túng kết quả khi tìm kiếm…
Nguy hiểm hơn, nó có khả năng điều khiển toàn bộ máy tính, ghi lại nội dung bạn gõ (keylogger), đọc các tập tin trên ổ cứng, cài thêm spyware mới, đánh cắp tài khoản ngân hàng… sau đó gửi về máy chủ đích và có thể dùng cho các mục đích xấu. Nhìn chung, khi máy nhiễm spyware thì sự riêng tư của người dùng bị mất.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia bảo mật của FPT, cho biết spyware là một trong những loại mã độc khó phát hiện ra nhất (kể cả với người biết về kỹ thuật). Do đó, người dùng nên sử dụng các phần mềm diệt virus để chặn các kết nối không mong muốn.
Bảo Anh
Theo VNE
Hải Phòng yêu cầu các cơ quan không sử dụng máy tính Lenovo
Một công văn của Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng từ tháng 12/2015 yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc không dùng máy tính Lenovo do nước ngoài sản xuất.
Công văn 557 của Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước thành phố Hải Phòng.
Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước thành phố Hải Phòng vừa phát đi Công văn số 557 yêu cầu các cơ quan đơn vị trực thuộc dừng ngay việc sử dụng máy tính của hãng Lenovo vì lý do an toàn, an ninh mạng... sau khi Bộ Công an thông báo về việc hãng máy tính này cài phần mềm điều khiển trên máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trước khi xuất xưởng.
Nội dung công văn nêu: "Từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015, một số dòng máy tính của hãng Lenovo cài đặt sẵn phần mềm có tên 'Lenovo Service Engine' (viết tắt là LSE) vào BIOS trên bo mạch chính của máy trước khi xuất xưởng. Trong lần đầu tiên kết nối Internet, LSE sẽ tự động tải về máy tính phần mềm khác có tên 'Onkey Optimizer'. Do LSE được tích hợp vào BIOS nên khi người sử dụng máy tính cài đặt lại hệ điều hành hoặc định dạng lại ổ cứng thì trong lần khởi động đầu tiên, hệ điều hành cũng sẽ tự động tìm lại phần mềm đó trong BIOS để thực thi...
Quá trình khởi động tiếp theo, LenovoCheck.exe và LenovoUpdate sẽ tự động kết nối ngay đến máy chủ của Lenovo để gửi lên một số thông tin cơ bản của máy tính, tự động tải các trình điều khiển và phần mềm khác do Lenovo chỉ định..."
LSE hoạt động xuất phát từ một tính năng mới của hệ điều hành Windows xuất hiện từ phiên bản Windows 8 tên là "Windows Platform Binary Table". Tính năng này cho phép các tập tin thực thi có thể được lưu lại tại BIOS và tự động thực thi trong quá trình khởi động máy tính với mục đích là giúp các công ty sản xuất máy tính có thể duy trì các phần mềm quan trọng của hãng cả khi chúng bị cài lại hệ điều hành...
Văn bản cũng cho biết, LSE hội đủ các đặc tính của phần mềm gián điệp với khả năng hoạt động ngầm ngay từ giai đoạn khởi động máy tính và can thiệp sâu vào các tập tin hệ thống mặc định của hệ điều hành Windows.
Qua khảo sát tại một số đơn vị sở ban ngành tại Hải Phòng sáng nay, số lượng ban ngành sử dụng máy Lenovo rất ít. Ví dụ, quận Hồng Bàng, Sở Lao động Thương binh Xã hội và Sở tài chính Hải Phòng đều không sử dụng máy Lenovo. Quận Ngô Quyền có 2 bộ, sau khi nhận được công văn số 557 nói trên đã ngừng sử dụng và ngưng kết nối mạng tới 2 máy này.
Ảnh: Tuấn Hưng.
Tháng 2/2015, một số chuyên gia bảo mật phát hiện máy tính của hãng Trung Quốc được cài đặt sẵn phần mềm Superfish Visual Discovery. Lenovo cho rằng phần mềm không theo dõi hoạt động của người dùng và giúp họ có trải nghiệm mua sắm tốt hơn trên máy tính. Thực tế, đây là phần mềm độc hại, có thể tự động chèn quảng cáo vào trang web khi sử dụng trình duyệt Chrome và Internet Explorer. Lenovo sau đó đã công bố công cụ hỗ trợ gỡ bỏ phần mềm này.
Sáu tháng sau scandal trên, hãng máy tính Trung Quốc một lần nữa bị phát hiện cài sẵn phần mềm Lenovo Service Engine (LSE) trên thiết bị của người dùng. Các chuyên gia bảo mật cho biết, phần mềm này hoạt động như một phần mềm gián điệp, chạy ngầm và kích hoạt ngay khi máy tính bật lên, tự động tải về nhiều tập tin và rất khó gỡ bỏ khỏi hệ thống. Bên cạnh đó, một nhà nghiên cứu bảo mật độc lập đã phát hiện lỗ hổng có thể tạo điều kiện cho hacker thông qua phần mềm LSE để thực hiện tấn công thiết bị, như tấn công tràn bộ đệm và cố gắng kết nối với máy chủ kiểm định của Lenovo.
LSE được cài đặt sẵn trên các dòng máy tính hiệu Lenovo gồm máy tính xách tay chạy Windows 7, 8 và 8.1, và máy tính để bàn Windows 8 và 8.1. Phần mềm này không được cài đặt trong các dòng có thương hiệu Think (Xem danh sách).
Cách gỡ ứng dụng Lenovo Service Engine.
Đại diện Lenovo Việt Nam cho biết việc LSE tự động gửi một vài dữ liệu hệ thống về máy chủ là "để giúp Lenovo hiểu rõ khách hàng của mình sử dụng sản phẩm ra sao. Những dữ liệu này hoàn toàn không chứa thông tin cá nhân của người dùng, mà bao gồm tên sản phẩm, tên vùng, thông tin cấu hình máy - gồm dung lượng bộ nhớ, mã SKU, model CPU, độ phân giải màn hình, dung lượng ổ cứng, card màn hình, phiên bản hệ điều hành. Những thông tin này được thu thập và gửi về máy chủ chỉ ở lần đầu tiên máy kết nối với Internet".
Trước thông tin hacker có thể khai thác lỗ hổng thông qua LSE, Lenovo đã phát hành bản nâng cấp BIOS để loại bỏ LSE và hiện phần mềm này không còn được cài đặt trên bất cứ máy tính mới nào của Lenovo.
Lenovo cũng soạn một tài liệu bằng tiếng Việt để hướng dẫn người dùng gỡ bỏ phần mềm LSE từ máy tính Lenovo mà họ đang sử dụng, đồng thời lập nhóm Hỗ trợ Kỹ thuật chuyên trách để hỗ trợ cho khách hàng nếu họ không tự mình xử lý vấn đề được.
Giang Chinh - Châu An
Theo VNE
Nguy cơ bị cài phần mềm gián điệp máy tính Lenovo ở VN? Một số dòng máy tính của hãng Lenovo bị cho là được cài sẵn phần mềm có tên Lenovo Services Engine - hội đủ các đặc tính của một phần mềm gián điệp. Vài ngày qua, nhiều người lo lắng trước thông tin máy tính Lenovo tại Việt Nam cài đặt sẵn phần mềm gián điệp trước khi bán. Theo thông tin trong...