Phần hai ‘Đại chiến Titan’ tiến bộ hơn phần một
Xét một cách công bằng, “End of the World” hấp dẫn hơn “ Attack on Titan”. Nhưng phiên bản điện ảnh của loạt truyện tranh ăn khách trên toàn cầu hẳn còn kém rất xa nguyên tác.
Phiên bản điện ảnh Attack on Titan được thực hiện dựa trên bộ truyện tranh cùng tên ăn khách bậc nhất Nhật Bản của tác giả Hajime Isayama. Khi lên màn ảnh, câu chuyện tại thế giới hậu tận thế mà nhân loại bị loài khổng lồ Titan khát máu săn đuổi được chia làm hai tập, gây ra không ít tò mò cho người hâm mộ.
Song, phản ứng chung của công chúng sau khi theo dõi tập đầu là tương đối tiêu cực. Các fan của nguyên tác kịch liệt lên tiếng chỉ trích bộ phim do có quá nhiều chi tiết bị thay đổi so với truyện tranh.
Điểm đáng khen duy nhất của Attack on Titan bản điện ảnh có lẽ chỉ là phần kỹ xảo và tạo hình ghê rợn của các Titan. Tập phim kết thúc bằng chi tiết “đinh” rằng nhân vật chính Eren có khả năng biến thành người khổng lồ. Những bí mật về loài quái vật hứa hẹn được hé mở trong phần hai, có tựa tiếng Anh là Attack on Titan: End of the World.
Attack on Titan: End of the World tiết lộ bí mật phía sau khả năng hóa khổng lồ của Eren và kế hoạch phục hồi bức tường thành diễn ra trong phần một.
Trước khi tập phim mới bắt đầu, người xem được theo dõi một đoạn phim ngắn 5 phút, tóm tắt lại những sự kiện xảy ra ở phần một từng ra rạp tại Việt Nam hồi đầu tháng 9. Chuyện phim sau đó có nhiều tình tiết diễn ra ở quá khứ, nhằm lý giải tại sao Eren sở hữu khả năng hóa khổng lồ với sức mạnh hủy diệt.
Thêm vào đó, khán giả cũng biết được nguồn gốc của giống loài Titan – thiên địch của nhân loại. Chi tiết giải thích là một sáng tạo khá hay và đột phá của biên kịch so với nguyên tác, bởi loạt truyện tranh của tác giả Hajime Isayama hiện còn chưa kết thúc và mới chỉ hé lộ phần nào những bí mật phía sau loài Titan.
Tập phim mới mở ra nguồn gốc của loài khổng lồ Titan với đầy ắp những bất ngờ.
Shikishima, nhân vật chiến binh mạnh nhất của loài người, có một câu nói ẩn ý ở phần một rằng: “Kẻ thù không phải là bọn Titan, mà chính là cảm giác an toàn”. Những bí mật chồng chéo dần dần được bóc tách ở phần hai và giải thích cho câu thoại ấy. Từ đó, người xem hiểu được ai mới là kẻ thù thực sự của nhân loại trong thế giới hậu tận thế.
Video đang HOT
Nối tiếp ưu điểm ít ỏi của phần một, Attack on Titan: End of the World đem đến nhiều trường đoạn đánh đấm mãn nhãn giữa các Titan. Sự xuất hiện của một Titan mới mang tên Thiết giáp, kẻ sở hữu tạo hình không kém phần đáng sợ so với Hộ pháp ở phần một, có thể khiến nhiều fan của thương hiệu truyện tranh phấn khích.
Một cảnh chiến đấu hoành tráng giữa hai Titan trong Attack on Titan: End of the World.
Trên thực tế, thời lượng của End of the World tương đối ngắn, khiến mạch phim diễn ra quá nhanh. Lời thoại của phim dày đặc, có thể khiến nhiều người xem khó bắt kịp với các tình tiết và thông tin mới. Khán giả chắc chắn không có cơ hội theo dõi diễn biến tâm lý hay đồng cảm với các nhân vật mà chỉ có thể tạm thời thỏa mãn ở những pha hành động.
Xét một cách khách quan, phần hai có nội dung chất lượng cao hơn phần một. Song, nhìn tổng thể, phiên bản điện ảnh của Attack on Titan còn kém rất xa so với nguyên tác truyện tranh đang làm mưa làm gió trên toàn cầu.
Trailer bộ phim ‘Attack on Titan: End of the World’
Attack on Titan: End of the World (tựa Việt: Đại chiến Titan – Phần 2) khởi chiếu trên toàn quốc từ 16/10.
Zing.vn đánh giá: 3/5
Theo Zing
'Đại chiến Titan' gây thất vọng cho người hâm mộ
Ngoài tạo hình ấn tượng của bầy Titan háu đói, phiên bản điện ảnh "Attack on Titan" thiếu đi những yếu tố hấp dẫn từng giúp nguyên tác truyện tranh trở nên ăn khách tại Nhật Bản.
Được xuất bản từ tháng 9/2009, Attack on Titan (tựa tiếng Nhật: Shingeki no Kyojin) nhanh chóng trở thành bộ truyện tranh gặt hái thành công lớn về mặt thương mại bởi cốt truyện mới lạ, mang nhiều bất ngờ. Tính đến tháng 7/2015, bộ truyện bán được hơn 52,5 triệu bản, trong đó có 2,5 triệu bản được phân phối ra bên ngoài xứ sở hoa anh đào.
