Phản đối Trung Quốc gấp rút hoàn thiện “Tam Sa”
Tiếp theo một loạt các hoạt động phi pháp nhằm xây dựng và phát triển cái gọi là “thành phố Tam Sa,” các mạng Nhân dân và Tân Hoa của Trung Quốc đưa tin, ngày 2/11, “thành phố Tam Sa” đã tổ chức gặp gỡ báo chí “nhân 100 ngày thành lập” và cho biết “chính quyền thành phố” này đang gấp rút đi vào xây dựng một loạt công trình như bến cảng, sân bay, cầu tàu, tàu chấp pháp, văn phòng hành chính…
Lá cờ Tổ quốc Việt Nam làm bằng gốm trên nóc nhà văn hóa của đảo Trường Sa lớn – Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Đây là một loạt các hành vi leo thang, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đơn vị hành chính thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Các mạng trên cũng cho biết Tài chính trung ương đã cấp 100 triệu Nhân dân tệ để đóng tàu giao thông tiếp tế có tên “Tam Sa-1,” và dự kiến sang năm sẽ cấp tiếp 160 triệu Nhân dân tệ.
Có 360 triệu Nhân dân tệ đã được cấp để bổ trợ cho đóng tàu trục vớt hải dương, và “thành phố” này đã xác định rõ 8 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng về sân bay, bến tàu, tiếp tế, giao thông, văn phòng với tổng đầu tư hơn 10 tỷ Nhân dân tệ.
Video đang HOT
Không chỉ vậy, tiếp tục các hoạt động phi pháp mà Việt Nam khẳng định là “hoàn toàn vô giá trị,” “thị ủy” và “chính quyền” cái gọi là “thành phố Tam Sa” còn dự định sẽ lần lượt khởi công xây dựng các công trình về xử lý chất thải, chung cư, đường đi tại Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) với vốn đầu tư 600 triệu Nhân dân tệ.
Cái gọi là “thành phố Tam Sa” (đơn vị hành chính bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cả Việt Nam) được Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7/2012, bất chấp sự phản đối của phía Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
Tháng 7/2012, Trung Quốc đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế – Ảnh: China Daily
Tiếp đó, ngày 1/10/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ kéo cờ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa ngày 3/10/2012, Hạm đội Nam Hải Trung Quốc tổ chức diễn tập trực chiến khẩn cấp tại khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày 8/10/2012, Trung Quốc thành lập Phòng khí tượng thành phố Tam Sa.
Trước đó, ngày 23/9/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin Trung Quốc sẽ sử dụng máy bay không người lái tăng cường giám sát các vùng biển, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 11/10/2012, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những việc làm này của phía Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ:
“Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có thêm những hoạt động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.”
Theo Vietbao
Trung Quốc xây cơ sở phi pháp trên biển Đông
Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động nhằm hợp pháp hóa cái gọi là "TP.Tam Sa" mà nước này ngang ngược lập ra cách đây hơn một tháng.
Bắt đầu từ tháng này, giới chức tỉnh Hải Nam sẽ tăng số chuyến của tàu tiếp tế Quỳnh Sa 3 đến đảo Phú Lâm từ 2 lên 4 chuyến/tháng, theo Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ hai của Trung Quốc. Đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và đặt trụ sở hành chính cho "TP.Tam Sa". Tàu Quỳnh Sa 3 chuyên cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đồn trú và ngư dân sống trái phép ở Phú Lâm. Tàu có khả năng chở 200 người và 750 tấn hàng hóa, chạy mất 15 giờ từ Hải Nam đến Phú Lâm. Chuyến đi gần đây nhất của Quỳnh Sa 3 khởi hành vào lúc 18 giờ ngày 24.8.
Tàu Quỳnh Sa 3 khởi hành tới đảo Phú Lâm của Việt Nam - Ảnh: Nhân Dân nhật báo
Ngoài ra, Tân Hoa xã đưa tin sáng 25.8, giới chức "TP.Tam Sa" cho khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải cùng cơ sở tập kết, xử lý rác trên đảo Phú Lâm. Đây được coi là dự án hạ tầng đầu tiên kể từ khi "TP.Tam Sa" được thành lập phi pháp hồi tháng 7, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang tăng cường hợp pháp hóa cái gọi là "TP.Tam Sa", qua đó củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông. Bên cạnh đó, báo South China Morning Post dẫn lời đại tá Lý Kiệt tại Học viện Quân sự thuộc hải quân Trung Quốc dự đoán tàu sân bay đầu tiên của nước này "có thể đi vào hoạt động từ ngày 1.10" và "đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp".
Cựu Ngoại trưởng Thái Lan cảnh báo Trung Quốc
Cựu Ngoại trưởng Thái Lan Surakiart Sathirathai đề nghị Trung Quốc tránh gây mâu thuẫn với ASEAN nếu không hiệp hội sẽ mất lòng tin với Bắc Kinh, theo báo Bangkok Post ngày 26.8.
Ông Sathirathai còn kêu gọi Trung Quốc cởi mở đối thoại trực tiếp với Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan về việc hợp tác quản lý nguồn tài nguyên nước. Cựu ngoại trưởng cũng cho hay nhiều cựu quan chức và học giả trên thế giới sẽ tham dự một diễn đàn ở Bangkok từ ngày 4-5.9 để thảo luận kế hoạch lập Hội đồng Hòa giải và hòa bình châu Á với mục đích hỗ trợ các nước trong khu vực giải quyết mâu thuẫn, trong đó có tranh chấp biển Đông.
Minh Trung
Theo Thanh Niên
Trung Quốc xúi giục ngư dân 'bảo vệ Tam Sa' Đội cảnh sát biên phòng Trung Quốc đồn trú trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã họp và yêu cầu ngư dân có những hành động thực tế để bảo vệ "Tam Sa". Đội biên phòng "Tam Sa" của Trung Quốc yêu ngư dân có những hành động thực tế để bảo vệ thành phố....