Phản đòn từ Mátxcơva
Phương Tây đang “đứng ngồi không yên” trước tin Nga đã cử quân đội, xe tăng và tàu ngầm tới Ukraine. Mặc dù phạm vi điều quân, nếu có, cũng chỉ xảy ra ở Cộng hòa tự trị Crimea, song nó cũng khiến phương Tây phải giật mình trước phản đòn mạnh mẽ của Mátxcơva.
Sau sự kiện Georgia năm 2008, tốt nhất Ukraine và phương Tây không nên khiêu khích Tổng thống Putin, nhất là với một vấn đề thuộc sân sau của Mátxcơva.
Bằng việc đưa Crimea – nước Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine – vào tình trạng xung đột, dù chưa có tiếng súng nào vang lên và chưa có ai ngã xuống, ông Putin đã đi trước một bước, đồng thời đặt cả Kiev, Brussels lẫn Washington vào sự đã rồi. Đó là: nếu muốn Kiev liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và sau đó là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), Mỹ và phương Tây sẽ phải trả cái giá đầu tiên là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Những đòn đáp trả này của Nga không chỉ có hàm ý với riêng bán đảo Crimea nơi có hơn một nửa dân số là người Nga sinh sống, mà còn đối với cả các vùng đất nói tiếng Nga khác ở miền Đông Ukraine. Mátxcơva muốn trực tiếp cảnh báo chính phủ lâm thời tại Kiev rằng Ukraine không được sử dụng vũ lực chống lại người nói tiếng Nga ở Crimea hay bất cứ đâu trên đất Ukraine, không được nghi ngờ tính hợp pháp của Hạm đội Nga tại Crimea và phải cân nhắc kỹ về con đường sẽ lựa chọn trong thời gian tới.
Chúng cũng gợi lại những biến cố chóng vánh xảy ra mùa Hè năm 2008 ở Georgia. Chỉ một tuần sau khi bị Tbilisi khiêu khích, quân đội Nga đã đánh bại quân đội Georgia, đồng thời sáp nhập hai vùng lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia vào phần lãnh thổ rộng mênh mông do Mátxcơva kiểm soát.
Tuy nhiên, khác với cuộc chiến ở Georgia cách đây gần 6 năm khi Nga chỉ “động binh” sau khi Tbilisi gây chiến tranh ở Nam Ossetia, lần này Mátxcơva đã quyết định giành thế chủ động. Xe tăng, tàu chiến và quân đội của Nga đã tiến vào nước Cộng hòa tự trị Crimea theo lời đề nghị của chính quyền bán đảo này, cho dù chính phủ lâm thời ở Kiev chưa hề, hay nói đúng hơn là cũng không dám, tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào tại đây. Cái sai lớn nhất của chính quyền lâm thời Kiev là họ đã quyết định loại tiếng Nga ra khỏi hệ thống ngôn ngữ chính thức ở Ukraine và không hề có ý định trở thành đối tác tin cậy của Mátxcơva trong tương lai, điều mà ông Putin đã im lặng chờ đợi kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.
Nằm trong vùng tranh giành ảnh hưởng của Nga nhưng đáng tiếc là các nhà lãnh đạo lâm thời Kiev đã không rút được kinh nghiệm từ bài học xương máu ở Georgia. Tbilisi đã bị mất trắng cả Abkhazia và Nam Ossetia sau khi hướng mặt về EU và NATO. Nay Ukraine cũng đang đối mặt với nguy cơ tương tự – đánh mất Crimea – nếu vẫn muốn bước tiếp theo tiếng gọi từ phương Tây, cho dù chẳng bên nào muốn điều này xảy ra.
Trong phản ứng tức thì ngay sau quyết định điều quân của Nga, từ bên kia Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo nước Nga sẽ “phải trả giá” nếu sử dụng vũ lực ở Ukraine. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và NATO cũng tiến hành ngay các cuộc họp khẩn cấp để bàn về nguy cơ can thiệp quân sự của Nga, trong đó có ý kiến sẽ đưa lực lượng duy trì hòa bình của LHQ đến Crimea.
Nhưng tất cả các phản ứng này chẳng có nghĩa lý gì với ông Putin, người đã công khai chọn cách đối đầu trực tiếp với phương Tây và đặt cược rất nhiều vào cuộc chơi tại quốc gia đáng nhẽ phải nằm trong vòng cung ảnh hưởng của mình. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh có thể xảy ra hoặc việc giúp Crimea ly khai ra khỏi Ukraine, Nga đã điều binh đến báo đảo này với quân số tăng lên hàng giờ. Các phương tiện chiến đấu tối tân cũng đã được huy động trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Đó là chưa kể sức mạnh bất bại của Hạm đội Biển đen đã có mặt tại đây từ năm 1783.
