‘Phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị’
Thủ tướng yêu cầu truy vết, xét nghiệm nhanh, điều trị hiệu quả, phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị theo ưu tiên, hạn chế ca tử vong.
Chiều 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung bộ có dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ tư, tính đến trưa 23/7, cả nước ghi nhận hơn 75.000 ca mắc Covid-19. Đáng chú ý, qua 5 ngày triển khai Chỉ thị số 16 tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh, vòng lây nhiễm ngắn.
Nhiều hạn chế cần khắc phục
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công tác phòng chống dịch đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Ghi nhận sự nỗ lực của các lực lượng chống dịch, song người đứng đầu Chính phủ nhận định vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.
Theo người đứng đầu Chính phủ, còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi và của một số người dân. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động; một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra hàng loạt hạn chế cần khắc phục để chống dịch tốt hơn. Ảnh: VGP.
Ngoài ra, có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách, có nơi chưa thành lập được tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả.
Cũng theo Thủ tướng, việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” chưa nghiêm túc nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng.
Đặc biệt, việc tổ chức tiêm vaccine tại các địa phương còn chậm. Hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ…
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Thủ tướng, do việc tổ chức thực hiện các quy định còn yếu, một số nơi việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một số người dân còn chưa nghiêm… Thủ tướng khẳng định ưu tiên số một của TP.HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp lúc này là phòng, chống dịch Covid-19.
Video đang HOT
Hình ảnh người dân xếp hàng dài, chen chúc chờ tiêm vaccine ở Bệnh viện E (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiệp.
Với những nơi đáp ứng được yêu cầu, an toàn phòng, chống dịch, Thủ tướng cho phép vẫn duy trì, khôi phục sản xuất, song các doanh nghiệp phải thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” để duy trì sản xuất và phòng chống dịch.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiếp tục chia sẻ, tạo điều kiện tối đa để TP.HCM và các tỉnh sớm đầy lùi dịch bệnh, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức lại cuộc sống, sản xuất.
Tăng cường kiểm soát để giãn cách xã hội nghiêm túc
Để phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, tập trung, nhất quán ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương áp dụng sáng tạo, linh hoạt; đồng thời thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát; kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.
“Tinh thần chủ động phòng ngừa là chính, thực hiện tốt chiến lược vaccine và nâng cao ý thức chấp hành của người dân”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 16 tại địa phương. Phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định.
Hội nghị trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với 21 tỉnh, thành phố phía Nam và Nam Trung bộ tối 23/7. Ảnh: VGP.
Song song với đó, các địa phương phải truy vết, xét nghiệm nhanh, điều trị hiệu quả, phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị theo ưu tiên, hạn chế ca tử vong.
Lãnh đạo Chính phủ nhắc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp “chặt ngoài, lỏng trong”. Đồng thời, tuyên truyền, động viên để các tầng lớp nhân dân thực hiện; không để phát sinh các vùng dịch mới; bảo vệ vùng an toàn những nơi không có dịch; đảm bảo phòng, chống dịch đạt kết quả chắc chắn, bền vững.
Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động của các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, phối hợp với lực lượng chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, kiểm soát người dân thực hiện Chỉ thị 16.
Các tỉnh, thành phố cũng cần thành lập các trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đảm bảo điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực. “Nhất thiết không để thiếu máy thở, ôxy phục vụ chữa bệnh”, Thủ tướng chỉ đạo.
Để đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát thực hiện Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ có thể nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nếu cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Bộ Tài Chính được giao nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Bộ Y tế phối hợp với bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vaccine cho người dân đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh tiêu cực và nghiên cứu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phương pháp điều trị và nghiên cứu sử dụng một số loại thuốc để phòng, chống dịch Covid-19.
Các Bộ Công an, Quốc phòng tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho địa phương phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ cần tăng cường phối hợp, trao đổi, rút kinh nghiệm thường xuyên để kịp thời có điều chỉnh hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống dịch.
Tinh thần được Thủ tướng nhấn mạnh là “linh hoạt, sáng tạo, lấy nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.
