Phấn khởi mỗi đêm thu chục triệu đồng nhờ tôm hùm nhí
Sau một đêm chong đèn hay dùng lưới mành khai thác tôm hùm nhí trên biển, ngư dân vùng biển huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể thu về gần chục triệu đồng.
Từ sau Tết đến nay, dọc vùng biển huyện Núi Thành, Quảng Nam, ngư dân bắt đầu vào mùa hành nghề khai thác tôm hùm nhí rất tất bật. Trên vùng biển gần bờ, mỗi đêm có hàng trăm chiếc thuyền của ngư dân chong đèn dụ tôm.
Ngư dân Nguyễn Văn Phương chuẩn bị đồ nghề để ra biển khai thác tôm hùm nhí
Chúng tôi có mặt tại xã Tam Tiến và xã Tam Hải, huyện Núi Thành, vào buổi chiều, khi ngư dân bắt đầu chuẩn bị các dụng cụ ra biển thả lưới mành bắt tôm hùm con. Trung bình một đêm các thuyền nhỏ hoặc thúng chai, từ hai đến ba người thả lưới mành có thể bắt được 10 đến 20 con tôm nhí, mang về thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng. Đặc biệt, nhiều thuyền, thúng gặp may mắn bắt được nhiều tôm nhí có thể kiếm hàng chục triệu đồng mỗi đêm.
Bộ phin chạy máy sục khí cho tôm hùm nhí sau khi bắt từ dưới biển lên
Đang phân loại tôm hùm con để bán cho thương lái, ngư dân Nguyễn Văn Phương (30 tuổi, trú thôn 3, xã Tam Hải) cho biết, mùa này tôm hùm mẹ bắt đầu vào các bãi đá gần bờ để sinh sản nên anh cùng các ngư dân ở xã Tam Hải phải khẩn trương thả lưới mành bắt loại hải sản đắt đỏ này. “Hôm nay, tôi bắt được 10 con tôm nhí, với giá bán từ 250.000- 270.000 đồng/con, tôi có thể thu về gần 3 triệu đồng. Mấy ngày qua, tôi và các anh em ngư dân bắt tôm nhí ở đây liên tiếp thả lưới mành bắt được rất nhiều tôm nên bán có tiền để lo cho gia đình” – ngư dân Phương phấn khởi.
Video đang HOT
Đội tàu, thuyền thúng của ngư dân vùng biển Núi Thành vào mùa khai thác tôm hùm nhí
Còn ngư dân Phạm Văn Tài (45 tuổi, trú thôn 7, xã Tam Hải) chia sẻ kinh nghiệm: Để bắt tôm hùm con, phải đi từ 16 giờ chiều cho đến gần 5 giờ sáng hôm sau mới vào bờ. Ban đêm tôm mẹ vào các bãi đá sinh sản nhiều. Thời điểm đó, thả lưới mành hoặc lặn xuống đáy biển mò vào các bãi đá để bắt tôm nhí rất dễ dàng. Tuy công việc bắt tôm nhí rất khó khăn nhưng bán giá cao có nguồn thu nhập cho gia đình ai nấy cũng vui. “Mấy hôm nay, thời tiết thuận lợi nên tranh thủ thả lưới và tôi đã bắt được hơn 20 con tôm hùm. Tôi và 2 người bạn trên thuyền đã kiếm được hơn chục triệu đồng mỗi ngày. Sau khi chia đều cho tất cả 3 người thì tôi và các bạn chài khác có thể bỏ túi vài triệu đồng…” – ngư dân Tài chia sẻ.
Sau mỗi đêm khai thác, ngư dân thu vào hàng chục con tôm hùm nhí
Ngư dân Phạm Văn Tài khoe chiến tích của mình sau một đêm đánh bắt tôm hùm nhí
Bà Ngô Thị Liên (51 tuổi, trú xã Tam Hải), một thương lái chuyên thu mua tôm hùm con cho biết: “Từ sáng tới giờ tôi đã thu mua hàng trăm con tôm nhí của các ngư dân ở xã đảo Tam Hải đánh bắt được. Trung bình mỗi con tôm nhí giá 270.000 đồng. Sau khi thu mua xong, tôi bán lại cho các chủ nuôi tôm ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên với giá từ 280.000-290.000/con. Việc thu mua tôm nhí này còn phụ thuộc vào thời tiết nữa, nếu hôm trời mưa lớn, sóng lớn thì rất ít tôm nhí…”.