Video đang HOT
Trên mặt trận kinh tế, nhà lãnh đạo nước Nga đang cân nhắc leo thang chiến tranh thương mại để buộc Kiev phải ăn trái đắng. Mátxcơva đã hơn một lần lên tiếng cảnh báo về việc có thể cắt khoản cho vay trị giá 15 tỷ USD dành cho Kiev, nhưng chưa hề một lần đề cập đến khí đốt, thứ vũ khí mạnh hơn mà nước này đang sở hữu để “chơi lại” cả Kiev và Brussels. Chỉ cần siết lại van đường ống khí đốt, hay yêu cầu Kiev phải thanh toán ngay các khoản nợ ngập đầu trong bối cảnh kinh tế Ukraine đang ngấp nghé bờ vực phá sản, Nga cũng có thể khiến cả ban lãnh đạo lâm thời Ukraine và phương Tây phải cân nhắc lại về những hành động tiếp theo của mình.
Trước những nước cờ “sát ván” của Mátxcơva và tình thế căng như dây đàn ở Crimea, kịch bản ít đau đớn nhất đối với Ukraine là phải chấp nhận buông Crimea mà không để xảy ra đổ máu như trong cuộc nội chiến tại Nam Tư cũ. Ukraine và phương Tây đủ tỉnh táo để nhìn ra rằng một số nước cộng hòa thuộc Balcan đã giành được độc lập nhưng với giá quá đắt về sinh mạng và thiệt hại kinh tế.
Vì thế, các bên không thể tiếp tục trả giá đắt như vậy trong trường hợp của Crimea, nhất là khi sự xuất hiện của quân đội Nga không chỉ báo hiệu nguy cơ Kiev có thể mất đứt bán đảo này, mà còn là lời cảnh báo rõ ràng rằng Nga có nhiều “đồ chơi” để đem ra thi thố với phương Tây và Ukraine chỉ là một “quân tốt” trên bàn cờ của những nước lớn.
Đôi nét về Cộng hòa tự trị Crimea Nằm ở phía Nam Ukraine, Crimea là một nước Cộng hòa nghị viện tự trị trong thành phần Ukraine. Thủ đô và nơi đặt trụ sở chính phủ Crimea là thành phố Simferopol, nằm ở trung tâm của bán đảo. Crimea có diện tích 26.200km2 và dân số 2,3 triệu người.
Crimea là bộ phận “Nga nhất” của Ukraine. Hiện tại ở đây có 3 cộng đồng chính: người Ukraine (20%, sống ở miền Bắc), người Nga (58%, sống ở miền Nam) và người Hồi giáo Tatar (12%, sông ở miền Trung). Theo Viện xã hội quốc tế Kiev, 97% người Crimea nói tiếng Nga và chỉ có 10% tuyên bố coi tiếng Ukraine là ngôn ngữ mẹ đẻ. Crimea luôn chiếm được sự quan tâm của chính phủ Nga do sở hữu diện tích đất nông nghiệp trù phú và có địa thế gần biển Đen. Crimea sát nhập vào Nga từ năm 1783 và được Nga chuyển giao cho Ukraine năm 1954 dưới thời Liên bang Xô Viết. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nhiều người muốn tách Crimea ra khỏi Ukraine và trở thành một phần của Nga, nhưng các nhà lập pháp Ukraine và Crimea đã đưa ra quyết định ngược lại. Theo đó, Crimea vẫn là một phần hợp pháp của Ukraine nhưng nhận được nhiều ủng hộ từ Nga. Crimea được cấp quy chế trở thành một nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraina từ năm 1994 theo thỏa thuận ký giữa chính phủ Ukraine với Mỹ, Anh và Pháp.
Vũ Anh
Theo Dantri
Nga chính thức trả lời về cáo buộc xâm chiếm Ukraine
Hạm đội Biển Đen của Nga hôm nay (28/2) đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ thẳng thừng những thông tin cho rằng binh lính của họ vừa xâm chiếm sân bay Belbek của Ukraine. "Không có tiểu đoàn nào của Hạm đội Biển Đen tiến vào khu vực Belbek chứ đừng nói là phong tỏa và chiếm đóng sân bay đó", phát ngôn viên của Hạm đội Biển Đen Nga khẳng định.
Ảnh minh họa
"Trong bối cảnh tình hình bất ổn xung quanh các căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Crimea và ở những nơi các binh lính của chúng tôi đang trú ngụ cùng với gia đình họ, chúng tôi đã tăng cường an ninh ở những khu vực đó bằng việc triển khai một loạt đơn vị chống khủng bố của Hạm đội", một quan chức thuộc Hạm đội Biển Đen Nga cho biết:.
