Phần mềm độc tăng vọt vì các trang mạng xã hội
Công ty bảo mật web Dasient đã đưa ra thống kê: “95% người dùng Internet có khả năng gặp phải một trang web nhiễm mã độc sau 3 tháng lướt mạng.”
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong năm 2010, giới an ninh bảo mật đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể của các loại phần mềm độc hại và các kiểu tấn công “malvertising” (malicious advertising – quảng cáo độc hại, lợi dụng các kiểu quảng cáo trực tuyến để chèn mã độc tấn công người sử dụng).
Mục tiêu mà tin tặc nhắm đến là các mạng xã hội vốn đang được cư dân mạng sử dụng rất nhiều.
Video đang HOT
Mới đây, công ty bảo mật web Dasient đã đưa ra thống kê “đáng giật mình” rằng: “95% người dùng Internet có khả năng gặp phải một trang web nhiễm mã độc sau 3 tháng lướt mạng.”
Riêng trong quý 4/2010, Dasient ước tính có tới hơn 1 triệu website bị nhiễm mã độc từ tác động của các phần mềm độc hại. Con số này đã cao hơn gấp đôi số với số liệu ghi nhận được trong cùng kỳ năm 2009.
Đối với kiểu tấn công “malvertising,” số lượng mỗi ngày ước tính cũng tăng gấp đôi, từ 1,5 triệu trong quý 3/2010 tới 3 triệu trong quý 4/2010. Tuy nhiên, Dasient cho hay, con số tăng vọt ở quý 4 là do họ mở rộng quy mô khảo sát nhiều hơn trước.
Một nghiên cứu gần đây của tập đoàn công nghệ Cisco cũng ghi nhận mức độ gia tăng các phần mềm độc hại trong không gian Internet. Báo cáo quý 4 của Cisco đã cho thấy lượng phần mềm phá hoại đã tăng tới 139% trong năm 2010.
Bên cạnh đó, hãng Dasient còn dự báo rằng, tất cả những mức tăng trên sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong năm 2011, bởi giới tin tặc vẫn không ngừng “ sáng tạo” ra những thủ đoạn mới để lừa người dùng sập bẫy.
Một trong những mục ưa thích hiện nay của hacker là các mạng xã hội ảo.
Dasient nhận định: “Các trang mạng xã hội đều là những nền tảng mở và tất cả mọi người đều có thể tham gia với số lượng người dùng đông đúc. Đây quả là “miếng mồi ngon” của những tên tin tặc.”/.
Một số lưu ý để người dùng hạn chế khả năng bị “sập bẫy” của hacker:
- Không bấm vào bất kỳ đường link nào, đặc biệt là các đường link được “rút gọn” gửi trong email, tin nhắn trên Facebook hoặc Twitter. Nhất là khi những thông tin này thuộc diện “không mời.”
- Cảnh giác với các kiểu “khảo sát trực tuyến,” hoặc khi tải ảnh, ứng dụng, các file… Kể cả khi đó là do bạn bè gửi thì bạn vẫn nên hỏi lại cho chắc chắn.
- Không dùng một mật khẩu chung cho mọi dịch vụ.
- Giới hạn lượng thông tin chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
- Thường xuyên cập nhật bản vá lỗi, bản nâng cấp cho hệ điều hành, trình duyệt cũng như các phần mềm trong máy./.
Theo VietNamPlus