Sau khi thu mua tôm hùm nhí xong, thương lái cho vào thùng xốp sục khí bổ sung oxy cho tôm
Ông Phan Như Tường – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Hải, huyện Núi Thành cho biết: “Mùa tôm hùm con chủ yếu xuất hiện trong vòng khoảng 1 tháng sau Tết, nên người dân địa phương tranh thủ khai thác. Tại địa phương có hơn trăm ngư dân chuyên khai thác tôm hùm con, mỗi mùa họ có thể thu vào vài chục triệu đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của ngư dân và góp phần cải thiện cuộc sống của người dân vùng biển Tam Hải. Sau khi hết mùa tôm hùm con, ngư dân bắt đầu chuyển nghề vươn khơi bám biển hành nghề lưới vây, đi câu mực…”.
Theo Danviet
Quảng Trị: Biển đã hồi sinh
Suốt một năm ròng rã, ngư dân vùng biển Quảng Trị nói riêng đã phải vật lộn với bao khó khăn để duy trì cuộc sống. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên Tết Đinh Dậu vừa qua, ngư dân vùng biển không có hộ nào thiếu đói. Đời sống vật chất vẫn duy trì ổn định và niềm tin vào biển cả lại được thắp lên trong những ngày đầu năm mới.
Ngư dân xã Hải An, Hải Lăng phấn khởi vì được mùa ghẹ
Tôi nhớ hôm có thông tin về hiện tượng cá chết trôi dạt dọc bờ biển Cửa Tùng đến Cửa Việt là một ngày tiết trời âm u. Biển dậy lên những đợt sóng cuốn theo hàng loạt cá phơi bụng xóa. Đi dọc bờ biển cùng Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang (Gio Linh) Dương Thị Xuân với một vài ngư dân khác, tôi cảm nhận được những hệ lụy khôn lường về thảm họa môi trường biển. Suốt một năm ròng rã, ngư dân vùng biển Quảng Trị nói riêng đã phải vật lộn với bao khó khăn để duy trì cuộc sống. Nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên Tết Đinh Dậu vừa qua, ngư dân vùng biển không có hộ nào thiếu đói. Đời sống vật chất vẫn duy trì ổn định và niềm tin vào biển cả lại được thắp lên trong những ngày đầu năm mới.
Chỉ mới ngày mồng 2 Tết Đinh Dậu nhưng hàng trăm hộ ngư dân vùng biển bãi ngang thuộc các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã ra khơi đánh bắt hải sản. Trả lời thắc mắc của tôi về việc bỏ tết đi biển, ngư dân Hồ Văn Lanh (xã Gio Hải, Gio Linh) khẳng khái cho rằng: "Tổ tiên tôi bao đời gắn bó với nghề biển. Như anh biết đó, suốt một năm trời "bỏ biển" nên nhớ nghề biển lắm rồi. Nhiều hôm ngồi vác mặt nhìn ra biển mà thèm cái cảm giác vật lộn với sóng biển, đuổi theo từng mẻ cá đến mệt nhoài. Mặt khác đây là mùa khai thác cá khoai (còn gọi là cá cháo), một "đặc sản" đang được người dân ưa chuộng, bán được giá nên tôi quyết định bỏ vui chơi ba ngày tết để đi biển vừa có thu nhập vừa thỏa chí với nghề".
Tại bờ biển xã Gio Hải (Gio Linh), từ ngày mùng 2 tết đã tấp nập người mua bán cá khoai. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết vụ cá khoai bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 năm sau. Vì vậy ngư dân ở vùng biển bãi ngang đã tổ chức đánh bắt cá khoai từ cuối tháng 12 âm lịch đến nay và liên tiếp trúng đậm. Trung bình mỗi ngày ra khơi một thuyền đánh bắt được từ 30-70 kg cá. Với giá bán 70.000 đồng/kg, một thuyền có thể thu vài triệu đồng/ngày. Cá biệt có thuyền chỉ trong vòng 3 ngày đi biển đã đánh bắt được 500 kg cá khoai, thu về hơn 30 triệu đồng như hộ ông Trần Quang Xiềng ở thôn 4, xã Gio Hải. Ông Xiềng cho biết: "Tranh thủ mấy ngày nắng ấm, tôi cố bám lấy biển để đánh cá khoai vì giá bán cao. Hết mùa cá khoai là chuyển sang cá nục, cá trích...Ngư dân chúng tôi vui mừng lắm vì biển đã hồi sinh trở lại, tiếp tục cho chúng tôi nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình".