Một nguồn tin đáng tin cậy vừa mới đây đã tiết lộ với giới phóng viên rằng, theo các thông tin được cập nhật mới nhất, Sân bay Belbek Airport, gần Sevastopol, đã nằm trong quyền kiểm soát của các đơn vị phòng thủ ở Crimea từ lúc 23h tối qua (27/2). Theo nguồn tin trên, các binh lính Nga chẳng có liên quan gì đến những diễn biến xảy ra ở khu vực sân bay. Các đơn vị phòng thủ ở Crimea không có phù hiệu trên quân phục. Họ tuyên bố muốn kiểm soát sân bay để ngăn chặn bất kỳ chiến binh nào tiếp cận vào đây.
Trước đó, các nguồn tin từ chính phủ lâm thời thân phương Tây của Ukraine rộ lên tin cho rằng, lính Nga xông vào chiếm đóng Sân bay Belbek gần Sevastopol. Bản thân Bộ trưởng Nội vụ lâm thời Ukraine trực tiếp lên tiếng cáo buộc Nga xâm lược vũ trang khu vực sân bay ở Crimea.
Hạm đội Biển Đen Nga đến giờ vẫn tuân thủ nghiêm túc các thỏa thuận quốc tế cơ bản, Cục Thông tin và Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
"Liên quan đến những cáo buộc cho rằng Nga vi phạm các thỏa thuận liên quan đến Hạm đội Biển Đen, chúng tôi tuyên bố, trong tình hình khó khăn hiện tại, Hạm đội Biển Đen vẫn đang tuân thủ nghiêm túc mọi thỏa thuận đã ký", các hãng tin Nga dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
Theo nguồn tin trên, "hoạt động di chuyển của các đơn vị thiết giáp của Hạm đội Biển Đen Nga được thực hiện tuân theo những thỏa thuận cơ bản và không cần phải có sự phê chuẩn của một ai đó".
Những phát biểu trên của giới chức Nga là một câu trả lời rõ ràng cho những cáo buộc và tin đồn vô căn cứ về việc binh lính Nga xâm lược vũ trang khu vực tự trị Crimea của Ukraine.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là "cuộc đấu" giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Ukraine đang bị chia rẽ giữa một bên là lực lượng thân Nga và bên kia là phe thân phương Tây.
Sau khi phe đối lập thực hiện một cuộc "đảo chính" lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych, Mỹ và phương Tây đã nhanh chóng thừa nhận và hậu thuẫn cho chính quyền lâm thời mới ở Ukraine. Trong khi đó, Nga chưa công nhận tính hợp pháp của chính quyền do phe đối lập dựng lên và tuyên bố chỉ làm việc với Ukraine khi một chính phủ mới chính thức được thành lập. Trong bối cảnh này, báo chí Ukraine và phương Tây đã "tung" không ít những thông tin gây bất lợi cho Nga.
Ukraine đòi Liên Hợp Quốc họp khẩn
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Ukraine, Quốc hội lâm thời của quốc gia Đông Âu vừa mới lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn để bàn về "các vấn đề thời sự" ở đất nước họ, hãng tin Interfax-Ukraine đưa tin.
Quốc hội Ukraine hôm nay đã thông qua một nghị quyết, trong đó kêu gọi tiến hành một cuộc họp của Liên Hợp Quốc để xem xét tình hình mỗi lúc một căng thẳng ở Ukraine liên quan đến các hoạt động ly khai ở khu vực tự trị nói tiếng Nga - Crimea.
Trong nghị quyết này, Quốc hội lâm thời Ukraine cũng đòi Nga phải ngừng ngay cái gọi là "sự vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" và "không ủng hộ cho chủ nghĩa ly khai".
Nghị quyết trên trích dẫn đến Bản Ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó bảo đảm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo biên bản ghi nhớ này, Mỹ, Nga và Anh là những người bảo đảm cho chủ quyền của Ukraine và 3 nước này có thể can thiệp vào khi xung đột nổ ra ở quốc gia Đông Âu.
Quốc hội Ukraine cũng yêu cầu 3 nước trên nhanh chóng tiến hành những cuộc tham vấn với Kiev để tháo gỡ tình hình căng thẳng và khôi phục lại niềm tin chung.
Hiện tại, tình hình ở khu tự trị Crimea đang rất căng thẳng và bất ổn, Ngoại trưởng lâm thời Ukraine - ông Andriy Deshchytsya cho biết. Ukraine kêu gọi Nga tổ chức các cuộc đàm phán song phương về tình hình ở Crimea nhưng chưa nhận được câu trả lời từ Moscow, ông Deshchytsya nói thêm.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Hải quân Nga tăng cường an ninh tại bán đảo Crimea Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố tăng cường và bổ sung thêm các biện pháp đảm bảo an ninh tại bán đảo Crimea trong bối cảnh bất ổn chính trị tạiUkraine ngày càng phức tạp. "Chúng tôi đang theo dõi tình hình Ukaine và các khu vực xung quanh Hạm đội Biển Đen một cách chặt chẽ. Chúng tôi đã tăng cường...