Phận gái lái taxi
“Tết đến, có đứa con nào mà không nhớ mẹ, không mong mẹ về… Có người mẹ nào lại không xót con?”, chị Hằng, lái taxi, ngậm ngùi nói.
Tôi gặp họ, tài xế nữ, trên những chiếc taxi chờ khách, trên vỉa hè rôm rả với cốc trà đá… Những cuộc nói chuyện bị đứt quãng bới có điện thoại, tổng đài báo đón khách… vậy là các chị lại tất bật nổ máy bẻ vô lăng điều khiển xe, lướt nhẹ trên phố.
Ăn mặc gọn gàng trong bộ đồng phục, khuôn mặt trang điểm phớt nhẹ, cười nói thân thiện…, nhìn bề ngoài là vậy song mỗi người là một số phận… Lên taxi phải có giấy tờ tùy thân.
Hãng taxi nữ duy nhất trong cả nước tại Hà Nội hiện nay hiện có 21 nữ lái xe, trong đó, hầu hết là người ngoại tỉnh. Tuy liên tục tuyển lái xe, nhưng giám đốc công ty này (cũng là nữ) thừa nhận, rất khó tuyển dù nhu cầu sử dụng taxi nữ của khách ở Hà Nội tăng rất nhanh.
Phận gái lái taxi chịu nhiều thiệt thòi.
Do nhân viên lái xe toàn là nữ nên ngoài việc đưa ra quy ước riêng đối với trường hợp lái xe gặp “sự cố” nguy hiểm trên đường, giờ lái chỉ từ 6 đến 22h, sau mỗi giờ đều phải liên lạc về tổng đài… Công ty còn có những điều lệ bắt buộc tài xế phải tuân theo như yêu cầu khách đi đường dài phải đưa chứng minh thư hoặc giấy tờ tuỳ thân khác rồi mới được lên xe. “Tuy nhiên, nhiều khi do bản tính của chị em xuề xoà, hay bỏ qua nên đã gặp phải nhiều thiệt thòi khi chở khách”, anh Nguyễn Văn Cường, phụ trách nhân sự công ty, cho biết.
Chuyện taxi nữ bị quỵt tiền không phải là hiếm. Anh Cường kể cho tôi nghe về một nữ nhân viên do cả tin, khi chở khách về tận nhà, đồng hồ báo tiền lên tới gần một triệu đồng, vậy mà cũng đồng ý cho khách viết giấy ghi nợ, để rồi phải mất tới gần một tháng kiên trì trực tại nhà “con nợ” mới đòi được tiền. Gần đây nhất, trên đường về bãi trả xe công ty, vì đã gần hết giờ xe chạy mà chưa đủ định mức của ngày hôm đó nên nữ nhân viên H. đã dừng xe, bắt vị khách trông người lịch sự và cũng bỏ qua luôn quy định kiểm tra giấy tờ tùy thân. Xe chạy tới Cầu Rẽ, cũng là điểm dừng theo yêu cầu thì bất ngờ H. bị ông khách kia khống chế, trói lại, cướp xe lái đi về phía Nam. Khi đến tỉnh Ninh Bình, may sao H. cởi được trói, đạp cửa, nhảy ra khỏi xe thoát nạn.
Tâm sự với tôi, nữ tài xế hơn 30 tuổi Vũ Thị Yến, quê Hà Nam, nói: “Là phụ nữ, đã chọn nghề lao ra đường kiếm sống thì phải chấp nhận vất vả”. Rồi chị thở dài: “Âu cũng là cái nghề làm dâu trăm họ, bất kể ai đã lên xe cũng là khách của mình, khó mà phòng hết được kẻ gian, nhiều khi phụ thuộc vào hên – sui mà thôi”.
Tiếp xúc với nữ tài xế mới thấy có những trường hợp, lái taxi dường như là sự lựa chọn cuối cùng của chị em. Có chị do buôn bán vỡ nợ nên vào công ty với hai bàn tay trắng nhờ cưu mang từ công việc tới nơi ăn chốn ở; có chị bươn chải khắp trong Nam ngoài Bắc không biết bao nhiêu nghề rồi giờ đây coi chiếc xe như mái nhà làm chỗ che nắng che mưa… Là nữ, lái xe cũng nhiều nguy hiểm, cám dỗ, có những khi bị khách đối xử sỗ sàng. May mà tỷ lệ ăn chia của công ty với lái xe ở công ty này thuộc loại cao nhất Hà Nội nên chị em cũng đỡ phần nào…
Ở hãng, không ai không biết trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu Hằng. Chồng nghiện ma túy, đã bỏ nhà đi từ lâu không rõ tung tích để lại cho chị hai đứa con thơ. Vốn sức khoẻ đã kém lại cộng thêm sự hành hạ của căn bệnh gai đốt sống, đau dây thần kinh toạ nên lái taxi là nghề duy nhất người phụ nữ mảnh mai ấy có thể làm để kiếm sống nuôi con. Bệnh nặng, lúc nào trong xe cũng có thuốc nhưng chỉ trừ những ngày trái nắng trở trời, không thể ngồi được chị Hằng mới xin nghỉ. Lãnh đạo công ty biết hoàn cảnh nên cũng linh động cho phép chị được trả xe sớm hơn thời gian quy định mỗi ngày và cho ứng tiền vài lần trong tháng. “Cứ đi làm mới có tiền, rời lái ngày nào là hết tiền ngày đó…nếu nghỉ nhiều thì tiền sữa cho con cũng không đủ”, chị tâm sự.
Cũng như nhiều người làm nghề phục vụ khác, càng vào dịp lễ tết các nữ tài xế taxi càng bận rộn. “Từ ngày vào nghề, chưa giao thừa nào được ở bên các con” chị Hằng bùi ngùi kể. Tết năm trước, chị cũng phải chở khách tới 2h30 mùng Một mới đỗ xe trước cửa nhà, chỉ kịp ăn bát miến, chợp mắt một lát tới mờ sáng, có khách gọi lại đi luôn. Khi hỏi Tết năm nay ra sao, với nụ cười buồn nhạt trên môi, chị bảo: “Chắc cũng vẫn như năm trước, có khách gọi là đi thôi mà”. Nói tới đây, chống tay lên vô lăng, mắt nhìn ra xa, chị chậm rãi nói: “Tết đến có đứa con nào mà không nhớ mẹ, không mong mẹ về… có người mẹ nào lại không xót con… Nhưng hoàn cảnh phải chấp nhận…”.
Theo Đất Việt