Theo thống kê của UBND xã Gio Hải, từ ngày 29/1-7/2/2017, hầu hết thuyền đánh bắt gần bờ có công suất từ 7-10 CV của ngư dân trong xã đã ra khơi đánh bắt hải sản. Tổng sản lượng đánh bắt được trên 50 tấn cá các loại như cá thu, ghẹ, tôm..., trong đó có gần 40 tấn cá khoai...Ông Hồ Xuân Thùy, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải (Gio Linh) khẳng định chưa có năm nào ngư dân ra khơi đánh bắt đầu năm lại đạt được sản lượng lớn và có giá trị như năm nay. Không chỉ được mùa cá khoai mà nhiều loại hải sản khác cũng dồi dào nên nhiều ngư dân trúng đậm, đem lại thu nhập cao. Cũng theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân địa phương cho rằng đến nay tầng đáy của biển đã ổn định trở lại nên nhiều loại cá chuyên sống ở tầng đáy đang sinh trưởng. Đây là tín hiệu hồi phục của biển.
Trước tín hiệu biển đã hồi sinh, hàng ngàn hộ ngư dân ở vùng bãi ngang ven biển của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng trong tỉnh hiện nay rất phấn khởi ra khơi bám biển đánh bắt hải sản. Nếu ở vùng biển Gio Hải, Trung Giang (Gio Linh) ngư dân trúng đậm cá khoai thì ở vùng biển Hải An, Hải Khê (Hải Lăng) ngư dân lại được mùa ghẹ. Bình quân mỗi ngày hai địa phương này có tới 90 đến 100 thuyền ra khơi đánh bắt hải sản các loại, đặc biệt là loại ghẹ xanh xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cứ khoảng 9 giờ sáng, dọc bờ biển này đã có hàng chục thương lái chờ sẵn để thu mua các loại hải sản này, nhất là loài ghẹ xanh để xuất khẩu. Gặp ngư dân tên Hùng ở xã Hải An, Hải Lăng, anh cho biết năm nay ngư dân vùng biển bãi ngang trúng đậm ghẹ xanh. Cứ một thuyền cập bờ các thương lái thu mua tại bãi với giá 300.000 đồng/kg ghẹ xanh, 100.000 đồng/kg ghẹ thường, 70.000 đồng/cá khoai...Theo ước tính, mỗi thuyền cá của ngư dân ra khơi trong vòng một ngày đánh bắt, thu được bình quân 3 triệu đồng/thuyền, cá biệt có thuyền thu được trên 10 triệu đồng nhờ trúng đậm ghẹ xanh.
Khởi đầu một năm mới, ngư dân lại được mùa biển sau gần một năm trời bỏ biển. Bởi trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung. Theo đó diễn biến tồn lưu trong màng bám hệ keo sắt tại các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định đối với bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản... Gần đây nhất tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì ngày 22/9/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường thêm một lần khẳng định môi trường biển miền Trung đã an toàn trên cơ sở phân tích nước giữa và nước mặt, trầm tích đáy, màng bám hệ keo sắt. Do đó, các hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, tắm biển có thể tiến hành bình thường.
Đầu tháng 2/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế chỉ đạo đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc hiện trạng chất lượng môi trường biển. Mặc dù sinh vật biển đã sinh trưởng trở lại, biển đã hồi sinh nhưng các ngành chức năng vẫn đang tiếp tục dõi theo những diễn biến của biển. Điều này càng tạo thêm động lực và niềm tin cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Trị nói riêng yên tâm bám biển, khai thác nguồn tài nguyên hải sản dồi dào từ biển.
Theo Hồ Nguyên Kha (Báo Quảng Trị)
Ninh Thuận: Ra khơi đầu năm, ngư dân phấn khởi trúng giá cá cơm Giá cá cơm thời điểm hiện tại đang ở mức dao động từ 350.000 - 370.000 đồng/giỏ. Với giá bán này các ngư dân đang rất phấn khởi sau chuyến biển đầu năm. Các ngư dân đánh bắt thủy sản tại xã Cà Ná và Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết, giá cá cơm năm nay tăng mạnh so với...