Phiên bản điện ảnh dựa trên loạt manga từng được nhiều người kỳ vọng khi có sự tham gia của nhiều tên tuổi diễn viên Nhật Bản như Haruma Miura, Kiko Mizuhara, Kanata Hongo...
Trường đoạn gây ấn tượng nhất của Attack on Titan nằm ngay ở 10 phút đầu bộ phim.
Giống như nguyên tác, phim điện ảnh Attack on Titan lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế, khi những con quái vật khổng lồ được gọi là Titan bất ngờ xuất hiện. Để tránh khỏi thảm cảnh diệt vong, những người còn sống sót buộc phải rút lui vào bên trong những bức tường thành khổng lồ để cố thủ.
Sau một thế kỷ sống trong yên bình, một tên Titan dị biệt đủ cao lớn phá vỡ lớp tường ngoài cùng, khiến loài người lại phải sống trong sợ hãi. Nhân vật chính của câu chuyện là Eren Jaeger, một chiến binh trẻ tuổi thuộc Trinh sát đoàn. Cậu quyết tâm tiêu diệt tận gốc bọn Titan để trả thù cho những người thân đã bị chúng ăn thịt.
Một trong những trường đoạn ấn tượng nhất của bộ phim là cảnh Colossus Titan (Hộ pháp) vươn mình cao hơn cả bức tường thành, phá sập nó để mở đường cho đám Titan nhỏ hơn lũ lượt kéo vào. Cảnh quay thực sự choáng ngợp, mãn nhãn đúng như những gì các fan kỳ vọng.
Các Titan trên phim có tạo hình ghê rợn, khiến người xem cảm thấy thực sự sợ hãi.
Các Titan khác có tạo hình sống động và không kém phần kinh dị như trong truyện. Những gã khổng lồ với làn da nhợt nhạt cùng gương mặt cười man dại thực sự tạo ra áp lực khổng lồ cho cả nhân vật trên phim lẫn người xem. Những ai xấu số bị chúng bắt kịp sẽ chỉ giống như mẩu bánh mỳ mà hàng ngày chúng ta vẫn dùng trong các bữa ăn.
Nhưng đáng tiếc thay, đó là điểm sáng duy nhất của Attack on Titan phiên bản điện ảnh. Điều dễ khiến người xem, đặc biệt là fan của truyện tranh, phàn nàn chính là phần kịch bản sơ sài, thiếu đầu tư. Biết là thời lượng phim rất ngắn, nhưng tuyến truyện bị đẩy nhanh, cắt cụt, đến mức ngay cả động lực muốn tiêu diệt loài Titan của Eren cũng không thực sự thuyết phục.
Với khán giả đại chúng chưa có cơ hội thưởng thức nguyên tác truyện tranh, họ sẽ khó nắm bắt được bộ phim bởi nhiều khái niệm được giải thích sơ sài, hoặc thậm chí bị lược bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, có không ít trường đoạn đối thoại ở phần giữa phim khá lan man và có phần không cần thiết đối với mạch truyện chính.
Tính cách nhân vật trong phim cũng rất khác biệt so với nguyên tác. Nam chính Eren Jaeger (Haruma Miura) khiến người xem khó đồng cảm bởi phần diễn xuất khô cứng, cũng như tính tình bốc đồng có phần thái quá. Bạn gái tin đồn của G-Dragon, Kiko Mizuhara, là một diễn viên có thực lực. Nhưng nhân vật Mikasa của cô cũng chỉ thực sự lạnh lùng và sắc sảo ở nửa sau của bộ phim.
Mikasa của Kiko Mizuhara trên màn ảnh kém sắc sảo rất xa so với nguyên tác.
Ở nguyên tác, đội trưởng Trinh sát đoàn là Levi vốn được rất nhiều fan yêu thích. Nhưng nay anh bị thay thế bởi một nhân mới toanh là Shikishima. Các nhân vật phụ như Sasha, Jean... thì khá giống truyện gốc, nhưng đất diễn lại quá ít.
Dù tạo hình của Titan là một điểm mạnh của bộ phim, các pha hành động hoặc kỹ xảo của bộ phim nhiều lúc trông còn khá giả. "Bộ chuyển động ba chiều" giúp người sử dụng dịch chuyển linh động trên không trung vốn được dùng để chuyên trị đám Titan. Nhưng khi lên phim, chúng trở thành minh chứng cho điểm yếu về mặt kỹ xảo hình ảnh.
Video Trailer bộ phim 'Attack on Titan'
Tuy không được lòng khán giả, nhưng phần một của Attack on Titan vẫn là siêu bom tấn trong năm 2015 tại Nhật Bản với doanh thu 5,1 triệu USD trong ngay tuần ra mắt. Ngày 19/9, phần hai mang tên End of the World sẽ ra rạp tại quê hương trước khi chu du tới các thị trường quốc tế. Nhà sản xuất hiện hứa hẹn về sự góp mặt của bộ ba Titan đáng sợ là Hộ pháp, Thiết giáp và Nữ Titan trong tập tiếp theo.
Attack on Titan khởi chiếu trên toàn quốc từ 4/9.
Zing.vn đánh giá: 2/5
Theo Zing
Phim của bạn gái G-Dragon sắp ra rạp Việt Nam Sự xuất hiện của Kiko Mizuhara là một trong các yếu tố giúp Đại chiến Titan gặt hái được nhiều thành công về mặt thương mại. Điện ảnh châu Á, mà cụ thể là điện ảnh Nhật Bản và Thái Lan đã khẳng định được tên tuổi trong mảng kinh dị. Những hồn ma, bóng quế trong phim Nhật và Thái chẳng hề...