TPHCM tăng giãn cách, người ở khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần
Theo Chỉ thị mới, người dân trong khu phong tỏa chỉ đi chợ 2 lần/tuần bằng phiếu, các khu nhà trong hẻm, đông người phải được giãn dân, các chốt kiểm soát chỉ giải quyết một số trường hợp nhất định.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vừa ký ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường một số biện pháp nhằm thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Chỉ thị của Thành ủy TPHCM nêu rõ sau 13 ngày thành phố nỗ lực quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, số ca nhiễm hàng ngày tăng ở mức cao, đặc biệt trong khu cách ly, phong tỏa.
Ngoài ra, số ca đang điều trị, ca nặng, ca tử vong ngày càng tăng, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, vật tư thiết bị phục vụ phòng, chống dịch đã quá tải...
Người dân trong khu phong tỏa chỉ được đi chợ 2 lần/tuần theo Chỉ thị mới của TPHCM.
Trước bối cảnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM chỉ đạo tăng cường một số biện pháp quyết tâm thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn. Mục tiêu tăng cường biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 nhằm phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiếm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.
Các biện pháp cụ thể của Chỉ thị 12 gồm tập trung tuyên truyền sâu rộng tới người dân thực hiện giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch. Các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm quy định về giãn cách, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình; thực hiện nghiêm yêu cầu, quy định cách ly, phong tỏa.
Theo đó, các khu phong tỏa thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình", không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa (2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền địa phương cấp). Đối với một số khu vực có nguy cơ rất cao thì từng hộ dân chỉ ở trong nhà, chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà.
Trong các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường họp cấp cứu y tế).
Các gia đình có ca F0, F1 áp dụng cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.
Các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao cần thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa cá nhân với cá nhân.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, các nhóm đối tượng được duy trì hoạt động sẽ được thu hẹp. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách.
Các hoạt động ngân hàng, chứng khoán đảm bảo hoạt động ở mức độ duy trì công suất nhằm cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết. Đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, nhân sự có thể bố trí luân phiên, theo ca, kíp để thực hiện giãn cách.
Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu chỉ doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược, lương thực, thực phẩm, suất ăn cho bệnh viện, khu cách ly, điều trị, cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, kho bạc, tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và đảm bảo an toàn.
Các chốt, trạm kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào chỉ giải quyết cho xe công vụ và một số trường hợp nhất định.
Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được hoạt động với điều kiện đảm bảo an toàn, tuân thủ nguyên tắc "3 tại chỗ" và "một cung đường, 2 điểm đến". Cơ quan chức năng kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm trường hợp hoạt động không đảm bảo các yêu cầu công tác phòng dịch.
Các chợ truyền thống chỉ được hoạt động theo mô hình mới, có quy định nghiêm và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo giãn cách, thoáng, có màng ngăn giữa người mua và bán. Trong thời gian này, cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và giảm quy mô còn khoảng 30%; các hộ kinh doanh hoạt động luân phiên theo ngày chẵn - lẻ để giảm tối đa lượng người tương tác.
Cơ quan Nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan. Gương mẫu, chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, chỉ ra đường trong trường hợp có việc cấp thiết.
Đối với các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại các cửa ngõ ra vào thành phố (12 chốt, trạm cấp thành phố và các chốt, trạm cấp quận, huyện, thành phố Thủ Đức) chỉ giải quyết cho xe công vụ, các loại phương tiện vận tải hàng hóa có mã QR nhận diện được phép vận chuyển, vận tải vào thành phố hoặc lưu thông qua thành phố, các xe cá nhân của cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, phục vụ phòng, chống dịch và các mục đích công vụ; xe đưa rước người dân thành phố về quê theo kế hoạch.
Bí thư Hà Nội: Dừng ngay điểm tiêm vaccine Bệnh viện E "Báo chí phản ánh ở Bệnh viện E đang lộn xộn trong tổ chức tiêm vaccine, cần cho kiểm tra, xử lý và chỉ đạo dừng lại ngay", Bí thư Đinh Tiến Dũng gọi điện cho Chủ tịch TP Hà Nội. Chen nhau chờ tiêm vaccine ở Bệnh viện E .Chiều 22/7, hàng trăm người tới Bệnh viện E (Cầu Giấy, Hà Nội)...